Thánh Maria Madalena – Vị bảo trợ thứ hai của dòng Đa Minh

790 lượt xem 21 Tháng Bảy, 2022
thánh maria Madalena vị bảo trợ thứ hai của dòng đa minh

Ngày 3 tháng 6 năm 2016, theo ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Phụng tự đã ra quyết định nâng lễ thánh Maria Mađalêna (viết tắt MM), chứng nhân của cuộc Phục sinh, lên hàng lễ kính, ngang hàng với các thánh tông đồ. Thực ra từ năm 1297, thánh nữ đã được cử hành với cấp bậc ấy trong lịch phụng vụ của Dòng Đaminh, dưới danh nghĩa là « Đấng bảo trợ Dòng ». Tước hiệu này dựa trên nền tảng nào ?

Trước đây, tôi chỉ nghĩ đến một lý do hoàn toàn ngẫu nhiên, đó là vào chiều ngày 22 tháng 7 năm 1206, đang khi thánh Đa Minh cầu nguyện để biết ý Chúa về việc thiết lập một đan viện dành cho những thiếu nữ mới trở lại từ lạc giáo Cathares, thì ngài thấy một khối lửa từ trời đáp xuống trên một ngôi nhà thờ kính Đức Mẹ ở Prouilhe. Cha thánh xem đó như là một dấu chỉ từ trời. Thế rồi từ đó thánh MM được nhận làm bổn mạng của Dòng. Ngày nay, truyền thuyết đó đã bị xét lại, bởi vì thị kiến ấy không được nhắc đến trong những chứng tích cổ nhất, và vì thế không đủ lý do để Dòng nhận thánh MM làm bổn mạng[1]. Mối tương quan giữa đôi bên bắt nguồn từ một lưu truyền khác. Chúng ta hãy theo dõi tiến trình này.

Bài này gồm hai phần. Trong phần thứ nhất, chúng ta tìm hiểu căn cước của thánh MM trước khi Dòng Đa Minh ra đời, dựa theo Tân ước và các giáo phụ. Trong phần thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu mối tương quan giữa Dòng với thánh MM, một mối tương quan không dựa trên một cuộc gặp gỡ tình cờ, nhưng bắt nguồn từ ý thức về sự trùng hợp sứ mạng[2].

I. Căn cước của thánh Maria Mađalêna (MM)

Thánh MM là ai? Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu căn cước của ngài dựa theo các dữ kiện Tin mừng; kế đó, chúng ta sẽ theo dõi những cuộc cải trang theo dòng thời gian.

A. Trong các sách Tin mừng

Trong bốn quyển Tin mừng, MM được nhắc tới 12 lần, trong đó có đến 11 lần trong khung cảnh cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, đó là: lúc Chúa chịu đóng đinh  (Mt 27,56; Mc 15,40; Ga 19:25), lúc mai táng (Mt 27,61; Mc 15,47), lúc ra viếng mồ (Mt 28,1; Mc 16,1; Lc 24,10; Ga 20,1). Một lần duy nhất ngoài bối cảnh vừa nói là Luca 8,3, khi thánh sử kể lại những phụ nữ đầu tiên đi theo Chúa Giêsu.

Có bốn điểm sau đây đáng ghi nhận:

1/ Theo Marcô và Gioan, bà MM là người đầu tiên được Chúa Phục sinh hiện ra.  Hơn nữa, Gioan đã mô tả khá dài cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với bà. Đây là điểm son của bà.

2/ Marcô còn thêm rằng bà đã được trừ khỏi 7 quỷ. Luca cũng nói như vậy khi thuật lại những phụ nữ đầu tiên đi theo Chúa. Và đây là một điểm bất lợi cho bà: phải chăng bà có thành tích bất hảo, đến nỗi bị 7 con quỷ đến tấn công?

3/ Tên của bà là Maria Magdala, nhưng bà thường xuất hiện bên cạnh nhiều bà Maria khác, khiến cho người đọc dễ lẫn lộn, đó là: bà Maria, vợ ông Clêopha; bà Maria mẹ của hai ông Giacobê và Giosê; bà Maria người chị em của bà Marta và Ladarô (tạm gọi là Maria Betania). Dù sao nên biết là căn cước của bà Maria Magdala được xác định theo nguyên quán (Magdala là tên một thị trấn, có nghĩa là “cái tháp”), trong khi các bà kia được quy chiếu về chồng hay con. Như vậy, rất có thể là bà MM không lập gia đình.

4/ Sách Tin mừng không cung cấp chi tiết về thân thế và gia cảnh của bà MM. Theo Luca 8,2, bà thuộc vào số những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ đầu, và đã lấy của cải để giúp Người và các môn đệ. Như vậy, ta có thể đoán được điều kiện kinh tế của bà: một phụ nữ không có chồng con, mà lại dư giả tài sản.

Chúa Phục sinh hiện ra với thánh MM - Fra Angelico
Chúa Phục sinh hiện ra với thánh MM – Fra Angelico 

B. Truyền thống

Truyền thống đã bổ túc thêm nhiều chi tiết liên quan đến căn cước và cuộc đời của bà, nhưng tiếc rằng chỉ gây thêm rối ren cho vấn đề.

1/ Trước hết, ta nên kể đến các ngụy thư của Tân ước (chẳng hạn: Tin mừng Maria, Tin mừng Philipphê, Tin mừng Tôma), ra đời vào khoảng thế kỷ II. Các tác giả này thường đối chọi MM với ông Phêrô. Vị lãnh đạo các thánh tông đồ xem ra ấm ức bởi vì Chúa Giêsu hiện ra với bà trước ông, và mạc khải cho bà nhiều điều mà ông không được biết.

2/ Liên quan đến căn cước và tiểu sử của MM, cần ghi nhận hai lưu truyền khác nhau: bên Đông phương và bên Tây phương:

    a- Dựa theo lưu truyền bên Đông phương, bà MM trải qua những năm cuối đời ở Ephesô cùng với Đức Mẹ thánh Gioan, và qua đời tại đây; sau đó hài cốt được đưa về Constantinopolis (năm 866). Dù sao, bên Đông phương, bà MM là một nhân vật khác với bà Maria Betania (em của Marta); lễ phụng vụ được mừng vào hai ngày khác nhau: MM ngày 22/7, còn Maria Betania ngày 4/6. Bà MM cũng hoàn toàn khác với người phụ nữ tội lỗi, nói ở Luca chương 7 (câu 37-40).

   b- Bên Tây phương, giáo hoàng Grêgoriô Cả (bài giảng 33, năm 591) đồng hóa bà MM với người phụ nữ tội lỗi và với bà Maria Betania[3]. Tại sao có sự đồng hóa ấy? Lý do thứ nhất là tại vì tên của bà MM được nhắc đến ở đầu chương 8 liền kề với cuối chương 7: bà MM được chữa khỏi 7 quỷ, nghĩa là khỏi 7 mối tội đầu, mà tội nặng nhất là tội dâm dục: người phụ nữ tội lỗi chẳng là một kỹ nữ đấy ư? Lý do thứ hai là vì người phụ nữ tội lỗi xức dầu vào chân Chúa; hiện tượng này giống như cảnh diễn ra ở Betania được thánh Gioan nói ở đầu chương 12. Tóm lại, theo truyền thống Tây phương, bà MM cũng là bà Maria Betania và người phụ nữ tội lỗi. Lễ phụng vụ được cử hành vào ngày 22 tháng 7, với bài Tin mừng trích từ Luca 7,37-50.

II. Truyền thống dòng Đa Minh

Trong phần thứ hai, chúng ta sẽ theo dõi tiến trình hóa trang thánh MM trong Dòng Đa Minh, đặc biệt là những suy tư về tương quan giữa thánh nữ với sứ mạng của Dòng.

A. Lịch sử

Điều hóa trang quan trọng nhất là thi hài của thánh MM được an táng trong một tu viện của dòng Đa Minh. Làm thế nào chuyện ấy có thể xảy ra được? Thưa rằng đó là kết quả của hai thủ thuật: 1/ để cho bà MM qua đời bên Pháp; 2/ thi hài của bà được chôn cất trong một tu viện Đa Minh. Thế rồi bà trở thành bổn mạng của Dòng.

1/ Như đã nói trên đây, bên Đông phương, người ta cho rằng bà MM đã theo Đức Mẹ qua Ephesô và qua đời tại đây. Truyền thống Tây phương thì theo hướng khác. Bà MM, (được đồng hóa với bà Maria Betania), cùng với bà chị Marta, ông Ladaro, ông Maximino (một trong 72 môn đệ), bị quân vô đạo bỏ xuống tàu, thả trôi lênh đênh ngoài biển, không người lái. Nhưng Chúa quan phòng đã đưa thuyền trôi sang Pháp, và tạt vào hải cảng Marseille.

Tại đây, họ đã rao giảng Tin mừng cho dân chúng ở vùng Provence. Sau đó, bà MM ước ao sống đời chiêm niệm, cho nên đã rút lên nơi thanh vắng, sống trong một hang động (Sainte Baume) do thiên thần dọn sẵn, trong suốt 30 năm. Trong thời gian ấy, bà chỉ ăn uống nhờ lương thực từ trời. Tất cả những sự tích này được biết nhờ Giacobê Varazze O.P., giám mục Genova, tác giả cuốn Hạnh các thánh nổi tiếng Legenda aurea, viết khoảng năm 1264.

2/ Thủ thuật thứ hai là khám phá hài cốt của thánh MM. Theo Bernard Gui O.P., hoàng thân Charles Anjou, cháu của vua thánh Louis, là một người rất sùng kính thánh nữ. Trong thời gian bị cầm tù ở Barcelona, ông khấn xin ngài giải thoát. Lời cầu nguyện được chấp nhận: ông được trả tự do ngày 22/7/1279, sau khi thánh nữ hiện ra với ông, và chỉ cho ông biết nơi chôn cất thi hài của ngài. Đồng thời, ngài cũng yêu cầu ông xây cất một tu viện cho anh em dòng Giảng thuyết, bởi vì họ cũng là tông đồ như ngài[4]. Việc khám phá hài cốt được thực hiện ở làng Saint-Maximin ngày 9/12/1279, nhưng mãi đến năm 1285 một tu viện mới được xây cất[5]. Anh em ta bắt đầu đến sống tại đây từ ngày 20/6/1295, theo lệnh đức giáo hoàng Bonifaxio VIII. Năm 1297, tổng hội Bologna truyền cử hành lễ thánh MM long trọng như là bổn mạng của Dòng (Protectrix Ordinis nostri)[6], ngang hàng với thánh Gioan Tẩy giả và hai thánh tông đồ Phero và Phaolo.

Dưới chân thập giá (Fra Angelico)
Dưới chân thập giá (Fra Angelico)

B. Suy tư

            Qua phần lịch sử, chúng ta đã nhận ra mối tương quan giữa thánh MM, cách riêng kể từ cuối thế kỷ XIII. Phải chăng mối tương quan ấy chỉ dựa trên một sự tiếp xúc vật lý (hài cốt của thánh nữ được lưu giữ trong một tu viện của Dòng), hay còn có gì sâu xa hơn nữa ? Thật ra, các nhà giảng thuyết đã sớm tìm ra những lý do thần học để chứng tỏ thánh MM là mẫu gương cho lý tưởng của dòng Đa Minh. Tuy nhiên, để nắm bắt được vấn đề, chúng ta không được phép quên căn cước của thánh nữ. Vào thời Trung cổ, bà được đồng hóa với người phụ nữ tội lỗi, với bà Maria Betania, bên cạnh vai trò chính yếu là kẻ loan báo Tin mừng Phục sinh cho các tông đồ, « Apostola apostolorum ». Nói cách khác, cần nhìn thánh nữ dưới ba khuôn mặt : hối nhân, chiêm niệm, giảng thuyết[7].

       1/ Hối nhân. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta, giáo dân cũng như tu sĩ, cần phải nhìn nhận mình là những kẻ tội lỗi. Nhưng thánh MM không chỉ là mẫu gương của lòng thống hối mà còn là mẫu gương của lòng biết ơn vì được thứ tha. Nói cách khác, thánh nữ là chứng nhân của lòng hy vọng : dù quá khứ chúng ta có thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn không chấp, nhưng sẵn sàng đón nhận chúng ta, kêu mời chúng ta đi theo Đức Giêsu[8].

2/ Gương chiêm niệm. Như đã nói trên đây, vào thời Trung cổ, bà MM được đồng hóa với bà Maria Betania, người chị em với bà Marta và ông Ladaro. Sự lầm lẫn này bắt nguồn từ chỗ là hai người đều xức dầu cho Đức Giêsu. Vào thời nay, người ta biết rằng Magdala và Betania là hai địa danh khác nhau : Magdala ở Galilê (miền Bắc) cách thủ đô Giêrusalem hơn 120 cây số, còn Betania ở Giudea (miền Nam), cách thủ đô 3 cây số. Tuy nhiên, vào thời Trung cổ, việc đồng hóa giữa hai nhân vật có lợi điểm là bà MM cũng là người phụ nữ ngồi dưới chân Chúa, lắng nghe lời Chúa, khác với bà Marta lăng xăng trong bếp. Cũng nên biết là nhiều nữ đan viện Đa Minh mang danh hiệu MM, không phải là vì nhớ đến người phụ nữ tội lỗi, nhưng là nhớ đến người phụ nữ ngồi dưới chân Chúa.

3/ Giảng thuyết

Thánh MM là khuôn mẫu cho các nhà giảng thuyết không chỉ vì dựa trên các bản văn Tin mừng mà còn dựa trên truyền thống.

Theo Tin mừng của Gioan, thánh MM đã được Chúa ủy thác sứ mạng loan tin Chúa Phục sinh cho các thánh tông đồ. Thánh nữ là người đầu tiên công bố Tin mừng Phục sinh. Đó là nguồn gốc của tước hiệu « apostola apostolorum »[9].

Theo truyền thống, sau khi cập bến Marseille, thánh nữ đã đi giảng đạo cho dân trong vùng, bất chấp lệnh của thánh Phaolô không cho phép các bà được rao giảng. Bà là tiền hô cho thánh Đa Minh khi lập dòng giảng thuyết, vì thời ấy giáo luật chỉ cho phép các giám mục được quyền giảng thuyết.

Dù sao, thánh MM là mẫu gương cho các tu sĩ Đa Minh trong việc chuyển từ chiêm niệm đến hoạt động. Thánh MM không chỉ chiêm niệm cho chính bản thân mà còn truyền thông cho người khác điều mình đã cảm nghiệm.

Tôi xin khép lại bài này với ba kết luận:

1/ Ảnh hưởng của thánh MM đối với truyền thống tâm linh của Dòng. Điều này có thể nhận thấy nơi các bức họa của Fra Angelico; bà thường được vẽ trong y phục màu đỏ (tượng trưng cho đức tin), và đôi khi đội khăn che màu xanh (tượng trưng cho đức khiêm nhường và thống hối). Thánh Catarina Siena  đã nhận bà MM làm mẹ thiêng liêng (theo như chân phúc Raymund Capua kể lại trong Vita (11,18). Bà được nói đến nhiều trong nhiều tác giả của dòng, gần hơn cả là cha Lacordaire, Lagrange.

2/ Thánh MM là mẫu gương cho chúng ta trong khẩu hiệu contemplata aliis tradere : trao cho người khác điều đã chiêm niệm. Tuy nhiên, khác với thánh Đa Minh và thánh Toma, là những người thuộc nam giới cho nên chiêm niệm thuộc lãnh vực tư tưởng, còn đối với thánh nữ, chiêm niệm mang một nghĩa tâm tình. Người đã chiêm niệm qua cái môi đã hôn chân Chúa ở nhà ông Simon, qua cái ôm hôn Chúa Phục sinh, và lời giảng của Người đã phát ra từ môi miệng đã chạm đến Chúa. Đó là lời giảng tỏa ra từ hương thơm của tình yêu mến (X. Legenda aurea).

3/ Ngày nay khoa chú giải đã tách bà MM ra khỏi bà Maria Betania và người phụ nữ tội lỗi. Với bức chân dung này, thánh MM vẫn còn dạy chúng ta nhiều điều. Trước hết là lòng trung thành đối với Thầy, theo Thầy cho đến thập giá đang khi các môn đệ đã chạy hết. Kế đến là lòng khao khát gặp gỡ Thầy, vừa sáng sớm tinh sương đã chạy ra mồ, đi tìm Thầy giữa dòng lệ trìu mến. Xin thánh nữ cầu cho chúng ta cũng được lòng gắn bó với Chúa như vậy, từ thập giá đến vinh quang Phục sinh. Amen.

Chúa sống lại (Fra Angelico)
Chúa sống lại (Fra Angelico)

[1] M.H. Vicaire, Histoire de Saint Dominique. 1) Un homme évangélique, Cerf, Paris 1982, p.243-244. Nên biết là tỉnh dòng Mân côi nhận thánh MM làm bổn mạng thứ hai bởi vì các tu sĩ đầu tiên của tỉnh dòng đã cập bến Manila ngày 22/7/1587.

[2] Sách báo tham khảo: Guy Bedouelle , Mary Magdalene – The Apostle of the Apostles and The Order of Preachers in: “Dominican Ashram”, vol. 18 (1999), 157-171. Katherine Ludwig Jansen, The Making of the Magdalen. Preaching and Devotion in the Later Middle Ages, Princeton, New Jersey, 2000. Michael Hesemann, Mary Magdalene in History, Tradition and Legend, http://michaelhesemann.info/10_3.html (truy cập 1/3/2018).

[3] Homilia 33 in: Homiliarum in evangelia, Lib. II, PL 76, 1239

[4] Bernardus Gui,  Flores chronicorum seu catalogus pontificum Romanorum (ca. 1311-31), cit. in Jansen, p.18.

[5] Anh em Đa Minh sống tại tu viện cho đến khi bị Cách Mạng Pháp trục xuất. Sau đó, cha Lacordaire đã tậu lại năm 1859, nhưng đến năm 1957 lại rời bỏ. Tuy nhiên bên cạnh tu viện còn có một nữ đan viện Đa Minh vẫn tiếp tục mở cửa đến nay. Saint-Maximin là một thị trấn thuộc giáo phận Fréjus-Toulon.

[6] Theo cha Mortier, tuy không có một văn kiện nào tuyên bố thánh MM làm bổn mạng của Dòng, nhưng lịch phụng vụ đã ghi tước hiệu ấy “Sanctae Mariae Magdalenae Protectricis Ordinis Nostri”. Cha còn bình luận thêm rằng “Le corps de Madeleine est sous la garde des Prêcheurs, l’ordre des Prêcheurs, sous la garde de Madeleine.” Daniel-Antonin Mortier, Histoire des maitres généraux de l’ordre des freres precheurs, vol.2, Paris, 1904, p. 345.

[7] Thực ra, vào thời Trung cổ, thánh nữ MM còn được biết đến dưới nhiều chân dung khác nữa, qua những hạnh tích: vita eremitica, vita evangelica, vita apostolica, x. Jansen, op.cit., p.37 ss.

[8] Nhiều nhà thần học Trung cổ còn thêm rằng, trước đây bà Eva là người đầu tiên mang tội vào thế gian; bây giờ bà MM là đàn bà tội lỗi đầu tiên công bố Chúa sống lại.

[9] Rabanus Maurus, De vita beatae Mariae Magdalenae, c. XXVII; S. Thomas Aq.,In Ioannem Evangelistam Expositio, c. XX, L. III, 6, được  ĐTC Gioan Phaolo II trích dẫn trong Mulieris dignitatem số 16 fn 38.

Tác giả: Lm. Giuse Phan Tấn Thành.OP