Về lại Thiên Đàng

806 lượt xem 7 Tháng Tư, 2024
Về-lại-Thiên-Đàng

Về lại Thiên Đàng

Ai đó đã từng chia sẻ: “Lên được Thiên Đàng, thực khó, nhưng xuống hỏa ngục cũng vô cùng khó”. Thầm niệm một chút trong ánh sáng Phục sinh, hiểu một cách đơn sơ chương trình cứu độ của Thiên Chúa, ta nhận thấy rằng: Nhỡ vướng một tơ sợi của tội thôi, ta cũng chưa được hưởng trọn vẹn hạnh phúc với Thiên Chúa. Thế nhưng dù tội ta có đỏ như máu, chỉ cần biết mình và ngước nhìn trời cao với tâm tình cậy trông, Thiên Chúa cũng không nỡ để ta xa Người mãi mãi.

Lên được Thiên Đàng, thực khó: Khó, không phải vì Thiên Chúa khó, bởi lẽ ngay từ khởi nguyên con người được sống hạnh phúc viên mãn trong Thiên Đàng. Cái khó ở đây là chỉ vì sự từ khước tình yêu bằng việc ăn “một quả cấm” để rồi chính con người phải chịu cảnh “trơ trụi”. Quả thật, nếu chọn lựa sống trong tình yêu của Thiên Chúa thì con người chẳng thể vương chút tì tích bợn nhơ nào. Thế nhưng vì một chút suy nghĩ được nên “tinh khôn” và bằng cử chỉ hành động kiêu ngạo của nguyên tổ đã làm cho con người mất quá nhiều, mất đến “’trần truồng” từ trong tâm trí cho đến thể xác (x. St:3,6-7). Trần truồng đến xấu hổ, sợ hãi, lẫn trốn và chối tội. Thế nhưng, cái đáng sợ nữa là hệ lụy của tội “cả đoàn con cháu” phải chung kiếp lưu đày trong bản tính dễ hướng chiều về điều xấu. Cũng từ giây phút không biết mình, con người trở nên chơi vơi, qua mọi thời luôn tìm mọi cách để lấp đầy sự trống rỗng tận sâu trong tim, tìm kiếm hạnh phúc của tình yêu thuở ban đầu ấy. Suy ngẫm Kinh Thánh và qua kinh nghiệm của đời sống thực ta, có thể nhận thấy con người quá lao đao, mù tối và đau khổ sau khi quay lưng chống lại Thiên Chúa.

Thiên Chúa, Đấng tạo dựng mọi sự vì hạnh phúc cho con người, Đấng trở nên bận rộn vì con người.

“Đấng sáng tạo và căng vòm trời

Đấng trải rộng mặt đất với hoa màu tràn lan

Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất

Ban sinh khí cho toàn thể dân cư”

( x. Is; 42,5)

Vậy mà, từ lúc bị con người quay lưng chọn “quả cấm”, Kinh Thánh không nói về việc Thiên Chúa bình thản đi dạo bên con người nữa: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (x. St:3,15). Còn đâu khung cảnh thơ mộng, còn đâu tương quan thân thiết giữa Đấng Tạo Dựng và thụ tạo của thuở ban đầu ấy. Thế nhưng, sự đứt gãy đó chẳng phải vì Thiên Chúa dỗi hờn, cũng chẳng phải vì Người “nhỏ mọn” hay “thù dai”, mà là vì Người “bận” để thiết lập Chương trình Cứu Độ, Người “bận” để nối lại tương quan  với “loài” mà Người dựng nên do tình yêu. Tuy nhiên, Thiên Chúa không ép buộc chúng ta nhưng Người muốn chúng ta tự do cộng tác, và đồng thời Người cũng một bề trợ giúp để chúng ta được Cứu Độ. Thiên Chúa không áp đặt nên Người chờ đợi, Người tìm gặp và để ta tự do đáp trả. Khi lần giở những trang Kinh Thánh, chúng ta nhận biết rằng Thiên Chúa chỉ mất “’sáu ngày” để tạo dựng mọi sự (x. St: 1,2) nhưng Ngài dành cả dọc dài lịch sử để Cứu Chuộc con người. Thiên Chúa không ngừng chờ đợi con người, Người vui sướng biết bao khi ta quay trở về, nhưng Người cũng âm thầm, lẫm lũi, chịu đau khi ta từ khước Người. Và suốt chiều dài của lịch sử Cứu Độ chưa một phút giây nào Người ngừng tìm kiếm và từ từ đem chúng ta trở về. Từ Cựu Ước, Thiên Chúa từng bước vén mở cho loài người con đường trở về: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (x.Dt 1, 1-2). Và vào thời đã điểm, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Người là vua vũ trụ đã “chạm chân” lên trái đất. Con Một xuống thế bám rễ vào tận cùng cái thấp hèn nhất trong vũ trụ để rồi từ đó “kéo tất cả cùng lên với Người” (x. Ga12,32). Người xuống tận “bùn đen” để thanh tẩy chúng ta bằng Máu châu báu của Con Thiên Chúa. Người mặc xác phàm để khoác lại cho chúng ta “chiếc áo trắng” là “Mặc lấy Đức Kitô” (x.Ep 4,24). Máu thánh Người đổ ra và thấm nhập vào toàn thể vũ trụ. Đức Kitô trở nên GIÁ cứu chúng ta.

Sự sống, tình yêu, Ơn Cứu Chuộc, là “người một nhà” với Đấng Tạo Hóa… tất cả những ân huệ này Thiên Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không. “Dưới gầm trời” chúng ta ngụm lặn trong tình yêu, Biển Lòng thương xót của Người, điều đó làm chúng ta nên cao trọng và rất đáng trân quý. Nhưng ngẫm lại bản thân, chúng ta mới thấy mình quá bất toàn, nhỏ bé chẳng đáng gì cả. Một tế bào trên cơ thể chúng ta được tách ra, mấy ai trong nhân loại có thể phân tích, có thể hiểu được. Chúng ta ơ hờ trước bao điều kì diệu đến từ vũ trụ. Mặt trời, hơi thở, nước… Nếu Tạo Hóa cất đi, chúng ta hóa thành bụi khô. Không có Thiên Chúa chúng ta quá nghèo. Chưa nói đến tâm tình chúng ta bất toàn; hôm nay thế này, mai đã thế khác, quyết tâm hoài mà vẫn yếu đuối sa đọa, xưng tội hoài mà vẫn thấy bất an vì phạm tội lại… Chúng ta thẳng thắn thừa nhận với bản thân rằng: Tôi chẳng nắm giữ được dòng suy nghĩ cũng không làm chủ được sự yêu ghét của con tim. Vì vậy, trong thư gửi tín hữu Do Thái, tác giả phải thốt lên: “Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom?” (x.Dt 1:1-2). Vâng, nhìn thấy thân phận con người “bèo nhèo và nghèo” đến bao nhiên, chúng ta cảm được tình yêu Thiên Chúa nhiệm mầu cao cả bấy nhiêu.

Vậy, Cái làm nên “sự nghiệp cứu độ” là gì? Phải chăng, do bản chất Thiên Chúa là Tình Yêu hay do sự cao trọng của con người. Với trí hiểu thấp hèn, chúng ta quy về hai từ “mầu nhiệm”. Song hiện tại Thiên Chúa vẫn chờ, vẫn đợi chúng ta. Lòng Thương Xót của Người vẫn khắc khoải để ôm ấp chúng ta. Ai đó nhỡ “đi hoang” đang loay hoay không biết làm thế nào, hãy nghĩ đến người Cha ngày ngày ra cổng chờ chúng ta. Người không nghĩ gì đâu, chỉ cần thấy bóng ta trở về. Ai đó đang mang trọng tội hãy nghĩ đến người trộm lành trong giờ hấp hối, hãy mở một lời kêu lên Chúa, Người ban luôn cho ta Ơn Cứu Độ. Nếu ai đó bị cả thế gian lên án, ném đá hãy nhớ đến Madalena mà hướng nhìn lên Chúa, Người sẽ cúi xuống và nâng đỡ bạn dậy… Vì Chúa, đừng bao giờ thất vọng về thân phận của mình. Lòng Thương Xót Chúa sẽ luôn có cách làm cho tâm hồn chúng ta tràn ngập tình yêu và sự bình an.

Hôm nay, Thiên Chúa vẫn vậy, vẫn luôn trao ban tình yêu. Người yêu mỗi người theo cách rất riêng mà chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được khi chúng ta ngước nhìn Người. Mong nhân loại chúng ta dâng lên Thiên Chúa một lời tạ ơn. Mong chúng ta luôn “biết mình” và đừng bao giờ chạy trốn trái tim từ nhân nơi Thiên Chúa.

 

Sr. Catarina Hoàng Nga, OP