Suy Niệm Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa

334 lượt xem 6 Tháng Tư, 2024
Suy Niệm Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa

Suy Niệm Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa

Khi đọc Lời Chúa, chúng ta không cần đi sâu vào góc độ thần học hay luận giải học… chỉ cần tiếp cận Lời Chúa cho mọi người hiểu theo nghĩa đơn thuần cũng đủ để cho chúng ta thấy “Một Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót và Một Thiên Chúa thích đùa”. “Đùa để tất cả chúng ta đón nhận được Lòng Thương Xót vô biên. Nhân Lễ Kính Lòng Thương Xót, với suy niệm cá nhân, bản thân con xin suy niệm chân dung vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót “thích đùa”, từ sự “đùa” của Ngài đã hướng chúng ta tới đại dương Lòng thương xót và nhấn chìm chúng ta trong mạch suối xót thương ấy.

Vậy điều gì làm nên một Thiên Chúa thích đùa, để rồi luôn hướng chúng ta tới Lòng thương xót? Chúng ta có thể tìm và suy niệm điều đó trong các dụ ngôn được Thánh sử Luca thuật lại trong chương 15.

– Dụ ngôn người cha nhân hậu (Luca 15,8-24)

Có người cha nào con cái đòi hỏi điều gì vượt quá khả năng của đứa con lại đáp ứng? Nhưng chính trong dụ ngôn này, người cha ấy đã đưa gia tài ra đùa với các con cái. Trong cuộc sống ngày nay, khó lòng mà tìm đâu được sự việc ấy xảy ra mà không có chiến tranh lạnh, anh em tương tàn. Người ta khó lòng mà chấp nhận một đứa con hư hỏng như vậy trở về, một người em trở về có ảnh hưởng tới gia tài cha để lại cho mình? Hay qua dụ ngôn này chúng ta thấy một người con cả lòng dạ hẹp hòi, coi mình như người làm công để rồi không nhận ra tình thương yêu của cha mình. Người cha ấy chính là Thiên Chúa, đem tài sản ra đùa với con cái ở cái tuổi mà chúng chưa được phép nói tới việc chia tài sản. Chính sự đùa ấy Thiên Chúa hướng những người con tới sự tha thứ, yêu thương hơn và nhận ra tình trạng tội lỗi của mình. Những lỗi lầm ấy Thiên Chúa đã quên sạch, không còn nhớ gì khi cả hai cùng trở về với Lòng Thương Xót Chúa.

– Dụ ngôn con chiên lạc và dụ ngôn đồng tiền bị mất (Luca 15, 4-10) (Mt 18,12-14)

Dụ ngôn con chiên lạc là Lời mà Chúa Giê-su đáp trả các Pha-ri-sêu khi những người này xầm xì về việc Đức Giê-su giảng dạy và ăn uống với người tội lỗi. Hình ảnh để 99 con chiên lại để đi tìm 1 con chiên lạc cho chúng ta thấy một điều không tưởng ở đây. Có ai lại bỏ 99 con chiên để đi tìm cho bằng được một con chiên lạc, điều đó khó có thể xảy ra với loài người. Thế nhưng Thiên Chúa đã vượt ra các rào cản, hiểm nguy theo nghĩa người đời để hướng chúng ta tới sự mới mẻ trong tiến trình Hiệp thông. Sau khi tìm được con chiên lạc lại mở tiệc ăn mừng, mời bạn bè, hàng xóm tới chung vui…Quả thật Thiên Chúa biết cách đùa, đùa với những người ưng sự thanh sạch hình thức, xem mình là công chính để hướng họ tới những người đang bị họ và xã hội loại trừ, bỏ rơi vì tình trạng của họ. Việc mở tiệc ăn mừng trong dụ ngôn này giống với dụ ngôn “đồng bạc bị đánh mất” (Luca 15, 8-10). Những người bị xã hội loại bỏ đã được Chúa đoái xem và không ngoảnh mặt làm ngơ. Chính điều đó mà Đức Giê-su cũng bị con cái thế gian xem như là người bị nhiễm uế bởi các thứ tội lỗi vì Ngài ăn uống với họ. Nhưng qua hình ảnh Ngài đoái thương đến họ cho chúng ta thấy một Thiên Chúa xót thương, Ngài chấp nhận bị người đời chỉ trích để con cái Ngài không bị loại trừ và được cứu xót.

– Dụ ngôn khách mời dự tiệc xin kiếu (Luca 14,15-24) (Mt 22,1-10)

Con muốn đưa dụ ngôn này vào suy niệm vì con thấy ở dụ ngôn này được 3 hình ảnh bao quát mà 3 dụ ngôn trên nói tới. Đó là một Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, một Thiên Chúa thích đùa và một Thiên Chúa chơi với người nghèo. Có ông chủ nào mời khách và tiệc đã sẵn nhưng khách không đến lại đi mời và nài ép những người được xem là bên lề xã hội, bị xã hội loại trừ tới ăn tiệc không? Xét theo ngữ cảnh thời nay hay thời xưa thì cũng thật là khó, điều đó ít khi xảy ra. Ấy thế mà Thiên Chúa thật biết đùa với người Pha-ri-sêu và không chỉ với người Pha-ri-sêu mà Ngài còn ám chỉ đến con cái It-ra-el. Ngài “đùa” với dân riêng của Ngài để thử lòng trung tín. Chính lời từ chối của khách mời mà một phần còn lại trong thế gian được ngồi vào chỗ mà họ đáng được ngồi. Đây cũng được xem là lòng thương xót dự phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính vì lời từ chối của con cái It-ra-el mà dân ngoại như chúng ta là những người nghèo khó, đui mù về mặt luân lý – đức tin và ơn Cứu độ được hưởng muôn vàn ơn phúc và được chung hưởng bữa tiệc vinh quang nước trời như dân riêng của Ngài. Quả thế, nếu ông chủ không có lòng thương xót dự phòng mà chỉ dành lòng thương xót cho khách mời thì thử hỏi những kẻ nghèo khó như chúng ta có được dự tiệc không?

Từ lối suy niệm trên, chúng ta có thể thấy Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Ngài chỉ dẫn cho những kẻ cho mình là đầy đủ tiện nghi, đầy sự công chính biết được những điều Thiên Chúa hướng tới và Ngài không bỏ rơi người nghèo là những người đáng được hưởng bữa tiệc Nước Trời, nơi vẫn dành cho họ một chỗ đứng. Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa mời gọi chúng ta cũng có Lòng Thương Xót như Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxico từng nói trong (x.Misericordiae số 15): “Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm … đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc… không bỏ ai lại phía sau, đó chính là cũng cố sự hiệp thông, hiệp hành và tham gia sứ vụ”.

Xin cho mỗi người chúng ta đã được chính Chúa Ki-tô thanh tẩy bằng phép rửa, đã tái sinh chúng ta bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh, cũng luôn hướng tới những gì Thiên Chúa hướng tới thông qua các dụ ngôn trên. Chính chúng ta đã được lãnh nhận Lòng thương xót vô biên, hải hà của Thiên Chúa, Ngài biết rõ ràng và tường tận nỗi đau đớn của từng người chúng ta đang gánh chịu. Ngài sẽ mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta, để ta được chữa lành. Được lãnh nhận như thế chẳng có lý nào mà chúng tại từ chối trao ban. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết chia sẻ lòng thương xót dự phòng với những người nghèo khổ, bị xã hội loại trừ.

 

Maria Trần Thị Quỳnh

   Thỉnh sinh Đa Minh Tin Mừng