Một cuộc đời – Một sứ vụ

651 lượt xem 7 Tháng Tám, 2023

Ý định cứu độ của Thiên Chúa đã được thể hiện viên mãn nơi cuộc đời của Chúa Giêsu. Trong cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu đã lãnh sứ vụ làm người, chịu chết và sống lại để trở nên Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người. Ngài cũng đã tuyển chọn các môn đệ, và trao cho những ai tin Ngài sứ mệnh làm chứng cho Ngài đến tận cùng trái đất.

Vì thế cuộc đời mỗi người Kitô hữu luôn gắn liền với một sứ vụ – Sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Nhưng  một cuộc đời, một sứ vụ; mỗi người phải tự khám phá ra sứ vụ riêng biệt của mình để có thể làm chứng nhân trong môi trường cụ thể mình đang sống.

Cha Đa Minh, sau một đêm nói chuyện thuyết phục được người chủ quán bỏ lạc giáo, đã có ý tưởng lập Dòng Thuyết Giáo. Đó là hứng khởi nguyên thủy, là nguồn mạch cho sứ vụ của Cha và của Dòng.

Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn luôn tác động nơi cuộc đời của mỗi người chúng ta, Ngài dẫn đưa chúng ta trong các mối tương quan cụ thể hằng ngày, và Ngài cũng thúc đẩy chúng ta chia sẻ Tin Mừng Cứu Độ cho mỗi người chúng ta gặp gỡ. Nhưng chúng ta đã thực sự nhận ra ý Chúa và tích cực dấn thân thi hành sứ vụ cụ thể của mình như thế nào?

Là con cái của Thánh Tổ Phụ, chúng ta cùng hướng về Cha: VỊ NGÔN SỨ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT TỪ TÂM để kín múc nơi Cha nguồn sinh lực mới cho sự phát triển ơn gọi Thuyết Giáo của mình, nhờ đó, chúng ta sẽ thi hành một Năm sứ Vụ mới tốt hơn và đẹp hơn.

I. THÁNH ĐA MINH – VỊ NGÔN SỨ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT TỪ TÂM

Ngôn sứ là người có thể đọc ra được những dấu chỉ của thời đại, để loan báo sự hiện diện của Thiên Chúa đang đồng hành và yêu thương con người. Cha Đa Minh đã nhận ra ơn gọi của mình trong chính bối cảnh của xã hội và Giáo Hội vào thời đại Cha sống. Cha trở thành vị Ngôn sứ từ tâm loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa cho những người nghèo hèn tội lỗi đang khát vọng ơn cứu độ.

1. Bối cảnh xã hội

Cha Đa Minh sống giữa giai đoạn hoàng kim của lịch sử thời trung cổ. nhưng ngay trong những phát triển mới của văn minh khoa học kỹ thuật đó, xã hội Âu Châu lúc bấy giờ lại nảy sinh hiện tượng bất bình đẳng giàu nghèo phân biệt giai cấp. Lớp người di dân từ thôn quê lên thành thị sống lây lất tron những “khu phát chẩn” hoặc tham gia vào những tệ nạn xã hội, tạo thành một tầng lớp người nghèo khó, bị khinh khi, sống bên lề xã hội. Đặc biệt là khi có chiến tranh và dịch tễ, số phận của những người nghèo càng bi thảm hơn. Trong bối cảnh đó, đâu là điểm tựa, là niềm hy vọng cho những người khốn khổ ấy? Phải chăng là Giáo Hội của Chúa Kitô?

2. Bối cảnh của Giáo Hội

Chính Cha Đa Minh đã nhận định: Sự hiện diện của Giáo hội lúc bấy giờ không phù hợp với sứ vụ loan báo Tin Mừng. Những hình thức rao giảng với thái độ quý phái quan liêu mang kiểu bố thí đã làm cho giới lãnh đạo Giáo Hội tách biệt khỏi dân nghèo. Lạc giáo Cathares và Vaudois đã xuất hiện với danh nghĩa “sống nghèo” để tố giác lối sống giàu có phản chứng của hàng Giáo Phẩm. Các Giáo Phái khởi đi từ một phản ứng hợp lý để gieo rắc đạo lý sai lạc tác hại rất nhiều đến niểm tin của những người lương thiện, nhất là những người nghèo. Đó là bức tranh của cánh đồng lúa đã chín rục mà thiếu những thợ gặt đích thực. Trong chính bối cảnh đó, Thần Khí chúa đã tác động và tuyển chọn Cha Đa Minh như một ngôn sứ để rao giảng về Ơn Cứu độ của Thiên Chúa.

3. Vị Ngôn sứ từ tâm

Cha Đa Minh đã nhận ra cơn khát ơn cứu độ của người nghèo trong những dấu chỉ thời đại. Cha muốn triệt để sống theo sứ vụ của Đức Giêsu đi loan báo về sự hiện diện của Thiên Chúa bằng những chứng từ cụ thể của lòng thương xót. Ngài sẵn sàng bán bộ sách quý để giúp người đói ăn, sẵn sàng bán mình làm nô lê để người anh em nghèo được sống, và sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời mình để rao giảng vì lợi ích các linh hồn.

Sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ là ưu tư chính yếu của Cha Đa Minh. Chính vì mối ưu tư đó, Cha và Đức Giám mục Diego đã xin với Tòa Thánh cho được đi rao giảng, và trên bước đường rao giảng, Cha luôn an vui chấp nhận những thách đố, đau khổ dù phải nguy hiểm đến tính mạng. Cha Jodan kể lại: “Lúc nào Cha Đa Minh cũng cầu xin cho mình được lòng bác ái đích thực để mưu tìm và chăm lo phần rỗi cho mọi người cách hữu hiệu. Cha nghĩ rằng: Chỉ khi nào Cha triệt để bước theo chân đấng Cứu Thế, hiến thân trọn vẹn cho việc cứu độ các linh hồn, thì Cha mới thực sự là chi thể thuộc vể Chúa Giêsu”. Cha Jodan kể tiếp: “Chúa ban cho Cha Đa Minh ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và cho người sầu khổ, Cha cảm thông với nỗi đau thương của họ tận đáy lòng và lộ ra bên ngoài bằng những giọt nước mắt”.

Tóm lại, là một Ngôn sứ, Cha Đa Minh luôn hiện diện giữa dân. Càng cảm nghiệm lòng thương xót vô biên và ý định cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, Cha càng tin tưởng dấn thân như một dụng cụ để Thiên Chúa hoạt động. Cha bắt mạch thời đại, đặt mình vào tần số những thao thức, những vấn để nổi cộm của con người. Cha muốn trở thành điểm hẹn, nơi gặp gỡ giữa tình yêu cứu độ của người nghèo hèn tội lỗi. Cha luôn từ tâm đến với mọi người và bình thản gặp gỡ những người muốn ám hại Cha. Chính thái độ nhân ái của Cha là một chứng từ của Tin Mừng có sức cảm hóa người lạc giáo. Cha trở nên một Tin Mừng sống, một sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa giữa người đồng loại. Trái tim đầy lòng trắc ẩn của Cha đã trở nên nơi an nghỉ tựa nương của mọi người. Cha đã chẳng tiếc bộ sách quý cũng chẳng tôn thờ tự do của mình, Cha đã gặp gỡ Đức Kitô nơi người nghèo. Đó là kho báu, là di sản cao quý Cha đã trối lại cho chúng ta là con cái Cha.

II. SỨ VỤ NGÔN SỨ CỦA CHÚNG TA HÔM NAY

Công Đồng Vatian II đã xác định vai trò Ngôn Sứ cho mọi người Kitô hữu. Từ căn tính, mỗi người đều được sai đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ mà mình đã được đón nhận nơi Đức Giêsu Kitô. Khi tình nguyện hiến thân trong ơn gọi thuyết giáo, chị em chúng ta tiếp nối sứ vụ Ngôn sứ của Cha Đa Minh, nhưng chúng ta lại phải hiện sinh sứ vụ của mình qua việc đọc ra được những dấu chỉ của thời hiện đại. chúng ta sẽ nói gì cho người hôm nay để họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đang đồng hành và yêu thương họ? Con người khoa học kỹ thuật hôm nay muốn nhìn thấy những chứng từ cụ thể hơn là những lời nói dù có cả nền Thánh kinh và Thần học để minh chứng. Người ta muốn được chia sẻ những kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa ngay trong những tương quan cụ thể hằng ngày. Nói thực tế là người ta muốn thấy sự hiện hình của Thiên Chúa cứu độ ngay trong thái độ sống bác ái yêu thương của chúng ta. Xin được lần lượt đi vào 2 điểm chính:

– Những dấu chỉ của thời đại

– Sự hiện diện của Ngôn sứ.

1. Những dấu chỉ của thời đại

Bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay cũng đang nổi cộm lên những vấn để nghèo đói thất nghiệp. Hiện tượng đo thị hóa cũng đang làm tan rã nhiều gia đình, làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội: trẻ lang thang bụi đời, gái mãi dâm và nạn hổng thủy Heroin và cơn lốc nạo phá thai nơi trẻ vị thành niên.

Về tôn giáo, giới trẻ cũng đang bị lôi cuốn bởi nền kinh tế thị trường tạo thành trào lưu học hỏi để đáp ứng như cầu tìm việc làm và tránh sự đào thải của qui luật cạnh tranh. Họ không chống đối tôn giáo, nhưng thực sự lọ lãnh đạm với niềm tin. Họ đang từ từ rời bỏ truyền thống tâm linh để chỉ biết sống thực dụng, tìm lợi nhuận hưởng thụ để rồi lại rơi vào sự trống rỗng nhân sinh buồn nản vả chán đời…

Một vấn để được đặt ra cho những trẻ em, những người tín hữu tốt còn đang sinh hoạt trong các giáo xứ nề nếp xưa nay là: khi những áp lực của xã hội ồ ạt chi phối đời sống kinh tế gia đình của họ, họ sẽ có chọn lựa nào nếu họ không có một nền tảng giáo lý vững chắc, một cảm nghiệm sống động về một Thiên Chúa yêu thương luôn đồng hành với họ.

Đó là bức tranh xã hội mà chúng ta đang sống, đó là môi trường mà chúng ta được sai đến. Chúng ta sẽ đọc những dấu chỉ của thời đài như thế nào để nhận ra nhừng lãnh vực ý Chúa muốn chúng ta dấn thân? Ngược lại nếu chúng ta không ý thức được về sứ vụ của mình, thì chính những hàm hồ của dấu chỉ có thể làm chúng ta bị cuốn theo trào lưu của những cơn lốc văn minh khoa học kỹ thuật mà đánh mất bản chất muối và ánh sáng của mình.

2. Sự hiện diện của Ngôn sứ

Ngôn sứ là người đồng hành với dân, sống chung cái thực tại và chấp nhận bị liên lụy với anh em mình. Nhưng ngôn sứ lại là người mang sứ vụ của Thiên Chúa để thức tỉnh con người nhận ra sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế, mỗi người chúng ta khi ý thức được sứ vụ của mình trong ơn gọi Thuyết Giáo, cần cầu nguyện để nhận định được Thánh ý Chúa và có được động lực để dấn thân trong chính môi trường cụ thể của mình, ngay trong những tương quan hằng ngày của ta với tha nhân. Làm sao trong mỗi công tác tông đồ truyền giáo, chúng ta không làm với ý hướng chung chung, với thái độ “cho xong kẻo mà … ” nhưng với ý thức rõ ràng đó là một sứ vụ thiết yếu của đời mình, đó là một sứ vụ Chúa trao một cách đích danh, cụ thể, rõ ràng.

Hiện diện trong bối cảnh xã hội hôm nay, sứ vụ ngôn sứ Đa Minh luôn nhắc chúng ta trở về với nguồn mạch của Cha Đa Minh, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa cứu độ. Làm sao chúng ta thực sự đi vào tương quan yêu thương của Thiên Chúa, cảm được sự đồng hành và nâng đỡ của Ngài để từ đó chúng ta được thúc đẩy đến với tha nhân – những người nghèo khó đang là nạn nhân của xã hội, để cho họ thấy được lòng yêu thương của Thiên Chúa trong chính sự phục vụ vô vị lợi và nhẫn nại của chúng ta.

Để cụ thể hơn cho việc thích nghi với dấu chỉ của thời đại, noi gương Cha Đa Minh, chúng ta có thể khởi đi từ những tiếp cận với tha nhân ở những lãnh vực xã hội ngoài sinh hoạt mục vụ giáo xứ thường xuyên. Làm sao lòng trắc ẩn từ tâm thôi thúc chúng ta yêu thương giúp đỡ anh em thân cận bằng những sinh hoạt truyền giáo của mỗi cộng đoàn chúng ta đang hiện diện.

1/ Tổng Hội Truyền Giáo của Dòng ở Mêhicô đề nghị: Mỗi cộng đoàn nên ngồi lại để nhận định về sự hiện diện của cộng đoàn mình trong môi trường mình đang sống. Sự dấn thân của anh chị em đã thực sự đến với người nghèo và giới thiệu về Thiên Chúa là Cha yêu thương cho họ chưa?

2/ Hằng tuần chị em nên chia sẻ cho nhau những hoạt động riêng của mỗi người – những ưu tư trăn trở và những khám phá mới, để giúp nhau phấn khởi thi hành sứ vụ.

3/ Mỗi người nên tạo nhiều tương quan thân thiện với tha nhân và sống cho đi nhiều hơn là tiếp nhận.

4/ Để có được sự thúc đẩy cho việc dấn thân truyền giáo, mỗi cá nhân cần tha thiết cầu nguyện kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để xin Cha ban Thần Khí tác động và hướng dẫn những hoạt động của mình.

Tóm lại, cuộc đời người tu sĩ chỉ thực sự hạnh phúc khi có một sứ vụ để thi hành. Sứ vụ của chúng ta dù ở dạng thức nào cũng là bước theo sứ vụ của Chúa Giêsu – Sứ vụ cứu độ, sứ vụ hy sinh hiến mạng để mang niềm vui đến cho tha nhân. Cha Đa Minh đã hoàn tất sứ vụ sau một cuộc đời đã yêu thương đến cùng. Cha cũng đang mời gọi chúng ta hãy tiếp bước theo Cha trở nên những chứng từ cụ thể của lòng thương xót của Thiên Chúa.

Bối cảnh xã hội hôm nay thật đa dạng và có nhiều khó khăn phức tạp, nhưng cơn khát của con người thời hiện đại vẫn là cơn khát muôn thuở của nhân loại; đó là sự đói khát một Tình yêu đích thực. Vì thế, người tu sĩ Đa Minh hôm nay luôn xác tín rằng: chính trong những giờ kinh nguyện gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ được thúc đẩy sống từ tâm hơn, hiến thân phục vụ than nhân hơn; và càng tiếp cận nhiều với những thống khổ của những anh em nghèo khổ, chúng ta lại càng khao khát được cầu nguyện sốt sắng hơn. Đó là sứ vụ Ngôn sứ đích thực của mỗi người chúng ta.

Nguyện xin Thánh Phụ Đa Minh và các Thánh anh chị em trong Dòng luôn đồng hành với sứ vụ của mỗi người chúng ta.

Sr. Maria Nguyễn (Cỏ Xanh)