Gửi em! Sinh viên Công Giáo Vinh – tổ Trung Đô

1818 lượt xem 18 Tháng Mười Hai, 2023
Gửi-em!- Sinh-viên-Công-Giáo-tổ-Trung-Đô

       Gửi em! Sinh viên Công Giáo Vinh – Tổ Trung Đô

        Em!

Chúng ta đã đi qua được một nửa chặng đường của Mùa Vọng rồi, và đang từng ngày bước vào gần với Đại lễ đón mừng Ngôi Hai Nhập Thể làm người. Ngồi miên man những dòng suy tư, tôi chợt nhớ đến em cùng các thành viên Tổ Trung Đô thân thương.

Trung Đô – một tên gọi quen thuộc của sinh viên công giáo Vinh. Các em đã để lại ấn tượng nơi lòng nhiệt huyết, tình yêu, có cả mồ hôi và nước mắt trong sự hy sinh âm thầm của từng thế hệ qua đi. Tôi cảm mến các em từ khi chứng kiến những trận đấu giao hữu bóng đá mừng kính Mẹ Mân Côi vào tháng Mười vừa qua. Nhất là danh hiệu “Fair Play” mà các em hân hoan bước lên đón nhận đã đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc để suy tư. Đặc biệt hơn nữa, vào thứ tư tuần I Mùa Vọng vừa rồi, một lần nữa, tôi lại có cơ hội được gặp gỡ cùng với các em trong giờ hồi tâm khai mạc mùa Vọng.

Nhắc đến Mùa Vọng. Như em cũng biết đó. Mùa vọng là khởi đầu của một năm phụng vụ mới, đây là thời gian chuẩn bị đón chờ Ngôi Lời Nhập Thể. Như Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 524 nhận định: “Mỗi năm khi cử hành phụng vụ Mùa Vọng, Giáo hội thể hiện lại niềm mong đợi Đấng Mêsia: khi hiệp thông với sự chuẩn bị lâu dài để đón Đấng Cứu Độ ngự đến lần thứ nhất, các tín hữu canh tân lòng sốt sắng đón chờ Người ngự đến lần thứ hai.” Nhà văn, nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi từng nói câu để đời: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một bước sa chân là ngàn đời ân hận. Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ). Tôi thiết nghĩ, chúng ta cần làm một cuộc trở lại cách đặc biệt trong Mùa Vọng này: Trở lại với Chúa, trở lại với anh chị em, và trở lại với chính mình để đón nhận một sức sống mới. Em nghĩ sao?

Mùa Vọng – mùa của chờ đợi và hy vọng. Mong đợi hay chờ đợi là một chiều kích xảy ra suốt trong cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội chúng ta đó em! Sự chờ đợi thể hiện trong muôn vàn hoàn cảnh: Bố mẹ mong đợi đứa con đi xa trở về; người công nhân chờ một công việc ổn định hơn; sinh viên, học sinh chờ đợi kết quả sau kỳ thi; sự chờ đợi tha thứ của một người lầm lỗi… Có thể nói rằng, chúng ta còn sống bao lâu thì chúng ta vẫn còn mong đợi, tâm hồn vẫn còn mang hy vọng. Niềm hy vọng là điều rất cần cho con người, như nhà hiền triết Amiel đã nói: “Cuộc sống mất đi hy vọng thì không còn là cuộc sống nữa”. Hay như Đức cố Hồng y P.x Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân của niềm hy vọng Kitô giáo. Ngài đã ví niềm hy vọng của chúng ta như những dấu chấm nối dài trong cuộc đời: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.” (Đường Hy Vọng, số 978). Trong mùa vọng này, cả tôi và em, chúng ta cũng cần dành thời gian để tự hỏi chính mình: Phần tôi, tôi đang chờ đợi điều gì? Con tim tôi đang hướng về ai và đang khát vọng cái gì?

Có lẽ cũng chung trong mình tâm tình ấy, nên em và các bạn đã cùng nhau khai mạc Mùa Vọng với giờ hồi tâm mang trọn sự sốt mến và thánh thiêng. Còn điều gì tuyệt vời hơn điều đó. Tôi mừng và hạnh phúc vì các em đã ý thức được tầm quan trọng của giờ hồi tâm trước biến cố trọng đại này. Cảm ơn em cùng các bạn đã đưa đến cho tôi và nhiều người những giây phút trầm lắng ấy. Uớc gì sự sâu lắng và thâm trầm của sắc tím sẽ quyện lấy tâm hồn đang đợi chờ của em và tôi, để rồi trong những khoảnh khắc sâu lắng này, chúng ta cảm nghiệm rằng: Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta thật cao cả và nồng thắm đến dường nào, Người cũng đang khao khát chờ đợi khoảnh khắc đến với chúng ta. Còn một chút ít thời gian nữa. Hãy để Mùa Vọng năm nay trở thành một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời. Một kỷ niệm ươm mầm sống mới – tươi vui và hy vọng – trong tâm hồn và trong cuộc sống chúng ta, em nhé!

Trở lại với gia đình Trung Đô. Như tôi cảm nhận. Chính các em đã dày công vun đắp, từ ngày khởi sự cho đến hôm nay, để rồi các em nối kết lại với nhau, cùng nhau vượt qua những giông tố của đời sinh viên, như các em luôn cất lên tiếng hát trong bài ca “Sinh viên công giáo Vinh – Tổ Trung Đô”, do bạn Nguyễn Đức Trường sáng tác: “Tay trong tay nhau đắp xây cuộc đời. Luôn hiệp nhất – tin yêu – phục vụ, và yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu. Nào cùng nhau hòa vang tiếng Trung Đô, và nào cùng nhau ta nắm tay nhau. Dù bao khó nguy ngập trời, dù bao khó nguy ngập lối, bạn và tôi bên nhau mãi không rời…” Tôi khen và cảm mến em cùng các bạn. Cùng với tôi tạ ơn Chúa nhé!

Em! Viết cho em lời khen ngợi này, không có nghĩa là tôi bác bỏ những nỗ lực và nhiều điều tốt đẹp của các thành viên trong tổ khác. Mỗi thành viên hay mỗi tổ sẽ có những nét đẹp riêng mà chúng ta dần dần có cơ hội để khám phá. Và tôi khen em, cũng không phải để em vỗ ngực tự hào mà chê bai người khác, nhưng là để em chân nhận, cảm tạ Chúa vì hồng ân của Ngài. Bởi ta có làm được gì thì cũng nhờ ơn Chúa thôi em!

      “Trung Đô là nhà”, tôi rất thích cụm từ này, nó mang ý nghĩa của một tình mến thương gia đình. Hiểu cho tường tận, “nhà” là nơi ngập tràn tình yêu thương giữa mọi thành viên trong gia đình, không có chỗ cho vụ lợi, ganh ghét hay nghi ngờ lẫn nhau. Nhà là nơi gắn kết mọi thành viên bằng tình yêu thương, bằng tiếng cười và bằng sự bình yên. Nhà là nơi ta có thể tựa vào bất cứ lúc nào sau những căng thẳng, mệt mỏi của cuộc sống bên ngoài khiến mình vấp ngã…

        Hy vọng Trung Đô sẽ mãi là ngôi nhà như thế. Hãy để “ngôi nhà Trung Đô” của mình tỏa ánh sáng tình yêu vào ngôi nhà rộng lớn hơn mang tên Sinh viên công giáo Vinh, em nhé! Tôi cầu chúc cho em và các thành viên Trung Đô luôn được an nhiên tự tại, tâm thế vững vàng, đức tin kiên vững và trái tim tràn nhựa yêu thương, để qua lời chuyển cầu của thánh Giuse – bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa sẽ gìn giữ ngôi nhà này được miên viễn, em nhé!

Cảm ơn em đã tiếp nhận tâm tình. Mến chào em trong ân sủng và tình yêu của Đức Kitô!

Thiên Nhân, OP