Thước phim trải nghiệm

131 lượt xem 7 Tháng Ba, 2020

     Cuộc đời là một hành trình lớn mà giữa những quãng đời được kết nối bằng những chuyến đi, những trải nghiệm,… Chuyến đi đầu tiên của mỗi chúng ta bắt đầu tại thời điểm mà ta ý thức được niềm khát khao được vùng vẫy, được vươn tay ra chạm vào khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài. Chuyến đi bắt đầu của tuổi trẻ khi ta xa rời vòng tay của cha mẹ để chập chững bước vào đời. Có những chuyến đi đưa ta đến những miền đất mới, gặp gỡ những con người mới, trải nghiệm những cảm xúc mới. Có những chuyến đi lại đưa ta trở về với nơi chốn thân quen và những con người, những hoài niệm…Mỗi hành trình mỗi chuyến đi đưa ta đến với bao điều mới lạ, dù có thể trở về chốn thân quen ngày xưa hay cập bến những miền đất mới thì cảm xúc của chúng ta vẫn chẳng thể giống nhau, vì “ngày đi, tháng chạy, năm bay. Thời gian nước chảy, chẳng quay được về” ( Ngạn ngữ Nga).

      Đã bao giờ bạn bất giác mỉm cười khi xem lại tấm hình đã phai màu được cất kỹ trong chiếc rương trải nghiệm? Rồi nuối tiếc những ngày tự do với mây trời, cùng những người bạn trên cung đường dài?

     Còn tôi thì có đấy, đôi lần vô tình xem lại những thước phim, tấm hình hay lướt qua góc phố quen thuộc lòng lại dưng dưng nỗi nhớ về những ngày tự do ôm bao khát khao tuổi trẻ. Những ngày trời se lạnh khoác balo, mặc chiếc áo ấm,…  từng bước chân qua mảnh đất lạ tìm hiểu và chia sẻ niềm tin yêu với những người xung quanh. Điều chúng tôi học được qua những chuyến đi là thấy được cảnh bao la hùng vĩ của núi rừng, bàn tay tạo tác tuyệt diệu của Thiên Chúa, được nghe những câu chuyện mà chúng tôi chưa bao giờ nghe tới, tận mắt chứng kiến cuộc sống dù cùng là một kiếp người lại có những hoàn cảnh sang hèn, nghèo khổ khác nhau. Ước mong của phận người dù nhỏ bé nhưng sao quá mong manh.

    Trong một chuyến thực tế tại Con Cuông, tôi cùng nhóm bạn sinh viên của mình được trải nghiệm tại một bản nghèo miền tây Nghệ An. Con đường tới đó mất hơn hai giờ chạy xe. Có đoạn bằng phẳng nhưng cũng lắm khúc gồ ghề, trơn trượt vì trời đổ mưa, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng lời ca trong tim vẫn hối thúc chúng tôi và nốt nhạc kiên nhẫn đẩy bước chân làm chúng tôi bớt mệt mỏi. Qua bờ lau đá cuội, chúng tôi thấy ý nghĩa của chuyến đi đẹp như thế nào. Một bản làng người Thái ẩn mình dưới chân núi, bao quanh là rừng cây bạt ngàn.

     Nhìn nó thật bé nhỏ; ấy vậy mà nó vẫn mang dáng dấp khoan thai và đầy sức sống.Với chúng tôi đó là một quang cảnh khá thơ mộng và bình yên. Bản nhỏ ấy có tên là bản Thịn, với chỉ vẻn vẹn hơn hai mươi  hộ dân nằm dọc theo hai bờ  suối. Bản nghèo quanh năm mưu sinh trên những ngọn đồi trọc, canh tác trên những mảnh đất dần bạc màu trơ sỏi đá. Cái giá lạnh của trời đông làm chúng tôi tê cóng sau chặng đường dài hơn 100km, chưa kịp trở về trạng thái bình thường thì chúng tôi thấy những em nhỏ đôi chân trần với tấm áo mỏng manh đang theo gót mẹ lên nương. Chợt trong tôi có cái gì đó nghẹn ứ “Các em không biết lạnh sao?”.

    Trước khi đặt chân tới bản, chúng tôi không nghĩ rằng ở đó có những những hình ảnh đau lòng đến thế. Những ngày sống trải nghiệm cùng dân bản, chúng tôi như thấu hiểu hơn hoàn cảnh sống đầy khó khăn của họ, cảm nếm được những niềm vui giản dị, được chia sẻ ước mơ của từng em nhỏ. Chúng tôi rất khâm phục tinh thần vượt khó và ngạc nhiên trước tình yêu kì diệu mà Thiên Chúa đã ban tặng cho những người dân nơi đây.

    Chúng tôi chỉ có vài giờ để dạy cho các em học đọc, học viết, nhưng cũng đủ để cho chúng tôi thấy khao khát tìm đến con chữ của các em. Hỏi về ước mơ của riêng mỗi người, các em chỉ tròn xoe mắt rồi cười xòa, có lẽ các em chẳng dám ước cũng chẳng dám mơ. Khóe mắt cay cay. Cuộc đời có bao nhiêu ngã rẽ và hạnh phúc thì có ngã rẽ riêng của nó. Chí ít chúng tôi vẫn còn thấy được nụ cười hồn nhiên trên gương mặt của các em.

    Trong cái tiết trời lạnh tê tái dễ đến 100C mà có em vẫn đi chân trần lội qua con suối, vũng bùn lầy, vượt qua bao cánh đồng để đến lớp. Một ngôi trường nho nhỏ được xây sơ xài bên khe suối. Đối với tôi đó là một trường học kỳ lạ, lớp học cũng kỳ lạ. Một lớp học có năm học sinh, hai tấm bảng hai đầu và hai dãy bàn để học sinh của hai lớp ngồi quay lưng lại nhau. Bên này làm toán, bên kia tập đọc; lớp nào thầy cũng cố gắng nói to cho át tiếng lớp kia để học sinh có thể nghe nên bầu khí không khi nào yên tĩnh. Thầy cô nói “bản nghèo cơ sở vật chất tạm bợ nên cũng đành chịu em à”. Là một sinh viên sư phạm, tôi thầm cảm phục thầy cô và các em ở đây; với ngôi trường sơ xài, trong một vùng quê nghèo nhưng vẫn có những học sinh ưu tú vươn lên từ những hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó ngoài những thị xã, thành phố sầm uất, nhiều học sinh, sinh viên trẻ có đầy đủ điều kiện, được bao bọc trong tình thương của cha mẹ, chân đi giày ấm, dép êm, trên người khoác đủ thứ quần áo đắt tiền, mà công việc học tập lại chẳng chu toàn, đôi lúc còn than thân trách phận.

    Giờ giải lao, các em không có những đồ chơi thông minh như cờ vua, cầu lông, ghép hình,hay điện thoại thông minh… như các em ở thành phố; trò chơi của các em đơn giản là trái bưởi rụng làm bóng, cục gạch đỏ vẽ hình trên nền đất ẩm thành những trò chơi dân gian rồi cùng chơi chung.Tuy đơn sơ thiếu thốn nhưng trên gương mặt các em vẫn toát lên nét vui tươi. Được cùng chơi với các em chúng tôi như được trở về tuổi thơ ấu, cảm nhận niềm vui đơn sơ, hòa chung tiếng cười hồn nhiên trong sáng với các em.

    Một lần đi thực tế giúp chúng tôi trải nghiệm cuộc sống của những anh chị em vùng sâu, vùng xa để hiểu rằng còn có biết bao cảnh đời lầm than, vất vả. Chúng tôi thực sự đồng cảm và thương lắm các em nơi đây. Các em còn quá nhỏ để hiểu được cuộc sống đang diễn ra xung quanh các em. Tuổi đến trường, sau những giờ học vội vàng, buông cây bút là cầm đến cái liềm, cái cuốc, cặp sách vừa gỡ ra khỏi bờ vai lại đặt lên gánh cỏ trĩu nặng.

    Sứ mạng của chúng tôi trong chuyến đi này không đơn thuần chỉ là những trải nghiệm, chia sẻ đôi ba giờ dạy học cho các em, mà hơn thế chúng tôi mong ước rằng qua những gì chúng tôi làm, những lời chúng tôi nói, thắp lên ngọn lửa tin yêu, hy vọng, giúp họ nhận ra dáng dấp của một Thiên Chúa đầy tình yêu. Đêm cuối trước khi rời bản làng chúng tôi có giờ cầu nguyện chung cùng gia đình nơi chúng tôi đến. Từng thao thức lời cầu nguyện và mong ước chúng tôi dâng lên cho Thiên Chúa đấng chúng tôi tôn thờ, vì ngài là tình yêu, tình yêu không bờ bến.

     Qua những chuyến đi những trải nghiệm của tuổi trẻ những cái nhìn mới lạ về thế giới được rộng mở. Giờ đây khi ngồi lại lật dở từng thước phim ký ức tôi thấy nghẹn ngào và thầm cảm ơn những trải nghiệm tuyệt vời đó.Những chuyến đi những hành trình tình yêu vẫn còn ở phía trước, gấp tấm hình tôi thầm nguyện ước cho các bạn trẻ sẽ có những trải nghiệm những cái nhìn rộng mở về một thế giới rộng lớn trong tình yêu bao la của Thiên Chúa.

                                                                                                            An Nhiên