Sự huyền nhiệm của Thập giá.

343 lượt xem 1 Tháng Ba, 2021

Giúp bà chịu Mình Chúa xong, tôi ghé xuống tai bà nói nhỏ: “Bà ơi! Bà chịu khó nhé. Thấy bà đau vậy, con thương lắm, nhưng con không có cách nào, con chỉ có thể cầu nguyện cùng bà thôi.”

Dù rất đau đớn, cơ thể dường như bất động, mắt không thể nhìn thấy, khuôn mặt và tay chân bị bầm tím nhưng bà biết tôi đến và nghe tôi nói. Bà thì thào với tôi trong cơn đau “nấc”:

-Dạ! Cám ơn sơ…

-Bà ơi! Bà và sơ biết Chúa, còn biết bao người quanh đây đau đớn lắm. Họ không biết Chúa, không biết cậy trông vào ai. Bà cùng con cầu nguyện cho mọi người nhé.

-Dạ!

… Tôi nghe người nhà bà nói, năm nay, bà trên 85 tuổi, tuổi già nhưng chịu nhiều bệnh lắm và toàn những bệnh hiểm nghèo:  thiếu máu hồng cầu, tiểu đường… Mới đây, bà bị ngã trong nhà vệ sinh nữa. Bà rất đau nhưng không khi nào nghe tiếng bà than van thở dài. Ngồi bên bà và bên những bệnh nhân khác, lồng ngực tôi nghe thắt lại như có vật gì đó đè lên rất nặng. Căn phòng có sáu bệnh nhân, duy bà là người Công giáo. Tôi cảm nhận được rằng, mặc dù rất đau đớn nhưng bà hạnh phúc hơn rất nhiều bệnh nhân ở đây. Bà biết, bà sẽ nên giống Chúa hơn khi đang vác thập giá của đời mình trong tin yêu và hy vọng. Và, đời bà có lẽ thấm nhuần với “mầu nhiệm Thập Giá” với Lời Chúa, “ai muốn theo Ta thì vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (x Lc 9, 23). Vì vậy, khi thập giá tới bà không còn ngạc nhiên nhưng vui lòng đón nhận như là thánh ý Chúa. Có khác chăng, khi xưa Chúa Giêsu vác thập giá thay cho nhân loại, còn hôm nay, người Kitô hữu vác thập giá cho mình và cho phần rỗi của anh chị em. Chính nhờ những đau đớn nơi thân xác và trong tâm hồn, họ được thanh luyện, đền bù tội lỗi, chết cho đời để trổ bông sự sống mới. Bởi lẽ, “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hát khác” (x. Ga12, 25). Thập giá và đau khổ trở nên phương tiện để lãnh nhận Ơn Cứu Độ cách viên mãn. Chết đi cho tội lỗi là bước vào sự sống đời đời. Chúa Giêsu cũng căn dặn “trò không hơn Thầy” (x. Lc 2, 40a) nên người Kitô hữu yên tâm về con đường đau khổ ấy. Thậm chí, Thiên Chúa đã xuống “sâu” hơn con người, để nâng con người lên bằng chính vực thẳm mà ai ai cũng phải trải qua, đó là sự chết. Chính vì vậy, thập giá trở nên mầu nhiệm về cuộc đời của người Kitô hữu; là vinh dự; là niềm tự hào của các thánh… Thánh Phaolô không ngừng loan báo cho các cộng đoàn niềm vui của mình khi chịu khổ vì Tin Mừng. Thánh nhân đã bằng mọi cách để Thánh Giá Chúa Kitô được “dựng trên” các vùng đất dân ngoại. Mặc dù vậy, đã xảy ra trong cộng đoàn người Do Thái, người Hy lạp ngày xưa, thập giá Đức Kitô bị xem là điên rồ: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh; điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,22-25).

Và với con người ngày nay thì đó là điều khó chấp nhận… Quanh tôi, quanh bà, giờ đây là những cơn đau. Nỗi đau đớn trên thân xác đã đành, họ còn chịu nỗi đau quá lớn trong tâm hồn. Họ bất lực trước những bất hạnh đã và đang xảy ra. Họ cố gắng bao nhiêu có thể để chống chọi với bệnh tật để có thể khỏe hơn, thậm chí chỉ là được sống thêm ít ngày giờ trên trần gian. Nhưng những điều đó đâu phải lúc nào cũng được như ý, nhất là với những căn bệnh hiểm nghèo. Làm sao hiểu nổi chọn lựa thập giá là sự khôn ngoan, là cứu cánh của nhân loại trong lúc chơi vơi, giành giật sự sống mà không có niềm tin?

“Lạy Chúa Giêsu đau khổ trên thập giá, xin hãy làm gì đó! Lạy Chúa xin thương đến những phần thân thể đau khổ của Chúa còn ở nơi đây!”… Tôi ôm chặt Chúa Giêsu Thánh Thể vào tim mình cùng với lời than thở: “Con biết ngày xưa Chúa đau khổ, chịu nhục nhã quá chừng, nhưng ít ra Chúa chết trong tình yêu, trong hạnh phúc, trong sứ mạng của Người và Chúa biết mình trở về với Cha. Cái chết của Chúa trong tin yêu và mang một ý nghĩa thật tròn đầy. Còn những bệnh nhân này…? Lạy Chúa! Xin thương xót chúng con.”

Ước chi tất cả mọi người biết Chúa vì họ đều phải trải qua đau đớn trên thân xác như Chúa. Tôi còn quá non yếu trong những “kinh nghiệm” về sự đau đớn của con người, nên không biết phải nói làm sao. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, mong góp phần mang lại “màu xanh” cho đời. Nhưng giờ đây, chị em chúng tôi “im lặng” trong giới hạn của con người. Mỗi người mang trong mình đầy những dòng cảm xúc mà có lẽ chỉ có Chúa mới thấu hiểu được. Chúng tôi gần bên được những mảnh đời đau khổ trong thời gian ít ỏi của các ngày Chúa Nhật. Chúng tôi biết, trong thế giới bao la này còn rất nhiều những mảnh đời, những hoàn cảnh đau khổ khác nhau… Một ngày trôi qua, tôi cảm thấy khát, cơn khát lạ thường như đốt cháy tâm hồn tôi. Tôi “khát” sao mọi đau đớn của các anh chị không phải sự dữ, không phải là nỗi tuyệt vọng… Tôi “khát” cho mọi người biết đến sức sống từ cây thập giá trổ hoa của Chúa. Tôi “khát” cho mọi tâm hồn đau khổ được bình an…Tôi “khát”, chị em tôi cũng “khát”… Trên đường trở về nhà dòng, sau những giây phút ngắn ngủi được đụng chạm tới những chi thể đau khổ của Chúa, chúng tôi an ủi nhau: “chúng ta phó thác mọi sự trong biển lòng thương xót Chúa, Chúa cũng “khát” họ lắm”…

                                                                                                  Catarina Hoàng Nga.op