NGƯỜI TRẺ BẾ TẮC VÌ “QUÊN”

271 lượt xem 1 Tháng Ba, 2021

Tuổi trẻ có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất và quý nhất của con người trong kiếp nhân sinh. Nơi đó, người ta có được cái sung mãn của thể lý, cái nhiệt huyết của đam mê, cái khao khát của dấn thân; tất cả làm nên mùa xuân của đời người. Tuy nhiên, người trẻ trong giai đoạn đẹp nhất của mình lại đang đối mặt với không ít những thách đố và bế tắc nếu không muốn nói là những khủng hoảng. Bởi khi chưa được xây dựng một nền móng vững chãi về tri thức lẫn đức tin người trẻ rất dễ cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng giữa cái năng động của nhịp sống thời đại. Nhận thức được vấn nạn đó, người viết tuy với những hiểu biết còn hạn hẹp nhưng vẫn muốn chấm phá một đôi nét hầu đi tìm căn nguyên của vấn đề. Vậy đâu là lý do giải thích cho cái bất định, áp lực, bế tắc mà người trẻ đang phải gánh chịu? Phải chăng giữa cái tất bật vội vàng của guồng quay xã hội, người trẻ đang QUÊN đi nhiều thứ!

Trước hết, người trẻ dễ quên đi căn tính đích thực của chính mình. Thật vậy, con người chỉ là một hữu thể bất toàn được dựng nên bởi sáng kiến tuyệt diệu của Thiên Chúa toàn năng. Tuy được nắn nên hình hài giống Thiên Chúa và mang lấy sinh khí của Đấng Tạo Hóa, nhưng con người vẫn mang nơi mình những yếu đuối và khiếm khuyết. Hơn thế, chính hậu quả của tội nguyên tổ đã làm tổn hại không ít đến phẩm giá của con người. Vì thế, trong suốt hành trình tại thế của mình con người vẫn luôn băn khoăn, khắc khoải để hoàn thiện chính mình. Thánh Augustino đã diễn tả rất rõ nỗi băn khoăn của mình khi nói “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và linh hồn con sẽ luôn khắc khoải cho tới khi được yên nghỉ trong Ngài” hay như Chúa Giêsu vẫn luôn mời gọi “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Bởi vậy, nên hoàn thiện không chỉ là một lời mời gọi thuần túy nhưng là một lệnh truyền của Chúa Giêsu cho hết mỗi người. Nhưng đáng tiếc thay, con người nói chung và người trẻ nói riêng lắm lúc lại quên đi việc chấp nhận những bất toàn của mình thể hiện trên chính suy nghĩ, lời nói và việc làm. Họ muốn kiểm soát mọi việc, muốn mọi chuyện họ làm trở nên hoàn hảo và vô hình chung họ cho mình cái quyền được “toàn năng” như Đấng Tạo Hóa. Người ta cảm thấy tự hào với những điều mình đạt được, ngạo mạn với những công trình được phát minh, và kiêu ngạo khi dõng dạc tuyên bố “Thiên Chúa đã chết” (Nietzsche). Và vì tự quy về chính mình, nên khi gặp những thất bát, trở ngại hay khó khăn người trẻ cảm thấy khó chấp nhận, dẫn đến bế tắc, thất vọng. Qủa vậy, ngay việc con người không chấp nhận yếu tính của mình là một thụ tạo bất toàn đã là một thất bại rồi. Do đó, khởi đi từ việc khám phá căn tính đích thực của mình, con người đi dần tới chỗ hoàn thiện mình. Bấy lâu con người chưa nhận thức về điều cốt yếu này, chừng ấy con người còn đang loay hoay trong nỗi khắc khoải tự thân đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”.

Thứ đến, người trẻ cũng dễ quên đi giá trị thực của chính mình. Trong tâm thức của nhiều người trẻ hiện nay, thành công, tiền bạc, chức cao vọng trọng hay danh thơm tiếng tốt là những thước đo cho hệ giá trị của cuộc đời họ. Vì lẽ đó, suốt cuộc đời người ta chỉ lo tìm kiếm và vun vén cho những điều tưởng chừng như đẹp đẽ trên. Người trẻ cố gắng làm việc để được thành công, khi có được thành công thì người ta lo giữ cho có thành công, khi mất thành công người ta lại cố gắng để tìm lại cho được thành công. Vì thế, hành trình cuộc đời con người xem như một chuỗi lòng vòng của những được – mất, hơn – thua. Và trên hành trình đó, nếu như người trẻ bị vấp ngã, vỡ kế hoạch, trắng tay thì họ buông xuôi, mất phương hướng và xuôi chiều theo cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, giá trị đích thực của con người không nằm ở của cải vật chất, danh vọng, quyền lực nhưng giá trị đích thực của con người là con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26), và là con Thiên Chúa. Nói khác đi, giá trị đích thực của con người không nằm ở những gì con người “làm” nhưng hệ tại nơi những gì con người “là”. Khi ý thức được điều đó, con người sẽ nhẹ nhàng chấp nhận những điều không may xảy đến với mình bởi biết rằng không gì có thể tước đi giá trị đích thực của mình ngoài Thiên Chúa tình yêu. Nhờ thế, con người biết tập trung và ưu tiên cho những điều cao quý hơn đó là “nước trời và sự công chính của Người” (Mt 6,33) mà bớt băn khoăn, ưu tư cho những thực tại trần thế.

Bên cạnh đó, người trẻ cũng dễ quên đi một Thiên Chúa – Đấng không chỉ toàn năng, toàn thiện và toàn thức mà Ngài còn hiện diện và hoạt động trong chính những yếu đuối và sai lỗi của con người. Lắm lúc người trẻ quá tham lam dành hết mọi trách nhiệm và phần việc về mình, họ chẳng để cho Chúa có không gian làm việc. Họ tôn thờ một Thiên Chúa chí tôn, nhưng họ để Ngài lại nơi nhà thờ, đền thánh mà không mang Ngài vào trong đời sống của mình. Vì vậy, người trẻ dễ gặp thất bại và đắng cay. Vịnh gia đã tững cảm nghiệm rất rõ điều này khi thốt lên: “Ví như Chúa chẳng xây nhà/ thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127). Ngược lại, nếu như người trẻ biết mời Chúa cùng cộng tác trong những công việc của mình thì họ sẽ được Thánh Thần Chúa ban ơn trợ lực. Và dẫu cho nếu như họ có gặp những rủi ro, thất bại thì chính họ cũng sẽ được an ủi bởi biết rằng chính Chúa sẽ lấp đầy những thiếu sót đó. Nỗi buồn sẽ được vơi đi và áp lực sẽ được nhẹ gánh cho những ai biết phó thác trong bàn tay Thiên Chúa quan phòng. Như lời một văn sĩ đã từng bày tỏ: Đừng nói với Thiên Chúa bạn có một khó khăn lớn, nhưng hãy nói với khó khăn bạn có một Thiên Chúa vĩ đại.

Cuối cùng, người trẻ cũng dễ quên đi những điều tốt đẹp mà mình đã đạt được. Một mặt, con người phải tránh chủ nghĩa “ái kỉ” tức là quá tập trung và quy hướng về chính mình nhưng một mặt con người cũng cần phải đón nhận những thành tựu mà mình đã đạt được. Trong lúc bế tắc và túng quẫn, người trẻ thấy khó để chấp nhận rằng mình là một con người có giá trị; họ quên đi những điều đáng tự hào mà mình đã đóng góp và công hiến cho xã hội. Vì thế, họ dễ bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực của vấn đề mà mình đang phải đối diện mà nghĩ mình chỉ là một kẻ vô dụng và thất bại. Trong những trạng huống như thế, thật không dễ để người trẻ có thể bình tâm và phân định sáng suốt về những lựa chọn và con đường đi của mình. Nếu người trẻ quá hướng cái nhìn của mình về những lời khen tiếng chê của người đời thì họ dễ đánh mất chính mình. Họ để cho người khác can dự quá sâu vào chính cuộc đời của mình mà mất khả năng tự phân định, tự lựa chọn. Bởi vậy, khi người trẻ không đặt đúng vị trí của mình trong các mối tương quan và các giá trị thì họ cũng khó mà đạt được sự hài hòa và quân bình trong cảm xúc của chính mình.

Tắt một lời, đời người là hành trình tiệm tiến hướng về quê hương đích thật là nước Trời và tuổi trẻ là một giai đoạn then chốt trong hành trình đó. Người trẻ chỉ tìm thấy ý nghĩa cho những khắc khoải của đời mình khi và chỉ khi biết NHỚ về căn tính, NHỚ về giá trị đích thực của mình qua trung gian là Đức Giêsu. Chớ gì mỗi người trẻ biết ý thức hơn về phẩm giá của mình, biết nỗ lực để “bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng đức Đức Kitô” (Cl 2, 7) hầu thăng tiến và sống trọn tuổi trẻ của chính mình.

                                                                                        Lê Đức Tuân

(Bài viết được tác giả gửi về ban truyền thông Hiệp Hội)