GIÁO HỘI TIẾP CẬN VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ ĐANG GÂY NHIỄU TRONG KHÔNG GIAN MẠNG DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA CÁC SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Linh mục Micae Rua Trần Phạm Hoàng Gia Thi SDB
1. GIỚI THIỆU
Ngày Thế giới Truyền thông do Công đồng Vaticanô II thiết lập vào ngày 4 tháng 12 năm 1963 trong sắc lệnh Inter Mirifica. Qua sắc lệnh này, Giáo hội mời gọi các Giáo phận trên khắp thế giới cử hành ngày này hằng năm nhằm kêu gọi các tín hữu ý thức hơn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực truyền thông và khuyến khích họ hiệp thông với Đức Thánh Cha ngang qua Sứ điệp Truyền thông hằng năm của ngài; đồng thời, mời gọi họ hợp ý cầu nguyện và đóng góp hỗ trợ cho những đề án của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông.[1] Mặc dù Giáo hội không phải là những chuyên viên trong lĩnh vực công nghệ truyền thông hiện đại, nhưng rõ ràng, với con tim và đôi mắt của người mục tử, Giáo hội tiên liệu tất cả những vấn đề sẽ xảy ra trong lĩnh vực công nghệ truyền thông vào mỗi thời điểm của lịch sử nhân loại.[2] Những thành tựu của công nghệ hiện đại đáng được trân trọng và những giá trị của nó nên được thừa nhận và ứng dụng vào đời sống của Giáo hội.
Mục đích của bài viết không bàn đến những thành tựu đạt được của ngành truyền thông hiện đại cũng như những đóng góp của nó vào đời sống của Giáo hội. Mục tiêu chính ở đây nhắm đến những vấn đề đang gây nhiễu trong lĩnh vực truyền thông diễn ra trên không gian mạng hiện nay. Cụ thể hơn, những vấn đề mà con người ngày nay đang phải đối diện khi sống trong thời đại kỹ thuật số chi phối hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội. Giáo hội không đứng ngoài lịch sử loài người, “Giáo hội không đứng xa cách hoặc cố gắng tự cô lập mình khỏi dòng chính của những sự kiện này.”[3] Vì thế, những vấn đề của con người cũng chính là những vấn đề của Giáo hội, bởi lẽ, trong tất cả mọi sự, Giáo hội phải trở thành những chứng tá cho chân lý và sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. (x. Ga 8,32)
Trong lĩnh vực truyền thông, Giáo hội không ngừng đưa ra những hướng dẫn nhằm trả lời cho những vấn đề của công nghệ kỹ thuật trong từng giai đoạn của lịch sử. Chúng ta có thể tìm thấy những định hướng của Giáo hội ngang qua những tài liệu chính thức được phát hành trong những dịp đặc biệt của Giáo hội. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong từng vấn đề mang tính thời sự diễn ra trong xã hội, đặc biệt liên quan đến truyền thông xã hội, Giáo hội đã đóng vai trò đồng hành với con người thông qua các sứ điệp của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội hằng năm. Những sứ điệp này chất chứa những giá trị to lớn để hướng dẫn và giúp các tín hữu khơi lên mối quan tâm của họ trong lĩnh vực truyền thông xã hội rộng lớn tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Những sứ điệp này không chỉ nói lên lập trường của Giáo hội về vấn đề truyền thông xã hội, nhưng nó còn là cách để Giáo hội đưa ra những định hướng cho các tín hữu, chủ yếu về khía cạnh thiêng liêng, giúp nuôi dưỡng đức tin và kiện cường khả năng làm chứng của họ.
Ngày nay, Internet và mạng xã hội nổi lên như một phương tiện mang đến cho con người nhiều hiệu quả trong việc kết nối với thế giới bên ngoài.[4] Nhưng rõ ràng, sức mạnh của nó thì không thể che khuất những vấn đề đang gây nhiễu trên không gian mạng, đến nỗi khi nhắc đến Internet, nhiều người cảm thấy như cơn ác mộng bởi những vấn đề và tác hại tiêu cực xảy ra tràn lan trên thế giới rộng lớn. Trước những vấn đề đó, đâu là thái độ và lập trường của Giáo hội? Khám phá những bản văn của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội chắc chắn sẽ giúp chúng ta nhận ra những giá trị mà nó thực sự mang lại, đặc biệt có thể trả lời những vấn đề còn tồn đọng ngày nay trên thế giới Internet. Quan trọng nhất, những giá trị này sẽ cung cấp cho các tín hữu biết cách phải làm gì khi họ bước vào không gian mạng mà họ gần như không thể từ chối bởi chính họ là một thành viên trong môi trường số đó.
2. NHẬN DIỆN NHỮNG VẤN ĐỀ GÂY NHIỄU TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
Không có gì nghi ngờ khi nói rằng, “các công nghệ kỹ thuật số mới đang mang lại những thay đổi cơ bản trong các mô hình giao tiếp và các mối quan hệ giữa con người với nhau.”[5] Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người từ khi nó ra đời vào những năm của thập niên 60. Không khó để nhận ra những ảnh hưởng tích cực của nó. “Mạng là một nguồn tài nguyên của thời đại chúng ta. Đó là một nguồn kiến thức và những mối quan hệ mà trước đây không thể tưởng tượng được.”[6] Chúng làm cho cuộc sống của con người ngày nay hiện đại hơn, phát triển hơn, thông minh hơn, tạo nên những kết nối giúp con người dễ dàng đến với nhau hơn, và đây cũng là kho tàng cung cấp tri thức của nhân loại trong thời đại kỹ thuật số.
Có thể nói, “Internet là sự sáng tạo phổ biến và sáng tạo nhất trong thế giới công nghệ.”[7] Con người ngày nay dường như đã trở nên phụ thuộc vào Internet do những lợi ích to lớn của nó. Tính đến ngày 06/05/2023, có hơn 5,6 tỷ người ở khắp nơi trên hành tinh của chúng ta hiện đang sử dụng Internet, như một bằng chứng xác thực về tính phổ biến và hữu ích của nó.[8] Nó mang một số dữ liệu về hầu hết mọi chủ đề và rất nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội. Do đó, “Internet là một trong những sáng tạo vĩ đại nhất và cung cấp cho mọi người quyền truy cập tức thì vào nguồn cung cấp kiến thức và giải trí vô tận.”[9]
Tuy nhiên, bên cạnh những ích lợi to lớn, Internet cũng gây ra nhiều tác hại cho con người, đặc biệt những người không biết cách hoặc không thể kiểm soát chúng. Mặc dù Internet là một trong những sáng tạo vĩ đại của con người qua mọi thời đại, nhưng nó cũng có những nhược điểm đang gây nhiễu cách nghiêm trọng đối với những người tham gia vào môi trường Internet. Nếu chúng ta dễ dàng nhận diện về những lợi ích của Internet thì chúng ta cũng không khó để nhận ra những tác hại tiêu cực mà Internet gây ra cho những người sử dụng chúng. Và “nếu Internet đại diện cho một khả năng tiếp cận kiến thức phi thường, thì cũng đúng rằng nó đã được chứng minh là một trong những lĩnh vực tiếp xúc nhiều nhất với thông tin sai lệch và sự bóp méo có chủ đích và có ý thức của các sự kiện và các mối quan hệ giữa các cá nhân, những thứ thường được sử dụng để làm mất uy tín.”[10] Bên cạnh đó, mạng xã hội như là một phần của Internet “có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ và thúc đẩy những điều tốt đẹp của xã hội, nhưng chúng cũng có thể dẫn đến sự phân cực và chia rẽ hơn nữa giữa các cá nhân và các nhóm.”[11] Có thể nói, thế giới kỹ thuật số là một quảng trường công cộng, một nơi gặp gỡ, nơi chúng ta có thể khuyến khích hoặc hạ bệ lẫn nhau, tham gia vào một cuộc thảo luận có ý nghĩa hoặc các cuộc tấn công không công bằng.
Một thực trạng khác diễn ra ngày nay trong thế giới truyền thông và hệ thống kỹ thuật số mà chúng ta đang phải chứng kiến đó là sự lan rộng của thứ được gọi là “tin tức giả mạo”. Nó đề cập đến việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông hiện đại cũng như phương tiện truyền thống. Nó liên quan đến thông tin sai lệch dựa trên dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo nhằm đánh lừa và thao túng người đọc. Việc lan truyền tin tức giả mạo có thể phục vụ cho việc thúc đẩy các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và phục vụ lợi ích kinh tế. Có thể nói, “khả năng bóp méo sự thật là triệu chứng của tình trạng của chúng ta, cả với tư cách cá nhân và cộng đồng.”[12]
Bi kịch của thông tin sai lệch là nó làm mất uy tín của người khác, coi họ là kẻ thù, đến mức khiến họ trở nên quỷ dị và kích động xung đột. “Tin tức giả mạo là một dấu hiệu của thái độ không khoan dung và quá nhạy cảm, và chỉ dẫn đến sự lây lan của sự kiêu ngạo và thù hận. Đó là kết quả cuối cùng của sự không trung thực.”[13] Ngay cả một sự bóp méo dường như nhỏ của sự thật cũng có thể gây ra những tác động nguy hiểm đến phẩm giá của con người, cũng như cướp đoạt sự tự do nội tâm của con người.
3. NHỮNG GIÁ TRỊ RÚT RA TỪ CÁC SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG
3.1. Thiên Chúa: Cội nguồn của sự truyền thông
Trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa tỏ ra mình là một Thiên Chúa tự thông truyền chính mình. “Truyền thông được thiết lập trong Mầu nhiệm Thiên Chúa.”[14] Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa nếu Ngài không tương quan với những Ngôi vị khác cũng như không giao tiếp với thụ tạo của Ngài. “Thông truyền là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta và là một cách thiết yếu để trải nghiệm mối tương giao.”[15] Con người được ưu ái hơn trong số các loài thụ tạo khác. Họ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa nên họ được tiếp nhận khả năng giao tiếp từ Thiên Chúa. Đồng thời, họ cũng có khả năng cảm nhận và chia sẻ những nét đẹp, những gì là đúng, tốt và đẹp trong bất cứ môi trường mà họ thuộc về. Sự hiệp thông tình yêu giữa các Ngôi vị Thần linh chính là cội nguồn mà từ đó khả năng hiểu biết và giao tiếp giữa các thụ tạo được hình thành.[16] Điều đó cũng cho thấy rằng “Thiên Chúa không Đơn độc, nhưng Hiệp thông; Người là Tình yêu, vì thế nên có sự truyền thông, bởi vì tình yêu luôn truyền thông; thật vậy, tình yêu truyền thông chính mình để gặp người khác.”[17]
3.2. Khuôn mẫu truyền thông của Chúa Giêsu
Để hiểu về bản chất của một Thiên Chúa tự thông truyền chính mình, chúng ta không thể không nhắc đến khuôn mặt vĩ đại của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Người là nhà truyền thông hoàn hảo của Thiên Chúa được ban cho nhân loại, đồng thời Người cũng là khuôn mẫu cho tất cả chúng ta trong cách chúng ta giao tiếp với Thiên Chúa và với người khác. Đức tin Kitô giáo mời gọi các tín hữu, trong mọi hoàn cảnh, hãy tuyên xưng đức tin của mình vào Đức Kitô. “Ngài chính là Thiên Chúa, Đấng Cứu độ của nhân loại và của lịch sử, là Đấng mà mọi sự đều được viên mãn.”[18] Vì thế, trong Mạng xã hội, các Kitô hữu diễn tả niềm xác tín của họ ngang qua việc chia sẻ kinh nghiệm sâu xa về món quà đức tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa của họ: “Đức tin nơi Thiên Chúa nhân từ và yêu thương được bày tỏ trong Chúa Giêsu Kitô.”[19]
Thông điệp của Chúa Giêsu thật rõ ràng được diễn tả trong những bài giáo huấn và việc làm của Người. Tiềm ẩn trong đó là cả một kho tàng về mối quan tâm và sự ưu ái dành cho người nghèo và những bất hạnh trong mạng lưới xã hội vào thời đó. Phẩm giá con người luôn hiện hữu trong mọi cách thức rao giảng và hoạt động của Người. Những giá trị của Tin mừng mà Chúa Giêsu loan báo không chỉ mặc khải về một Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, nhưng nó cũng là nền tảng để xây dựng mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, cũng như giữa con người với nhau.[20]
Chúa Giêsu là chân lý của Thiên Chúa. “Chân lý của Chúa Kitô là chân lý vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra cho chúng ta không chỉ trong thế giới được tạo dựng mà còn qua Sách Thánh, và đặc biệt là trong và qua Con của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm.”[21] Người đến để làm chứng cho sự thật, vì “Người là Đường, là Sự thật và là Sự sống.” (Ga 14, 1) “Đấng duy nhất thực sự đáng cậy trông và đáng tin cậy – Đấng mà chúng ta có thể tin cậy – là Thiên Chúa hằng sống. Do đó, Chúa Giêsu có thể nói: ‘Tôi là sự thật’ (Ga 14, 6).”[22] Chỉ trong Đức Kitô, chúng ta mới được giải thoát. (x. Ga 8, 32) “Chân lý của Chúa Giêsu Kitô là sự đáp ứng đầy đủ và xác thực cho mong muốn của con người về mối quan hệ, sự hiệp thông và ý nghĩa được phản ánh trong sự phổ biến rộng rãi của mạng xã hội.”[23] Do đó, cách thức truyền thông của Chúa Giêsu không phải là con đường của sự sợ hãi và thỏa hiệp, nhưng là con đường của việc thực thi thánh ý của Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không áp đặt sự dạy dỗ của Người cho bất cứ ai và cũng không loại trừ ai, đối với Người, những gì được Người tạo dựng là dành cho tất cả mọi người. Người chính là khuôn mẫu cho tất cả chúng ta.[24]
3.3. Công nghệ truyền thông: Dấu ấn của một Thiên Chúa yêu thương
Truyền thông là những cuộc gặp gỡ. Dù diễn ra ở bất cứ đâu và thế nào, truyền thông vẫn mở ra tầm nhìn rộng lớn cho nhiều người. Đây là món quà của Thiên Chúa, vì nó mang dấu ấn của Thiên Chúa tình thương. “Một món quà có ý nghĩa to lớn đối với giai đoạn lịch sử loài người mà chúng ta đang sống, món quà của tất cả những phương tiện kỹ thuật tạo điều kiện, nâng cao và làm phong phú thêm sự giao tiếp giữa con người với nhau.”[25] Điều này tạo nên một mối tương quan khắng khít giữa truyền thông và lòng thương xót của Thiên Chúa. Những gì chúng ta truyền thông và cách thức chúng ta truyền thông phải bày tỏ lòng trắc ẩn, sự dịu dàng và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tình yêu của Thiên Chúa, theo bản tính của nó, chính là sự giao tiếp; nó dẫn đến sự cởi mở và chia sẻ.[26] Sau tất cả, chúng ta nhận ra những giá trị to lớn của những kỳ quan còn tuyệt vời hơn nữa: “Những kỳ quan của công nghệ mà Thiên Chúa đã định sẵn cho thiên tài con người khám phá ra.”[27] Và đương nhiên, tất cả chúng đều mang dấu ấn của một vị Thiên Chúa đầy sáng tạo và trung tín với dân của Ngài.
3.4. Làm chứng cho Sự thật: Con đường truyền thông của Giáo hội
Vì là Thân thể Mầu nhiệm của Đức Kitô, nên Giáo hội được chia sẻ sứ mệnh tự thông truyền chính mình từ Thiên Chúa. “Giáo hội hy vọng và tự tin quay lại khi tìm cách công bố sứ điệp của Đức Kitô dưới một hình thức thích ứng với các công cụ hiện đang theo ý của mình và trong ngôn ngữ dễ hiểu đối với nền văn hóa có điều kiện truyền thông trên toàn thế giới mà nó phải được giải quyết.”[28] Tuy nhiên, trong tất cả những cơ hội và thách đố hiện nay, Giáo hội được mời gọi trung thành với con đường và cách thức truyền thông của Thiên Chúa. Điều này cũng diễn tả trong hướng đi của Giáo hội, đó là làm chứng cho sự thật.
Bước theo Đức Kitô và bắt chước mọi sự nơi cuộc sống của Ngài là mối quan tâm ưu tiên của các tín hữu. Và vì “Đức Kitô là sự thật” (Ga 14, 6), nên các tín hữu được mời gọi để bước theo Ngài trong con đường chân lý và làm chứng cho sự thật. “Sự thật là thứ bạn có thể dựa vào để không gục ngã.”[29] Vì thế, con đường của Giáo hội không thể vắng bóng khuôn mặt của Thiên Chúa hằng sống và chân thực. Đi trên con đường mang tên Giêsu, “chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta kinh nghiệm nó trong chính mình với lòng trung thành và đáng tin cậy của Đấng yêu thương chúng ta.”[30] Trong tương quan này với Thiên Chúa, con người được giải thoát nhờ sự thật và nhờ Đấng là cội nguồn của sự sống và chân lý. (x. Ga 5:26; 8: 32; 10:10, 28) Nhờ đó, chiến lược truyền thông của người Kitô hữu được đặt nền tảng trên sự thật và đạt đến chân lý là chính Thiên Chúa.
3.5. Bảo vệ phẩm giá con người trong chiến lược truyền thông của Giáo hội
Vì nền tảng truyền thông của Kitô giáo được xuất phát từ Thiên Chúa, nên nó cũng phải truyền đạt và phục vụ những gì thuộc về Thiên Chúa. Nói khác đi, việc bảo vệ những giá trị đến từ Thiên Chúa là sứ mệnh mà Giáo hội được Ngài ủy thác. “Giáo hội sẽ cảm thấy mình có lỗi trước Thiên Chúa nếu không tận dụng những công cụ mạnh mẽ mà kỹ năng của con người không ngừng phát triển và hoàn thiện.”[31]
Trong bất cứ thời kỳ nào của lịch sử nhân loại, phẩm giá của con người luôn có nguy cơ bị chà đạp. Điều đó cũng không ngoại lệ trong thời đại kỹ thuật số và trong không gian mạng. Thực tế cho thấy rằng con người được hưởng lợi nhiều từ khi Internet ra đời, nhưng trong không gian rộng lớn của mạng lưới toàn cầu đó, nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ làm tổn hại đến những giá trị của con người. Qua đó, nó chỉ cung cấp những kiến thức sâu rộng nhưng không dạy các giá trị; và khi các giá trị bị coi thường, chính con người sẽ bị hạ thấp và con người dễ dàng đánh mất phẩm giá siêu việt của mình. Trong bối cảnh như vậy, chiến lược truyền thông của Giáo hội phải bộc lộ rõ mục đích của nó, nghĩa là phải tìm cách nuôi dưỡng sự khôn ngoan không chỉ đến từ thông tin và từ cái nhìn sâu sắc, sự khôn ngoan hiểu được sự khác biệt giữa đúng và sai, và duy trì quy mô của các giá trị đến từ sự khác biệt giữa người với người.[32] Vì thế, việc khuyến khích mọi người có thiện chí đang hoạt động trong môi trường công nghệ mới của truyền thông kỹ thuật số cam kết thúc đẩy văn hóa tôn trọng, đối thoại và hữu nghị. “Cuộc sống không chỉ là một chuỗi liên tiếp của các sự kiện hoặc các kinh nghiệm: nó là một cuộc tìm kiếm chân, thiện và mỹ.”[33]
3.6. Loan báo Tin mừng trong thế giới kỹ thuật số
Tìm kiếm những giá trị đến từ Thiên Chúa là sự đòi hỏi liên lỉ và kiên trì. Và khi những giá trị đó được hiện thực nơi những người khao khát đi tìm kiếm chân lý, một khát vọng khác sẽ được khơi dậy trong cõi lòng của họ, khát vọng được loan báo những giá trị từ niềm vui Tin mừng.[34] Nói khác đi, món quà được biết Tin mừng mà họ nhận được từ Thiên Chúa phải được diễn tả và loan báo trong bất cứ môi trường và hoàn cảnh họ đang sống và được sai đến.
Các Kitô hữu ngày nay vẫn tiếp tục sứ mệnh được trao phó từ thời các Tông đồ ra đi để rao giảng Tin mừng của Chúa Kitô. Họ được mời gọi để thực hiện sứ mệnh được Đức Kitô ủy thác cho các tông đồ. (x. Mt 28, 19-20) Tuy nhiên, việc truyền giáo không phải là vấn đề mở rộng địa lý, “vì Giáo hội còn phải vượt qua nhiều ngưỡng văn hóa, mỗi ngưỡng đều đòi hỏi năng lượng và trí tưởng tượng mới mẻ trong việc loan báo một Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.”[35] Thời đại ngày nay luôn đòi hỏi những hình thức truyền giáo mới. Do đó, với cuộc cách mạng truyền thông và thông tin đang diễn ra sôi nổi, cơ hội loan báo Tin mừng dường như đang nằm trong tầm tay của Giáo hội. Vì thế, Giáo hội cần phải tận dụng những nguồn tài nguyên mới được cung cấp bởi sự khám phá của con người trong công nghệ máy tính và vệ tinh cho nhiệm vụ truyền giáo luôn được khuyến khích tận dụng cách hiệu quả nhất. Sứ điệp quan trọng và khẩn cấp nhất của Giáo hội liên quan đến sự hiểu biết về Đấng Kitô và con đường cứu rỗi mà Ngài đề xuất. Đây là điều mà Giáo hội cần phải đặt ra trước mọi người ở mọi thời đại, mời gọi họ đón nhận Phúc Âm trong tình yêu thương, và luôn tâm niệm rằng “chân lý không thể tự áp đặt ngoại trừ nhờ chân lý của chính nó, chân lý chiến thắng tâm trí bằng cả sự dịu dàng và quyền năng.”[36]
Nhờ đó mà khuôn mặt của Đức Kitô được xuất hiện trong không gian rộng lớn của mạng lưới toàn cầu. Đó không còn là không gian ảo và trống rỗng, nhưng là khung trời của hạnh phúc và vui mừng của ơn cứu độ của nhân loại hiện hữu. Nó trở thành không gian đích thực của con người, “vì nếu không có chỗ cho Đức Kitô, thì không có chỗ cho con người.”[37] Vì thế, vượt qua ngưỡng cửa mới của thời đại và dám dấn thân cho việc loan báo khuôn mặt Đức Kitô trong mạng lưới rộng lớn ngày nay chính là cách làm cho vinh quang Thiên Chúa trên khuôn mặt Đức Kitô được biểu lộ một cách rõ nét và mạnh mẽ. (2Cr 4, 6)
4. LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI TRƯỚC NHỮNG VẤN ĐỀ ĐANG GÂY NHIỄU TRONG KHÔNG GIAN MẠNG
Thực trạng hiện nay trong xã hội luôn có tính hai chiều được biểu hiện một cách rõ nét ngang qua những phương tiện truyền thông xã hội. Những lợi thế và đóng góp của nó được bộc lộ rõ hơn những hậu quả và nguy cơ tiềm ẩn trong hầu hết mọi phương tiện truyền thông mà con người đang sử dụng. Ngay từ những ngày đầu diễn ra Công đồng Vatican II, các nghị phụ đã nhìn thấy trước về tương lai và cố gắng phân biệt bối cảnh mà Giáo hội được kêu gọi thực hiện sứ mệnh của mình. Qua đó, họ giúp các tín hữu nhận thức rõ rằng “sự tiến bộ của công nghệ đã biến đổi bộ mặt của trái đất và thậm chí vươn tới ra ngoài để chinh phục không gian. Họ cũng nhận ra rằng những phát triển trong công nghệ truyền thông, đặc biệt, có khả năng gây ra những phản ứng dây chuyền với những hậu quả không lường trước được.”[38]
Trong bối cảnh đó, Giáo hội không tách rời khỏi xã hội hoặc cố gắng tự cô lập mình khỏi dòng chính của những sự kiện, nhưng đúng hơn, Giáo hội nhận ra mình đang ở giữa sự tiến bộ của nhân loại và cam kết dấn thân một cách tích cực, chia sẻ kinh nghiệm của phần còn lại của nhân loại, tìm cách hiểu chúng và giải thích chúng bằng ánh sáng của đức tin. “Những người trung thành của Thiên Chúa đã sử dụng một cách sáng tạo những khám phá và công nghệ mới vì lợi ích của nhân loại và thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế giới.”[39] Vì thế, Giáo hội luôn có bổn phận loan báo cho thế giới về niềm tin của mình và sẵn sàng giải thích lý do cho lập trường của Giáo hội đối với bất kỳ vấn đề hoặc sự kiện cụ thể nào. Giáo hội luôn có khả năng để lắng nghe tiếng nói của dư luận và tham gia vào cuộc thảo luận liên tục với thế giới xung quanh Giáo hội; và vì thế, Giáo hội tham gia ngay lập tức vào việc tìm kiếm chung các giải pháp cho nhiều vấn đề cấp bách của nhân loại hiện nay.[40]
Trong sự khôn ngoan và hiểu biết sâu sắc của mình, Giáo hội liên tục đưa ra những định hướng và hướng dẫn cụ thể để trình bày những giá trị của Thiên Chúa cho thế giới trong việc tiếp cận nền văn hóa mạng ngày nay. Nói khác đi, Giáo hội không chỉ giúp con người chỉ ra những lỗ hổng trong nền công nghệ tiên tiến và đưa ra những chỉ dẫn giúp cân bằng trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống liên quan đến đạo đức và luân lý, nhưng đúng hơn, Giáo hội muốn giới thiệu và đưa sứ điệp quan trọng và khẩn thiết nhất của mình liên quan đến sự hiểu biết về Đức Kitô và con đường cứu rỗi mà Người đề xuất. Ý thức sống động này luôn hiện hữu trong lập trường của Giáo hội. Vì thế, những luận điểm rõ ràng và vững chắc của Giáo hội khi đối diện với một vài vấn đề gây nhiễu trong không gian mạng sẽ được trình bày qua một vài điểm cụ thể sau:
4.1. Đức Kitô, trung tâm điểm cho mọi người trong không gian mạng quy hướng về
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI khơi lên một ý tưởng quan trọng trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2011 rằng, hiện tượng đặc trưng của thời đại chúng ta chính là sự xuất hiện của Internet như một mạng lưới truyền thông. Vì thế, Internet không chỉ thay đổi cách chúng ta giao tiếp mà còn thay đổi bản thân sự giao tiếp, đến mức có thể nói rằng chúng ta đang sống qua một thời kỳ biến đổi văn hóa rộng lớn.[41] Các công nghệ mới cung cấp cho chúng ta những cơ hội lớn nhưng nó cũng đòi hỏi sự quan tâm và nhận thức sâu sắc hơn về những rủi ro có thể xảy ra. Nó có nguy cơ bị phân tâm nhiều hơn vì sự chú ý của chúng ta bị phân tán và bị tập trung vào một thế giới “khác” với thế giới mà chúng ta đang sống. Chúng ta cũng có nguy cơ đánh mất khả năng xây dựng những mối tương quan với những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống. Con người dường như xao nhãng bổn phận của mình cho những việc không quan trọng và thứ yếu.
Người ta luôn đề cập hậu quả của việc nghiện Internet đó là giảm khả năng tập trung của con người. Thật dễ để nói rằng, công nghệ đang giết chết khả năng tập trung của con người. Họ dễ dàng bị chi phối và chia trí khi làm việc trực tiếp với máy tính được kết nối Internet. Điều này khiến cho những công việc không thể theo tiến độ như kế hoạch đã được đề ra. Tuy nhiên, cái đáng sợ nhất mà sự xao nhãng gây ra không chỉ dừng lại ở khía cạnh bổn phận và trách nhiệm trong công việc, nhưng đúng hơn, nó khiến cho con người bị phân tán và tách rời khỏi một cộng đồng ngay khi đang ở trong một mạng lưới xã hội rộng lớn. Dường như ai cũng có khả năng trở thành “hàng xóm” của tôi trong thế giới mới, nhưng đó cũng có thể trở thành tình trạng trống rỗng của tâm hồn khi họ không thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện đích thực của một ai đó. Vì thế, họ nhận ra rằng, “tiếp xúc ảo không thể và không được thay thế cho tiếp xúc trực tiếp của con người với mọi người ở mọi cấp độ trong cuộc sống của chúng ta.”[42]
“Truyền thông về Chúa Giêsu: Đường, Sự thật và Sự sống.” (x. Ga 14, 6) Chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể lấp đầy những khoảng trống do thế giới ảo tạo ra nơi tâm hồn của con người, cũng như chỉ có ngài mới gắn kết những mối tương quan rạn nứt giữa người với người, và chỉ có ngài mới có thể quy tụ mọi sự về cho Thiên Chúa Cha. “‘Con đường’ của Đức Kitô là con đường của một đời sống nhân đức, kết quả và bình an như con cái Thiên Chúa và như anh chị em trong cùng một gia đình nhân loại; ‘chân lý’ của Đức Kitô là chân lý vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra cho chúng ta không chỉ trong thế giới được tạo dựng mà còn qua Sách Thánh, và đặc biệt là trong và qua Con của Người, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm; và ‘sự sống’ của Đức Kitô là sự sống của ân điển, món quà miễn phí của Thiên Chúa là phần được tạo dựng trong sự sống của chính Ngài và giúp chúng ta có thể sống mãi mãi trong tình yêu của Ngài.”[43] Quả thật, khi những người tham gia vào mạng lưới toàn cầu xác tín về điều này, cuộc đời của họ sẽ biến đổi. Sự biến đổi này không những giúp cho các cá nhân biết cách tập trung vào những điều cốt lõi của cuộc sống trong môi trường Internet, mà còn mang lại cho họ khả năng truyền thông cách tập trung vào đức tin sống động vào Chúa Giêsu và những giá trị tốt đẹp đem lại những lợi ích thiêng liêng cho con người.
Hơn nữa, những vấn đề không thể vắng mặt trên không trên mạng xã hội liên quan đến tình yêu, sự thật, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống chỉ có thể được tìm thấy nơi con người Chúa Giêsu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để chia sẻ đức tin của họ trong diễn đàn kỹ thuật số. Tuy nhiên, “nếu những nỗ lực của chúng ta trong việc chia sẻ Phúc Âm mang lại kết quả tốt đẹp, thì điều đó luôn luôn là nhờ quyền năng của chính Lời Chúa có thể chạm đến trái tim, trước bất kỳ nỗ lực nào của chúng ta. Sự tin cậy vào quyền năng của công việc Thiên Chúa phải luôn luôn lớn hơn bất kỳ sự tin tưởng nào mà chúng ta đặt vào các phương tiện của con người.”[44] Bởi vì Chúa Giêsu không những là “đường đi, sự thật và sự sống”, Người cũng là “ánh sáng thế gian” – ánh sáng để soi đường dẫn lối cho chúng ta, ánh sáng giúp chúng ta nhận thức được chân lý, ánh sáng của Chúa Giêsu, Đấng ban cho chúng ta cuộc sống siêu nhiên lúc này và mai sau.
4.2. Chân lý và sự thật, thuốc giải độc cho sự dối trá
Giáo hội khẳng định rõ về niềm tin của mình khi nói rất rõ rằng, “Được tạo ra theo hình ảnh và sự giống của Đấng Tạo hóa của chúng ta, chúng ta có thể thể hiện và chia sẻ tất cả những gì đúng, tốt và đẹp.”[45] Nói khác đi, chúng ta được chia sẻ khả năng truyền thông của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dấu vết của sự kiêu ngạo và ích kỷ đã làm sai lệch cách sử dụng khả năng thông truyền của chúng ta. Con người có xu hướng thích nghe những điều dối trá hơn là sự thật. Có thể nói rằng, “khả năng bóp méo sự thật là triệu chứng của tình trạng của chúng ta, cả với tư cách cá nhân và cộng đồng.”[46]
Trong thế giới truyền thông và hệ thống kỹ thuật số đang thay đổi nhanh chóng ngày nay, chúng ta phải đối diện với sự lây lan không ngừng của “tin tức giả mạo” mỗi ngày như một loại vi-rút mới và đầy nguy hiểm. Giáo hội luôn nhắc nhớ chúng ta về giá trị của sự thật và việc làm chứng cho sự thật, nên truyền thông xã hội cũng phải phục vụ sự thật.[47] Do đó, việc ngăn chặn những thông tin giả mạo và tái khám phá phẩm giá của báo chí trong việc truyền đạt sự thật là một đòi hỏi cấp thiết ngày nay trong không gian kỹ thuật số.
Thông tin giả mạo gây ra cho con người những tác hại rất lớn. Hậu quả của thông tin sai lệch làm mất uy tín của người khác, coi họ là kẻ thù, đến mức khiến họ trở nên những người tích cực tham gia mù quáng vào các cuộc xung đột hoặc trở thành tác nhân chính trong các cuộc xung đột. “Tin tức giả mạo là một dấu hiệu của thái độ không khoan dung và quá nhạy cảm, và chỉ dẫn đến sự lây lan của sự kiêu ngạo và thù hận. Đó là kết quả cuối cùng của sự không trung thực.”[48] Vì thế, không ai trong chúng ta được miễn trách nhiệm chống lại những điều gian dối này. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều tổ chức và cá nhân để giải thích và đáng giá thông tin do các phương tiện truyền thông cung cấp, đồng thời giáo dục và khuyến khích họ tham gia tích cực vào việc vạch mặt những điều sai trái, thay vì góp phần vào việc lan truyền thông tin sai lệch.
Việc vạch mặt và xác định cách thức hoạt động của thông tin sai lệch cũng đòi hỏi một quá trình phân định sâu sắc và cẩn thận. Cội nguồn của tất cả mọi sự dối trá là ma quỷ. (Mt 5,37) Chiến lược của nó là bắt chước một cách chính xác, hình thức dụ dỗ ranh mãnh và nguy hiểm đó đi sâu vào lòng người bằng những lý lẽ sai lầm và lôi cuốn, đến nỗi chúng ta có thể nói rằng, “không có cái gọi là thông tin sai lệch vô hại; trái lại, tin tưởng vào sự giả dối có thể gây ra hậu quả thảm khốc. Ngay cả một sự bóp méo dường như nhỏ của sự thật cũng có thể gây ra những tác động nguy hiểm.”[49] Do đó, việc giáo dục chân lý sẽ giúp mọi người biết cách phân định, đánh giá và hiểu những mong muốn và khuynh hướng sâu xa nhất của con người, kẻo chúng ta đánh mất điều tốt và khuất phục trước mọi cám dỗ.
Bên cạnh đó, sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối có thể khiến đời sống nội tâm của chúng ta bị đen tối. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm và bổn phận tự bảo vệ chính mình bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, “thuốc giải độc triệt để nhất cho vi-rút của sự giả dối là thanh lọc bằng sự thật.”[50] Trong cách hiểu của Kitô giáo, sự thật không phải là một thực tại khái niệm liên quan đến cách thức chúng ta đánh giá mọi thứ, xác định chúng là đúng hay sai. Sự thật không chỉ đưa ra ánh sáng những điều bị che giấu có thể khiến chúng ta tin tưởng. Nhưng “sự thật liên quan đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta.”[51] Vì thế, sự thật là thứ bạn có thể dựa vào để không gục ngã. Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, Đấng duy nhất thực sự đáng tin cậy và cậy trông – Đấng mà chúng ta có thể tin cậy – là Thiên Chúa hằng sống. Chính Chúa Giêsu Kitô là sự thật và chân lý của Thiên Chúa. Do đó, “chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta kinh nghiệm nó trong chính mình với lòng trung thành và đáng tin cậy của Đấng yêu thương chúng ta. Chỉ điều này thôi cũng có thể giải phóng chúng ta: Sự thật sẽ giải thoát anh em.”[52] Kết quả là, chúng ta trở nên những con người thực sự tự do để không lệ thuộc vào những gì là dối trá và sẵn sàng xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và sự thật. Tìm kiếm mối tương quan với tình huynh đệ, sự hiệp thông và lắng nghe nhau sẽ giúp chân lý được thực thi. Và khi sự thật được tìm kiếm liên lỉ sẽ giúp đẩy xa những gì là dối trá khỏi những suy nghĩ và tâm hồn của chúng ta.
4.3. Phẩm giá con người cần được tôn trọng trong không gian mạng
Trong môi trường Internet, những tác hại lớn lao liên quan đến con người được xem như là những điều ảnh hưởng đến phẩm giá của con người hơn hết. Phương tiện truyền thông mang đến nhưng sự thay đổi cơ bản trong các mô hình giao tiếp và các mối quan hệ giữa con người với nhau, trong đó phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực mà nó gây ra. Trên thực tế, Internet có thể giúp chúng ta trở thành những công dân tốt nhưng kèm theo đó phải là trách nhiệm của chúng ta trong việc tôn trọng phẩm giá của người khác. Dù chúng ta không nhìn thấy họ nhưng dù sao cũng là người có thật và có phẩm giá cần được tôn trọng. “Internet có thể được sử dụng một cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội lành mạnh và cởi mở để chia sẻ.”[53] Điều này cũng có nghĩa là những người sử dụng Internet hoặc đang hoạt động trong môi trường mới nổi của truyền thông kỹ thuật số được khuyến khích thúc đẩy văn hóa tôn trọng, tương giao và đối thoại.[54]
Những công nghệ này thực sự là một món quà cho nhân loại và chúng ta phải nỗ lực để đảm bảo rằng những lợi ích mà chúng mang lại được phục vụ cho tất cả các cá nhân và cộng đồng con người, đặc biệt là những người thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.[55] Do vậy, “những người đang hoạt động trong việc sản xuất và phổ biến nội dung truyền thông mới nên cố gắng tôn trọng phẩm giá và giá trị của con người.”[56] Mục đích tốt đẹp ban đầu của các phát minh trong lĩnh vực công nghệ nên được nhắc lại liên tục trong suốt quá trình phục vụ con người của nó. Ý thức được điều này, “tất cả chúng ta sẽ tránh chia sẻ những từ ngữ và hình ảnh làm suy đồi con người, thúc đẩy sự thù hận và không khoan dung, làm giảm đi sự tốt đẹp và thân mật của tình dục con người hoặc lợi dụng những người yếu đuối và dễ bị tổn thương.”[57]
Các công nghệ truyền thông hiện đại cũng đã mở ra con đường đối thoại trong nhiều lĩnh vực khác nhau giữa những tổ chức và con người từ các quốc gia, nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Không gian mạng trở thành một trung tâm cho phép diễn ra những cuộc gặp gỡ, học hỏi và trao đổi về những truyền thống và giá trị của nhau. Nó tạo nên một diễn đàn của những người yêu thích công nghệ mới và ứng dụng nó vào trong cuộc gặp gỡ có tính tương tác đa chiều. Trong những cuộc gặp gỡ này, “nếu muốn có kết quả, cần có những hình thức thể hiện trung thực và thích hợp cùng với sự lắng nghe chăm chú và tôn trọng.”[58] Bản chất của những cuộc đối thoại là cùng nhau tìm kiếm chân lý một cách chân chính và lẫn nhau. “Sau khi lắng nghe người khác bằng con tim trong sáng, chúng ta cũng có thể nói theo sự thật trong tình yêu.”[59] Nhưng cuộc gặp gỡ chỉ có thể đạt được mục đích sâu xa khi nó nhận ra được tiềm năng của nó để thúc đẩy sự phát triển trong hiểu biết và khoan dung. Vì thế, chúng ta cần khẳng định lại một cách chắc chắn lần nữa rằng, “cuộc sống của con người không chỉ là một chuỗi liên tiếp của các sự kiện hoặc các kinh nghiệm: nó là một cuộc tìm kiếm chân, thiện và mỹ.”[60]
Điều này chỉ có thể đạt được mục đích của nó nơi Chúa Giêsu. Chỉ có chân lý của Chúa Giêsu Kitô mới có thể đáp ứng đầy đủ và xác thực cho mong muốn của con người về mối quan hệ, sự hiệp thông và ý nghĩa được phản ánh trong sự phổ biến rộng rãi của mạng xã hội. Những đòi hỏi này bắt đầu từ những người tin vào Chúa Giêsu. Họ được mời gọi làm chứng cho niềm tin sâu sắc nhất của họ trong việc ngăn chặn những trang web đóng vai trò như một công cụ hạ thấp cá nhân con người, cố gắng thao túng con người về mặt cảm xúc hoặc những trang web cho phép những người có quyền lực độc quyền ý kiến của người khác. Bên cạnh đó, người Kitô hữu nên khuyến khích mọi người tiếp tục sống những câu hỏi vĩnh cửu của con người, những câu hỏi làm chứng cho ước muốn siêu việt và khao khát của chúng ta về những hình thức đích thực, thực sự đáng được sống. Sự khao khát thiêng liêng này chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho việc chúng ta ngày nay tìm kiếm sự thật và sự hiệp thông và thúc đẩy chúng ta giao tiếp với sự chính trực và trung thực.[61]
4.4. Công nghệ truyền thông phục vụ cho việc loan báo Tin mừng
Các công nghệ kỹ thuật số mới đang mang lại cho con người những sự thay đổi thực sự trong cuộc sống. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của công nghệ truyền thông hiện đại trong mọi hoạt động của Giáo hội và xã hội. Nếu chúng ta biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả, chúng sẽ trở thành một tác nhân mạnh mẽ để thúc đẩy việc loan báo Tin mừng ngày nay. “Những công nghệ này thực sự là một món quà cho nhân loại và chúng ta phải nỗ lực để đảm bảo rằng những lợi ích mà chúng mang lại được phục vụ cho tất cả các cá nhân và cộng đồng con người, đặc biệt là những người thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.”[62] Bên cạnh đó, Giáo hội cũng phải tận dụng những nguồn lực tài nguyên mới được cung cấp bởi sự khám phá của con người trong công nghệ máy tính và trí tuệ nhân tạo cho sứ vụ truyền giáo luôn cấp bách của mình. “Sứ điệp quan trọng và khẩn cấp nhất của Giáo hội liên quan đến sự hiểu biết về Đấng Kitô và con đường cứu rỗi mà Ngài đưa ra. Đây là điều mà Giáo hội phải đặt ra trước mọi người ở mọi thời đại, mời gọi họ đón nhận Phúc Âm trong tình yêu thương.”[63]
Phương tiện truyền thông luôn có sẵn và sẵn sàng phục vụ cho việc loan báo Tin mừng. Điều quan trọng của người Kitô hữu chính là khả năng sử dụng các ngôn ngữ mới của máy tính, không chỉ để theo kịp thời đại, nhưng đúng hơn là để cho phép sự phong phú vô hạn của Tin mừng được diễn đạt, và có thể chạm đến tâm trí và trái tim của tất cả mọi người. Đối với Giáo hội, “thế giới không gian mạng mới là một lời triệu tập cho cuộc phiêu lưu vĩ đại của việc sử dụng tiềm năng của nó để loan báo sứ điệp Tin Mừng.”[64] Vì thế, ý thức tầm quan trọng của việc loan báo Tin mừng và những ngôn ngữ mới để phục vụ cho việc truyền giáo cách hiệu quả, chúng ta cần chú ý cẩn thận đến việc hiểu biết văn hóa và phong tục của những người chưa nhận biết Thiên Chúa để chân lý của Tin mừng có thể chạm đến trái tim và tâm trí của họ. “Trái tim nói với trái tim.” (Thánh John Henry Newman) Do đó, “việc công bố Đức Kitô trong thế giới công nghệ mới đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về thế giới này nếu các công nghệ đó phục vụ đầy đủ cho sứ mệnh của chúng ta.”[65] Đặc biệt, Giáo hội nên khuyến khích những người trẻ, những người có khả năng tiếp cận dễ dàng với những phương tiện truyền thông mới, đảm nhận trách nhiệm truyền bá Tin mừng hóa trong “lục địa kỹ thuật số” này.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là một phương tiện truyền bá Phúc âm, đồng thời cũng là một yếu tố trong sự phát triển của con người. Mạng xã hội cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ các nguồn tài nguyên tinh thần và phụng vụ, giúp mọi người cầu nguyện với cảm giác gần gũi hơn với những người có cùng đức tin. Nó cũng tạo nên một sự tương tác chân thực và hiệu quả giữa những người Kitô hữu có đức tin vững mạnh với những ai đang hoài nghi hoặc xa rời đức tin Kitô giáo, giúp họ nuôi dưỡng đức tin của họ bằng lời cầu nguyện và suy tư về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. Món quà lớn nhất mà những người Kitô hữu có thể chia sẻ với mọi người trong không gian mạng lưới toàn cầu đó là Tin mừng về một Thiên Chúa đã trở thành người, Đấng chịu đau khổ, đã chết và đã sống lại để cứu tất cả mọi người. “Trái tim con người đang khao khát một thế giới mà tình yêu thương trường tồn, nơi những món quà được chia sẻ, nơi sự hiệp nhất được xây dựng, nơi tự do tìm thấy ý nghĩa trong sự thật và nơi bản sắc được tìm thấy trong sự hiệp thông tôn trọng.”[66]
5. KẾT LUẬN
Để kết luận, chúng ta không thể không nhắc lại sự thay đổi vĩ đại mà Internet đã mang lại cho nhân loại trong những thập niên gần đây. Nếu cuộc cách mạng công nghiệp đã mang lại một sự biến đổi sâu sắc trong xã hội nhờ những sửa đổi mà nó đưa vào chu trình sản xuất và đời sống của người lao động, thì những thay đổi căn bản đang diễn ra trong công nghệ truyền thông hiện đại đang hướng dẫn những phát triển quan trọng trong các nền văn hóa và xã hội.[67] Thiên niên kỷ thứ 3 được xem là thời kỳ biến đổi văn hóa rộng lớn ngang qua sự xuất hiện của những công nghệ truyền thông mới. Nó tạo nên một lối suy nghĩ và nghiên cứu mới, cùng với những cơ hội chưa từng có để thiết lập các mối quan hệ và xây dựng mối tương quan hỗ tương.
Rõ ràng, chân trời mới hiện nay mở ra tầm nhìn rộng lớn khiến con người phải ngạc nhiên về những gì nó đóng góp và cung ứng cho con người từ những phát minh vĩ đại của nó. Đồng thời, nó cũng thách thức khả năng nhận diện vấn đề đang gây nhiễu trong mạng lưới rộng lớn đó, đặc biệt là thúc đẩy con người ngày nay cam kết và dấn thân mạnh mẽ hơn trong việc suy tư cách nghiêm túc về tầm quan trọng của truyền thông xã hội trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Nghĩa là họ phải luôn sẵn sàng trong tư thế tỉnh táo và tỉnh thức để đối diện với những tiềm năng phi thường của Internet và sự phức tạp trong quá trình sử dụng chúng. Internet giống như một biên giới mới mở ra trong kỷ nguyên mới này. Giống như những biên giới mới của những thời đại khác, “biên giới này cũng đầy rẫy sự đan xen của nguy hiểm và hứa hẹn.”[68] Đối với Giáo hội, thế giới không gian mạng mới là một lời triệu tập cho cuộc phiêu lưu vĩ đại của việc sử dụng tiềm năng của nó để loan báo sứ điệp Tin Mừng và tân Phúc âm hóa. Cũng như mọi thành quả khác của sự khéo léo của con người, các công nghệ truyền thông mới phải được đặt để phục vụ lợi ích toàn diện của cá nhân và toàn thể nhân loại. Nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, chúng có thể góp phần thỏa mãn khát vọng về ý nghĩa, chân lý và sự thống nhất vốn vẫn là khát vọng sâu xa nhất của mỗi con người.[69]
Mặc dù Internet không bao giờ có thể thay thế được kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa mà chỉ đời sống sinh hoạt, phụng vụ và bí tích của Giáo hội mới có thể cung cấp, nhưng nó chắc chắn có thể đóng góp một sự bổ sung và hỗ trợ độc đáo trong cả việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong cộng đồng, và nâng đỡ người mới tin trong cuộc hành trình đức tin đầy thách đố và cam go sau này của họ. Do đó, các tín hữu được khuyến khích để tiếp tục suy tư và sống những câu hỏi vĩnh cửu của con người, những câu hỏi làm chứng cho ước muốn siêu việt và khao khát của chúng ta về những hình thức sống đích thực, thực sự đáng được sống. Chính sự khao khát thiêng liêng duy nhất của con người này đã truyền cảm hứng cho việc chúng ta tìm kiếm sự thật và sự hiệp thông và thúc đẩy chúng ta truyền thông với sự chính trực và trung thực. Khi chúng ta trung tín với kế hoạch của Thiên Chúa, kết quả là, việc truyền thông sẽ trở thành một biểu hiện hữu hiệu của chúng ta trong việc tìm kiếm lẽ thật và theo đuổi điều thiện có trách nhiệm.
[1] x. Phaolô VI. Inter Mirifica: Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (04/12/1963). Số 18.
[2] x. Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 24 (27/05/1990).
[3] Bđd,.
[4] x. Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 (12/05/2013), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-47-17831
[5] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 53 (24/01/2019), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-53-nam-2019–34731
[6] Bđd,.
[7] Pulkitagarwal03pulkit. Ưu và nhược điểm của Internet (Cập nhật: 28/06/2022). Trích dẫn từ: https://www.geeksforgeeks.org/advantages-and-disadvantages-of-internet/
[8] Matt Ahlgren. Hơn 100 thống kê, sự kiện và xu hướng Internet cho năm 2023. Trích dẫn từ: https://www.websiterating.com/vi/research/internet-statistics-facts/
[9] Computer Hope. Những lợi thế của Internet là gì? (Cập nhật: 12/01/2019). Trích dẫn từ: https://www.computerhope.com/issues/ch001808.htm
[10] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 53 (24/01/2019), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-53-nam-2019–34731
[11] Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 (12/05/2013), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-47-17831
[12] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 52 (24/01/2018), tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018–32294
[13] Bđd,.
[14] Eiler, Franz-Josef. Communicating in Ministry and Mission: An Introduction to Pastoral and Evangelizing Communication. Fourth Updated Edition Manila: Logos, 2018. p. 26.
[15] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 52 (24/01/2018), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018–32294
[16] x. Phanxicô. Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 53 (24/01/2019), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-53-nam-2019–34731
[17] Bđd,.
[18] Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 (24/01/2013), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-47-17831
[19] Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 45 (24/01/2011), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-45-17762
[20] x. Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 (24/01/2013), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-47-17831
[21] Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 31(11/05/1997).
[22] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 52 (24/01/2018), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018–32294
[23] Bđd,.
[24] x. Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 26 (31/05/1992).
[25] Bđd,.
[26] x. Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 50 (24/01/2016), tại
[27] Phaolô VI. Inter Mirifica: Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (04/12/1963). Số 1.
[28] Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 26 (31/05/1992).
[29] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 52 (24/01/2018), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018–32294
[30] Bđd,.
[31] Phaolô VI. Tông huấn Evangelii Nuntiandi. Số 45.
[32] x. Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 36 (11/05/1997).
[33] Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 43 (24/05/2009), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-quoc-te-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-43-24-05-2009-17705
[34] x. Phanxicô. Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013). Số 1, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656
[35] Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 36 (12/05/2002).
[36] Phaolô VI. Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo Dignitatis Humanae (07/12/1965). Số 1.
[37] Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 36 (12/05/2002).
[38] Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 24 (27/05/1990).
[39] Bđd,.
[40] x. Vatican. Huấn thị Communio và Progressio (23/05/1971). Số 114.
[41] x. Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 45 (05/06/2011), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-45-17762
[42] Bđd,.
[43] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 52 (24/01/2018), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018–32294
[44] Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 (24/01/2013), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-47-17831
[45] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 52 (24/01/2018), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018–32294
[46] Bdđ,.
[47] x. Phaolô VI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 6 (21/04/1972).
[48] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 52 (24/01/2018), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018–32294
[49] Bđd,.
[50] Bđd,.
[51] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 53 (24/01/2019), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-53-nam-2019–34731
[52] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 52 (24/01/2018), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-thu-52-2018–32294
[53] Phanxicô. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 50 (24/01/2016), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-50-17903
[54] x. Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 43 (24/05/2009), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-quoc-te-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-43-24-05-2009-17705
[55] Bđd,.
[56] Bđd,.
[57] Bđd,.
[58] Bđd,.
[59] Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 57 (24/01/2023), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-giao-hoang-phanxico-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-57-50274
[60] Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 43 (24/05/2009), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-quoc-te-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-43-24-05-2009-17705
[61] x. Bđd,.
[62] Bđd,.
[63] Bđd,.
[64] Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 36 (12/05/2002).
[65] Bđd,.
[66] Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 (12/05/2013), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/-su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-47-17831
[67] x. Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 45 (05/06/2011), tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-45-17762
[68] Gioan Phaolô II. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 36 (12/05/2002).
[69] x. Bênêđictô XVI. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 45 (05/06/2011), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-nhan-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-45-17762
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”