Cần gì trong đời tu để lớn lên ?

243 lượt xem 7 Tháng Ba, 2024
CẦN GÌ TRONG ĐỜI TU ĐỂ LỚN LÊN ?

Cần gì trong đời tu để lớn lên ?

Xã hội ngày nay cám dỗ con người bằng cách đẩy họ vào môi trường tràn ngập tiếng nói và những âm thanh ồn ào của danh vọng. Người nói nhiều và khắt khe có tầm ảnh hưởng, được ca tụng và trở nên có giá trị. Trái lại, thinh lặng và nhẫn nại mang một vẻ ngoài yếu ớt, thiếu hiểu biết hoặc thiếu ý chí. Họ trở thành người yếu thế, đáng thương và không cần phải bận tâm.

Công bằng mà nhìn nhận thì ồn ào không phải là tội và thinh lặng không là nhân đức. Mỗi môi trường đều mang lại những giá trị riêng. Nhưng đối với mỗi tu sĩ, những người sống ơn gọi đời thánh hiến thì đời sống thinh lặng luôn là đòi hỏi gắt gao bởi sẽ mang lại nhiều giá trị giúp đời tu triển nở hơn. Nhưng làm sao để có được đời sống thinh lặng mà qua đó người tu sĩ thể hiện được sức mạnh nội tâm chứ không phải sự yếu thế, đáng thương… lại là một thách đố lớn.

Mỗi ơn gọi mang một đặc điểm rất riêng, mỗi người được sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, và kinh qua những môi trường rất khác nhau. Trải nghiệm cuộc sống, khả năng thu nhận và hiểu kiến thức cũng rất khác nhau. Tất cả những điều ấy hình thành góc nhìn và cách sống của mỗi người rất khác nhau. Có những người chẳng thể sống với sự ồn ào bên ngoài, nét mặt luôn thể hiện sự ưu tư, phiền muộn. Trong mọi cuộc vui của cộng đoàn họ luôn cảm thấy lạc lõng, thậm chí tỏ vẻ khó chịu với những gì đang diễn ra. Đó không là sự thinh lặng càn thiết.  Lại cũng có người ưa nói nhiều, nóng nảy. Họ tưởng rằng đó là cách dễ dàng nhất để chứng minh cho người khác thấy rằng họ mạnh mẽ. “Lắng nghe” không có trong danh sách từ vựng của họ. Họ nói thao thao bất tuyệt để thể hiện “đẳng cấp sự hiểu biết của mình” và bới móc thiếu xót của người mà không biết rằng người mang hết năng lượng ra để lên án, chê bai những thiếu xót của người khác qua lời nói lại là người yếu đuối nhất vì chẳng còn gì bên trong. Sách Khôn Ngoan viết: “Có kẻ thinh lặng mà được kể là khôn ngoan, còn kẻ ba hoa thì đáng ghét” (Kn 20, 5) thật đúng cho những kiểu người ưa nói trên.

Thinh lặng của người tu sĩ không có nghĩa là lầm lì, không nói, không giao tiếp. Nhưng là sự thinh lặng được miêu tả nơi vườn Gethsemani năm xưa qua hình ảnh Đức Giê-su “thinh lặng cầu nguyện” chứ không phải như các môn đệ “thinh lặng ngủ nghỉ”.  Hoặc đơn giản là thinh lặng để trốn tránh mọi người, mọi việc.

Jean Harang nói: “Giá trị của một con người được đo lường nơi khả năng thinh lặng nội tâm của người đó. Người ta không cầu nguyện bằng lời, mà là bằng cách chìm đắm trong sự tĩnh lặng”.

Như vậy, bầu khí tĩnh lặng là yếu tố vô cùng cần thiết để xây dựng đời sống cầu nguyện mà nhờ đó đời tu được lớn lên.

Cầu nguyện trong tĩnh lặng sẽ giúp mỗi tu sĩ nhìn rõ chính bản thân mình. Giống như khi đứng trên mặt hồ trong xanh phẳng lặng, soi mình xuống đó ta sẽ thấy được hình ảnh của mình hiện ra một cách rất rõ ràng. Tương tự như thế, muốn nhìn vào tâm hồn mình để thấy nó rõ nét, đúng với những gì của nó, thì mỗi người cũng phải để tâm hồn yên tĩnh, phẳng lặng như mặt hồ kia, không để cho những hận thù, ghét ghen, kiêu căng rơi vào tâm hồn làm khuấy động. Và rồi mãi quẩn quanh với những hỗn độn trong tâm hồn, trong tương quan với Chúa và với mọi người xung quanh. Chính những giây phút thinh lặng với chính mình, mỗi người sẽ cảm nghiệm được những biến chuyển trong nội tâm. Thấy cái sai để chỉnh sửa, thấy cái đúng để tạ ơn Chúa và phát huy. Dần dần trưởng thành trong suy nghĩ và lời nói. Phân định được những điều bản thân đã nghe và lắng nghe được cả những điều người khác chưa nói ra.

Và rồi, cũng trong thinh lặng của đời sống cầu nguyện, người tu sĩ sẽ tìm gặp được Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Chúa Giêsu luôn hiện diện và chờ đợi con người trong thinh lặng. Trong thinh lặng Ngài lắng nghe tiếng nói của chúng ta, và trong thinh lặng, Ngài sẽ nói với tâm hồn chúng ta. Cũng chính trong thinh lặng chúng ta sẽ được nghe tiếng Ngài. Và rồi, chúng ta sẵn sàng thực thi điều Chúa muốn với tinh thần quảng đại, vui tươi. Đời tu nhờ đó mà triển nở và trở nên có ý nghĩa.

Khi vâng lời Chúa Cha và bước chân vào trần gian, Đức Giêsu đã không xuất hiện “ồn ào” ở Giê-ru-sa-lem hay nơi phố phường đông đúc, nhộn nhịp nào đó của đất nước Do Thái, nhưng đã xuất hiện “kín tiếng” ở Bê-lem quê mùa. Chính trong gia đình Na-da-rét Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Ngài qua những tấm gương về đời sống thinh lặng của các thành viên trong gia đình ấy.

Sách Châm Ngôn viết: “Nếu biết giữ thinh lặng, kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan; nếu biết ngậm môi, kẻ đó được coi là người thông hiểu” (Cn 17, 28). Những nhà chiêm niệm, những bậc tu hành của mọi thời đại, mọi tôn giáo… được xem là những người khôn ngoan. Bởi các Ngài đã chọn cách luôn tìm kiếm Thiên Chúa trong thinh lặng, trong sa mạc tịch liêu, trong rừng vắng, trên núi cao… qua thinh lặng, các ngài có cái nhìn khác về mọi sự. Sau cùng, nhờ đời sống thinh lặng, các ngài trở nên những vị thánh. Chúng ta cũng cần có sự thinh lặng để có thể thấu hiểu các tâm hồn của những người xung quanh, để cảm thông và để yêu nhiều hơn. Trên hết, là để trở nên những vị thánh “tí hon”.

Lạy Chúa, con cần rất nhiều ơn Chúa để có được sự kiên cường của ý chí khi luyện tập sống thinh lặng. Để con biết khiêm nhường lắng nghe, hy sinh, từ bỏ những lời nói vô nghĩa ngoài môi miệng và cả những ồn ào trong tâm hồn. Xin ban ơn giúp con biết xây dựng sức mạnh nội tâm trong thinh lặng và cầu nguyện. Để nhờ đó, mỗi ngày trong con có những biến chuyển nhiệm màu. Để con trở nên tông đồ của tình yêu, ngôn sứ loan báo Tin Mừng của Chúa bằng đời sống thầm lặng nhưng tràn đầy sức mạnh của Chúa.

#BTT