Tháng 11 – Ngẫm về người và nghĩ về đời

137 lượt xem 13 Tháng Mười Một, 2022
Tháng 11 - Gẫm về người và nghĩ về đời

THÁNG 11 – NGẪM VỀ NGƯỜI VÀ NGHĨ VỀ ĐỜI

“Gió cuối thu lạnh vào hồn buốt giá
Nghĩa trang chiều buồn bã tịch cô liêu
Một vài người đến viếng tiếng kinh chiều
Mấy ngọn nến liêu xiêu rung trước gió.

Nấm mồ cổ rong rêu buồn bỏ ngỏ
Những linh hồn buồn ngó bóng người thân
Có còn thương, còn nhớ, chút ân cần
Hay đã hết, bước chân giờ đổi hướng? ”. (1)

         Đứng trước những nấm mộ của người thân, lòng tôi bồi hồi với những suy tư trầm mặc. Tháng 11 – tháng trước ngưỡng cửa cuối năm, kết thúc cho một công việc, một hành trình để bước vào năm mới. Điều này gợi nhớ cho tôi về “cuối năm” của đời người – kết thúc một hành trình của những người đang “lữ hành”, để tiến vào  “năm chiến thắng” trên quê hương vĩnh cửu.

        Tháng 11 thật đẹp, đẹp vì bầu trời hãy còn thu và không khí bắt đầu chuyển lạnh, thiên nhiên biến đổi, cây cối thay lá… Đẹp vì đây cũng là tháng mà có thể gọi là “nở rộ hoa linh hồn” khi biết bao nhiêu linh hồn đã được gia nhập vào hàng ngũ của các thánh nơi Thiên Quốc. Bởi vì Giáo hội dành riêng để mời gọi người kitô hữu kết nối sự yêu thương và kính nhớ các linh hồn, cầu mong cho người thân quá cố của mình được hưởng nếm hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa là Vua của tình yêu. Lòng kính nhớ ấy được thể hiện qua việc đọc kinh cầu nguyện, dâng thánh lễ và hy sinh làm những việc lành để cầu nguyện cho các linh hồn. Đặc biệt là thăm viếng và chỉnh trang lại những phần mộ của người thân.

         Đứng bên phần mộ những người thân yêu đã qua đời, lời kinh hòa với khói hương nghi ngút. Suy tư trầm mặc ấy cũng gợi lên, khi tôi ngẫm về người và nghĩ về đời.

Ngẫm về người:

    Mới ngày nào đó, tôi và người vẫn còn trông thấy nhau, ngày nào đó vẫn còn chia sẻ cho nhau những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Thế mà giờ đây, thân xác người đã nằm dưới lòng đất, liệu rồi tôi có còn nhớ họ qua những lời cầu nguyện hằng ngày nữa chăng?

     Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là thánh Augustino như sau: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh”. Tôi cũng vậy. Lúc người thân ở trên giường hấp hối, trước khi từ giã cõi đời, tôi cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của họ, và tôi đã hứa là sẽ thực hiện những lời trăn trối ấy, thậm chí nỗi đau và sự tiếc nuối lúc đó, như thể tôi sẽ không bao giờ quên họ trong lời cầu nguyện… Nhưng rồi cũng chỉ được 3 ngày, 7 ngày, 50 ngày, 100 ngày… rồi dần dần, “xa mặt cách lòng”, phải chăng tôi cũng đã đưa người thân của tôi vào dĩ vãng? Lúc này thử hỏi trong tim tôi, họ đang ở vị trí nào? Lời cầu nguyện dành cho họ còn bao nhiêu?

(DỪNG LẠI ÍT GIÂY ĐỂ HỒI TÂM)

        Đứng bên những phần mộ. Bất chợt, trong giây phút này, tôi cảm nhận mình đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết, huyền nhiệm hơn khi tôi cảm nhận rằng, các linh hồn đang hiện diện với tôi bằng một sợi dây liên kết thâm sâu của tình yêu qua lời cầu nguyện. Bởi khi tôi cầu nguyện cho các linh hồn được giải thoát khỏi tội lỗi, thì khi đã được hưởng phúc trên quê hương vĩnh hằng, các ngài cũng sẽ không ngừng câu bầu cho tôi bên tòa Chúa. Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái, vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm bền vững trong sự thánh thiện. Lúc này, tôi nhận thấy cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống, và cũng chính Tình Yêu liên kết tôi với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử.

Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Nghĩ về đời:

          Khi tôi cầu nguyện cho linh hồn người thân và tất cả các linh hồn, cũng là cầu nguyện cho chính tôi. Ngoài việc nhắc tôi nhớ đến người thân yêu đã qua đời thì cũng là nhắc nhở chính mình về bổn phận với người còn sống, là một cơ hội tốt để cho tôi và anh chị em đang cùng với tôi trên đường “lữ hành” được xích lại gần nhau hơn.

          Lặng mình đứng bên phần mộ của những người quá cố, tôi nhận thấy thời gian rồi sẽ thấm thoát trôi, một ngày nào đó tôi cũng sẽ an nghỉ nơi đây trong quy luật hạn hữu của con người như những bậc tiền nhân, và rồi bao câu hỏi được đặt ra cho tôi là: tại sao trong khoảng thời gian ngắn ngủi trên dương thế này, tôi lại không tạo cho cuộc sống những niềm vui hơn là nỗi buồn, tại sao tôi không tạo sự bình an cho người khác hơn là sự bất an, tại sao tôi  không cùng với anh chị em phá tan những bức tường vô hình, đang ngăn cách giữa người này với người kia, hơn là tiếp tục tạo nên chúng…Được như thế thì ngay lúc này, tôi cần ý thức rằng cuộc đời ai cũng phải chết vì thân phận mỏng dòn yếu đuối, nên phải sống sẵn sàng và tỉnh thức sao cho cuộc ra đi của mình có ý nghĩa khi chuẩn bị cho mình hành lý về với Chúa qua những tay nải đầy những hy sinh, việc lành phúc đức và một tài sản duy nhất là tình yêu.

           Nghĩ về đời cũng là dịp nhắc cho tôi biết cách sống, phải sống thế nào cho trọn đạo làm người và đạo làm con đối với ông bà tổ tiên. Đứng bên mộ của người thân, hy vọng chỉ có những giọt nước mắt của sự thương nhớ chứ không phải là giọt nước mắt của sự hối hận muộn màng, vì đã sống vô tình hay phũ phàng với người đã khuất.

          Tôi lại chẳng một lần sinh ra bởi cha mẹ, chẳng được ấp ủ trong mái ấm gia đình. Đây chính là chiếc nôi của tình yêu, ngôi trường của lòng nhân ái. Từ trong cái xã hội nhỏ bé ấy, tôi đã được bú mớm, nuôi dạy, và từng ngày lớn lên trong vòng tay yêu thương của tình cha, tiếng ru ầu ơ của mẹ. Để đổi lấy cho chúng tôi sức khỏe, cha mẹ đã phải đổ bao mồ hôi sức lực để có bữa cơm manh áo cho tôi; lại còn biết bao trăn trở lo lắng cho tôi về đường đức tin, học vấn. Hôm nay, tôi thành người, có địa vị, có cuộc sống an lành, có gia đình ổn định, lại chính là lúc mà các ngài nhắm mắt xuôi tay. Cái giá mà các ngài phải trả cho sự thành đạt, thành nhân của tôi, đâu chỉ là công sức, là nước mắt, là những héo hắt khổ đau, mà có khi còn cả giọt máu của mạng sống mình nữa. Vậy hôm nay tôi cố gắng xây đắp phần mộ của cha mẹ, ông bà tổ tiên thật lớn, thật hoành tráng, mà khi các ngài còn sống, tôi đã đối xử tệ bạc với các ngài, và khi các ngài đã khuất, tôi cũng không còn nhớ các ngài trong lời cầu nguyện nữa. Việc làm đó không phải là báo hiếu, không phải là lòng biết ơn, mà nó chỉ còn là giả hình, là phô trương che mắt thiên hạ mà thôi.

Chính vì thế. Tháng 11 – tháng để tôi luôn biết dành thời gian thinh lặng để ngẫm về người và nghĩ về đời.

Thiên Nhân

(1)Nghĩa trang chiều, Trầm Thiên Thơ, https://www.vanthoconggiao.net/2018/10/chum-tho-ve-thang-cac-linh-hon.html, 2018