Ý Nghĩa tu phục của người nữ tu Đa Minh

766 lượt xem 5 Tháng Tám, 2022
ý nghĩa tu phục dòng đa minh

Người ta thường nói “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nghĩa là việc tu hành không nên quá chú trọng vẻ bề ngoài mà phải chú trọng vào việc sửa đổi tâm tính. Nhưng người viết thiết nghĩ tấm áo dòng cũng có một vị thế quan trọng trong đời sống tu trì. Tu phục là dấu chỉ bên ngoài nhắc nhở người tu sĩ về đời sống tu của mình. Trong bài viết ngắn này, người viết xin trình bày một cái nhìn đơn giản về ý nghĩa và vai trò của tu phục, cũng như mối tương quan của nó với đời sống của người môn đệ Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến đã đề cập tại số 17 trong sắc lệch về việc canh tân thích nghi đời sống tu trì Perfectae Caritatis.

Trước hết, tu phục của mỗi hội dòng có sự khác biệt trong kiểu dáng, màu sắc để nói lên sự đa dạng về linh đạo và sự dấn thân trong đời sống thánh hiến của Giáo Hội. Vì thế, tu phục không chỉ đơn thuần là một loại “đồng phục” để phân biệt giữa hội dòng này với hội dòng kia. Nhưng tu phục của mỗi hội dòng một phần nào đó mang tính biểu tượng làm toát lên căn tính cũng như sứ mạng của hội dòng đó. Cách riêng với bộ áo dòng Đa Minh: “Áo dài trắng tới gót chân chỉ sự trong trắng của linh hồn. Một dây lưng đen chỉ sự hãm dẹp tư dục và các đam mê. Cỗ tràng hạt đen và dây lưng là vũ khí chính Đức Mẹ đã trao cho Thánh Tổ Phụ để thắng bè rối Albizense. Áo phép trắng trước ngực và sau lưng là chính áo Đức Mẹ đã trao cho Dòng khi hiện ra với thánh Reginaldo, một trong các tu sĩ tiên khởi của Dòng khi Đức Mẹ nói: “Này là áo của con”. Khăn lúp trắng của tập sinh là dấu chỉ sự trong trắng. Khăn lúp đen của khấn sinh tượng trưng cho sự chết đi cho tội lỗi, cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới khiêm nhường hiền hậu. Áo choàng đen phủ toàn bộ chỉ sự hy sinh hãm mình như thành lũy bao bọc sự trong trắng và đức hạnh của người nữ tu.”[1]

 Hơn thế nữa, Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng “Tu phục là dấu chỉ bên ngoài của sự thánh hiến cho Thiên Chúa.”[2] Chúng ta biết rằng khi đón nhận tu phục, người tu sĩ xác tín việc mình được thánh hiến cho Thiên Chúa. Họ dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và phải luôn ý thức mình thuộc trọn về Thiên Chúa và hội dòng để sống theo linh đạo của hội dòng mà mình đã chọn. Sâu xa hơn họ xác tín từ nay họ thuộc về Đức Kitô hoàn toàn trong tình yêu dâng hiến, chắc chắn rằng sự xác tín phải được xuất phát từ thẳm sâu của con tim và được hiện thực hoá qua cung cách sống, nhưng khi khoác lên mình tấm áo dòng, người tu sĩ luôn được nhắc nhớ về điều mà mình đã xác tín và dấn thân. Thật thế, khi khoác lên mình chiếc áo dòng, người tu sĩ được nhắc nhở về lựa chọn dấn thân trong tình yêu với Đức Kitô. Lựa chọn dấn thân trên con đường tình yêu Đức Kitô là lựa chon đi trên con đường hẹp, con đường của từ bỏ và hiến thân. Trong ánh sáng của đức tin, chúng ta xác quyết rằng, lựa chọn từ bỏ vì tình yêu không hề làm nghèo nàn đời sống tu trì, mà trái lại, từ bỏ đem lại tầng sâu ý nghĩa cho người tu sĩ. Vì thế, con đường từ bỏ mở ra đại lộ đầy ánh sáng trong đời sống thánh hiến. Người tu sĩ chết đi cho trần gian để sống mãi trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Khi bàn về giá trị bộ tu phục của người tu sĩ, Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu (Perfectae Caritatis) dạy rằng: “Tu phục là dấu chỉ của sự tận hiến nên phải giản dị và khiêm tốn, khó nghèo và đoan trang, nhưng cũng cần phù hợp với sức khoẻ và thích nghi với từng địa phương, từng thời đại cũng như với nhu cầu của công tác phục vụ.”[3] Mặc áo dòng vừa là dấu chỉ dâng hiến bề ngoài của người tu sĩ, vừa phải thể hiện vẻ đẹp khiêm tốn và đoan trang xuất phát từ nội tâm sâu xa của người môn đệ Chúa Ki-tô. Ở một khía cạnh khác, tấm áo dòng còn trở nên động lực giúp người tu sĩ vượt qua những cám dỗ thế tục. Khi khoác lên mình bộ tu phục, người tu sĩ ý thức hơn về ơn gọi của mình để thanh thoát hơn và tránh xa những đam mê trần tục trên bước đường theo Đức Kitô. Vì vậy họ cần ý thức hơn trong lời nói và cách ứng xử của mình.

Thiết nghĩ rằng, người tu sĩ thể hiện tình yêu và dấn thân trong đời sống dâng hiến thì họ cũng yêu thích tấm áo dòng như là dấu chỉ sống động cho đời tu của mình. Người tu sĩ không thể coi áo dòng của mình như là một “đồng phục”, mà họ phải biết và hiểu rằng đó là dấu chỉ tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa trao ban cho con người qua sáng kiến kêu gọi họ sống đời thánh hiến. Với ý nghĩa đó, tấm áo dòng trở nên cao quý thánh thiêng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, chiếc áo dòng không phải là chiếc áo của những “vị thánh”. Bên trong chiếc áo ấy vẫn là một con người đầy khiếm khuyết và yếu đuối. Bên trong chiếc áo ấy vẫn là một con người đầy đủ hỷ nộ ái ố, với những rung cảm và vương vấn thế tục. Người tu sĩ phải phấn đấu để trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày qua việc nỗ lực không ngừng để hoàn thành sứ mạng của mình, làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống đượm tình bác ái qua việc trung thành tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.

Tóm lại, mặc dù chiếc áo dòng không nói lên hết được tất cả bản chất của người tu sĩ, nhưng nó là một dấu chỉ bên ngoài cần thiết của người môn đệ Chúa Kitô trên hành trình hoạ lại hình ảnh của Ngài trong đời sống thánh hiến. Sau khi đọc Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu (Perfectae Caritatis), người viết cảm nhận được sự thao thức của mẹ Giáo Hội đối với những người con sống đời thánh hiến luôn là chứng nhân cho Chúa giữa thời đại đầy thách đố này. Với một xã hội đang sống trên đỉnh cao của sự hưởng thụ, người tu sĩ khoác nơi mình bộ tu phục giản dị và khiêm tốn như đang lội ngược dòng. Chắc chắn mỗi người tu sĩ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể trung tín tới cùng, yêu đến cùng như Chúa Giêsu đã yêu. Tin vào ơn Chúa trợ giúp, tôi vững vàng bước đi với niềm xác tín “Ai vui vẻ dâng hiến thì sẽ được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7).

Thiên Sa.

……………………………………………………………………………………………………………….

[1] “Áo Dòng Tôi Yêu”, 2020,  https://www.daminhgovap.org/2020/08/ao-dong-toi-yeu.html. Truy cập ngày 03/03/2022.

[2] Công Đồng Vatican II, sắc lệch về việc canh tân thích nghi đời sống tu trì Perfectae Caritatis, (28/10/1965), 17.

[3]ID., Perfectae Caritatis, 17