Ý Nghĩa của Đau Khổ
“Con số”
Mỗi tù nhân mang trên mình một con số, cuộc sống của một con số nào có quan trọng gì. Đại diện cho mỗi sinh mạng là một con số: Chết hoặc sống. Tôi đã từng đọc qua quyển sách có tựa đề: Man’s search for meaning (Đi Tìm Lẽ Sống). Cuộc sống của những số phận ở trại tập trung phát xít Đức chỉ dựa trên những con số, những bằng cấp, tên tuổi, xuất xứ chẳng có giá trị gì. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, con người dần bị tha hóa dung tạp cho những hành động suy đồi mất đi nhân phẩm chẳng khác gì một con thú.
Trong hoàn cảnh éo le ấy, ít ai thắp sáng cho mình một tia hy vọng sự tự do để trở về đoàn tụ với gia đình, vì cái nghiệt ngã của thời cuộc chiến tranh đã mua lấy ý chí, niềm tin hy vọng vào ánh sáng mặt trời bên kia khung thanh sắt.
Thế nhưng, 1% trên bình diện 100% ấy vẫn có những câu chuyện khiến con người ta lại lần nữa đánh cược ván cờ với lá bài định mệnh.
“Chúng tôi đã cam kết với nhau rằng mỗi người phải nghĩ ra ít nhất một câu chuyện hài hước mỗi ngày về một tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi chúng tôi được tự do. Anh ấy là một bác sĩ phẫu thuật và đã từng làm việc trong một bệnh viện lớn. Một lần, tôi khiến anh ấy cười bằng cách nhắc nhở về thói quen của mình sau khi trở về công việc thường ngày.
Trong công trường xây dựng, đặc biệt là khi có giám sát viên đi kiểm tra, tay đốc công thường thúc giục chúng tôi làm việc nhanh hơn bằng cách hét lên ‘Làm việc đi! Làm việc đi!’ Vậy nên, tôi đề xuất ý tưởng nếu một ngày nào đó anh trở lại phòng mổ và đang tiến hành một ca phẫu thuật bụng. Đột nhiên, một bệnh nhân viên chạy vào phòng và báo tin về sự xuất hiện của một bác sĩ phẫu thuật cấp cao bằng cách hét to lên ‘Mổ đi! Mổ đi!’
Đôi khi, mọi người cũng sáng tạo ra những giấc mơ hài hước về tương lai, như câu chuyện về buổi tiệc mà họ được mời đến sau khi được giải thoát khỏi trại. Khi xúp được mang ra, họ quên mình đang ở hiện tại và có thể năn nỉ người chủ nhà hãy múc xúp ‘từ đáy nồi’ cho họ.
( trích Đi Tìm Lẽ Sống)
Chính sự hài hước đã mở ra cho những tù nhân một tia hy vọng của sự sáng. Tôi luôn đặt niềm tin rằng: “Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra”. Ông trời luôn luôn mở ra cho ta một hy vọng trong cảnh gian khổ, nhưng liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn, hy vọng và tìm kiếm hay không?
Ở đây có bán Phép mầu không ạ? Vào một ngày nọ, tại một thị trấn nhỏ ở miền tây nước Mỹ, một cậu bé tầm mười tuổi đi dọc con phố với một đô la Mỹ trong tay. Cậu bé liên tục hỏi các cửa hàng: “Xin cho cháu hỏi, ở đây có bán phép mầu không ạ?” Nhưng mọi người chỉ coi cậu bé như một đứa trẻ kỳ quặc và nhanh chóng đuổi cậu ra khỏi cửa hàng.
Khi trời sắp tối, cậu bé quyết định đến một cửa hàng cuối cùng, cửa hàng thứ 69, và hỏi: “Xin lỗi, ở đây bác có bán phép mầu không ạ?” Chủ cửa hàng là một ông lão tóc bạc phơ, ông cười nhẹ và hỏi cậu bé:
“Cháu muốn mua phép mầu để làm gì?”
Cuối cùng, cậu bé tìm được người sẵn lòng lắng nghe. Cậu kể về hoàn cảnh của anh trai mình, người đang nằm bất tỉnh trong bệnh viện sau một tai nạn công trường. Anh trai của cậu bé cần một phép mầu để hồi phục. Bác sĩ nói, chỉ có phép mầu mới cứu được anh của cháu. Cậu bé nghĩ rằng phép mầu có thể làm điều kỳ diệu, và muốn mua nó để chữa lành vết thương của anh trai.
Khi cậu bé nói xong, ông lão nhận lấy đồng tiền một đô la từ tay cậu và cho cậu một chai nước ngọt có tên là “Nước phép mầu”. Ông lão nói rằng nước này sẽ giúp anh trai của cậu bé khỏi bệnh.
Cậu bé mang chai nước đến bệnh viện và đưa cho anh trai. Ngày hôm sau, một đoàn chuyên gia y tế đến và tiến hành điều tra. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh trai của cậu bé đã bình phục hoàn toàn.
“Phép mầu” trong cuộc sống.
Sau này, tôi muốn kể lại cho thế hệ trẻ về những câu chuyện phép mầu vẫn được tái hiện lại trong cuộc sống hằng ngày.
Đại dịch Covid-19 không sử dụng bất kỳ vũ khí bom đạn hạt nhân nào đã cướp đi vô số tính mạng con người.
Thế nhưng, trong đau thương nghiệt ngã của dịch bệnh, con người dường như tìm ra ý nghĩa cuộc sống bởi những hành động hy sinh chia sẻ cho nhau. Nhà văn Nhật Bản, Ryunosuke Satoro có câu: “Riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương”.
Những chiến sĩ áo trắng đã âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, và hy sinh tình cảm cũng như lợi ích cá nhân để mang lại cuộc sống bình an cho người dân. Họ không chỉ là những người làm việc trong ngành y tế, mà còn bao gồm những người làm việc trong các lĩnh vực khác, như cảnh sát, quân đội, nhân viên chăm sóc xã hội, và nhiều người khác. Những hành động yêu thương và hy sinh của họ đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, vẫn có những phép mầu mang tên hy sinh trong ầm thầm, nhỏ bé không điều kiện nhưng bằng tình yêu. Đây cũng là thời điểm mà con người đặt ra những câu hỏi đơn giản mà trước đây họ không nghĩ tới hoặc có thể đã từng nghi ngờ nhưng không đủ kiên nhẫn để trả lời. “Con người đến từ đâu và sẽ trở về đâu?” Đau khổ trở nên có ý nghĩa, có ích khi chúng ta khám phá ra giá trị đích thực của bệnh tật, của nỗi đau. Không chỉ dừng lại tập trung ở nỗi đau, chúng ta tìm ra được con đường mới về sự thật mạnh mẽ mà con đường đau khổ đem lại. “ Liệu những đau khổ đang bao vây quanh cuộc đời tôi có ý nghĩa gì chăng? Những biến cố xảy đến có phải là tình cờ hay tôi cần đọc ra dấu chỉ về một sứ mạng cao cả mà tôi cần thực hiện ?” Và tất nhiên, khi trải qua những biến cố thương tâm tưởng chừng sẽ quật ngã, vẫn còn đọng lại những thương tích của vết sẹo về thể xác và tinh thần, hãy chấp nhận nó như một đứa em bé nhỏ cần được ôm ấp và sống cho giây phút hiện tại trọn vẹn bình an.
Hãy xây dựng lòng biết ơn bởi vì ngày hôm nay chúng ta vẫn còn sống, cảm ơn người tri ân đời về thế giới thực tại chúng ta đang còn tồn tại, vẫn còn lành lạnh về cơ thể. Hãy nhớ rằng: Cho dù cuộc sống có hàng ngàn lý do để bạn khóc lóc bạn cũng hãy tìm lấy hàng vạn lý do để mỉm cười.
Têrêxa Phạm Hiệp
Thỉnh sinh Đa Minh Tin Mừng
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ