Với bạn, luật luân lý giúp ích gì cho ta trong cuộc sống xã hội nói chung và đời sống Kitô hữu nói riêng?
Chúng ta đang sống trong một xã hội bị tấn công mạnh mẽ bởi những trào lưu tục hóa, con người quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, đề cao tự do, không còn biết phân biệt đúng sai, tốt xấu. Ta thường thấy báo chí đăng đầy những tin anh chị em trong gia đình sẵn sàng đâm chém nhau vì tiền bạc của cải, đất đai, thậm chí tức nhau một lời nói mà dẫn đến giết cả gia đình. Tại sao vậy? Phải chăng con người không còn biết phân định điều tốt điều xấu, điều được làm hay không làm? Lương tâm con người ở đâu? Theo Kitô giáo: Ngay từ khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho mỗi người quyền làm chủ và quản lý mọi hành vi của mình để đạt tới chân lý và sự thánh thiện (x. St 1,28-30 ; 2,16-17). Một trong những cách thức Thiên Chúa hướng dẫn con người là ban cho mỗi người biết dùng lý trí mà phân biệt những gì là thiện hảo, là chân thật, là ác độc, là dối trá. Luật này đã được Thiên Chúa ghi tạc trong lòng mỗi người “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33). Lề luật mà Thiên Chúa đã khắc vào tâm khảm con người đó chính là luật luân lý, vậy luật luân lý là gì và luật đó giúp ích gì cho ta trong cuộc sống xã hội nói chung và đời sống Kitô hữu nói riêng? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
- Luật luân lý là gì?
Theo từ điển công giáo: “Luật: phép tắc; luân: nề nếp; lý: lẽ.
Luật luân lý là những qui tắc chuẩn mực do Thiên Chúa khôn ngoan xếp đặt, để theo đó con người sống đúng tư cách con cái của Ngài”[1]. “Luật luân lý quy định cho con người những con đường, những quy tắc hành động dẫn đưa họ tới vinh phúc Thiên Chúa đã hứa; và ngăn cấm những con đường dẫn đến sự dữ khiến con người xa lìa Thiên Chúa và tình yêu của Ngài”[2]. Như thế luật luân lý liên quan đến lối sống đạo đức, làm lành lánh dữ, sống ngay thẳng, thật thà, coi trọng tiếng nói lương tâm. “Luật luân lý là nền tảng cho các bộ luật dân sự và luật nhân quyền trên thế giới. Luật luân lý phát xuất từ chính Thiên Chúa, nên mang tính phổ quát, bất biến, siêu việt, vượt qua những giới hạn của luật dân sự”[3].
Xét theo những chuẩn mực luân lý, luật luân lý được chia thành luật tự nhiên, luật Thiên Chúa (mạc khải trong Cựu Ước và Tân Ước) và nhân luật (luật con người).
- Vai trò của luật luân lý
- Trong đời sống xã hội nói chung
Ta thường thấy bất cứ một đất nước hay tổ chức xã hội nào cũng đều có hiến chương, luật lệ, quy tắc nhất định để giúp tổ chức tốt đời sống xã hội, nâng cao ý thức của con người trong mọi lĩnh vực. Chẳng hạn tại nhiều thành phố, các ngã ba, ngã tư, ngã sáu… đều có gắn đèn báo hiệu giao thông và các biển báo. Mọi người đi đường phải biết và thi hành đúng, ai vi phạm sẽ bị xử lý, nhờ đó giao thông không bị tắc nghẽn, tai nạn giảm bớt.
Trong tổ chức đời sống xã hội ta thường quan tâm đến luật luân lý tự nhiên và nhân luật. Con người trong xã hội dù là có niềm tin tôn giáo hay không có đều được Thiên Chúa khắc ghi trong lòng mỗi người luật tự nhiên: “Nhờ luật tự nhiên, con người dùng lý trí mà phân định điều gì là tốt và điều gì là xấu, điều gì là tốt và điều gì là chân lý và điều gì là dối trá”[4]. Bởi vậy, trước bất cứ biến cố, sự việc nào, ta đều nghe thấy tiếng nói thầm kín nhưng rõ nét đâu là đúng, là tốt, đâu là sai, là xấu ; khuyến khích làm điều tốt, khuyến cáo tránh điều sai. Như vậy luật luân lý giúp con người biết phân biệt, chọn lựa, biết cách đối xử với nhau trong cuộc sống đầy dẫy những nghịch lý. Trong các lãnh vực kinh doanh, y tế và sự sống luật luân lý đề cập đến công bằng, nhân vị, tôn trọng phẩm giá con người để tránh các vấn nạn bóc lột sức lao động, lạm dụng quyền bính, việc nạo phá thai, đề cao quyền lợi con người,…Trong giáo dục mọi thời đại ta thấy con người luôn được dạy sống đạo đức có quy tắc, có chuẩn mực xã hội và nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội.
- Trong đời sống Kitô hữu nói riêng
Đời sống người ki tô hữu cũng nằm trong đời sống xã hội, tuy nhiên đời sống của người Kito hữu còn gắn liền với đức tin được xây dựng trên nền tảng giáo huấn của Đức Giêsu và của Hội Thánh.Tất cả luật luân lý Kitô giáo nhằm giúp người Kitô hữu đạt tới sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa được quy hướng trong Mười Điều Răn của Thiên Chúa và được tóm lại thành hai điều quan trọng là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (x. Mt 22,35-40). “Khi thực hành các bó buộc luân lý, người Kitô hữu phải mong yêu mến Thiên Chúa vì chính Người, Đấng yêu thương nhân loại chứ không phải Đấng thưởng phạt. Người Kitô hữu sống trong ân sủng đã khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa đến tình yêu tha nhân”[5].
Đứng trước tình hình ngày càng phức tạp của cuộc sống, Giáo Hội ngày càng tỏ rõ quan tâm tới việc hướng dẫn đời sống luân lí của các Kitô hữu: “Thật vậy, chỉ có luân lý mới chạm đến bản tính toàn vẹn của con người, một tạo vật có lý trí do Thiên Chúa tạo dựng và được mời gọi vào đời sống siêu nhiên, nếu trung thành tuân giữ nghiêm minh lề luật luân lý, con người sẽ đạt tới sự hoàn thiện và hạnh phúc trọn vẹn”[6].
Như thế đối với người Kitô hữu việc tuân giữ luật luân lý sẽ giúp ta hướng đến mục đích tối hậu là hạnh phúc Nước Trời.
Kết luận: Rõ ràng là nếu muốn sống đúng phẩm giá con người thì không thể chỉ tìm điều nào có lợi hay thích thú, mà còn phải tìm kiếm những điều tốt hay những điều phù hợp với phẩm giá con người tức là luật luân lí, con người không thể sống mà không có luật luân lí. Trong tâm thức tự nhiên, con người đã luôn muốn điều tốt luân lí, huống nữa là trong tâm thức của những người được cứu độ.
Đã thấy tầm quan trọng của luân lí như thế, cả trong ý thức tự nhiên lẫn trong ý thức tôn giáo, người kitô hữu chẳng những không né tránh luân lí, mà còn phải tìm cách xây dựng đời sống luân lí ngày càng tốt hơn, xứng với phẩm giá kitô hữu và khai thác những nét riêng của luân lí Kitô Giáo.
Vũ Thị Châu
[1] Từ điển Công Giáo, tr 548
[2] GLHTCG, số 1950
[3] Từ điển Công Giáo, tr 548
[4] Sách GLHTCG số 1954, tr 562
[5] http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/luan-ly-trong-cuoc-doi-6691.html
[6] CĐ Vatican II, hiến chế truyền thông- Inter Mirifica, số 6, tr. 379
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”