Viết cho em – Cậu bé vùng Tây Bắc

518 lượt xem 21 Tháng Sáu, 2018

VIẾT CHO EM – CẬU BÉ VÙNG TÂY BẮC

“Các chị là những người đầu tiên dám lên đỉnh núi cao nhất này đấy. Trước kia những anh chị sinh viên đến đây chỉ dám leo lên dãy đồi thấp thấp bên kia thôi, vì không có sức”- Vừa nói em vừa chỉ tay theo hướng ruộng bậc thang phía bên kia đỉnh đồi. Từ trên cao nhìn xuống là cả vùng huyện Trạm Tấu nằm gọn trong tầm nhìn.

Em – cậu bé 15 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, da xạm đen đậm chất núi rừng Tây Bắc. Sùng Phứ – “hướng dẫn viên nhí” của chúng tôi. Gọi như vậy, vì những ngày ở Giáo xứ, em dẫn chúng tôi đi thăm quan các đỉnh núi, ngắm ruộng bậc thang và cảnh đẹp của vùng Tà Ghênh. Em nhanh nhẹn, hoạt bát và là “thông dịch viên” giúp chúng tôi giao tiếp, trò chuyện với những người H’mông bản xứ.

Buổi chiều ngày thứ hai, chúng tôi ghé thăm gia đình em. Ngôi nhà nằm gọn phía trên dốc ngọn đồi.

Đến trước cửa nhà, chúng tôi bắt gặp những em nhỏ mặt mũi nhem nhuốc, mắt tròn xoe nhìn chằm chằm vào “những người lạ”. Thấy nhà cửa bề bộn, chị em chúng tôi mỗi người một việc, giúp quét dọn cho sạch sẽ, ngăn nắp. Một lát sau thì Sùng Phứ về, thở hổn hển, thì ra em vừa mới chạy tít lên ngọn đồi trên kia để sửa ống nước, nếu không thì cả gia đình phải chịu cảnh không có nước sinh hoạt. Vừa thổi cơm bên bếp lửa, chúng tôi vừa nghe em tâm sự.

Em là con đầu trong gia đình có tám anh em, và mẹ đang mang bầu đứa thứ chín. Bố mẹ đi làm cả ngày, vì thế Phứ phải lo toan hết mọi việc trong nhà và lo luôn cả bảy đứa em nhỏ của mình. Phứ ra dáng là một người anh trưởng thành. Bình thường em đi học trên huyện, mỗi năm chỉ về hè với tết, nên mỗi dịp về em lại tranh thủ giúp đỡ bố mẹ. Em hay nói, hay cười, thế nhưng khi nói về bố mẹ, em rưng rưng nước mắt.

Gia đình nghèo, tất cả gánh nặng đều đặt lên vai người bố. Có lúc ông đã không kìm nổi sự nóng giận và buồn bực, vì thế ông thường tìm đến rượu. Những lần bố say xỉn là những lần không còn biết đến vợ con. Phứ ghét điều đó nhưng em lại càng thương bố nhiều hơn. Mẹ em – một người phụ nữ hi sinh và yêu thương chồng con hết mực, sẵn sàng đón nhận những đứa con mà Chúa ban cho như một quà tặng và niềm an ủi.

Chúng tôi hỏi về ước mơ của em sau này, em cười:“Em thích đi tu để đến những vùng khó khăn như quê hương em và phục vụ nhũng con người ở đó”

Một ước mơ thật cao đẹp của cậu bé 15 tuổi vùng Tây Bắc.

Sự trưởng thành của em khiến em cảm nhận được khó khăn của cuộc sống gia đình mình. Vì thế ở trường em là học sinh giỏi, về nhà em là người anh yêu thương các em hết mực. Chúng tôi hỏi đùa: “Thế bây giờ có người xin mấy em nhỏ để nuôi, em có cho không?”. Em trả lời dứt khoát:” Không ạ, em của mình mà, với lại không nơi đâu bằng gia đình của mình cả chị ạ”.

Thế đấy, trong hoàn cảnh như vậy ẹm vẫn vui vẻ, lạc quan và yêu thương giúp đỡ mọi người. Nhìn em, chúng tôi học được rất nhiều điều. Phải chăng, con người H’mông cũng giống như núi rừng H’mông, rộng lớn, bao la và để lại trong lòng người những cảm xúc khó tả.

Ran