Văn minh tình thương – Chúa nhật V Phục Sinh, năm C

222 lượt xem 14 Tháng Năm, 2022

“Hỡi các con bé nhỏ, Ta chỉ còn ở với các ngươi một ít nữa… Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: Là hãy yêu thương nhau. Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau. Chính điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau”(Ga 13:33a-35).

Một câu nhắn nhủ biến thành một lệnh truyền, với bốn lần tiếng gọi yêu thương được nhắc đến, phải là một tâm tình quan yếu được ôm ấp qua bao tháng năm, nay được thổ lộ vì e rằng ngày giờ đã tận.

Một linh mục nhận xét: những gì được trăn trối trong giây phút cuối đời là những tâm tư sâu kín, tha thiết, và chân thành nhất của một con người. Những đứa con thảo hiếu, những môn đệ trung tín, hay các bạn bè tâm giao, không thể không ghi lòng và thi hành những lời nói sau cùng của người thân yêu sắp ra đi.

Đức Giêsu, trước tử nạn, ngay trong buổi biệt ly, đã thố lộ với các môn đệ nỗi niềm sâu kín nhất mà Ngài đã dành trót cuộc đời để phác hoạ và dẫn lối con người: Hãy yêu thương nhau.

Yêu thương chính là dấu chỉ thuộc về Đức Kitô. Mỗi tôn giáo đều có một số hình ảnh tiêu biểu giúp nhận diện tôn giáo mình. Ví dụ, với người Hồi giáo là việc cầu nguyện năm lần mỗi ngày. Với người Ấn giáo là hãm mình phạt xác và kiêng thịt bò. Với anh em Phật giáo có thể là diệt dục hay chay trường. Nhưng riêng những người tin Chúa Kitô, dấu tỏ mình theo Ngài phải là dấu yêu thương.

Yêu thương chính là Đạo Giêsu. Người có Đạo phải là người biết yêu thương. Ai sống yêu thương là đang bước đi trên lối đường của Đạo. Khi chân thành thực thi bác ái, người có Đạo phô diễn rõ nét chân dung vị Sư Phụ của mình: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ Ta: ấy là các ngươi có lòng yêu mến nhau” (Ga 13:35).

Nhưng lòng yêu mến đó không chỉ dừng lại trên căn bản của cảm xúc, đam mê, hay ích lợi riêng tư. Vì yêu như thế chỉ là yêu như tôi muốn chứ không phải yêu như Chúa muốn. Điều mà Đức Giêsu trăn trối trong bữa tiệc ly là hãy yêu nhau như Ngài đã yêu thương. Yêu đến hy sinh, phục vụ, và quảng đại thứ tha như Ngài đã làm gương.

Kể là chuyện bất thường khi đường đường là một bậc thầy mà lại quì xuống rửa chân cho môn đệ. Đây hẳn là một hành động quên mình phục vụ tha nhân. Đức Giêsu muốn dùng chính hành động này để dạy bảo: “Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau” (Ga 13:34). Thế ra quên mình phục vụ tha nhân là dấu chỉ của tình yêu mà Đức Kitô mong muốn.

Yêu như Đức Kitô đã yêu còn là việc hy sinh tự hiến. William Barclay đã diễn tả trong một bài viết: “Nếu tình yêu là Thập giá thì Chúa Giêsu cũng sẵn sàng tiến tới đó. Lắm khi người ta lầm tưởng tình yêu là những thứ gì hạnh phúc. Phải, đích cùng sẽ là thế. Nhưng tình yêu cũng thường mang lại đau thương và đòi hỏi khổ giá”. Tình yêu đã thúc đẩy Đức Giêsu tiến lên khổ giá để mang lại hạnh phúc và sự sống cho con người.

Yêu như Đức Kitô đã yêu cũng còn đòi hỏi một tấm lòng quảng đại tha thứ. Từ trên thập giá, trong nỗi đau đớn tận cùng, trước bao tiếng la hét cuồng dại, cứ tưởng Đức Giêsu sẽ căm giận và ngăm đe một hình phạt tàn khốc. Thế nhưng người ta lại chỉ nghe được lời khẩn nài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Lại nữa, với những môn đệ đã từng bỏ rơi hay chối từ Ngài trong lúc cần kíp, Ngài cũng không chấp nhất. Đúng là không có lầm lỗi nào mà tình yêu của Đức Kitô không vươn tới và bao trùm.

Như vậy, để trở thành môn đệ chân chính của Đức Kitô, tôi phải thường xuyên tự vấn mình có đang sống yêu thương như Tin Mừng đòi hỏi chăng? Tình yêu của tôi có chứa đựng một cân lượng nào của phục vụ, hy sinh, hay tha thứ không? Nếu không thì dấu chỉ tôi có Đạo hẳn còn mờ mịt lắm thay! Chắc hẳn biến cố sau đây cũng đáng cho ta ghi nhận khi nói đến yêu thương như Đức Kitô:

Căn nhà của Frank Turner, trong thành phố Dallas bị phóng hoả. Một vài câu nói mang tính chất kỳ thị được viết trên cánh cửa ga-ra. Thiệt hại vật chất vượt quá 50 ngàn đô la. Những tổn thương tinh thần cũng không nhỏ lắm. Thế nhưng lời tâm sự của anh Frank đã làm cho nhiều người ngỡ ngàng: “Là con người, tự nhiên nghĩ đến việc trả thù. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng không phải mọi người da trắng đều xấu, cũng như không phải tất cả mọi người da đen đều tồi… Nếu tôi trả thù thì không chừng tôi lại xúc phạm đến các người lành. Điều tôi mong ước bây giờ là được Thiên Chúa dẫn lối đưa đường.” Frank nhìn nhận rằng chính niềm tin đã giúp anh tránh được thù hận.

Được biết Frank đang tu học để trở thành một thừa tác viên trong hội thánh Thanh Tẩy. Điều này đã khiến anh cương quyết hơn trong việc tha thứ và không nghĩ đến báo thù. Sự kiện bị đốt nhà và những tâm tình của Frank đã được báo chí địa phương Dallas nói đến.

Không biết sau này anh ta có trở thành một thừa tác viên để phục vụ hội thánh của mình không, nhưng tinh thần và thái độ hy sinh tha thứ, không gây hận thù tang thương cho bất cứ ai -vì anh tin vào Đức Giêsu- đã trở nên dấu chứng hùng hồn cho tình yêu và sự hiện hữu của Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.

Có nhiều người tự cho mình là văn minh ưu chủng, đồng thời khinh miệt và huỷ diệt kẻ khác không chỉ thể xác nhưng còn cả trí tuệ, không chỉ là sự sống thể lý nhưng còn cả phương diện tâm linh. Như thế là phản văn minh. Vì như một tác giả nhận định: “Loài người đã vượt qua những chặng đường văn minh: từ văn minh của lửa, của thời đồ đá, đồ đồng, đến văn minh nông nghiệp, công nghiệp, tin học. Thế nhưng chóp đỉnh của tất cả mọi nền văn minh mà con người đang không ngừng vươn tới từng ngày là văn minh tình yêu. Ai biết yêu thương, người ấy mới thật sự là người văn minh, có văn hoá thật, và là người có sự sống sung mãn.”

Có yêu thương là có sự sống. Càng thương yêu sự sống càng phong phú tràn đầy.

Trước khi bước lên thập giá như một dấu chỉ yêu thương tột đỉnh, Đức Giêsu đã truyền đạt cho con người nền văn minh tình yêu-văn minh sự sống. Nhưng thử hỏi hiện nay tôi đang đạt đến thứ văn minh nào? Đồ đá hay đồ đồng? Sự sống hay sự chết? Tha thứ hay hận thù? Trấn áp hay phục vụ?

Để đạt được cao điểm của văn minh, điều tôi phải thực thi là nhắm thẳng vào Đức Kitô mà tiến bước.

– Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn –