“Từ thiện” là gì? Làm từ thiện như thế nào là ý nghĩa?
< Hãy cùng tâm sự và chia sẻ để chúng ta có những nhìn nhận đúng đắn hơn về hoạt động xã hội này >
Đầu tiên, “từ thiện” là một hành động giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác xuất phát từ tấm lòng nhân ái ( thương người ). Từ thiện là một từ Hán Việt (慈善) kết hợp giữa hai từ: “Từ” là nhân từ, từ tâm và Thiện là tốt lành. Vậy từ thiện có nghĩa là làm việc tốt từ lòng thương. Những hành vi, việc làm tốt mà không xuất phát từ lòng thương thì không được gọi là “Từ Thiện”.
Vì từ thiện là một hành động tự nguyện, nên không có một nguyên tắc bắt buộc nào nhưng phải đi chung với việc không vụ lợi (vì lợi ích cá nhân) và tự nguyện làm những điều tốt (thiện nguyện)
Hiểu một cách rộng ra, bạn đưa một bà cụ qua đường, bạn nhường đường cho xe cứu thương, cảnh giác cho người đi đường một tên móc túi hay chỉ đơn giản “chân chống kìa!” cũng là từ thiện. Nếu bạn quan niệm từ thiện là chỉ dành cho những người giàu, những doanh nghiệp cần lấy lòng xã hội, những bạn trẻ dư thừa thời gian và đối tượng được từ thiện là người nghèo, người khuyết tật hay không có khả năng tự chăm sóc bản thân thì tôi chắc bạn đã sai lầm.
Cho tiền người ăn xin là giúp đỡ họ hay đẩy họ lún sâu hơn vào việc xin ăn, trong khi bản thân số tiền đó chưa chắc họ đã được lấy. Giúp đỡ người khác là tự đặt mình vào nguy cơ bị lừa đảo hay chỉ cần đơn thuần là sống với tình yêu và niềm tin cuộc sống.
Các tổ chức thiện nguyện được lập ra làm tiêu phí thời gian của tình nguyện viên mà hiệu quả đạt được không mấy ý nghĩa hay là đã tạo môi trường cho các bạn ấy rèn luyện kĩ năng mềm, tình thương người, nhận được vốn sống và niềm vui từ những hành động tưởng như nhỏ nhoi. Để từ đó những con người lớn lên với niềm tin cuộc sống sẽ tạo dựng một xã hội của giàu mạnh và yêu thương.
Các doanh nghiệp làm từ thiện rốt cục là vì đánh bóng tên tuổi hay bản thân họ với tiềm lực của mình lại đã làm được những chương trình mang nhiều ý nghĩa hơn, đồng thời hiệu quả đạt được nếu có lại giúp doanh nghiệp phát triển đóng góp tiền thuế cho nước nhà, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người và lại thúc đẩy họ làm tiếp chương trình khác ý nghĩa hơn.
Nên chăng trực tiếp phát cơm từ thiện hay tạo dựng những quán cơm 5.000đ để người nhận bớt đi cảm giác xin cho, giá trị của bản thân được trân trọng và bản thân tổ chức cũng thu lại được một phần tiền để tiếp tục duy trì.
Tôi là một người đã từng tham gia các hoạt động thiện nguyện trong một thời gian dài và đã bỏ tâm huyết của mình để gây dựng một tập thể vững mạnh, một không gian rất “thiện” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau hướng thiện, giúp họ thay đổi lại cách nhìn nhận cuộc sống. Và tôi nghĩ rằng, mình làm những việc này không phải mình đang giúp họ mà là đang tự giúp chính bản thân mình. Vì sao tôi lại nói vậy?
– Thứ nhất, khi đi làm thiện nguyện tâm hồn chúng ta được thư thái, cảm giác như muộn phiền trong lòng tan biến vì đã làm được việc tốt hoặc cảm thấy mình là người có ích.
– Thứ hai, sau khi gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn chúng ta mới nhận thức và luôn nhắc nhở bản thân rằng: “mình vẫn chưa phải là khổ”. Đôi khi chúng ta hay than thở, phàn nàn về cuộc sống nhưng hay đâu bên cạnh mình vẫn còn những người cơ cực hơn, thiếu thốn hơn mà họ lại còn nghị lực hơn ta.
– Thứ ba, bạn sẽ học được cách chia sẻ, học được cách quan tâm đến mọi người, học được cách yêu thương. Lòng nhân ái và sẵn sàng chia sẻ là những đức tính vô cùng quý báu của con người và không phải ai cũng có được.
Hãy làm những gì đúng với lương tâm, cùng những kinh nghiệm sống đã trải qua, sự suy xét kĩ càng mà bạn cho là đúng đắn. Và bởi mỗi người có những quan niệm về đạo đức, có lối sống khác nhau, đừng bao giờ vội vàng đánh giá đúng sai.
Đó là những gì tôi muốn trao đổi cùng bạn về những quan điểm của tôi về hai chữ “từ thiện”
– Phạm Duy Phong –
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ