Tu sĩ trẻ hiện diện trong lĩnh vực truyền thông
Chúng ta đang sống trong thời mà truyền thông đã trở thành một phần tất yếu của đời sống con người. Trong buổi gặp gỡ các bạn trẻ tại trường Cao Đẳng Công giáo trong chuyến tông du đến Singapore Đức Thánh Cha Phanxicô miêu tả:“Các bạn trẻ không sử dụng các phương tiện truyền thông là đang tự đóng kín chính mình”. Mỗi người, không ngoại trừ những người sống đời tận hiến, không thể không dấn thân vào thế giới truyền thông đang nở rộ. Nhờ đó, có thể nghe biết vô số tin tức trên thế giới từ những người khác và cũng có thể tự mình loan truyền thông tin từ phía mình cho người khác biết. Tuy vậy, có những tin thật, có những tin giả, có những thông tin giúp con người nối kết lại với nhau, cũng có những thông tin làm cho con người trở nên xa cách, đối đầu và thù oán nhau. Như thế, thay vì cấm đoán hay bận tâm tu sĩ chỉ nên dùng iphone đời nào, dung lượng bao nhiêu… thiết nghĩ chúng ta cần chú trọng tới vấn đề giáo dục mỗi tu sĩ để họ sử dụng các phương tiện truyền thông cách hiệu quả nhất. Như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã nhắn nhủ cách đặc biệt những người sống đời thánh hiến khi hiện diện trong lãnh vực truyền thông xã hội để truyền giáo:“Phải đề cao cảnh giác trước sự sử dụng lệch lạc các phương tiện truyền thông, nhất là vì khả năng thu hút phi thường”. [1]
Những người trẻ mới bước vào đời sống tu trì đã có khả năng làm truyền thông. Rất nhiều trang mạng xã hội, webside… được giao quyền quản lý cho các tu sĩ trẻ. Hơn nữa trong lĩnh vực truyền thông, mỗi người không chỉ đón nhận thông tin mà còn là chủ thể truyền thông. Không chỉ khi viết bài nghiên cứu hoặc quay một cuốn phim, nhưng ngay cả khi viết một bản tin, một dòng bình luận, đăng tải một bức hình… là đang làm truyền thông rồi. Nếu mỗi người làm những việc đó “trong tình yêu và chân lý” thì sẽ trở thành người loan báo Tin Mừng.
Tu sĩ phải sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội
Truyền thông là một lãnh vực rộng lớn và nhiều phức tạp, nhưng đó lại là một lợi thế hơn là một mối đe dọa. “Giáo hội cần khám phá những cách thế để tận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng vào kế hoạch mục vụ và hoạt động mục vụ, nhờ biết sử dụng cách hữu hiệu mà sức mạnh của Tin Mừng có thể đến và tiếp xúc một cách rộng rãi với từng cá nhân cũng như với tất cả các dân tộc”. [2]
Trong vai trò là con cái Giáo hội, mỗi tu sĩ sẽ phải cảm thấy mắc lỗi với Chúa nếu không sử dụng những phương tiện rất hiệu lực đó, những phương tiện vẫn được trí thông minh con người làm cho ngày càng hoàn bị hơn. Chính nhờ chúng mà mỗi tu sĩ có thể “rao trên mái nhà” (Mt 10,27; Lc 12,3) sứ điệp giao cho mình gìn giữ. Mỗi tu sĩ khi hiện diện trong lĩnh vực truyền thông cần phải xem chúng như một tòa giảng theo kiểu hiện đại và hiệu nghiệm. Để qua mỗi tu sĩ, Giáo hội nói được với đại chúng. Hơn nữa, bản thân các tu sĩ cũng nên học hỏi thêm thật nhiều về các phương tiện truyền thông. Thật vậy, “Giáo hội sẽ được phục vụ tốt hơn, nếu càng ngày càng có nhiều người nắm giữ chức vụ và thi hành phận sự nhân danh Giáo hội được huấn luyện về việc truyền thông”. [3]
Tu sĩ luôn quan tâm đến các phương tiện truyền thông
Giáo hội tìm thấy nơi các phương tiện truyền thông một sự trợ giúp quý báu cho việc truyền bá Tin Mừng và các giá trị tôn giáo, cho việc cổ võ đối thoại, sự hợp tác đại kết và liên tôn và cho cả sự bảo vệ những nguyên tắc cứng rắn thiết yếu cho việc kiến tạo một xã hội tôn trọng phẩm giá con người và chú ý đến thiện ích chung. [4] Ý thức được những lợi ích to lớn truyền thông mang lại trong việc loan báo Tin Mừng, mỗi tu sĩ cần tiếp đón và theo dõi từ những phát minh liên quan đặc biệt tới tinh thần con người, đến những phát minh tạo thêm những phương thế mới để truyền thông một cách dễ dàng tin tức, tư tưởng và mệnh lệnh. Việc học biết những ứng dụng mới trên các phương tiện truyền thông như Facebook, Twitter, Telegram, WhatsApp, LINE, Snapchat, Pinterest, Viber, Reddit, Discord… cũng là việc làm cần thiết bởi các ứng dụng luôn gắn liền với phương tiện. Hiểu đợi lợi ích và biết cách sử dụng những ứng dụng đó sẽ giúp mỗi người sử dụng cách hiệu quả hơn hầu mang lại kết quả tốt đẹp trong sứ vụ.
Một số đức tính cần thiết khi hiện diện trong lãnh vực truyền thông
Khôn ngoan – thận trọng
“Về việc tường thuật, mô tả hay trình bày điều xấu về phương diện luân lý, ngay cả bằng những phương tiện truyền thông xã hội, chắc chắn có thể giúp nhận biết và khám phá con người một cách sâu rộng hơn, giúp bày tỏ và biểu dương vẻ huy hoàng của điều Chân, điều Thiện, nhờ các tác động kịch nghệ thích hợp; tuy nhiên để khỏi làm hại hơn là làm ích cho các tâm hồn, các hoạt động trên vẫn phải tuyệt đối tuân theo luật luân lý…”. [5]
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Việc đăng tải phổ biến các tin tức giả cũng nói lên một nền văn hóa đã đánh mất ý thức về sự thật”. Chính vì thế, khôn ngoan và thận trọng là đức tính cần thiết để thấy rõ những gì hàm chứa – tức là tiềm năng làm ra điều tốt và điều xấu – trong phương tiện truyền thông mới mẻ này và biết đáp ứng cách sáng tạo những thách đố và những cơ hội của phương tiện truyền thông.
Công bằng
Công bằng là đức tính cần thiết khi làm việc để khép lại sự phân chia theo kỹ thuật số – để lấp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo thông tin trong thế giới hôm nay. Muốn thế, cần phải cam kết phục vụ ích lợi chung của thế giới, hay có thể nói, cam kết “toàn cầu hoá sự liên đới”. Công đồng Vatican II và nhiều tài liệu khác nhau của Giáo hội không ngừng đề cập đến lãnh vực truyền thông trong đời sống Giáo hội: “Thách đố lớn nhất của thời đại chúng ta đối với các tín hữu và tất cả những người thiện chí là làm sao duy trì được sự truyền thông trung thực và tự do để giúp củng cố tiến bộ toàn diện trên thế giới”. Chỉ khi tông trọng sự thật, công bằng nhìn nhận vấn đề thì truyền thông mới có thực sự hoàn thành sứ mạng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng và văn minh.
Dũng cảm
Ngày nay, mọi người không ngoại trừ tu sĩ, đã tiếp nhận tiềm năng lớn lao của các phương tiện truyền thông để tạo điều kiện dễ dàng cho việc kết nối, giao tiếp và hiểu biết giữa các cá nhân và cộng đoàn và sử dụng chúng để giao tiếp với bạn bè, để gặp gỡ những người bạn mới, để tạo nên những cộng đồng và những mạng lưới, để tìm kiếm thông tin và tin tức, để chia sẻ tư tưởng và ý kiến của mình… Trong không gian truyền thông rộng lớn ấy, mạnh mẽ và can đảm cũng là điều vô cùng cần thiết. Nghĩa là mỗi người, cách riêng là tu sĩ phải biết đứng lên bảo vệ sự thật trước chủ nghĩa tương đối hoá trong tôn giáo và luân lý, đứng lên bảo vệ tinh thần vị tha và quảng đại trước chủ nghĩa tiêu thụ cá nhân, đứng lên bảo vệ sự thanh cao trước nhục dục và tội lỗi.
Tiết độ – kỷ luật chính mình
Cho dù đã chọn con đường bước theo Đức Kitô, người tu sĩ cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của nếp sống đương đại. Và thực tế, những ảnh hưởng của chúng đã tạo nên một mẫu người tu sĩ khác hơn so với những thế hệ trước đây. Thoáng nhìn, chúng ta nhận thấy các phương tiện truyền thông đã mở ra nhiều cửa ngõ mới lạ, đem lại những tiện ích lớn lao cho việc thăng tiến con người. Chúng đáp ứng những nhu cầu học hỏi, nghiên cứu, giao tiếp, đồng thời làm cho đời sống chúng ta thêm phong phú và tiến bộ rất nhiều nhờ việc tiếp cận với kho tàng kiến thức trong tầm tay, nắm bắt được nhiều tin tức và sự kiện đang diễn ra trong thế giới. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt phải và mặt trái của nó. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, Tổng Giáo phận Denver nói rằng: “Sự tiến bộ vật chất và kỹ thuật không bao giờ là một điều may mà chẳng có pha trộn với điều không may”. Vì thế, việc sử dụng các phương tiện truyền thông đòi hỏi chúng ta phải có sự trưởng thành, quân bình và đủ ý thức trách nhiệm để chúng thực sự mang lại ích lợi và những hiệu quả mong muốn. Nếu không hiểu hết được những tác hại khi sử dụng không đúng mục đích những phương tiện mới mẻ này, tu sĩ khó có thể điều chỉnh bản thân theo những phương cách đã được huấn luyện và theo kỷ luật của Hội dòng/cộng đoàn.
Trong công cuộc loan báo Tin Mừng, người sống đời thánh hiến được mời gọi để gặp gỡ con người ở chính nơi mà họ đang ở. Người tu sĩ trước đây đã dùng mọi phương thế để thực hiện điều đó. Thì ngày nay, khi mạng xã hội là thế giới của người trẻ mỗi người cần dấn thân để có mặt, hiện diện trong thế giới ấy. Mỗi người được mời gọi “Hãy để ý đến lợi ích của toàn thể Giáo hội và các giáo phận mà thích nghi công việc với nhu cầu thời đại và địa phương, sử dụng những phương thế thích hợp, cả những phương thế tân tiến”.[7] Các phương tiện truyền thông và mạng xã hội là một phương thế tân tiến, mang lại rất nhiều hữu ích nhưng cũng không tránh được những lệch lạc khi sử dụng. Tạo được giá trị tốt đẹp hay để lại những “vết bẩn” khi hiện diện trong lãnh vực truyền thông là ở lựa chọn của mồi người. Mỗi chúng ta cần không ngừng cầu xin Chúa ban ơn giúp chúng ta khơi trong con tim và tâm trí của mình để những điều chúng ta thông truyền cho người khác đều là những tin vui, tin mừng chân thật, tích cực và tốt lành. Nhờ đó, Giáo hội có thể mở mang Nước Chúa qua sứ mạng “Loan báo Tin Mừng” ngang qua “món quà truyền thông được Thiên Chúa ban tặng”.
[2] ĐGH Gioan Phaolo II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 48
[3] Đạo đức trong truyền thông, số 26
[4] Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, MSV, Truyền thông để loan báo Tin Mừng, Nxb Tôn Giáo 2018, tr.22
[5] Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông (Inter Mirifica), số 7
[6] Tông thư Sự Phát Triển Nhanh Chóng, số 13
[7] Perfectae caritatis, số 20
Thiên An
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ