ĐỜI SINH VIÊN – NHỮNG TRẢI NGHIÊM
Là chị cả của 5 đứa em trong một gia đình khá khó khăn, tôi là một người có phần chín chắn hơn mấy đứa bạn cùng trang lứa. Bạn bè thường chê bai tôi một cách hóm hỉnh là “bà cụ non”. Chắc vì cái “khôn trước tuổi” đó mà ngày tôi bước chân vào cánh cổng đại học, tôi đã bỏ lại đằng sau sự vô tư, hồn nhiên của tuổi mới lớn để theo đuổi sự nghiệp học hành phía trước và một mục tiêu rất quan trọng nữa. Rời xa gia đình thân yêu mà lòng tôi nặng trĩu, canh cánh một nỗi niềm tuy không lớn lao gì nhưng cũng không thể nói là không quan trọng.
Ngay những ngày đầu của đời sinh viên, tôi lao vào theo đuổi mục tiêu quan trọng đó, làm thêm để đỡ đần bố mẹ. Đọc đến đây chắc hẳn sẽ có bạn thắc mắc rằng bạn này sao ham làm vậy? Đi học thì có bố mẹ cấp thì lo gì chứ? Đúng vậy đi học ắt hẳn bố mẹ phải lo chứ. Nhưng… Gia đình tôi đông con, bố mẹ tôi, những con người coi ốm đau như cơm bữa, trong mắt những người con như tôi, họ như là ai đó mà không có ngôn từ nào có thể nói hết được sự hi sinh mà họ dành cho chúng tôi, để cả 6 chị em tôi được học hành đến nơi đến chốn. Tiền bạc là thứ mà chúng tôi không thích nhắc đến nếu không muốn nói là ghét. Là sinh viên ai mà chẳng muốn quây quần bên gia đình ngày cuối tuần thay vì ở lại nơi chốn thị thành tuy náo nhiệt nhưng lòng cô đơn, hiu quạnh vì nhớ nhà. Tôi cũng vậy, thèm cảm giác vui vẻ bên mâm cơm, được bố mẹ, em út hỏi thăm ríu rít mỗi lần về quê. Nhưng tôi cũng sợ về quê, vì sợ vì ghét cái khoảnh khắc ra đi, không phải vì nhớ mà vì phải xin tiền, phải thấy cảnh bố mẹ mới sáng ra đã phải chạy đi vay tiền cho con đi. Mắt thấy mà lòng quặn thắt. Đó là lí do đấy các bạn.
Là sinh viên năm nhất nhưng tôi chạy đủ nghề, đủ việc từ gia sư, chạy bàn đến rửa bát, PR,…Nhưng khổ nỗi việc gì tuổi thọ cũng dưới trung bình, chỉ được tháng là cùng. Tuy vậy số tiền kiếm được cũng đỡ đần phần nào cho bố mẹ nên tôi không từ bỏ “niềm đam mê” làm thêm. Sau khi tiếp sức mùa thi cho các sĩ tử, tôi không do dự tìm việc làm thêm ngay. Du lịch quanh thành phố, lướt web, làm không công mấy hôm, tôi xin vào làm cho một quán nước vỉa hè ngay trước cổng trường đại học của tôi. Hai tháng hè, hai tháng làm thêm, thời gian không dài không ngắn, vừa đủ cho tôi trải nghiệm và cảm nghiệm.
Những ngày đầu đi làm về toàn thân tôi rã rời, tối về nằm mà đau nhừ cả người như “linh hồn lìa khỏi xác” vậy, vì phải cạo mía cả ngày. Cái nghề này cũng oái ăm lắm các bạn ạ. Có khi ngồi buồn từ sáng đến tối mà chẳng có khách nào, có khi một lượt mấy chục người vào một lúc, vừa cạo mía, vừa xay vừa bưng bê, vừa lau dọn, bắt chân lên cổ chạy cũng chẳng kịp. Cái kiếp buôn bán vỉa hè ấy mà, thấy thanh tra đô thị còn sợ hơn cả thấy ma. Nó đến mà chưa dọn kịp thì nó hốt hết không chừa cái gì, ngay cả cái ghế gãy. Vì thế mới thấy cái xe xanh xanh của tụi nó xa từ đằng tít đã phải cuống cuồng ôm đồ mà chạy, chạy quắn đít. Ôm luôn cái máy xay mía hơn nửa tạ cứ rứa mà chạy, có khi tuần 1 lần, nhưng có khi ngày mấy lần luôn. Đúng là kiếm được tiền thiên hạ không phải dễ. Làm từ 6h30 sáng đến 6h tối mà được trăm ngàn, không cơm.
Vì chuyện không cơm mà nó nảy sinh ra lắm chuyện lắm các bạn ạ. Tiền lương khi nào nghỉ họ mới trả, ứng thì cũng chỉ dám vừa đủ trả tiền phòng, mà mang tiếng đi làm thêm thì đâu dám gọi về xin tiền bố mẹ nên túi khi nào cũng cháy khét lẹt, khói bốc um sùm luôn. Lúc nào cũng cơm một món: rang. Có khi thêm món rau xào, một bữa đi chợ 10 ngàn đồng ăn 2-3 ngày. Có hôm làm về muộn, chỉ kịp tắm rửa, bụng đói, tay không, lộc cộc đạp xe đi lễ. Ra về trời mưa tầm tã, đợi 20 phút mà không có tiến triển, tôi đành ngậm ngùi đầu trần chân đất đạp xe dưới trời mưa trong tiếng cười của người đi đường. Về phòng, không thức ăn, không gia vị, chỉ biết cắm cháo trắng ăn với bột súp, vừa ăn vừa khóc, khóc vì tủi thân, khóc vì nghĩ tới gia đình, nghĩ tới những con người vô gia cư tôi vô tình bắt gặp ngoài kia không có ăn không có mái nhà, không chỗ để gối đầu. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đúng vậy, có vào đời, lăn xả vào nó rồi mới biết là gì, là thế nào? Tôi biết như thế nào mới là một người nghèo, một người giàu “đúng chất, đúng vị” bởi vì có nhiều người “ nghèo bạc nghèo tiền nhưng giàu nhân nghĩa”. Trong thời gian đi làm, tôi bắt gặp một bà cụ 80 tuổi, lưng còng, tóc bạc quê tận Thanh Hóa đi bán hàng rong. Mỗi ngày, bà bắt đầu hành trình từ bến xe Vinh, đến trưa thì qua đến Đại học Vinh, chỗ tôi làm. Bữa trưa của bà chỉ là nửa cái bánh mì vừa mặn vừa khô mà tụi sinh viên chúng tôi ví ăn món ấy như là “nhai giẻ rách”, rồi lại tiếp tục hành trình về bến xe. Nghe bà kể, bà phải đi làm về nuôi đứa con trai bị tật nguyền, mà mỗi ngày bà cũng chỉ kiếm được may thì năm, bảy chục không thì chỉ vài chục, có hôm nhẵn túi. Chỗ ngủ của bà là hiên nhà người ta, gốc cây, gầm cầu. Nhìn bà ăn trưa, ngẫm đến cuộc của bà, tôi cảm thấy đau, đau lòng cho số phận của bà và những người cùng cảnh ngộ với bà, xấu hổ vì bản thân lúc nào cũng “bán than”. Tuy tôi không được như nhiều người nhưng còn hạnh phúc hơn vô số người. Thế rồi, cái thời nghiệt ngã đó cũng qua, cầm trong tay mấy triệu tiền lương thì cái thời ấy cũng qua nhường chỗ cho năm học mới.
Đó mới là trải nghiệm, còn cảm nghiệm nữa, cảm nghiệm tình thương của Chúa. Tôi làm ở quán tự quản, người ta chỉ đến lấy tiền còn lại mình tự lo vì vậy chỉ tiêu đầu tiên để được làm là thật thà. Khi được biết tôi là sinh viên Công giáo, thái độ và cách cư xử của chị chủ quán đối với tôi khác hẳn so với lời kể của các nhân viên trước về chị. Chị tin tưởng tôi, thương tôi, có gì chị cũng cho tôi,…Với tôi, tôi cũng không làm gì trái với lương tâm. Chị lúc nào cũng khen người Công giáo nhà mình thật thà,hiền lành, chịu thương chịu khó. Nghe chị khen mà lòng tôi cứ như nhảy múa. Tôi rất tự hào và hạnh phúc vì mình là một Ki tô hữu, một sinh viên Công giáo Vinh. Đặc biệt, thời gian đó, tôi cũng cảm nghiệm được tình Chúa lớn lao thế nào trong cuộc đời tôi. Hè về, bạn bè về quê, ở trọ một mình, tôi cô đơn nên đành làm bạn với Chúa. Tôi đi làm, ăn, ngủ cùng Chúa, vì vậy mặc dù vất vả nhưng có Chúa nên tôi vẫn vui. Và nếu không có Chúa, có Mẹ ở cùng thì đời tôi cũng chẳng ra gì, các Ngài bảo vệ tôi khỏi những cám dỗ, những kẻ xấu hòng mưu hại tôi. Tôi biết ơn và yên mến người Bạn, người Yêu và người Thầy tuyệt vời nhất đời tôi.
Năm hai tôi vào ở lưu xá nên tôi không đi làm thêm nữa, rồi năm ba, tôi vào nhà dòng đi tu. Mỗi lần nhớ lại thời gian đó, lòng tôi nghe xốn xang, thấy cay cay khóe mắt, những trải nghiệm và cảm nghiệm về tình Chúa, tình người từ hai tháng làm thêm đó vẫn theo tôi, giúp tôi tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Ước mong mỗi bạn sinh viên, cách riêng là các bạn sinh viên Công giáo nên sắp xếp thời gian tìm một việc làm thêm nào đó để vừa có thêm thu nhập đỡ đần bố mẹ vừa để gia tăng kinh nghiệm sống, nhưng luôn nhớ phải lấy việc học lên hàng đầu vì đó chỉ là “part -time job”, và cũng luôn nhớ là làm mọi việc vì Chúa và trong Chúa.
07/20……
Teresa nhỏ
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết