TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT
“Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài” là bộ phim cổ Trung Quốc nổi tiếng được trình chiếu từ thuở thời tivi không màu; ai đã sinh ra vào cái thời đói kém của thế hệ 8x, 9x ắt hẳn sẽ không thể nào quên kí ức tuổi thơ dữ dội ấy được. Nhớ lại những ngày đèn điện còn chập chọe, cả xóm quây quần quanh nhau ở nhà chú xóm trưởng. Hàng trăm con mắt đổ dồn vào cái tivi bé xíu, mê mẩn đến nỗi quên cả đói, cả mệt. Bộ phim hấp dẫn ấy kể về câu chuyện tình đẹp nhưng vô cùng đau thương của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Câu chuyện tình ấy lôi cuốn người xem qua những tình tiết gay cấn từ sự tàn nhẫn của lòng ghen tuông và hận thù. Tuy nhiên, bộ phim lại kết thúc trong nước mắt trước cái chết của hai nhân vật chính. Không thể chấp nhận được cái kết “không có hậu” ấy, nhiều người đau lòng quá đỗi, tôi vẫn còn nhớ ngày ấy cả xóm tôi, kẻ im lặng ra về trong nước mắt, người bình phẩm, người phê phán, thậm chí có người chửi cả đạo diễn.
Tôi không nghĩ vậy, cảnh kết để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, đã bao năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in cảnh cuối phim: đôi tình nhân đã khuất được chôn cạnh nhau và rồi từ giữa hai nấm mồ bất động hiện ra hai con bướm lộng lẫy, chúng quấn quýt lấy nhau, sải đôi cánh tự do bay vào không trung bất tận.
Cái nhìn phiến diện về đời thường đôi khi kiến ta suy nghĩ thiện cẩn, những quan điểm và chính kiến hạn hẹp về luật nhân quả khiến ta dễ dàng phẫn uất; không chỉ trên phim nhưng ngay giữa đời thường cũng đầy rẫy những cảnh đời oái oăm, nạn nhân của sự bất công chưa bao giờ là “cạn kiệt” cả. Cố tìm sự hoàn hảo tuyệt đối trong thế giới này sẽ làm ta thêm mệt mỏi và tuyệt vọng bởi mọi thứ trên đời chỉ là tương đối, bao lâu còn sống chúng ta còn thấy sai lỗi và bất công, còn thấy yếu đuối và sự dữ tràn lan.
Quan niệm Phật Giáo tin vào kiếp luân hồi, kiếp này làm người bất hạnh thì hãy còn kiếp sau; sau khi trải qua các kiếp luân hồi sẽ được đầu thai làm người và có cuộc sống viên mãn hơn, ông trời có mắt sẽ không phụ lòng những người sống có tâm mà phải chịu đau khổ. Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài chỉ thuộc trọn về nhau khi họ bỏ lại thân xác phàm trần và hóa kiếp thành loài bướm. Tôn giáo nào cũng có điểm sáng của nó, nhưng liệu rằng với thân phận làm người dưới sự chi phối của nội cảnh và ngoại cảnh, chúng ta có đạt tới hạnh phúc đích thực được chăng, hay chỉ là cái vòng luẩn quẩn từ kiếp này đến kiếp kia?
Giáo Hội Công Giáo qua biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Con Thiên Chúa đã mở ra cho nhân loại con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực. Bao lâu còn sống ở trần gian là bấy lâu con người còn phải đau khổ, mọi sự sung sướng chỉ là nhất thời, nó đem lại những khoái cảm chóng qua và vụt tắt như những làn khói ảo mộng. Càng chạy theo và tìm kiếm chúng, sẽ lại càng rơi vào bế tắc và sa đọa. Đạo Công Giáo mang trong mình niềm tin “chính cốt” vào mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
“ Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây Thập Tự.” (Pl 2, 6-8)
Nơi đây chính Thần Minh đích thân xuống trần gian trong thân phận con người nghèo nàn như câu nói dân dã nói về người cùng cực: “nghèo rớt mồng tơi”. Người chịu chết đau đớn dù chẳng có tội chi, cái chết bất công của Người là để chuộc tội tất cả nhân loại, bởi xưa kia sau khi con người đầu tiên sa ngã do lòng kiêu ngạo (x. St 3), sự sa ngã ấy làm cho “sự chết lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” thì nay nhờ Đức Ki-tô mà muôn người được sống (x.Rm 5,12,18). Chưa dừng lại ở đó, như hạt giống khi gieo xuống đất phải thối đi, phải chết đi thì mới nảy nở ra mầm sống mới, Đức Giê-su đã chết để được sống lại vinh hiển, cái chết giờ đây chẳng còn quyền chi đối với Người, Người không còn phải đau khổ và được giải thoát khỏi mọi cực hình của thế gian.
Không giống như Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài sau khi chết hóa kiếp sâu bướm để được tự do, Đức Ki-tô đã chỗi dậy sau ba ngày chôn trong mộ với “thân xác” nguyên vẹn, vinh hiển và sáng ngời. “Người trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu, nhờ Người mà kẻ chết được sống lại và ai liên đới với Đức Ki-tô thì được Thiên Chúa cho sống mãi muôn đời” (x. 1Cr 15,20-22).
Đạo Công giáo hướng con người tới sự sống sau cái chết, nếu chết là hết thì con người khác chi con vật, chỉ để làm mồi ngon cho đám sâu bọ rúc rỉa. Đức Ki-tô Phục Sinh đã thiết lập vương quốc vĩnh hằng dành cho những ai tin vào Người. Cái chết chỉ là bước ngoặt để con người bước vào sự sống vĩnh hằng cùng với Đức Ki-tô. Đây là niềm hy vọng để con người dù sống giữa cảnh khốn khổ của áp bức và bất công vẫn vươn lên để sống chân – thiện – mỹ, đó chính là đôi cánh giúp ta bay vào vương quốc hạnh phúc của Đức Ki-tô.
Chúa ơi là con của Chúa, là ma sơ bé nhỏ của Chúa đây, Chúa đã chịu chết và sống lại để cứu chuộc con nhưng đã bao mùa lễ qua đi mà con chẳng thay đổi được gì nhiều, vẫn yếu đuối và sai phạm. Xin làm mới lại niềm tin non nớt của con, xin giúp con chỗi dậy khỏi vũng lầy cái chết của tội lỗi, của sự thất vọng và chán chường vì những thất bại ê chề trong cuộc sống. Xin giúp con nên giống Chúa mỗi ngày một hơn để như các người nữ trong Tin Mừng hôm nay luôn làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người qua đời sống chứng tá của mình, hầu ngày càng có nhiều người biết đến Chúa hơn. Lạy Đức Ki-tô là Đấng ban phát sự sống xin cứu độ con và toàn thế giới.
Thiên San
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ