Tin Mừng và Văn Hóa

167 lượt xem 9 Tháng Năm, 2019

Kể từ sau những năm hậu bán thế kỷ XX, có thể nói vấn đề văn hóa đang là một thách đố lớn đối với sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội Công Giáo. Chính trong bối cảnh đó, chúng ta thấy xuất hiện thuật ngữ “hội nhập văn hóa,” điều đó diễn tả mối tương quan giữa Tin Mừng và văn hóa đang được quan tâm hàng đầu. Sự xuất hiện nhiều văn kiện của Giáo Hội cũng như của các Hội Đồng Giám Mục, trình bày về vai trò của văn hóa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội chứng minh điều đó. Trong đó có một ý tưởng có thể được coi là trọng tâm: Tin Mừng không lệ thuộc trực tiếp vào một nền văn hóa đặc thù nào, đồng thời, Tin Mừng đến với các dân tộc qua con đường văn hóa. Để khai triển ý tưởng trên, người viết sẽ trình bày theo lược đồ sau: (1) Một số khái niệm, (2) Tin Mừng không lệ thuộc trực tiếp vào một nền văn hóa nào, (3) Tin Mừng đến với các dân tộc qua con đường văn hóa.

1. Một số khái niệm

Bởi ý tưởng trên liên quan đến Tin Mừng và văn hóa đặc thù, nên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ qua về hai khái niệm: Tin Mừng và văn hóa.

Tin Mừng: mặc dù là duy nhất, nhưng có thể được hiểu theo ba nghĩa sau: thứ nhất, Tin Mừng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người (x. Ga 1,14; Pl 2,6-7). 1 Thứ hai, Tin Mừng ấy nói đến sứ điệp cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại với nội dung chính: “Nước Trời đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). 2 Nghĩa thứ ba là lời rao giảng của các Tông Đồ về cuộc đời, sứ vụ rao giảng và nhất là biến cố khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô (x. Cv 2,22-39) và được lưu truyền qua các bản văn Tin Mừng. 3

Văn hóa: Mặc dù đã có rất nhiều khái niệm đưa ra, nhưng để có được một khái niệm bao quát được trọn vẹn và đầy đủ về văn hóa thì chưa có, bởi văn hóa là một thực tại năng động gắn liền với cuộc sống con người. Ở đây, xin trích dẫn khái niệm tổng quát của Giáo Hội Công Giáo qua Công Đồng Vaticanô II: “Văn hoá chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tinh thần và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; làm cho  đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn.” 4

Sau khi nắm được hai khái niệm cách tổng quát, người viết sẽ khai triển ý tưởng tương quan giữa Tin Mừng và các nền văn hóa đặc thù của các dân tộc trong chương trình cứu độ nhân loại.

2. Tin Mừng không lệ thuộc trực tiếp vào một nền văn hóa đặc thù nào

Mặc dù giữa văn hóa và con người có sự liên kết chặt chẽ theo như khái niệm trên, nhưng lại có ý tưởng rằng Tin Mừng không lệ thuộc trực tiếp vào một nền văn hóa đặc thù nào. Vậy phải hiểu ý tưởng này như thế nào? Ý tưởng trên muốn nói đến tính độc lập của Tin Mừng đối với văn hóa đặc thù, điều đó căn cứ trên bản chất cũng như “phạm vi tác động” của chính Tin Mừng. Chúng ta cùng tìm hiểu theo ba nghĩa của Tin Mừng: là chính Đức Giêsu Kitô, là Nước Thiên Chúa và là lời rao giảng của các Tông Đồ cũng là của Giáo Hội.

Nghĩa thứ nhất: Tin Mừng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Bởi Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, nên Người đã có ngay từ khởi đầu cùng với Thiên Chúa Cha và chính nhờ Người mà vạn vật được tạo thành (x. Ga 1,1-3). Chính nhờ Đức Giêsu Kitô mà vũ trụ được dựng nên trong đó có con người, và khi có con người thì cũng đồng thời xuất hiện nền văn hóa. Như vậy, qua công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô mà có các nền văn hóa khác nhau. Hơn nữa, mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu nhờ Chúa Thánh Thần trong chương trình cứu độ con người, là do bởi thánh ý đầy lòng thương xót của Chúa Cha chứ không do bởi ý định của con người.

Nghĩa thứ hai: Tin Mừng chính là sứ điệp cứu độ mà Đức Giêsu Kitô mặc khải cho nhân loại, mà nội dung chính là loan báo về Nước Thiên Chúa đang đến gần, kêu gọi tất cả mọi người sám hối và đón nhận (x. Mc 1,15). Lời kêu gọi sám hối ấy không loại trừ một ai, vì tất cả con người chúng ta đều là tội nhân cần được cứu độ (x. 1 Ga 1,8-10; Cv 26,20), dù họ có khác nhau về màu da, sắc tộc, địa vị và cả văn hóa (x. Mt 8,11). Một khi được cứu độ, chính là lúc họ trở nên công dân của Nước Thiên Chúa, một Nước mang tính phổ quát bao trùm cả văn hóa đặc thù của các dân tộc. Sẽ “không cá nhân nào, không quốc gia nào, không nền văn hoá nào mà không bị tác động bởi lời mời gọi của Đức Giêsu thốt lên từ chính giữa lòng của thân phận con người.” 5

Nghĩa thứ ba: Tin Mừng còn có nghĩa lời rao giảng của các Tông Đồ 6 và cũng là của Giáo Hội (x. Ep 2,20) công bố về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và làm chứng về con người Đức Giêsu Kitô, từ nhập thể đến sứ vụ rao giảng, nhất là biến cố khổ nạn và phục sinh (x. Cv 2,22-39). 7 Các Tông Đồ ra đi rao giảng theo lệnh truyền của chính Đức Giêsu Kitô trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo…” (Mc 16,15); và một thời gian sau thì những lời rao giảng đó được biên soạn lại trong bốn tác phẩm, gọi là các Sách Tin Mừng 8. Như vậy xét về phạm vi rao giảng, theo lệnh truyền của chính Đức Giêsu thì các Tông Đồ cũng như Giáo Hội phải rao giảng cho mọi dân tộc ở mọi nơi, mọi thời và đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8) 9 bất chấp mọi ngăn trở. 10 Xét về tác giả các Sách Tin Mừng, mặc dù có mượn chữ viết và văn phong của con người…, nhưng tác giả chính của Sách ấy lại là Thiên Chúa chứ không phải loài người; hơn nữa xét về nội dung, thì những lời rao giảng cũng như các Sách Tin Mừng ấy đều quy về Đức Giêsu Kitô, Đấng duy nhất cứu độ chúng ta. 11 Ở nghĩa này, chính Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Bởi sứ mệnh và bản chất, Giáo Hội không cấu kết với một hình thức văn hóa nhân loại đặc thù, hoặc một chế độ chính trị, kinh tế hay xã hội nào.” 12 

Như vậy, Tin Mừng Đức Giêsu có thể hòa hợp được các nền văn hóa lại với nhau, nhưng vẫn giữ được tính không lệ thuộc hay sự độc lập với các nền văn hóa đặc thù. Theo nguyên tắc là như thế, nhưng trong thực tại lịch sử cứu độ thì Tin Mừng ấy không thể hoàn toàn tách rời khỏi các nền văn hóa.

3. Tin Mừng đến với các dân tộc qua con đường văn hóa

Con người là một thụ tạo cao cả vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), nhưng đã sa ngã phạm tội. Thế nhưng vì yêu thương, Thiên Chúa hứa ban Con Một để cứu độ toàn thể nhân loại (x. St 3,15). Để thực hiện được chương trình cứu độ ấy, Thiên Chúa đã chấp nhận đi vào lịch sử của con người để cứu độ con người. 13 Nhưng: “con người luôn luôn sống trong một nền văn hóa của riêng mình” 14 và “chính nhờ văn hóa mà con người đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn,” 15 nên giữa con người và văn hóa có sự liên hệ chặt chẽ và định dạng lẫn nhau. Theo Công Đồng Vaticanô II: “Giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa nhân loại có nhiều mối liên hệ. Thực vậy, khi tự mặc khải cùng dân Người cho tới khi tỏ mình đầy đủ trong Chúa Con nhập thể, Thiên Chúa đã nói theo văn hóa tiêng của từng thời đại.” 16 Vì thế, Tin Mừng đến với con người cũng như các dân tộc qua con đường văn hóa hay còn gọi là “hội nhập văn hóa” (inculturation), được thể hiện qua mầu nhiệm nhập thể, mặc khải về Nước Thiên Chúa và sứ vụ loan báo Tin Mừng của các Tông Đồ cũng như Giáo Hội.

Đức Giêsu Kitô nhập thể là nền tảng và khuôn mẫu cho hội nhập văn hóa

Đức Giêsu nhập thể đã kết hợp hai bản tính Thiên Chúa và con người với nhau trong một Ngôi Vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa (x. Pl 2,6-7; Cl 2,9). Sự kết hợp bản tính đó có thể xem như sự hội nhập giữa “văn hóa Trời” và “văn hóa người,” cũng có thể nói đó là sự “hội nhập bản tính.” 17 Khi trình bày về mầu nhiệm nhập thể tương qua với văn hóa, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định: “Mẫu thức trung thực cho cuộc hội nhập văn hóa chính là cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời: “một ‘cuộc trao đổi văn hóa’ (acculturation), hoặc ‘cuộc hội nhập văn hóa’ (inculturation), sẽ thực sự là phản ánh cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời, khi mà một nền văn hóa, được Tin Mừng thay hình đổi dạng và tái sinh, làm sản sinh khởi đi từ chính truyền thống sống động của riêng mình những cách thức diễn tả độc đáo sự sống, việc cử hành và tư tưởng Kitô Giáo”, nhờ nảy mầm từ nền văn hóa địa phương, nhờ trân trọng các hạt giống của Ngôi Lời (semina Verbi) và tất cả những yếu tố tích cực hiện diện trong nền văn hóa ấy, nhờ mở nó ra với các giá trị của Tin Mừng.” 18

Theo quan điểm đó, Peter Schineller nói rằng: Nhập thể được xem như là khuôn mẫu chính yếu cho việc mang niềm tin Kitô Giáo vào các nền văn hóa. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng mối liên hệ giữa niềm tin Kitô Giáo và văn hóa thì rộng hơn so với nghĩa “nhập thể”. 19 Chính qua con đường văn hóa, Đức Giêsu đã nhập thể để cứu độ con người, Người sẽ luôn luôn là trung tâm của vũ trụ và lịch sử, 20 và là điểm quy chiếu của tiến trình hội nhập văn hóa (x. Cv 4,12). Sau khi nhập thể, Chúa Giêsu đã bắt đầu một triều đại mới, triều đại của Nước Thiên Chúa mà chính Người là hiện thân và qua sứ điệp rao giảng, Người mặc khải cho nhân loại nhận biết hầu sống xứng đáng trở nên công dân của Nước đó (x. Lc 12,32).

Đức Giêsu Kitô mặc khải về Nước Thiên Chúa

Khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã loan báo về Nước Thiên Chúa đang đến gần (x. Mc 1,15; Mt 4,17). Ngoài ý nghĩa nói về chính Chúa Giêsu, 21 Nước ấy còn là một thực tại, “được sống bởi con người là thành phần gắn liền với văn hóa, và việc xây Vương Quốc không thể nào tránh được sự vay mượn những yếu tố văn hóa hay những văn hóa nhân loại.” 22 Việc “Phúc Âm hóa chính là làm cho Vương Quốc của Thiên Chúa hiện diện trong thế giới.” 23Nước Thiên Chúa là một thực tại siêu nhiên (x. Lc 1,33) nhưng cũng là thực tại ngay ở trần gian (x. Mt 12,28), đó là nơi mà tình yêu ngự trị, nơi con người sẽ cảm nghiệm được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc đích thực, hướng tới sự kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Mặc dù con người là tác giả của văn hóa, 24 nhưng con người lại cũng là đối tượng được văn hóa định dạng, 25 nên để canh tân và đưa con người vào sống trong Nước ấy thì con đường văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng. Nước Thiên Chúa sẽ “hội nhập” vào các nền văn hóa sẵn có của các quốc gia, các tổ chức, các dân tộc và các cá nhân để không ngừng tinh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Bước vào Nước Thiên Chúa, “những đức tính của mọi thời đại như được Phúc Âm làm cho phong phú từ bên trong, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô nhờ những ân huệ bởi trời.” 26 Nước Thiên Chúa như là men (x. Mt 13,33), là hạt giống nảy mầm (x. Mc 4,14) và Nước ấy sẽ thành toàn trong ngày cánh chung (x. Mt 25,34). Để tiếp tục sứ vụ, Chúa Giêsu đã gọi và tuyển chọn Nhóm Mười Hai là “nền tảng” của Giáo Hội (x. Ep 2,20; Kh 21,14), để họ ở với Người và sai đi loan báo Tin Mừng (x. Mc 3,13-14) nơi các dân tộc với những văn hóa đặc thù của họ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Sứ vụ loan báo Tin Mừng của các Tông Đồ và cũng là của Giáo Hội

Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy thi hành lệnh truyền của Đấng Phục Sinh, các Tông Đồ đã mau mắn loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đi khắp mọi nơi, với mọi ngôn ngữ, màu da, sắc tộc, văn hóa… để cho tất cả nhờ tin vào Đức Giêsu và chịu Phép Rửa mà được được cứu độ (x. Mt 28,19-20). 27 Như vậy tự bản chất, Giáo Hội là truyền giáo (x. Cv 1,8; 1 Cr 9,16). 28 Khi thi hành sứ vụ của mình, Giáo Hội theo gương Đức Giêsu Kitô nhập thể không được tách việc loan báo Tin Mừng ra khỏi các nền văn hóa. 29 Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định: “Mỗi một nền văn hóa và mỗi nhóm xã hội cần được thanh luyện và trưởng thành, vì thế rất cần thiết để Phúc Âm hóa các nền văn hóa, để hội nhập Tin Mừng.”30 Chúng ta xác tín rằng chính những gì là tốt đẹp, những gì là chân lý và ân sủng đã có nơi các văn hóa thuộc các dân tộc chính là “mầm chân lý” của chính Thiên Chúa đã gieo vãi, để rồi với những hoạt động của mình, Giáo Hội sẽ làm cho nó được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất trong Chúa Giêsu Kitô. 31 Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh: “Việc phân rẽ giữa Tin Mừng và văn hóa thực sự là một thảm kịch của thời đại chúng ta, cũng như đã xảy ra ở những thời đại khác.” 32 Quả thật là không thể loan báo Tin Mừng cho các dân tộc mà lại không tôn trọng sự tự do của họ, sự tự do ấy được biểu hiện qua những văn hóa đặc thù cần được trân trọng và đối thoại. Vì mối liên hệ chặt chẽ giữa con người và văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội: “Văn hóa là không gian sống động, trong đó, con người đến với Tin Mừng, mặt giáp mặt” 33 mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định. Người nói tiếp:

“Chúng ta sẽ không hiểu con người cách trọn vẹn được nếu ta không đặt con người vào trong bối cảnh văn hóa của họ, bằng cách lưu ý đến ngôn ngữ, lịch sử của họ, quan điểm của họ trước các biến cố nền tảng của đời sống, chẳng hạn như việc chào đời, tình yêu, lao động và cái chết. Trọng tâm của mọi nền văn hoá là thái độ của con người trước huyền nhiệm lớn lao nhất: mầu nhiệm Thiên Chúa. Từ căn bản, các nền văn hoá khác nhau là những cách thức khác nhau để đối diện với vấn đề ý nghĩa cuộc sống của mỗi người. Nếu loại bỏ vấn đề này thì nền văn hoá và đời sống luân lý của các quốc gia sẽ bị băng hoại.” 34

Qua việc làm chứng và loan báo về Tin Mừng, Giáo Hội đang làm cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý (x. 1 Tm 2,4-6). Thật là tuyện vời theo như Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Một nền văn hóa phổ biến được Phúc Âm hóa chứa đựng nhiều giá trị đức tin và tình liên đới, có thể gợi lên việc xây dựng một xã hội công bằng và đáng tin cậy hơn, và khôn ngoan nhận thức được sự biết ơn.” 35 Bởi vì: “Chính Thiên Chúa đang sống giữa các thị dân, đang cố gắng đi tìm sự liên đới, tình huynh đệ, khao khát điều thiện hảo, điều chân thật, điều công bằng.” 36 Như vậy, xuất phát từ bản chất truyền giáo, Giáo Hội trở nên cầu nối giữa Tin Mừng và các nền văn hóa đặc thù của các dân tộc. Giáo Hội sẽ Tin Mừng hóa hay là “hội nhập Tin Mừng” các nền văn hóa như Đức Gioan Phaolô II xác quyết:

“Qua hội nhập văn hóa, Giáo Hội nhập thể Tin Mừng vào các nền văn hóa khác nhau và đồng thời dẫn đưa các dân tộc cùng với các nền văn hóa của họ vào cộng đoàn Kitô hữu. Giáo hội truyền thông cho các dân tộc những giá trị của mình, đồng thời đón nhận những gì tốt đẹp trong các nền văn hóa đó và đổi mới chúng từ bên trong.” 37

Việc hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hóa, không chỉ biểu hiện qua chính đời sống và lời rao giảng của Giáo Hội, nhưng còn qua các bản văn Tin Mừng. Bản văn Tin Mừng gồm bốn cuốn, các cuốn sách ấy được chính các Tông Đồ hoặc các đồ đệ của các đấng ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần 38 về cuộc đời, lời giảng dạy, cuộc khổ nạn và sự sống lại của Chúa Giêsu, để nhờ đó chúng ta tin vào Người và được cứu độ (x. Ga 20,31). 39 Các sách Tin Mừng đó vừa là lời của Thiên Chúa, nhưng cũng đồng thời là lời của con người, 40 đó “chính là kết quả của một quá trình lâu dài góp nhặt và biên soạn trong những điều kiện văn hóa – xã hội cụ thể.” 41

Qua những gì đã phân tích, cho ta phần nào thấy được tương quan giữa Tin Mừng và các nền văn hóa đặc thù của các dân tộc, khởi đi từ mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu, cũng như những sứ điệp mặc khải về Nước Thiên Chúa và sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, để cứu độ con người. Chúng ta nhận ra được tự bản chất và “phạm vi hoạt động,” Tin Mừng độc lập với các nền văn hóa đặc thù. Thế nhưng xét trong thực tại lịch sử cứu độ thì văn hóa lại chính là con đường để Tin Mừng có thể đến và cứu độ các dân tộc.

John Phạm

Ghi chú

1– X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Dei Verbum, số 04, b.t. Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, (Đà Lạt, 1972), 489-490.
2– X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, số 05, b.t. Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, (Đà Lạt, 1972), 146-148.
3– X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, số 17.
4– Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium et Spes, số 53, b.t. Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, (Đà Lạt, 1972), 811.
5– X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Ecclesia in Asia (06/11/1999)số 14.
6– X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Dei Verbum, số 07.
7– X. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nutiandi (08/12/1975), số 22.
8– X. Công Đồng Vatincanô II, Hiến Chế Dei Verbum, số 11.
9– X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium et Spes, số 58.
10– X. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nutiandi, số 50.
11– X. Thánh Bộ Vaticanô II – Văn Phòng Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Dominus Iesus (06/8/2000), số 13, b.d. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2013), 56-60.
12– Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 42.
13– X. Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, số 03, b.t. Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, (Đà Lạt, 1972), 604-605.
14– Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn Văn Lịch Sử Đọc Tại Trụ Sở UNESCO (02/6/1980), số 06, được trích bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Verbum Domini (30/9/2010), số 109, b.d. Ủy Ban Kinh Thánh Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2011), 228.
15– Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium et Spes, số 53.
16– Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium et Spes, số 58.
17– X. Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, số 03.
18– Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Verbum Domini (30/9/2010), số 114.
19– X. Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, 51-52.
20– X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemtor Hominis (04/3/1979), số 01.
21– X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế, Lumen Gentium, số 05.
22– Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nutiandi, số 20.
23– Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013)số176.
24– X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium et Spes, số 55.
25– X. Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, 42.
26– Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Gaudium et Spes, số 58.
27– X. Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, số 05.
28– X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Lumen Gentium, số 17, và Sắc Lệnh Ad Gentes, số 02.

29– X. Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, số 10.
30– Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 69.
31– X. Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Ad Gentes, số 09.
32– Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nutiandi, số 20.
33– Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Ecclesia in Asia (06/11/1999), số 21.
34– Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus (01/5/1991), số 24.
35– Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 68.
36– Ibid., số 71.
37– Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, số 52.
38– X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Dei Verbum, số 07.
39– X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Tiểu Ban Từ Vựng, “Phúc Âm”, trong Từ Điển Công Giáo 500 Mục Từ, (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2011), 272.
40– X. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Verbum Domini, số 11.
41– Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, 65.

Nguồn: nguontinhuu