LỜI CHÚA: Mc 1, 12 -15
Hôm nay chúng ta bước vào mùa chay, mùa mà Giáo Hội đưa chúng ta tiến vào mầu nhiệm Thập Giá và Phục sinh của Đức Ki-Tô. Chính Chúa Giê-su bước vào đời sống của chúng ta và mang thử thách của chúng ta trên thân xác của Ngài. Mùa chay là mùa thử thách của Chúa Giê-su cũng là thử thách của chúng ta nơi Người. Ngài mang thử thách của chúng ta tới cùng.
Chúa Thánh Thần đẩy Chúa Giê-su vào sa mạc để Ngài ăn chay bốn mươi đêm ngày và sau đó Ngài bị cám dỗ. Chúa Giê-su đã sống thử thách này, Ngài đặt mình vào vị trí của chúng ta. Đời sống của chúng ta là một thời gian thử thách, thử thách trong tình yêu, trong chân lý. Chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su vô tội, công chính, hôm nay Ngài sống thân phận con người dòn mỏng của chúng ta. Cám dỗ là một thực tế của kiếp người, Chúa Giê-su là anh cả của chúng ta nên Ngài cũng phải trải qua tình trạng này. Công việc của Ngài là giải phóng nhân loại khỏi sa tan, việc đó không thể không có sự đụng độ của hai bên( St 3,15). Ngài là Con Cha yêu dấu, là Adam mới, là Israel mới, Ngài sẽ chiến thắng trên những gì mà Adam cũ, Israel cũ đã sa ngã. Cám dỗ nằm trong chương trình cứu độ của Ngài.
Để tường thuật diễn tiến của thử thách, Mac-cô dùng những hình ảnh Thánh Thần, sa mạc, Sa tan, dã thú, các Thiên sứ để chỉ tầm quan trọng của những gì sẽ xẩy ra. Ngài không nói trực tiếp về cám dỗ, nhưng Ngài giúp chúng ta dừng lại ở màu nhiệm mà Ngài sắp vén mở. Theo thánh Mác- cô, chúng ta không biết Chúa Giê-su sống ở sa mạc ra sao, nhưng chúng ta biết chắc Ngài đang phải đương đầu với một cuộc chiến nội tâm rất khốc liệt. Một trận chiến mà Chúa Giê-su sẽ là đối tượng thắng thua giữa Thánh Thần và sa tan. Chúa Giê-su đang sống lại trận chiến của vườn địa đàng xưa( St 3). Ngài cũng sống cái trận chiến của thời tận cùng của sách Khải Huyền( Kh 12, 7-9), đó là trận chiến của các tông đồ và chúng ta sẽ phải trải qua. Đó là Thánh Thần luôn nghinh chiến với con rồng, quyền lực chống lại Thiên Chúa. Và miêu duệ của Ngài là chiến trường cho trận chiến này. Ở sa mạc, Chúa Giê-su cùng với tất cả tạo vật nhập cuộc: tạo vật hữu hình và vô hình chống lại Chúa Giê-su, như sau này nó sẽ chống lại lúc Chúa hấp hối nơi vườn cây dầu( Lc 22, 43). Nhưng Chúa Giê-su đã vượt ra khỏi sự thử thách này khi Ngài đối đầu với sự dữ và đã thắng cuộc.
Nếu ngày xưa cửa trời đóng lại vì tội của Adam thì ngày nay cửa trời rộng mở nhờ Đấng đã chiến thắng sự dữ.
Thánh Phaolo nói: “ Chúa Giê-su nên giống anh em mình mọi đàng ngoại trừ tội lỗi ( Dt 2,17-18). Chúa Giê-su đồng hóa với chúng ta, Ngài bị cám dỗ như chúng ta. Ngài không được miễn chuẩn khỏi đau khổ, cô đơn…Ngài hạ cố để nếm cảm sự chiến thắng cũng như sự thất bại là sự chết. Người chia sẻ sự yếu đuối cũng như cám dỗ của chúng ta. Đây là màu nhiệm sâu sa nhất của tình yêu Thiên Chúa.
Qua cám dỗ, Chúa Giê-su hiểu chúng ta, chúng ta có thể đến gần Ngài với niềm tin tưởng Ngài sẽ thương xót, ban ơn thánh và cứu giúp chúng ta.
Cuộc sống là một chuỗi cám dỗ không ngưng nghỉ vì Thánh Phao lo cho chúng ta biết điều này: Ma quỉ như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé. Nếu muốn chiến thắng chúng ta phải khiêm tốn cậy dựa vào Chúa. Người sành bơi lội đã cho chúng ta kinh nghiệm bơi giữa sóng biển như thế nào để không bị sóng vùi dập. Khi bơi giữa biển sóng, họ áp dụng nghệ thuật không đối đầu nhưng lẩn tránh. Khi đang bơi gặp sóng đến, họ lặn xuống dưới nước chờ cơn sóng đi qua. Sau đó họ nổi lên và tiếp tục hành trình của mình không khó khăn. Nhưng nếu họ để mặc hay chống lại sóng, con sóng sẽ đẩy họ, ném họ thật xa. Khi họ bắt đầu bơi tiếp thì con sóng khác lại ập tới. Cứ như thế, mệt sức mà chẳng tới được nơi định đến. Người chìm dưới con sóng sẽ bơi cách dễ dàng và không mệt nhọc. Họ có thể tiếp tục bơi như họ muốn và hoàn tất những gì họ đã làm. Chiếc cám dỗ cũng vậy, hãy chịu đựng với sự kiên nhẫn và khiêm tốn cậy dựa vào sức mạnh của Chúa, nó sẽ qua mà không gây thương tích. Nhưng nếu ta lo lắng, buồn sầu, nổi loạn… thì chính chúng ta sẽ đau khổ và cám dỗ sẽ đè bẹp chúng ta. Kết quả là nó chẳng những không giúp ta thăng tiến trên đường thiêng liêng nhưng còn vùi dập ta là đàng khác.
Kẻ cám dỗ rất khôn khéo, nó giăng bẫy để chúng ta sa lưới lúc nào không hay. Lưới nó giăng không dễ nhận ra sự thâm độc ẩn đằng sau. Chúng ta cũng dễ bị quyến rũ bởi vẻ bề ngoài, bởi sự ngon ngọt như những con côn trùng bị quyến rũ bởi mùi thơm và sự ngọt ngào của cạm bẫy. Chúng ta không thể cưỡng lại sự quyến rũ này và có khi còn đắm mình trong các phấn hoa đến độ đắm đuối trong đó. Hơn nữa ma quỉ khôn ranh đội lốt Thiên Thần để đánh lừa chúng ta. Nhưng ai bén nhậy trước lời mời gọi của Chúa sẽ dễ nhận ra mưu thâm chước độc của kẻ thù.
Theo tu đức, cám dỗ rất cần thiết cho đời sống thiêng liêng. Vì nhờ cám dỗ chúng ta được thêm công phúc, công phúc của người chiến đấu, công phúc của người trung thành, công phúc của người can đảm chọn Chúa và đứng về phía Chúa.
Cám dỗ cũng giúp chúng ta khiêm tốn vì cảm được sự mỏng dòn yếu đuối của mình nên không dám dương dương tự đắc về sự tốt lành của mình. Người luôn bị cám dỗ sẽ ý thức mình cần phải cậy dựa vào Chúa để có thể vượt qua những thử thách mà tự sức mình không thể.
Cám dỗ còn giúp ta luyện nhân đức cách vững chắc hơn. Thử thách giúp ta kiên cường hơn trước sóng gió. Một người không trải qua những sóng gió sẽ không học được bài học quí giá từ đau khổ. Đau khổ rèn luyện ta nên người nhẫn nhục chịu đựng.
Cám dỗ thúc đẩy ta sống gắn bó với Chúa hơn để được nâng đỡ, dạy dỗ.
Cám dỗ cho ta hiểu đời này chỉ là phù du mau qua vì khi chạy theo cám dỗ ta thấy mình mất sự bình an, giảm tình yêu mến Chúa và xung khắc với tha nhân. Khi kinh nghiệm được điều này chúng ta sẽ sống siêu thoát hơn không bám vào những sự đời này.
Cám dỗ cũng cho chúng ta có những kinh nghiệm khôn ngoan để giúp người khác, vì bài học này chỉ học được qua kinh nghiệm bản thân, qua cuộc sống thử thách.
Sau thử thách Chúa sẽ cho chúng ta cảm được niềm vui của sự chiến đấu, của sự trung tín với Chúa. Niềm vui thánh thiện này Chúa ân thưởng cho kẻ chọn Chúa và đặt Chúa trên tất cả mọi sự trần gian.
Hôm nay chúng ta nhìn Chúa Giê-su ăn chay và cầu nguyện trong sa mạc đã lay động chúng ta rất nhiều, nó bắt buộc chúng ta nhìn vào đời sống chúng ta. Nếu chúng ta muốn một đời sống mới, chúng ta bắt buộc phải thay đổi đời sống. Muốn thay đổi đời sống thì trước hết phải thay đổi tư duy, thay đổi trái tim, mà mùa chay đang kêu gọi chúng ta phải hoàn tất qua việc cầu nguyện. Hãy can đảm nói không với những cám dỗ đang làm chúng ta xa Chúa và xa anh em.
Sám hối và cầu nguyện luôn luôn là lời mời gọi của Gíao hội trong mùa chay. Để sống được lời mời gọi này đòi chúng ta phải nổ lực chiến đấu chống lại thói quen của ươn lười, của tật xấu, của sự khô khan nguội lạnh. Hãy cố gắng để thời gian đền tội và chiến đấu này trở thành niềm vui vì chúng ta đang tiến về hừng đông của mùa phục sinh có ánh sáng của Chúa sưởi ấm và chiếu sáng.
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ