THIÊN CHÚA ĐANG Ở ĐÂY , NGAY BÊN CẠNH CHÚNG TA
SUY NIỆM : Mt 28, 20
“ Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế .”
Mở:
Đứng trước những đau khổ, những mất mát đau thương, những bước đường cùng của phận người, nhân loại hôm nay đang mất dần niềm tin vào Thiên Chúa. Họ dần gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống, hay nói đúng hơn con người đã làm giấy” khai tử” cho Ngài. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi: “Thiên chúa ở đâu trong lúc tôi đau khổ? Ngài có thực sự hiện diện hay phải chăng ngài đã chết” ?
Là một Ki-tô hữu trẻ, lại là người đang chập chững bước theo Chúa Giê-su trong ơn gọi gọi Thánh Hiến, làm sao để có thể trả lời cho những vấn nạn đó? Làm sao để cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại, đã không làm ngơ trước những đau khổ của con người nhưng Ngài đã tự nguyện từ bỏ ngai trời xuống thế và chịu chết để cứu độ thế nhân?
Đứng trước những câu hỏi hóc búa ấy , con muốn được viết lên những suy nghĩ của bản thân không nhằm để trả lời hay giải thích nhưng như chỉ là nỗi lòng, những thao thức muốn được tâm sự, ngỏ cùng Thiên Chúa, qua đó hy vọng đức tin của con ít nhiều sẽ được lớn lên và thêm một lần xác tín rằng có một vị Thiên Chúa đã đến và đã làm người trong lịch sử nhân loại, Đấng ấy tên là “Giê-su”. Và con tin rằng tình yêu, lòng nhân hậu của Ngài đã hơn một lần có mặt trong lịch sử đời con thì chắc chắn cũng luôn hiện diện nơi cuộc sống của từng con người trong suốt hành trình sống của họ.
Thiên Chúa có đó không ?
Có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với con, trong thân phận làm người, chắc chắn ai trong chúng ta ít nhiều đã trải qua đau khổ. Đau khổ đó có thể đã xảy ra cho gia đình, người thân, bạn bè hay cho chính mỗi người chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta sẽ dễ dàng thốt lên “Trời ơi, tại sao tôi lại khổ thế này? Tại sao tai họa cứ dồn dập trên tôi”? Người Ki-tô hữu chúng ta cũng thường than trách Chúa khi gặp đau khổ: “Chúa ơi, sao con khổ thế này”? “Chúa không thương con sao”? “Ngài ở đâu khi con đau khổ”? “Tại sao cứ là con mà không phải người khác”? Và còn nhiều, rất nhiều câu hỏi hay tiếng kêu than tương tự. Những câu hỏi khác nhau của mỗi niềm tin tôn giáo nhưng dường như tất cả đều tìm thấy một câu trả lời chung đó là sự Im lặng của Đấng Tạo Hóa. Đứng trước những nỗi đau khổ của tha nhân và đồng cảm với nỗi đau của họ, con cũng nhiều lần than thở cùng Chúa: “Lạy Chúa, Ngài đành im lặng vậy sao. Xin đừng bỏ rơi chúng con trong ngày khốn quẫn” (Tv 70 ).
Lạy Chúa, thế giới hôm nay chúng con nhận thấy rằng: ngày nào cũng có hàng triệu con người đau khổ, đau khổ vì bệnh tật, những căn bệnh gặm nhấm dần sức lực mà không có tiền chạy chữa nhưng chẳng biết kêu ai, có kêu chưa chắc đã được nghe thấy, lo lắng sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Có những người đau khổ vì thất nghiệp, đói rét, họ lo lắng cho một cuộc sống hiện tại bấp bênh, một tương lai mù mịt. Và Chúa ơi, hàng triệu người đang phải đau khổ vì chiến tranh, chiến tranh xảy ra đồng nghĩa với việc họ phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, phải chứng kiến cảnh tang thương, chết chóc, loạn ly, mỗi người mỗi nowiddeer mong tìm được một miền đất hứa nhưng thử hỏi bao nhiêu quốc gia dam sẵn sàng mở rộng vòng tay đón tiếp họ. Những người nghèo vốn đã đau khổ nay càng đau khổ gấp bội khi tia hy vọng về một miền “Đất hứa” trơ nên quá xa vời với họ vì lòng người còn hẹp.
Đau khổ, hai chữ thật ngắn gọn, khô khan, bạc bẽo. Tuy ngắn nhưng sao dài như đời người; tuy khô nhưng sũng đầy nước mắt; tuy bạc bẽo nhưng sao cứ bám riết lấy kiếp người cách trung thành. Đau khổ, lạy Chúa, nó song hành với con người từ khi còn trong lòng mẹ, khi còn là thai nhi bé bỏng, vô tội, thì đã bị thế giới người lớn tàn nhẫn giết hại. Đau khổ lớn lên cùng kiếp người mà chẳng ai có thể giải thích được.Nó như người khách lì lợm, lì lợm đến mức không mời cũng đến, đến rồi không đi, có đi cũng trở lại. Đã có rất nhiều người hỏi con về điều này nhưng con không thể cho họ một câu trả lời thỏa đáng vì chính con cũng không thể hiểu được. Và con nghĩ rằng chỉ có Chúa mới có thể soi sáng cho họ hiểu được giá trị của đau khổ, vì chính Chúa cũng đã trải qua đau khổ trước khi Ngài được phục sinh vinh hiển.
Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta
Lạy Chúa, có những đêm con như vọng nghe tiếng khóc ngày xưa ở Ra-ma-tiếng khóc thảm thiết của các thai nhi vô tội đang giơ tay xin con cứu giúp khỏi những bàn tay hung bạo đang chuẩn bị giết hại các em nhưng con thấy mình bất lực, chỉ biết đứng nhìn, khóc cùng các em và thầm thĩ van nài Chúa vì ngoài Chúa ra con không còn biết cầu khẩn ai? Nhưng thật phũ phàng, Chúa vẫn cứ thinh lặng, còn các em vẫn phải chết. Lúc ấy, con như nghe tiếng Chúa thầm thì trong con “Con phải tin Ta, Ta đang ở đây. Ta cũng giống như con. Ta van xin họ nhưng họ vẫn không buông tha”. Đứng trước những cái chết oan uổng của các thai nhi vô tội, con thật sự rất giận, giận Chúa lắm dù con biết Ngài chẳng có lỗi gì và con chẳng có quyền gì để trách Ngài.
Con giận những người cha, người mẹ nhẫn tâm đã giết đi chính đứa con bé bỏng vô tội và chỉ mong sao họ sẽ bị trừng phạt. Con giận những thanh niên nam nữ đua đòi lối sống phóng túng, trụy lạc, chỉ biết hưởng thụ và thỏa mãn dục vọng nhưng lại không dám lãnh nhận hậu quả mà đang tâm giết hại đứa con vô tội của mình. Tuy nhiên, một đôi lần tiêp xúc, lắng nghe tâm sự của họ, phần nào con hiểu họ đôi chút và thấy nhiều hoàn cảnh thật đáng thương. Không phải tất cả những người mẹ đi phá bỏ con mình đều là những con người nhẫn tâm. Thực sự, có một số người không muốn dứt bỏ khúc ruột của mình nhưng vì sự độc ác của xã hội, những tòa án cay nghiệt từ gia đình, làng xóm…đã đẩy họ vào bước đường cùng là giết con mình để bảo toàn danh dự cho gia đình hay cho chính họ.
Rồi những lần đi phát cơm ở bệnh viện Ung bướu, nhìn các bệnh nhân từng ngày đang vật lộn với những cơn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần; nhìn những khuôn mặt phờ phạc, thất thần của thân nhân những người bệnh vì thiếu ngủ triền miên, vì nỗi lo lắng khi nhìn thấy người thân từng ngày thoi thóp giành giật sự sống với Tử Thần, con thấy tim mình đau nhói. Như lời nhận định của một Bác sĩ “ Nơi đây là nhà tù thứ hai, ung thư là bản án chung thân dành cho người bệnh”. Lạy Chúa, Chúa có đang ở bên các bệnh nhân không? Chúa có thấy nỗi đau đớn của họ không?
Lạy Chúa Giê-su, một mình đối diện với Chúa trước nhà tạm, con đã có được câu trả lời cho những thắc mắc của tha nhân và của cả chính con về đau khổ. Con biết rằng: đau khổ không đến từ Chúa. Chúa không phải là nguyên nhân và cũng không là Đấng gửi đau khổ đến cho con người, bằng chứng cho thấy chính vì thương con người lầm than khốn khổ, Chúa đã tự nguyện bỏ ngai trời xuống chia sẻ phận người đau khổ với chúng ta và để cứu chúng ta khỏi cảnh trầm luân. Sở dĩ nhân loại đau khổ là vì có sự dữ. Ngay từ đầu,Thiên Chúa trao tự do cho nguyên tổ Adam-Eva. Vì muốn bằng Thiên Chúa, hai ông bà bất tuân lệnh Chúa, giơ tay hái trái cấm để rồi chịu lấy hậu quả là phải đau khổ, phải chết và nhất là phải xa cách Ngài. Nhân loại hôm nay đang tiếp tục đi vào vết xe đổ của nguyên tổ khi từng ngày họ cố gắng tìm mọi cách loại Ngài ra khỏi cuộc sống của họ. Chín vì sử dụng tự do cách sai lầm mà nhân loại phải lãnh lấy hậu quả nghiêm trọng cho những lỗi lầm mình tự gây ra. Vì lợi nhuận và vì danh dự cá nhân cũng như gia đình, con người đang tâm giết hại các thai nhi vô tội. cũng vì tư lợi, con người sẵn sàng làm hàng giả và đầu độc nhau bằng đủ loại hóa chất. Vì tự ái cá nhân cũng như cao ngạo dân tộc, con người gây nên chiến tranh, tàn phá và giết hại lẫn nhau. Như vậy không phải Thiên Chúa giết hại con người nhưng là chính con người đã tự giết nhau. Do đó con người chẳng có quyền gì mà trách cứ Thiên Chúa, ngược lại phải biết cúi đầu sám hối vì những sai lỗi mình đã gây ra.
Nói như thế, không có nghĩa tất cả những ai đau khổ đều là vì những lỗi lầm họ đã gây ra nhưng cũng có những con người cả một cuộc đời sống công chính, hiền lành như ông Gióp cũng đã phải chịu nhiều đau khổ. Rồi các thai nhi vô tội và các bệnh nhân với những căn bệnh nan y v.v…Vậy tại sao họ phải đau khổ? Qua các dấu chỉ thời đại chúng ta tin rằng không một điều gì xảy ra ngoài ý Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể vẽ những đường thẳng trên những đường cong. Ngài có thể rút ra điều tốt từ những chuyện xấu. Trong niềm tin, chúng ta tin rằng: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn ở gần, rất gần con người. Càng những lúc ta đau khổ, Ngài lại càng thương chúng ta nhiều hơn. Ngài đồng cảm, nâng đỡ, chữa lành ta khi ta kiệt sức, thất vọng như Ngài đã từng chữa lành người mù Giêrikho ( Lc18,43); cho đứa con trai bà góa thành Na-im sống lại (Lc7,15) hay chữa lành tâm hồn người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cop (Ga4,25). Hôm nay đây, Ngài cũng đang ở rất gần bên cạnh chúng ta dù chúng ta không thấy Ngài cách hữu hình. Từng giây phút, Ngài vẫn kiên nhẫn chạm đến và xoa dịu nỗi đau trên thân xác người bệnh, dịu dàng, ân cần lắng nghe, lau khô giọt nước mắt nơi những tâm hồn thất vọng, ê chề. Ngài như đang thỏ thẻ với họ “Cám ơn con vì con đã can đảm chia sẻ với Ta, can đảm hoàn tất những vết thương mà ta đã chịu. Các con sẽ là dấu chỉ hữu hình cho Nước Trời cách hữu hiệu giữa một thế giới đang cố gắng loại trừ Ta”. Hơn nữa, chúng ta tin còn có đời sau, nơi những đau khổ sẽ biến mất, chỉ còn lại niềm vui và hạnh phúc.
KẾT:
Để nhiều người nhận ra có một vị Thiên Chúa rất yêu thương, quan tâm, lo lắng cho họ, Chúa cần con trở nên hạt muối, nắm men giữa đời. Chúa cần con can đảm “chèo ra chỗ sâu mà thả lưới” (Lc5,4).
Lạy Chúa, bước chân nào cũng đòi cố gắng hy sinh, giá trị nào cũng mời gọi máu và nước mắt. Con thấy thật khó để thực thi lời Chúa dạy, vì nếu đồng ý vâng lời Chúa như tông đồ Phêrô: “ Vâng lời Thầy con sẽ thả lưới” (Lc 5,5) đồng nghĩa với việc con phải can đảm hy sinh thời gian, những dự tính của cá nhân để thi hành ý Chúa. Khi đến với các bệnh nhân, con không chỉ trao cho họ hộp cơm nhưng trên hết trao cho họ một nụ cười, một cái nắm tay, một cái ôm thân thiện mà không sợ dơ, không sợ bị lây bệnh, kiên nhẫn lắng nghe nỗi niềm của họ để cùng đồng cảm và có thể thấu hiểu được nỗi đau của họ. Qua những nghĩa cử bác ái, hy vọng họ sẽ biết về Chúa Giê-su nhiều hơn .
Lạy Chúa Giêsu, con biết rằng hành trình tiến về nước trời còn lắm chông gai nhưng tin vào lời hứa của Ngài: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28,20) con sẽ an tâm vững bước. Xin cho con đừng nhắm mắt ngủ yên trong sự an toàn, tiện nghi vật chất nhưng biết trăn trở trước khổ đau của tha nhân và biết làm một điều gì đó cách cụ thể cho họ. Con tin có tình yêu và ơn Chúa, con sẽ có nhiều sáng kiến giúp thăng tiến tha nhân. Và lạy Chúa, các kitô hữu khắp nơi đang chịu đau khổ cách bất công về thể xác lẫn tinh thần, xin cho chúng con luôn vững tin vào Ngài vì tin rằng phía cuối đường hầm sẽ có ánh sáng. Xin Chúa là tiếng nói công lý cuối cùng thay cho những người bé nhỏ nghèo hèn không có tiếng nói.
. Kim Dung
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”