Mùa hạ năm ngoái tôi có dịp đến với bà con dân tộc Xơ Đăng tại Giáo xứ Đăk Ngó. Được biết, đây là Giáo xứ khổ nhất, cao nhất, xa nhất của Giáo phận Kon Tum. Tôi hăng hái cùng với đoàn vượt qua một chặng đường rất dài từ thành phố Vinh đến Đăk Tuk, qua Măng Đen, Măng Cành và điểm dừng chân là “ngọn” Măng Bút cao chót vót. Xứ sở mà tôi từng nghĩ sẽ ở với người nghèo đã khiến tôi nhận ra những suy tư ban đầu hoàn toàn sai. Vì không chắc ai “nghèo” hơn ai: tôi “nghèo” hay người dân thiếu ánh đèn nơi đây “nghèo”?
Một “ma sơ” với ước mơ mang Chúa đến những vùng ngoại biên, tôi nhận ra Thiên Chúa đang chờ tôi ở đây. Người đi trước tôi, Người cho tôi niềm vui ngọt ngào, hạnh phúc sâu thẳm nơi tâm hồn qua nét đơn sơ, mộc mạc, chất phát rất riêng của những người dân vùng cao. Những em thơ với đôi mắt đen nhánh, to tròn như những thiên thần lấm lét nhìn chúng tôi như thể chúng tôi là những “sinh vật lạ”. Sự thật rõ ràng, ngay phút ban đầu, họ đã cho trái tim tôi trẻ lại và có thêm nhiệt huyết, tràn năng lượng. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận vẻ đẹp của vườn “Ê Đen” một cách trực tiếp, cụ thể nhất ngay tại mảnh đất này.
Thiên nhiên Măng Búp thật như mơ, thật nên thơ. Bức tranh ấy tuyệt đẹp chạy theo sườn núi với những căn nhà bằng gỗ ẩn khuất trong núi đồi, “ngả mình” theo những con suối. Bao quanh cả bản làng là những ngọn núi cao trùng trùng điệp điệp với những tầng mây trắng xóa phủ tràn núi rừng. Phóng tầm mắt từ xa, những ngọn núi cao kia như xiên qua các đám mây và “giáp mặt” với tầng trời. Trong sự bỡ ngỡ, ngơ ngác của cảm xúc, tôi cảm nếm Đấng Tạo Hóa đang dạt dào trong tâm hồn. Đâu đây như vọng vang lời hát “địa cầu đầy Thánh Thần Chúa, dù đường dài đi tới đâu đã có Thánh Thần ở đó trước Người…” Nhịp đập trái tim tôi như chậm lại để hít thở, để ngụp lặn trong không gian se lạnh của xứ sở lạ.
Đi sâu vào cuộc sống trong những lần gặp gỡ thân tình với người dân, tôi mới thấy người dân Xơ Đăng sống rất bằng lòng và hài hòa với tự nhiên. Họ là bạn của nhau, là bạn của thiên nhiên. Điều làm tôi ghi nhớ và trân quý nơi tâm hồn những anh em đồng bào là đức tính trong sạch, tự trọng và liêm khiết. Họ không phải lo mất của riêng ở những “kho lẫm” không khóa, những vựa lúa không người canh giữ. Lẽ đương nhiên, ở đây không có tình trạng gian dối, tham lam, nghi ngờ hay xét đoán. Chỉ còn đó là vùng trời của tự do, thanh thoát; những tâm hồn vô tư, yêu đời, yêu người; vượt qua cái nghèo cái khổ bằng nghị lực phi thường, đậm phong thái rừng núi…
Một chiều trên đường từ rẫy trở về, thấy rau đắng mọc hoang bên đường, tôi với tay hái:
- Chị ơi, không được đâu, Chúa không cho! – Tiếng của một người bản xứ còn chưa thạo tiếng Kinh vọng lại.
- Là rau dại mà, chị nghĩ hái được chứ! – tôi đáp
- Không chị ơi, rau đó nằm ở phần rẫy của người khác, mình hái Chúa không cho đâu. – Giọng nói càng tha thiết.
Tôi đỏ mặt, cúi xuống, cười quê rồi đi tiếp trong bất ngờ và cảm phục.
Các nhà thừa sai có lẽ đang nở nụ cười hạnh phúc nhìn thành quả sau bao nhiêu gian lao, nhọc nhằn, thử thách… Hạt giống đức tin đó vẫn đang âm thầm phát triển, dù còn nhiều khiêm tốn, bé nhỏ. Bất giác, tôi nghĩ đến thành phố tôi đã sống trước khi lên đây. Ngày ngày, tôi nghe đến quen thuộc những chuyện cướp bóc, nhan nhản các vụ tranh chấp, chém giết lẫn nhau; những bon chen, khổ đau do tham lam, ích kỷ… Ngậm ngùi, lòng thấy thương cho cái giàu bất an, tâm thấy phục cho cái nghèo nghĩa tình, tôi thở dài: ai nghèo hơn ai?
Ngỡ ngàng này chưa qua, bất ngờ khác ùa tới, tôi “sấp mặt” vì phải thích ứng gấp với thời tiết. Một năm có bốn mùa đủ để cơ thể thích ứng dần với các tiếp biến của thời tiết. Nhưng, ở nơi đây, một ngày thôi cũng hội ngộ cả 4 mùa. Mờ sáng, “nàng mùa xuân ngái ngủ”; khoảng 9giờ, “chị mùa thu ghé thăm”; 12 giờ trưa tới 3giờ chiều, “anh mùa hạ chạy tới; chiều tối đến, chúng tôi lại vội vàng tiếp đón “thần mùa đông ngự giá” cùng đoàn tùy tùng là những con gió rít mạnh. Cứ thế, những đêm đầu chúng tôi không sao ngủ được; đắp chăn, mặc thêm áo ấm, ngấm buốt thấu xương thịt mà lòng thấy thương người dân, em nhỏ, cụ già còn sống trong cái đói, cái rét. Tôi nhớ đến lời nói ban chiều của người dân trong bản “may mà các giá lên đây với chúng con mùa này, chứ vào mùa đông các giá không chịu nổi cái lạnh đâu”… Được biết, vào mùa đông các gia đình đều tập trung xuống bếp, họ ngủ chung quanh bếp lửa luôn được thắp hồng. Vì thế chăng mà “cái mùi” rất riêng nơi những người con của núi rừng này luôn khét đậm mùi “lửa”?… Thương người dân bao nhiêu, tôi cảm phục bấy nhiêu tinh thần truyền giáo và đời sống của các vị thừa sai ngày xưa. Các tư liệu kể lại ngày ấy cuộc sống gian nan hơn nhiều nên “mùi lửa” thấm vào lớp da thớ thịt các ngài đến nỗi màu da sợi tóc không khác gì người vùng bản. Các ngài đã mang mùi “lửa” của rừng xanh, của đồng bào, như các vị mục tử mang trên mình “mùi chiên” (x. phát biểu của ĐGH Phanxicô). Thực nghiệm cuộc sống và lặng mình khắc khoải, tinh thần tôi khiêm tốn lại so với những hăng hái của ngày đầu sắp sửa lên đây. Tại đây, tôi đã thấy khả năng thích ứng trước thiên nhiên và nếp sinh hoạt của tôi thật nghèo. “Nhưng nếu, Chúa muốn tôi ở đây lâu dài tôi sẽ phải làm gì? Làm thế nào để thích ứng?…” – Nghĩ vậy, tôi tự cười mình: “thật đúng tôi nghèo luôn cả tình thần phó thác”. Thế chăng, một lần nữa, người đồng bào “ truyền giáo” cho tôi?
Tôi được nếm đủ mọi thứ hương vị của tình yêu: giữa người bản xứ và chúng tôi, giữa trời đất với con người, thả hồn với những tia nắng ban mai của địa cầu, đắm mình trong làn hương thoang thoảng mỗi sớm bước nhẹ qua khe rừng, vách núi, lách qua kẽ lá chạy vào hồn tôi..
Thời gian trôi nhanh thật nhanh trong chuyến hành trình còn dang dở. Trên dải đất xanh thẫm sắc lá và thắm đượm tình người, Chúa tiếp sức cho tôi. Người đã dọn sẵn cho chúng tôi “bữa tiệc” trên đồng cỏ xanh tươi cùng với Thân Mình Người – món ăn bổ dưỡng sức sống tâm linh. Tạ ơn Chúa vì chính những chi thể sống động của Chúa Kitô nơi nẻo cao này đã truyền sức sống cho chúng tôi. Được trải nghiệm cái nghèo vật chất, tận hưởng cái giàu nghĩa tình của đồng bào nơi đây, tôi không khỏi đau đáu về nếp sống “nghèo” nơi các thành phố. Họ nghèo thời gian, nghèo những bữa cơm chung trong gia đình, nghèo giây phút chia sẻ tâm sự giữa con cái với cha mẹ, nghèo thời gian vui chơi hàn huyên bên nhau. Vì thế, có lẽ họ cũng đang nghèo những cảm thức về Thiên Chúa? Thế nên, cũng một kiếp người, khi nhắm mắt xuôi tay, ai kịp “sống” hơn ai? Ai sống giàu hơn ai? Tôi thương Giáo Hội với những chi thể anh chị em tôi còn lầm than cay đắng. Tôi nghĩ đến “vùng ngoại biên” ngay bên cạnh nhà dòng tôi phục vụ. Tôi nhìn và suy tư về những số phận sinh ra, lớn lên, ra đi trong nhung lụa nhưng chưa chắc đã thật “giàu”…
Đứng trên “ngọn Măng Búp”, tôi có cái nhìn toàn cảnh hơn về cuộc đời và con người. Cám ơn xứ sở và con người Măng Búp dễ thương dễ mến. Tôi dâng cho Chúa những dự định còn dang dở muốn thực hiện tại vùng đất níu bước chân tôi. Không sáng chói như núi Tarbo xưa, nhưng Thánh Thần đã đổ tình yêu của Ngài trên chúng tôi và những anh em Xơ Đăng khiến chúng tôi nên những người “giàu có”… Ngày xuống núi, hồn tôi vọng mãi lời ca: “ dù đường dài đi tới đâu, đã có Thánh Thần ở đó trước người…”
Cảm ơn nhé!, Măng Búp xanh!
Hoàng Nga
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết