THÁCH ĐỐ CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
DẪN NHẬP
Đời sống thánh hiến nằm ngay ở giao điểm của sự đảo ngược Tin Mừng, nên có thể nói tất cả mọi “chi tiết” của đời sống thánh hiến đều phản ảnh một thách đố. Thật sự cuộc đời không đơn giản, mỗi chi tiết của cuộc đời lại gắn liền “giây mơ rễ má” tới những “chi tiết” khác và những “hệ thống” khác trong cuộc đời, trong đáy sâu tâm hồn và trong bề rộng xã hội. Cứ theo lý lẽ bình thường, ta có thể nói thách đố của đời sống thánh hiến “trùng trùng điệp điệp”.
Tuy nhiên, ta vẫn có thể ráng “bắt mạch” để thử khám phá ra căn bệnh căn bản của đời sống thánh hiến nói chung và đời sống thánh hiến trong Giáo Hội Việt Nam.
BỆNH “CÔ BÉ CHOÀNG KHĂN ĐỎ”
Những câu chuyện cổ tích nổi tiếng thường là những ngụ ngôn bao hàm những ý nghĩa khái quát sâu xa. Chuyện cô bé choàng khăn đỏ hình như diễn tả một thực trạng vừa phổ biến, vừa sâu xa; gần giống như điều cha ông ta thường gọi là “cây che mất rừng” hoặc “bỏ mồi bắt bóng”…
Chuyện đời thường
Nhiều khi ta thấy: một nhóm bạn trẻ bàn chuyện đi chơi Vũng Tàu để giải trí, rồi bàn cách thức đi, bàn chuyện ăn uống thế nào… rồi sinh ra chuyện tranh luận, cãi vã…; thế là chuyện giải trí bị biến thành chuyện căng thẳng.
Chúng ta cũng thấy có những thanh niên Công Giáo, đi tham dự thánh lễ và quý trọng mọi ca đoàn. Khi anh/chị ấy sốt sắng hơn, muốn tham dự vào đời sống giáo xứ, gia nhập vào một ca đoàn,… rốt cuộc anh/chị ấy không còn nhìn các ca đoàn khác ca đoàn của mình với con mắt thiện cảm như trước.
Cũng y như thế, một người giáo dân quý trọng mọi Dòng tu. Rồi khi muốn dấn thân sâu hơn và Giáo Hội, anh/chị vào một Dòng tu, và một thời gian sau thì không còn quý trọng các Dòng tu khác như trước kia nữa.
Những chuyện nhỏ nhưng thế cho thấy con người khá dễ bị lạc lối, lạc lối vì những chuyện hấp dẫn trước mắt, và lạc lối vì tính tản mạn ấu trĩ vốn có trong con người…
Thời đại “mất căn tính”
Khi thời cuộc đưa đến những hoàn cảnh nhiễu loạn, thì căn bệnh cô bé choàng khăn đỏ không còn là chuyện đời thường nữa mà trở nên một căn bệnh của thời đại. Thời đại chúng ta đang sống được gọi là “thời đại mất căn tính”. Ta có thể mô tả đại khái như sau:
– Trước đây, một người thợ mộc có tay nghề và có lương tâm nghề nghiệp (1)
– Anh ta làm ra cái bàn (2);
– Rồi anh ta mang cái bàn để bán lấy tiền (3),
– Và dùng tiền bán cái bàn để mua những sản phẩm khác (4).
Khi xã hội còn trong lành, người thợ ý thức rõ “cái là” của mình, anh ta tìm được một giá trị về mình để “tự hào”. Khi làm một cái bàn kém phẩm chất hoặc sai quy cách, anh ta không thể chấp nhận được (tao là thợ mộc, chẳng lẽ đóng cái bàn như thế à!). Anh thợ mộc chân chính thà bỏ cái bàn sai quy cách, đóng cái khác, cho dù bị lỗ. Trong bầu không khí này, người thợ mộc ý thức và sống được căn tính của bản thân mình (1 gắn liền với 2).
Nhưng trong thời kinh tế thị trường phát triển; khi mà thế giới có quá nhiều hàng hóa phong phú, mới lạ; khi mà não trạng chung của những người trong xã hội không còn nhận ra giá trị của mỗi người nơi chính bản thân mà chỉ đánh giá con người theo những hàng hóa mà người ta có được (nhà sang, điện thoại xịn…); thì người thợ dễ dàng rơi vào nguy cơ đánh mất căn tính. Nếu làm cái bàn kém phẩm chất, hoặc sai quy cách, anh ta dễ giải quyết bằng cách lấp liếm, miễn sao bán được tiền để có thể mua được những hàng hóa tô điểm hào nhoáng cho bản thân (1-3 hoặc 1-4).
Rõ ràng bầu khí xã hội có tác động không nhỏ. Khi mà kinh tế thị trường, được sự hỗ trợ của công nghệ quảng cáo,… thì một phần lớn con người trong xã hội ấy dễ dàng rớt vào tình trạng mất căn tính. Đây là lúc căn bệnh cô bé choàng khăn đó trở thành như một bệnh dịch.
Ở mức độ siêu hình
Thật ra nguồn cội của căn bệnh “cô bé choàng khăn đỏ” nằm trong chính vị thế siêu hình của con người. Con người là tinh thần nhập thể, con người không phải là thiên thần mà cũng không phải là con vật; con người không thể chỉ là “vật” mà cũng không thể chỉ là “tâm”… Có nhiều khi yếu tố “vật” ảnh hưởng sâu xa; và cũng có khi yếu tố “tâm” giúp người nào đó vượt thắng được thách đố khó khăn. Mỗi người có trải nghiệm riêng của mình và không dễ tìm được một thái độ đúng đắn trong nền tảng siêu hình của phận người.
Thực sự, nơi con người, vẫn có một sự “tôn nghiêm” sâu ẩn. Chỉ có yếu tố “tâm” mới gợi mở được cho sự “tôn nghiêm” nơi phẩm giá con người, nên “tâm” luôn phải quan trọng hơn “vật”. Tuy vậy, với niềm tin Kitô giáo, “tâm” của con người không phải toàn quyền tự do sáng tạo ý nghĩa cách vu vơ, theo kiểu tự do ngẫu hứng, vì trong con người còn có yếu tố “linh”. Con người là “hình ảnh Thiên Chúa” và con người cần khám phá ý nghĩa chân thực mà Chúa đã ghi khắc trong chính mình và nơi sự vật.
Sức sống đích thực của con người lệ thuộc nhiều vào cách tìm được giao điểm chính xác giữa “tâm” và “vật”; hay đúng hơn là tìm được một phương thức thích hợp của thể chất để diễn tả được đường nét của tinh thần. Ở đây, căn bệnh cô bé choàng khăn đỏ thường là thái độ “quên đi phần ý nghĩa của tâm”, lạc vào tính thực dụng của yếu tố “vật”. Điểm chính gây nên sự lệch lạc này là do sự rõ rệt như thể hiển nhiên của yếu tố không gian và thời gian mà thân xác kinh nghiệm được. Do có thân xác, con người sống trong trong một không gian nhất định, và dễ rơi vào quy luật “thứ nhất cự ly”. Sống trong dòng thời gian, con người dễ đánh mất lòng “trung thành với quá khứ”, để bị lôi cuốn vào giải pháp thực dụng của hiện tại. Thật ra, điều mà thân xác con người kinh nghiệm được là không gian và thời gian vật lý, được xác định do những yếu tố bên ngoài của “vật”.
Ở Tây phương, từ thế kỷ XVIII, khi mà khái niệm “khoa học” bị thay đổi ý nghĩa, đi từ thái độ “mô tả để chiêm ngắm” biến thành “đo lường để khai thác”, thì thế giới Tây phương (sau đó là cả thế giới) đã nghiêng về “vật” nhiều hơn, chỉ nhận ra yếu tố “lượng” mà dần dần làm yếu đi hoặc quên đi giá trị của “phẩm”. Thái độ nghiêng quá về “vật” sẽ đưa tới những kết quả mau lẹ, nhưng với thời gian, lập trường ấy sẽ làm mất ý nghĩa chân chính và đưa đến những khủng hoảng sâu xa hơn. Qui luật của lịch sử, trong những bước khởi đầu, hình như không phải là chính nghĩa thắng bạo tàn, nhưng là bạo lực, man rợ, võ biền, quỉ quyệt sẽ thắng. “Vật” vẫn thường thắng “tâm” nhiều hơn. “Tâm” thường chỉ thắng “vật” bằng một sự biến cải bản chất của đối thủ từ bên trong, một thứ chiến thắng âm thầm, chậm chạp và sâu xa. Người nào quá sốt ruột với tính hiệu năng, đặt tầm quan trọng quá đáng đến phương pháp, sẽ khó lòng thoát khỏi cám dỗ lệnh lạc của “vật”.
Sâu xa hơn, vị thế siêu hình hồn-xác hình thành nên một quy chế sống đặc biệt, con người trong sử tính. Con người có thân xác, nên có mối tương quan hữu cơ với thế giới và cấu tạo bản chất của mình qua những trải nghiệm trong dòng thời gian. Nhưng bản chất người không phải là những phản ứng thực nghiệm rời rạc trước các khích động của ngoại giới; và cũng không phải là những tư tưởng ngẫu hứng, tùy tiện. Con người không thể nào loại bỏ đi kinh nghiệm thật trong thân xác, mà cũng không bị quy định cách tất yếu do những khích thích của thế giới bên ngoài. Con người trở nên chính mình trong lịch sử, đó là con người, với yếu tố tinh thần, có khả năng nối kết các yếu tố rời rạc của kinh nghiệm để hình thành nên một câu chuyện, câu chuyện đầy tính ngã vị, trong tự do và như một “hữu thể tại thế”. Mỗi khi kết cấu được hai hoặc vài tình huống, vài sự kiện với nhau trong một câu chuyện đời (không phải là sự kết nối nhân quả của khoa học thực nghiệm) là con người đã nhân-hóa bản thân mình và nhân hóa thế giới… Sống kiếp người là sống lịch sử của mình. Mỗi người có một lịch sử riêng, lịch sử ấy làm nên nét đặc trưng của mỗi hiện hữu người, con người là sử tính của chính mình. Nhìn ra được lịch sử, nhìn ra được câu chuyện đời người trong lịch sử, đó mới là sứ mệnh của con người.
Thực sự, vị thế con người như tinh thần sống trong thân xác đưa đến biết bao nhiêu khả thể phức tạp và tế nhị… Căn bệnh cô bé choàng khăn đỏ ở đây là thái độ lệch lạc, hoặc quá “duy-tâm”, hoặc quá “duy vật”; hoặc chỉ có những phản ứng bị quy định do những khích thích bên ngoài, giống như một con dế, con gà đá hay con cá đá; hoặc cấu tạo nên những câu chuyện tưởng tượng hoàn toàn không có căn bản trên thực tại.
Trên bình diện cứu độ
Trên bình diện ơn cứu độ, theo Thánh Kinh và truyền thống Kitô giáo, vị thế con người còn có một sự tế nhị đặc biệt khác – sự tế nhị cần phân biệt nhưng lại không được tách biệt – giữa trật tự siêu nhiên và trật tự tự nhiên nơi con người. Đứng trước hai khuynh hướng, khuynh hướng bi quan của thần học Tin Lành và khuynh hướng duy tự nhiên của thế giới hiện đại, thần học Công Giáo khẳng định vận mạng con người thiết yếu cần được cứu độ do ơn huệ tặng không có tính siêu nhiên của Thiên Chúa (ân sủng); ơn huệ siêu nhiên ấy không phản lại tự nhiên, nhưng bổ túc và hoàn thiện đối với tự nhiên.
Trong đời sống của người Kitô hữu, chắc chắn cần phải đề cao ơn huệ tặng không và tính ưu việt của ân sủng; nhưng điều đó không có nghĩa phải hạ thấp trật tự tự nhiên. Người Kitô hữu và cũng không được coi trật tự siêu nhiên như một yếu tố xa lạ, bên ngoài hoặc bên cạnh trật tự tự nhiên; cũng như không được lấy siêu nhiên thay thế tự nhiên. Thực ra không thể có siêu nhiên nếu không dựa trên tự nhiên…
Đây cũng là một vị thế vô cùng tế nhị của “thân phận” con người… Đã có thời người ta “làm thánh mà quên làm người”; rồi người ta lại thay đổi để “làm người trước khi làm thánh”, như thể con người có thể làm người được mà không cần tới sức mạnh của ân sủng… Không ít trường hợp người tín hữu lựa chọn, tính toán cuộc đời mình hoàn toàn theo lẽ tự nhiên; và cũng không ít hơn những trường hợp người ta lạc vào yếu tố siêu nhiên mà quên đi thực tại tự nhiên, biến đạo của Chúa thành một thứ “đạo thiêng liêng”…
Như thế, trong hành trình đức tin, người Kitô hữu vừa phải rất tôn trọng những quy luật trong trật tự tự nhiên, lại vừa khao khát, luôn mở ra với những khao khát siêu nhiên mà tự sức con người không thể đạt tới được. Người Kitô hữu vừa phải nỗ lực, tập nhân đức, giữ luật lệ,… nhưng lại vẫn luôn mong chờ “thời cơ” (kairos) Chúa ban, mở ra với huyền nhiệm của ân sủng nơi cộng đoàn cũng như nơi cá nhân mỗi người.
Những vị thế vô cùng tế nhị của đời sống con người và đời sống người Kitô hữu như thế đưa đến rất nhiều những thách đố hoặc những cạm bẫy trên hành trình cuộc đời, tạo nên tình huống chênh vênh giữa những cặp đối lập: cái chung hoặc cái riêng; cái chân hoặc cái thật; cái bảo thủ hoặc cái cấp tiến; phương pháp hoặc tinh thần; nhân trị hoặc pháp trị; vương đạo hoặc bá đạo; trung tâm hoặc ngoại biên; hòa-nhi hoặc đồng-nhi; làm thánh mà quên làm người hoặc làm người trước khi làm thánh;…
Nói chung, con người thường rơi vào căn bệnh cô bé choàng khăn đỏ do sự tản mạn ấu trĩ (chuyện đời thường); do sự nhẹ dạ hời hợt (mất căn tính); do thái độ nóng vội tìm hiệu năng (vị thế siêu hình); và do thái độ sính sự hợp lý nội tại của qui luật tự nhiên (trên bình diện cứu độ).
THÁNH ĐỐ CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
Quá trình phát triển
Mang thân phận con người, sống trong thế giới “có thời gian”, con người luôn phải đối diện với các thách đố; và vượt qua thách đố chính là phương thức để con người có thể lớn lên, đạt đến mức trưởng thành. Sự trưởng thành của đời người không phải chỉ do ý thức, không phải chỉ do một năng lực có sẵn và đạt được sự vững bền một lần thay cho tất cả. Những “đối kháng chân thật” luôn là điều cần thiết cho tiến trình trưởng thành trải dài suốt cả đời người.
Tiến trình phát triển chân thực được thể hiện khi những đối kháng trở nên như cơ hội để nguyên lý sống được thử luyện và được mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn một thầy giáo, phải đối diện với những học sinh cứng đầu, biết tìm lại những nguyên tắc căn bản của giáo dục, và trở nên dày dạn kinh nghiệm trong nghề nghiệp của mình…
Trong đời sống thánh hiến, người tu sĩ càng phải hiểu rằng “thường huấn” là điều phải kiên trì cả đời; nghĩa là vẫn luôn phải chấp nhận thách đố trên hành trình cuộc đời và vẫn luôn trung tín với nguồn mạch căn bản để lại vượt qua được những thách đố ấy.
“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”(Ga 17,15).
Điều quan trọng là, hành trình “thường huấn” ấy luôn phải có tính “tiệm tiến” và “toàn diện”. Cũng như những tu sĩ trong thời gian đào tạo, cần nhận được một tiến trình đào tạo “tiệm tiến và toàn diện”, thì người tu sĩ đã trưởng thành vẫn luôn cần tiếp tục được đào tạo, theo một nghĩa nào đó, cách “tiệm tiến và toàn diện”. Cần “toàn diện” nghĩa là không được bỏ quên hoặc làm phương hại một yếu tố nào trong những yếu tố căn bản của đặc sủng Dòng; và cần “tiệm tiến”, bởi vì khi người ta nóng vội muốn có ngay sự thành công trong một lãnh vực nào đó, thì chắc chắn người ấy sẽ đánh mất tính toàn diện và sẽ để lại nhiều nguy hại về sau. Việc đào tạo, dù là được đào tạo hay tự đào tạo, khác với việc huấn luyện một kỹ năng chuyên môn nào đó.
Vai trò của người lãnh đạo tương tự như một huấn luyện viên đội bóng đá; đôi khi phải có những bài tập riêng cho một thành viên, có lúc cần được dễ dãi để giảm stress và có lúc lại cần phải gia tăng áp lực… Tuy vậy, việc gia giảm những biện pháp không bao giờ được đánh mất tầm nhìn về sự phát triển toàn diện. Dĩ nhiên ta không thể chọn lập trường cứ cầu nguyện mà không cần lao động; nhưng ta cũng cần nhận ra đến mức độ nào một chương trình kinh tế còn để chỗ cho tinh thần phó thác; ta không thể không học hành và giữ kỷ luật, nhưng lại luôn cẩn trọng để những thúc ép ấy không làm mất đi bản chất căn cốt của đời sống tu trì.
Những đối kháng giả tạo
Không hiếm những trường hợp bầu khí cộng đoàn có nhiều hoặc quá nhiều “đối kháng giả tạo”. Chẳng hạn một lớp học mà mọi học sinh cần giải quyết nỗi uẩn ức phải học thêm với thầy; chẳng hạn một giáo phận mà, các linh mục không thể không tìm vây cánh để có thể an ổn; chẳng hạn trong cộng đoàn mà yếu tố gốc gác địa phương trở thành vấn đề căng thẳng lớn… (Dĩ nhiên, vẫn có thể có ai đó sẽ trưởng thành hơn ngay cả khi đối diện với những đối kháng hoàn toàn giả tạo. Mọi sự đều nên tốt đối với người yêu mến Chúa… Điều đó cho thấy tính ưu việt của “tâm” trên “vật” và nhất là tính ưu việt của siêu nhiên trên tự nhiên).
Mặt khác, cũng có nhiều đối kháng, xét về bản chất, là đối kháng chân chính, nhưng trong một hoàn cảnh thực tế nào đó, lại thường đưa đẩy đến những phản ứng sai lạc. Nói chung, một đối kháng giả tạo, hoặc trở thành giả tạo, khi mà người ta có thể thấy, một cách phổ biến, nó làm cho người ta đánh mất hoặc giảm thiểu nguyên lý sống ở cội nguồn. Một người sống đời sống thánh hiến, nhưng phải giữ kỷ luật sao đó để rồi cuối cùng trở thành một người “đạo đức đáng kính-sợ” chứ không phải là người sống đời sống “tâm linh dễ thương”; hoặc người sống đời sống thánh hiến, phải đi học, nhưng cuối cùng việc học trở thành tiêu chuẩn chính cho bản sắc tu trì của mình…
Theo nguyên tắc luân lý, các nhân đức thì thông hiệp với nhau thì ngược lại, không thể có tu sĩ “chuyên môn sống khó nghèo”, nhưng lại coi thường sự vâng phục… Nếu có sự lệch lạc như thế, có lẽ yếu tố tự nhiên đã loại trừ sự sống siêu nhiên mất rồi…
Dĩ nhiên sự sống siêu nhiên không hẳn mang khuôn mặt của “sự lạ”. Đó là lập trường của Công Đồng Vatican II khi chọn theo lập trường của Hồng Y Suenens (đoàn sủng như “thường sủng”) chứ không theo lập trường của Hồng Y Rufuni (đoàn sủng như “đặc sủng”)[1]… Nhưng ta vẫn có thể nhận ra được nét chân thực của sự sống siêu nhiên, khác với nét “cuồng tôn giáo”. Chẳng hạn một sự sống tâm linh đích thực sẽ biểu lộ nét “sống với ai” chứ không phải “sống thế nào”; không thể không biểu lộ tình yêu (đức Mến), đặc biệt là biểu lộ lòng từ bi thương xót của Chúa; không thể không biểu lộ lòng trân trọng những anh chị em bé mọn. Đoạn thư Cl 3,12-15 mô tả tuyệt diệu những đường nét ấy:
“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân”.
Những hậu quả thấy được
Trung tâm của những thách đố trong đời sống thánh hiến hiện nay có lẽ thế này: ý nghĩa căn bản của đời sống thánh hiến là sống trước mầu nhiệm Nước Trời; lựa chọn ấy là một sự dấn thân, làm chứng về “giải pháp Nước Trời” cho thế giới con người trong thời đại của mình. “Đối thủ” chính yếu của Nước Trời chính là “tính thế gian” mà nguyên lý của nó không là gì khác hơn Satan. Nếu Satan chưa chết và chưa về hưu, thì mục tiêu lớn nhất của nó có lẽ chính là thổi vào thế gian căn bệnh cô bé choàng khăn đỏ, nghĩa là lừa dối về sự hiện hữu của chính nó, đồng thời của lừa dối về sự hiện hữu của “đối thủ Nước Trời”. Đánh mất tầm nhìn ấy của đức tin, người sống đời sống thánh hiến không thấy mình đang chiến đấu dưới ngọn cờ Nước Trời và đang chiến đấu với Satan cùng tính thế gian của nó. Sự lệch lạc ấy che dấu ý nghĩa căn bản và đánh mất sinh lực chính yếu của đời sống thánh hiến. Với Công Đồng Vatican II, Nước Trời không tách biệt khỏi Giáo Hội hữu hình, nhưng cũng không đồng nhất với Giáo Hội hữu hình. Giáo Hội là “bí tích Nước Trời”. Không ít trường hợp, người sống đời sống thánh hiến, cá nhân hoặc cộng đoàn, lo tìm một cái gì đó không còn bóng dáng Nước Trời; rồi lại sử dụng chính phương tiện thế gian để đạt được những thành quả có tính thế gian nào đó: một cộng đoàn đông đảo, nề nếp ổn định, có nhiều người nổi tiếng, được xếp hạng danh giá trong Giáo Hội hoặc xã hội… Cuối cùng thì bóng dáng Nước Trời biến mất hoặc biến dạng.
Có lẽ một tu sĩ ngập ngụa trong vũng bùn nhưng vẫn dương cao ngọn cờ Nước Trời, còn mang dáng dấp Kitô giáo nhiều hơn ai khác, dù vẫn đứng vững hiên ngang nhưng không còn mầu cờ sắc áo của Nước Trời. Đây chính là đường nét lớn trong Tin Mừng của đức Giêsu Kitô, “người chót hết sẽ nên đầu hết”: … Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy ; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy (Mt 21, 31-32).
Quả thật, trong bầu khí chung của Giáo Hội Việt Nam, người ta có thấy không ít những lệch lạc: người tín hữu ít nhận ra Giáo Hội trong chiều kích Đức Maria, so với Giáo Hội trong chiều kích Phêrô; ít nhận ra giá trị thánh hiến trong đời sống đan tu, ít tôn trọng các nữ tu và các “thầy già”, so với linh mục, giám mục,… Trong nhiều vấn đề cụ thể, ta có thể thấy: nhiều linh mục coi xứ như một nhà quản trị chứ không phải mục tử; nhiều hội đoàn đào tạo nên “công chức tôn giáo” chứ không phải là những người tông đồ của Chúa; việc học trong Giáo Hội trở nên như phương thức “trang bị kỹ năng” và tạo nên những nhà quan niệm chứ không phải nhà suy tư (phân biệt của G. Marcel)…
Cũng thế, có vẻ như ý nghĩa “thánh hiến” bị mờ nhạt khá nhiều trong các cộng đoàn mang danh đời sống thánh hiến. Sức sống của các cộng đoàn không biểu lộ được sự sống siêu nhiên, không diễn tả được khuôn mặt của Tin Mừng Nước Trời. Người tu sĩ thường giữ đúng luật về ba lời khuyên Tin Mừng nhưng vẫn không phải là “con người của Tin Mừng”; những người đức độ thì thường là nhà đạo đức đáng kính (sợ) chứ không phải người sống tâm linh dễ thương; các vị hữu trách thường lầm lộn giữa đời sống chung và phẩm tính huynh đệ trong cộng đoàn.
Trong cách thức giải quyết các vấn đề đời thường như: khi có khác biệt hoặc mâu thuẫn trong đời sống anh/chị em, khi gặp những chuyện trái ngang trong Giáo Hội; khi đụng những tình huống bất công trong công tác mục vụ;… ta không thấy được sự can dự của ánh sáng đức Tin, không nhận ra được lý tưởng của Tin Mừng, không cảm nhận được thứ tình cảm của một người có Chúa.
Nhiều bạn trẻ, mới bước vào Dòng tu, như thể buộc phải chuyển đổi từ một thứ văn hóa chân chính Kitô giáo, mặc dù còn luộm thuộm, văn hóa “sống-với-ai”, trở thành thứ văn hóa ngoại giáo, văn hóa “sống thế nào” cách nghiêm cẩn. Sống trong gia đình, người thanh niên tốt thường tìm thấy động lực sống và làm việc vì những người thân trong gia đình. Điều không hiếm xẩy ra là khi người thanh niên ấy bước vào đời sống thánh hiến, sẽ phải rèn luyện cách sống thế nào cho đúng và được đánh giá cũng như tự đánh giá mình do cách sống nghiêm cẩn “thế nào”. Nền văn hóa “sống thế nào” ấy cản trở sự sống tâm linh đích thực, tức mối tương quan ngã vị với Chúa… Kết quả không hiếm xẩy ra là, khi về già, lúc đau bệnh, người sống trong gia đình thường có khả năng xử lý bệnh tật của mình vì ai; trong khi những người tu sĩ, linh mục bệnh tật lại thường xử lý bệnh tật vì mình. Ta có thể thấy khá rõ điều đó nơi các nhà hưu dưỡng.
Quả thật nhiều lúc ta phải giật mình vì sự vắng bóng lạ lùng về ý nghĩa siêu nhiên, về lời chứng cho tình yêu và quyền năng của Chúa trong một Giáo Hội khá sầm uất và phát triển. Đôi khi ta còn thấy sự hiện diện trâng tráo của cách tính toán quá tự nhiên ngay trong điều thánh thiêng nhất!!!
Khi mà đời sống thánh hiến nói chung không còn biểu lộ được giá trị Nước Trời, được tỏ bày như một giải pháp về chính cuộc sống trần thế nhưng lại khác với giải pháp trần thế, đặc biệt là trong những khía cạnh cốt yếu của đời sống con người – chính trị, tình yêu và kinh tế – thì quả thực người ta có quyền đặt dấu hỏi về căn tính của đời sống thánh hiến.
Khi mà bầu khí tu viện không còn sáng lên phẩm giá người tu sĩ, và phẩm tính của đời sống thánh hiến, nhưng nghiêng ngả về chiều kích danh giá, hoặc năng lực, hoặc tất cả những gì mang tính thế gian, thì người ta cũng có thể đặt dấu hỏi về căn tính của đời sống cộng đoàn.
Nếu theo nguyên tắc: điều gì là cứu cánh thì cũng là nguyên lý; và điều gì là nguyên lý thì cũng là cứu cánh, thì chúng ta có thể “ngờ ngợ” rằng: nhiều nguyên lý chi phối nề nếp tu trì cũng như cách ứng xử của tu sĩ Việt Nam hiện nay không còn hướng tới cứu cánh Nước Trời nữa.
Phải chăng căn bệnh cô bé choàng khăn đỏ đã trở nên nặng nề khi mà người ta cố kích thích cho cây đời sống thánh hiến mọc ra nhiều cành, nở thật nhiều hoa, cho đậu nhiều trái… mà chính gốc rễ thì đã bị bỏ quên teo tóp? Rất nhiều các tu sinh, các tu sĩ trẻ, được đào tạo giống như những cây non vừa mới bám rễ, đã phải mang vác quá nhiều cành nhiều trái. Kết quả đưa tới là tình trạng “càng tu càng láo”.
III. TRUY TÌM CÁI “TOÀN THỂ TẾ VI”
Cái “toàn thể tế vi”
Thật ra, mỗi con người, mỗi đơn vị xã hội, không phải là một tổng số các yếu tố được gom góp với nhau một cách cơ học. Tinh thần đề cao thực nghiệm của thế kỷ XIX Tây Phương đã rớt vào lầm lẫn này.[2] Trong hầu hết mọi lãnh vực, tâm lý, xã hội, đạo đức, cái nhìn về con người,… thế kỷ XX đã vượt qua thế kỷ trước khi nhận ra cái toàn thể khác biệt với sự cộng chung tất cả yếu tố thành phần… Thế kỷ XX đã vượt quá hệ tư tưởng quá lạc quan và mang tính cơ học của hệ Descartes-Newton,[3] để đi đến một cái nhìn khiêm tốn hơn nhưng toàn diện hơn và cũng tinh vi hơn… Cái toàn thể khác với tổng số những yếu tố thành phần, vì nơi đó có một nguyên lý thống nhất, biểu lộ được cứu cánh.
Một thí dụ: vị linh mục giảng thuyết có thể nói với giáo dân: tôi phải nói, anh chị em chỉ việc nghe; tôi phải đứng, anh chị em được ngồi; tôi không kêu mệt thì thôi, anh chị em nghe giảng hơi dài một chút thì kêu ca. Cái lý của linh mục hoàn toàn đúng. Nhưng trong thực tế, khi các linh mục được ngồi và chỉ việc nghe đức cha giảng, thì các linh mục cũng kêu ca, không khác gì giáo dân khi nghe linh mục giảng. Thật ra cái lý của linh mục đã không nhận ra được cái toàn thể tế vi. Vị linh mục phải đứng, phải nói,… nhưng những thành phần ấy được hội nhập vào cái toàn thể của trách nhiệm, của “niềm vui” được biểu lộ chính mình qua tư tưởng của mình;… trong khi đó, người giáo dân được ngồi, được nghe, lại không dễ tìm được cái toàn thể tế vị cho thái độ của mình…
Cũng vậy, đặc sủng của Chúa Thánh Thần trong một Hội Dòng không chỉ bao gồm những yếu tố bên cạnh nhau, được gom góp với nhau một cách cơ-học, nhưng gồm chứa một nguyên lý sống sâu xa, thấm nhập và tỏ lộ một cách giản dị mà tinh tuyền. Chính vì không nhận ra sự khác biệt tinh vi ấy, khi Công Đồng Vatican II nhắc nhở các hội dòng phải tìm lại hứng khởi nguyên thủy của tổ phụ, là chính đặc sủng của Thánh Thần, thì hầu hết các hội dòng đều nhận ra bước lạc lối của những “hậu sinh khả ố”…
Phương thức giáo dục của đất nước XHCN, dựa vào nguyên tắc vật chất quyết định tinh thần, đã áp dụng phương thức mang tính nhồi sọ, bằng cách dùng những phong trào, chiến dịch, thi đua… để tạo nên những phản ứng theo kiểu thực nghiệm đối với tinh thần con người. Rốt cuộc con người XHCN chỉ còn là tổng số những phản ứng đối phó với các phong trào, chiến dịch thi đua ấy. Điều đó đã phá nát nhân cách của con người, vì không dành cho cá nhân mỗi người có được vị thế tự do để cấu tạo nên chủ thể tính của mình, là cái toàn thể tế vi của nhân cách. Mặt khác, khi nguyên lý sống chỉ là thi đua, đạo đức được đồng hóa với lợi ích,… thì cứu cánh không thể là một xã hội bình đẳng và yêu thương; và “thiên đường cộng sản” sẽ chỉ là chiếc bánh vẽ. Điều này luân lý Kitô giáo gọi là: mục đích không biện minh cho phương tiện. Cũng vậy, khi người ta giải quyết những vấn đề của đời sống thánh hiến bằng một nguyên lý lệnh lạc nào đó, hoặc một phương pháp chỉ nhắm vào thành phần, thì cứu cánh của đời sống thánh hiến – sống trước mầu nhiệm Nước Trời – cũng dễ trở nên hão huyền.
Kiểu giải quyết “đau đâu chữa đó” thường biến những đối kháng chân thực trở thành nên đối kháng giả tạo; cách thức ấy biểu lộ một quan niệm cơ học về cái toàn thể. Khi một tu sĩ không chịu học, thì giải pháp chưa hẳn là gia tăng áp lực học với những tiêu chuẩn được chuẩn mực hóa… Rất có thể nguyên nhân sâu xa của tình trạng ấy là anh/chị ấy chưa nhận ra ý nghĩa sứ vụ của việc học, hoặc ý nghĩa thánh hiến của việc học… Nhân cách con người và nhân cách một tu sĩ chính là cái “toàn thể tế vi”chứ không phải là tổng cộng những kỹ năng hoặc những thói quen. Trọng tâm của giáo dục nhân bản không phải là học những phương thức ứng xử đắc nhân tâm. Khi ta đặt trọng tâm việc đào tạo tu sĩ vào những kỹ năng đắc nhân tâm, ta đang huấn luyện một nhân viên bán hàng.
Khởi đi từ “cái lẽ” chứ không phải “cái lý”
Tạm dùng từ “lý” (logique) để chỉ những điều hợp lý khách quan bên ngoài; và từ “lẽ” (logos) để chỉ những chân lý khách quan đã được tiếp thu một cách đúng đắn vào bên trong con người. Khi người mẹ nói với cô con gái: sao mày không chọn thằng A, đẹp trai, học giỏi, con nhà giầu, mà lại chọn thằng B nghèo hèn!!! Đó là bà mẹ nói “lý” bên ngoài. Nhưng đứa con gái chọn anh B là chồng của mình, cô ta có “lẽ sống” bên trong của chính mình…
Cái “lẽ” như thế là bước khởi đầu để cấu tạo nên cái “toàn thể tế vi” của mỗi cá nhân. Mỗi người đón nhận những “cái lý” chung và khách quan, nhưng lại có khả năng hình thành nên “cái lẽ” riêng, nhờ đó mà hình thành được sự thống nhất bản thân và cuộc đời của mình. Một người trưởng thành thực sự chính là người thống nhất được đời mình xung quanh một lẽ sống chân chính.
Chính từ “cái lẽ tự nhiên” như thế mà người tín hữu có thể mở ra với “cái lẽ siêu nhiên”. Bình thường chính sự trưởng thành tự nhiên là nền tảng cho sự trưởng thành siêu nhiên; và ngược lại, một sự trưởng thành siêu nhiên sẽ làm triển nở sự trưởng thành tự nhiên. Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng đi theo để “dọn rác” cho những sai sót, đổ bể của ta. Ngài không mấy khi ban cho ta những ân huệ rời rạc, những yếu tố thành phần trong cuộc đời ta. Nhưng thiết yếu hơn, Thiên Chúa gầy dựng cho ta một “nhà”, một nơi ở “an cư”, một lẽ sống, rồi từ đó mới đồng hành với ta trong công viêc “lạc nghiệp”. Chính vì thế, hồng ân căn bản nhất mà Thiên Chúa ban cho ta là Thánh Thần, Đấng thánh hóa từ bên trong, Đấng hình thành cho người Kitô hữu một chân trời giá trị Nước Trời, để xây dựng nên cái toàn thể tế vi mang phẩm tính siêu nhiên trong hành trình cuộc đời. Hồng Y Joseph Ratzinger trong tác phẩm Thiên Chúa và Trần Thế đã nói:
“Trở về với nội tâm cũng là điều quan trọng cho ngày nay. Một trong những khía cạnh rõ ràng của bí tích Thêm Sức là nó đưa ta ra khỏi cái suy nghĩ thuần chuyện bề ngoài, thuần chuyện thành công và hiệu năng, đồng thời muốn nói cho ta hiểu rằng ta còn có một nội tâm. Nó nhắc ta, như thánh Phaolô nói xưa, hãy làm vững con người bên trong của mình. Nội tâm èo uột đang là một trong những vấn nạn lớn của thời đại. Trong ý nghĩa đó, có lẽ Bí tích Thêm Sức quả thật là một đối trọng của khuynh hướng chạy theo bề ngoài, nó giúp cho những gì trong cuộc sống làm người giữ được cân bằng”.[4]
Khi vai trò đúng mực của cá nhân không được tôn trọng, chẳng những “lẽ sống tự nhiên”, tức sự trưởng thành nhân bản, dễ bị giảm sút mà cả “lẽ sống siêu nhiên” cũng dễ bị thui chột. Người ta trở nên ấu trĩ khi phải đối diện hoặc bị đe dọa vì quá nhiều “đối kháng giả tạo”… Khi một nhân cách con người không có được hoặc không còn giữ được “dáng đứng” của mình, thì đời sống thánh hiến cũng khó có thể phát triển được chiều kích chiêm niệm. Sự trưởng thành tự nhiên và trưởng thành siêu nhiên tương tác lẫn nhau, tương tự như sửa tính tình thì chữ viết sẽ đổi, và sửa chữ viết thì tính tình sẽ đổi. Cũng thế, khả năng trở về với lương tri ngay thẳng sẽ rộng mở cho kinh nghiệm đức Tin, và ngược lại; cảm nhận được nhu cầu thinh lặng sẽ giúp người tu sĩ biết nghiền ngẫm Lời Chúa, và ngược lại; văn hóa sống-với sẽ mở đường cho tương giao cá vị với Chúa và ngược lại; thái độ tự nguyện sẽ đưa đời sống tâm linh vào chiều hướng phong phú, và ngược lại…
Nguồn mạch lời chứng trong đời sống Giáo Hội
Nếu cái toàn thể tế vi của cá nhân là chính lẽ sống, tự nhiên và siêu nhiên, thì cái toàn thể tế vi của cộng đoàn, của Giáo Hội phải là nơi có thể đón nhận, làm triển nở nhân cách ấy của mỗi thành viên. Ở mức độ này, bệnh cô bé choàng khăn đó chính là khi cộng đoàn bị biến chất từ phẩm tính một cộng đoàn phẩm giá trở thành một cộng đoàn chức năng. Cũng như gia đình là một “cộng đồng ngôi vị”, nơi mỗi người được tôn trọng ở mức độ phẩm giá, được đón nhận chính bản thân; còn nơi xí nghiệp, con người chỉ được đón nhận ở phần tài năng, phần vốn đóng góp hoặc phần đức độ. Một cộng đoàn nặng tính chức năng sẽ mang dáng dấp một xí nghiệp; ngược lại, một cộng đoàn phẩm giá sẽ biểu lộ bầu khí gia đình.
Lẽ sống chân chính của sự sống nhân bản và tâm linh Kitô giáo là một mạch sống trong tương quan, sống với ai, sống vì ai và sống cho ai. Trong một cộng đoàn phẩm giá, mỗi cá nhân được rộng mở để sống trọn bản thân, được chia sẻ và đón nhận những lẽ sống cho nhau. Mạch sống ấy không chỉ là những giáo huấn của kiến thức, mà cũng không phải chỉ là những mẫu mực sống đạo đức thế nào; nhưng luôn phải là bước khai mở cho mối tương giao ngã vị, xây dựng nên văn hóa sống-với-ai, hàm chứa chiều hướng trao và nhận chính bản thân cho nhau. Điều đó không là gì khác hơn khía cạnh chứng tá đời sống đức tin Kitô giáo.
Có lẽ cần lưu ý đặc biệt đến khía cạnh lời chứng, một khía cạnh được khám phá lại từ Công Đồng Vatican II. Có lẽ chính khía cạnh lời chứng có thể góp phần quan trọng để gầy dựng hoặc để giữ gìn được “cái toàn thể tế vi” trong đời sống cộng đoàn thánh hiến; bởi vì “hành lang” thông truyền sự thật sống động không chỉ là chân lý thuần túy khách quan, không chỉ là “cái lý”mà là “cái lẽ” đầy tính nhân văn và giá trị siêu nhiên của mỗi phẩm giá người. Thiếu cái lẽ làm nên lời chứng, cộng đoàn chỉ còn lo giữ cho đúng các yếu tố hữu hình. Chính cái lẽ sống ấy mới trở thành nguồn mạch quan trọng trong việc thông truyền sự sống tâm linh chân thật; và cách thức truyền thông của lẽ sống ấy chỉ có thể “hành lang lời chứng”. Một cộng đoàn mà mỗi thành phần được tôn trọng ở mức độ phẩm giá; có khả năng bộc lộ, chia sẻ kinh nghiệm đức Tin cho anh chị em mình, đó là dấu chỉ về một cộng đoàn sống đời sống thánh hiến chân chính.
Dĩ nhiên chẳng ai có quyền có một kết luận xác quyết về mức độ thánh thiện của cá nhân hoặc cộng đoàn. Điều đó “chỉ có Chúa biết”. Nhưng nếu thiếu nhân tố chứng tá trong đời sống hằng ngày, thì phẩm tính chân thật của đời sống thánh hiến sẽ trở thành chuyện riêng tư, khao khát nên thánh là chuyện riêng tư, và sự sống tâm linh của cộng đoàn chỉ là “tổng số” các “đơn vị thánh thiện” rời rạc…
TẠM KẾT
Nếu bầu không khí kinh tế thị trường tại Việt Nam đã tạo nên thứ tư bản đỏ, đánh mất hết lý tưởng sống; nếu bầu khí xã hội đang cuống cuồng chạy đua thăng tiến cho bằng thiên hạ đã khiến cả các đứa trẻ cũng phải bận rộn, khiến các thanh niên chỉ còn biết tìm kiếm “tài” mà bỏ quên “đức”,… thì thách đố thời đại ấy cũng không chừa lại đời sống thánh hiến. Hình như trong tâm thức người sống đời sống thánh hiến ở Việt Nam hiện nay đã không còn mấy ý thức dâng hiến, không còn mấy khát vọng nên thánh, đã không còn mấy lòng thiết tha xây dựng Nước Chúa…
Có lẽ hơn ở đâu khác, Giáo Hội Việt Nam cần đọc lại chương “Viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo” trong tác phẩm Anh Em Nhà Karamazov của văn hào Dostoievsky. Chính vì muốn quản trị một Giáo Hội trật tự và phát triển hơn mà hồng y giáo chủ đã phản bội đức Giêsu để trở thành môn đệ của tên cám dỗ.
Cha ông ta nói: lỗ rò nhỏ khiến thuyền chìm. Rất có thể đời sống thánh hiến, hoặc đời sống đức tin nói chung của Giáo Hội Việt Nam bị đe dọa không phải chỉ do áp lực bên ngoài, nhưng do một phương thức giải quyết không chân chính ngay bên trong sự sống của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP
Nguồn:http://catechesis.net/
——-
[1]Chúng ta có được một bản văn “đúc kết” cuộc tranh luận ấy trong số 12 của Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội: “Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các tác vụ, và trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc tín hữu “phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài” (1Cr 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội, như lời chép rằng “Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1Cr 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi, vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo Hội…”(GH 12).
[2]Xc. E. Bréhier, Những chủ đề triết học hiện đại.
[3]Xc. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng, Lịch Sử Triết học Phương Tây Hiện Đại, NXB Tổng Hợp Tp. HCM, chương I-II.
[4] Hồng Y Joseph Ratzinger, Thiên Chúa và Trần Thế, tr. 408-409.
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ