Tặng phẩm vô giá

217 lượt xem 13 Tháng Một, 2020

Dải đất miền Trung quê tôi một năm bốn mùa rõ rệt. Mùa  xuân vào ngõ chào năm mới với trái tim ấm áp; những tia nắng của mùa hạ gia tăng sự hứng khởi và ban tặng năng lượng cho con người thỏa sức thả hồn theo mây; mùa thu làm dịu mát lòng người. Để bế mạc cho một năm, mùa đông trổ tài với màn biểu diễn đặc sắc, những cơn rét mạnh đến cong người của gió và cái lạnh căm đến xé lòng của tiết trời. Nhưng chúng ta có cong người, có co mình lại để chỉ chăm chú lo cho bản thân? Hay đây là cơ hội để ta mở lòng, buông mình ra sưởi ấm cho đời. Đặc biệt là mùa Giáng sinh với ý nghĩa là mùa yêu thương, mùa  sẻ chia niềm vui cứu độ.

    Thực vậy! Mùa Giáng Sinh là mùa của yêu thương, của sẻ chia vì chính Chúa đã yêu thương và sẻ chia kiếp người đầy tội lỗi và đau khổ của loài người. Là con cái Chúa tôi cũng được mời gọi sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với những phận người kém may mắn. Cách đây 2 năm Giáng Sinh nào tôi cũng được đến thăm và trao quà cho những người ở bệnh viện tâm thần Thủ Đức, mỗi lần đi về lòng tôi luôn thao thức, đến nỗi có những đêm tôi không ngủ được vì cứ suy nghĩ về họ và băn khoăn phải làm gì cho họ. Cho đến mùa Giáng Sinh năm nay khi Hiệp Hội tổ chức đi trao quà Giáng Sinh cho những bệnh nhân chạy thận ở các bệnh viện 115, Ba Lan, Quân Khu 4, bệnh viện Ung Bướu và bệnh viện Tâm Thần….Tôi nhận nhiệm vụ đến 115 và Quân Khu 4. Nhưng trong đầu tôi vẫn xoay vần một cái tên quen thuộc dù chưa một lần tôi được đến “ Bệnh viện Tâm Thần Vinh” . Đúng, quen lắm! Họ là những người mắc thứ bệnh mà có người diễn tả cách khôi hài là những người không bao giờ biết buồn. Đúng, tôi đã từng gặp những người như họ nhưng không phải là họ, và có thể nói tôi đã ấp ủ họ trong trái tim tôi từ lâu nên khi nghe nói đến bệnh nhân tâm thần, tim tôi dấy lên thao thức, bồi hồi đến khó tả. Tôi đã xin đi phát quà thêm ở bệnh viện tâm thần.

Trong cuộc sống thường ngày, nhiều lúc thấy ai có hành động hay lời nói nào dường như đi ngược lại suy nghĩ, cách sống của đa số, ta thường tặng cho người đó danh hiệu: “Đồ điên, đồ tâm thần, đồ khùng, đồ mát…”. Quả thế! Đời đã đeo cho người thường một mắt kiếng tối màu để rồi chỉ thấy những người bị bệnh này một màu “ đen sẫm”, họ chẳng còn giá trị gì trước mặt mọi người và có thể nói là trở nên gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhưng thực tế họ có rẻ mạt, vô ích hay không?

Trại nữ là nơi đầu tiên tôi đặt bước chân đến. Cũng lâu lắm rồi không tiếp xúc nên tôi cũng hơi e ngại. Nhưng chỉ chốc lát mọi cảm xúc bỗng chốc ùa về ào ạt trong tôi “ nghẹn ngào, khóc thầm”. Trao quà xong tôi ngồi bên cạnh những người bị gọi là tâm thần, là điên đó. Tôi nhìn họ, lắng nghe họ, cười với họ, nắm lấy bàn tay nồng ấm và cùng đau nỗi đau của gia đình họ. Lúc ấy tôi cảm được người bên cạnh tôi không phải là một bệnh nhân mà là một người thân, người ruột thịt của tôi, họ cần nơi tôi hơi ấm của tình người.

Trước khi chia tay chúng tôi hát tặng họ bài hát “ Mừng Chúa Giáng Sinh” giai điệu bài hát kết thúc cũng là lúc giai điệu của những cảm xúc vang lên cùng thời điểm, nhiều người trong số họ đã khóc. Phải chăng họ đã khóc vì một niềm vui vỡ òa hay cho những đau khổ chất chứa trong tim bấy lâu? Một cô gái đến ôm tôi, nụ cười và cái ôm siết chặt cho tôi cảm thấu cô đã hiểu và muốn trao cho tôi lòng biết ơn và tình người chân chính, một sự chân thành mà có lẽ người thường “khó làm được hoặc không làm được”. Lúc đó tôi mới nhận ra họ thật sự có giá trị, họ là những người cao quý chứ không tầm thường, rẻ mạt như đời đã dạy tôi..

Chào tạm biệt khu bệnh nhân nữ, tôi sang khu 2 là trại nam. Nỗi sợ trong tôi cũng dấy lên nhưng một lần nữa, họ lại dạy cho tôi một bài học. Họ đã giúp tôi tháo mắt kiếng cuộc đời và trao cho tôi mắt kiếng của tình yêu. Lúc phát quà cho họ, khi thấy tôi xách nhiều phần một lúc, họ đến xách đỡ cho tôi. Khi đến lượt, họ chỉ nhận phần quà của mình rồi về chỗ ngồi mà không tranh giành hay xin thêm. Tôi thật ngưỡng mộ họ bởi họ không tham lam, không giành giật như một số người ‘khỏe mạnh” khác. Tại đây tôi gặp một người tuổi “muối tiêu”, nụ cười tươi rói và cái bắt tay của họ cho tôi cảm được một sức sống mãnh liệt, một sức sống trào tràn niềm vui,  một sức sống đong đầy yêu thương  ẩn kín bên trong thân hình tiều tụy và trước bức màn khinh khi của cuộc đời.

    Phát quà xong tôi lấy hết can đảm để gặp gỡ mấy chị nhân viên, tôi khá ngạc nhiên trước câu trả lời của chị. Từ trước tôi vẫn nghĩ họ là những người làm công ăn lương, nhưng câu trả lời ấy xoay góc nhìn của tôi lên tới 1800. Nhìn cách phục vụ và nghe câu trả lời của chị tôi khám phá ra nơi đây có những trái tim luôn rực cháy, họ sẵn sàng thay quần áo, tắm rửa, dẫn bệnh nhân đi vệ sinh, đút cơm…Chị chia sẻ nhiều lúc cũng mệt mỏi, cũng muốn phát cuồng lên nhưng biết đặt tình yêu vào chị mới vượt qua tất cả những khó khăn. Thật vậy! Tình yêu đã làm nên tất cả, tình yêu làm cho con người trở nên người hơn và giúp người khác cũng trở nên người trước mắt kiếng cuộc đời “ Họ không đáng gì”. Nhưng thử hỏi ai có thể giúp chúng ta đọc ra được giá trị của những hy sinh, nhất là giá trị của những người bị coi là “ mạt vận” kia? Vâng! Có chứ! Chính Chúa, chỉ có Chúa mới có thể khai lối mở đường cho ta. Tình yêu của Chúa lớn lao đến nỗi Ngài hy sinh ngai báu để mặc lấy xác phàm, chịu đồng số kiếp đau khổ với loài người tội lỗi. Tim đèn leo lét Ngài không nỡ dập tắt, cây lau bị dập Ngài không nỡ bẻ gãy. Nơi nào hy vọng tưởng chừng bị lịm tắt Giêsu sẽ thắp lên niềm hy vọng. Tình yêu Thiên Chúa đã nối kết trời với đất, loài người với Thiên Chúa. Vì thế chúng ta cũng hãy mở lòng để trái tim có cơ hội ló rạng, để tình người được sẻ chia và giao duyên với mọi tầng lớp. Có như vậy ta mới có thể thấy mọi người đều như nhau, mọi người đều có giá trị ngay cả những người bị tâm thần họ cũng là “ tặng phẩm cao quý Chúa ban cho đời”.

      Chuyến đi lần này thật ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã học được nhiều bài học quý giá nơi những người tưởng chừng vô ích, thiết nghĩ những người mà xã hội coi là điên thì chính họ sẽ là câu trả lời cho chúng ta về những gì ta đã và đang nghĩ về họ. Đặc biệt chuyến thăm này cho tôi cảm nghiệm sâu hơn về tình yêu của Chúa giành cho tôi để rồi tôi cảm thấy hài lòng và biết ơn Ngài hơn và tôi cũng được mời gọi chuyển cầu những đau khổ nhân thế lên Chúa. Từ ngày tôi gặp gỡ họ đến nay tôi vẫn nhớ từng gương mặt của họ như thể tôi mới gặp ngày hôm qua vậy, họ như những nguyên liệu để món ăn cầu nguyện của tôi thêm sắc thêm hương.

Thạch Thảo