Tâm nguyện luyện tâm linh

160 lượt xem 24 Tháng Bảy, 2019

Đấng đáng kính GM Aloysius Schwartz (1930-1992, Hoa Kỳ) khuyên: “Khi cầu nguyện, hãy cầu xin hai điều: xin soi sáng để nhận biết ý Chúa, và xin can đảm để làm theo ý Chúa”. Thế thôi, không cần lải nhải lắm lời, nhiều chuyện, bởi vì Thiên Chúa thấu suốt mọi sự nên Ngài biết hết rồi!

Cuộc sống rất cần cầu nguyện, người nào cũng cần – kể cả người vô thần, dù chỉ là “tĩnh lặng” trong “khoảng sa mạc” của tâm hồn. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên Chúa, tâm sự thân mật với Ngài về mọi sự, cả điều to lẫn điều nhỏ, cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Cầu nguyện làm cho con người hèn mọn trở nên vĩ đại, vì được trực tiếp nói chuyện với Thiên Chúa. Nhưng cần lưu ý “phong cách cầu nguyện”, điển hình là hai động thái của hai người cùng cầu nguyện tại Đền Thờ: Người Pharisêu và người thu thuế (x. Lc 18:9-14). Người Pharisêu ỷ mình được “biệt phái” nên khinh người khác, đó là “phạm tội ngay trong lúc cầu nguyện”. Thật đáng sợ!

Chắc chắn rằng cầu nguyện là thời gian tốt lành, thế nhưng đôi khi người ta lại kỷ hoặc bất nhân trong “giờ vàng” đó. Thật vậy, người ta ích kỷ vì chỉ cầu cho mình chứ không cầu cho người khác, và rồi còn có thể bất nhân – bởi vì lải nhải với Chúa về tội người khác để tự biện minh cho mình là chân chính. Tinh vi lắm!

Con người có xu hướng trọng hình thức, ưa bề ngoài – tức là dạng giả hình. Giả hình là giả dối. Thánh Gioan tông đồ cảnh báo: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1:8-10). Giả dối với người khác là mù quáng, giả dối với chính mình là tự lừa mình, rõ ràng là ngu xuẩn.

Thực sự rất quan trọng về “thái độ cầu nguyện”, bởi vì hiệu quả hay không hoàn toàn tùy thuộc phong cách cầu nguyện của mỗi người. Con người đầy tham-sân-si, thế nên phải vượt lên chính mình. Vì tà tâm nên khi thấy kẻ ác lộng hành, có người đã từng nói: “Sao Chúa không cho nó chết đi, phạt nhãn tiền cho cuộc sống bình yên”. Ý tốt đó có thực sự tốt chưa, hay chính là sự bất nhân? Thử hỏi: “Nếu Chúa áp dụng thẳng thắn nghiêm luật thì chúng ta còn sống tới hôm nay?”. Giữa sự thiện và sự ác chỉ có một khe nhỏ bé lắm. Tưởng như vậy mà không như vậy, tưởng không như thế mà lại như thế!

Càng ưa bề ngoài thì càng dễ giả hình, càng giả hình thì càng mù quáng. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã phải nói thẳng với nhóm người Biệt Phái: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này:Ta muốn LÒNG NHÂN chứ đâu cần LỄ TẾ, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội” (Mt 12:8). Con người rất dễ ảo tưởng, thế nên ngay khi chính mình là “Pharisêu chính hiệu” (được biệt phái, được đặc cách, được may mắn,…) mà cứ tưởng mình đang hành động vì Chúa. Sự mù quáng đáng cảnh giác, vì Kinh Thánh nói rõ: “Kẻ thiếu lương tri mới khinh khi người khác, người giàu hiểu biết thì ngậm miệng làm thinh” (Cn 11:12).

Thiên Chúa chí thánh, cực lành, Ngài không thể chấp nhận vết hoen ố nào, và Ngài đã quyết định: “Tiếng kêu trách Xơđôm và Gômôra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết” (St 18:20-21). Đó là cách thể hiện sự công minh và chính trực của Thiên Chúa – Thẩm Phán tối cao và duy nhất. Ông Bao Công đã khiến người ta tâm phục khẩu phục về cách xử án công minh chính trực, không thiên vị bất cứ ai. Nhưng như thế cũng chẳng là gì đối với Thiên Chúa, Ngài còn vượt trội hơn hẳn, còn nghiêm minh hơn Bao Công nhiều.

Kinh Thánh cho biết: Khi hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơđôm, Đức Chúa còn đứng lại với ông Ápraham. Ông lại gần và “đặt vấn đề” với Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” (St 18:23-25). Tổ phụ Ápraham cầu nguyện mà như “mặc cả” với Chúa, nhưng ông không mặc cả để tự biện hộ mà ông mặc cả vì công ích, vì lợi ích của người khác. Đó là sự mặc cả được Thiên Chúa cho phép. Và rồi Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơđôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó” (St 18:26). Ôi, Thiên Chúa vô cùng nhân từ và dạt dào thương xót!

Thế thì tốt quá. Nhưng ông Ápraham chưa an tâm, vẫn áy náy, ông lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao?” (St 18:27-28a). Ôi, giả thuyết của ông rất độc đáo. Và Chúa lại thản nhiên đáp: “Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người” (St 18:28b). Thật tuyệt vời biết bao! Nhưng rồi ông vẫn chưa an tâm, ông lại mạnh dạn thưa thêm lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao?”. Thiên Chúa vẫn không nổi nóng, mà lại cười hiền và đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm” (St 18:29). Ôi chao, Chúa thật là hiền, hiền ơi là hiền, nhân hậu quá chừng luôn!

Thấy Chúa nhân từ quá nên ông Ápraham có vẻ hơi ngại, dù ông có ý “làm tới”, và rồi ông khép nép thưa: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao?” (St 18:30a). Chúa vẫn thản nhiên, bình tĩnh và xác định: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm” (St 18:30b). Ông vẫn cố mặc cả, ông giả định còn hai mươi người, rồi chỉ còn mười người, nhưng Chúa vẫn nói: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơđôm” (St 18:32b). Ông Ápraham không dám mặc cả gì thêm nữa. Thiên Chúa biến đi, còn ông trở về nhà.

Quả thật, chẳng ai có thể nhân từ và “mát tính” như Chúa, người ta có tốt chăng thì cũng chỉ “quá tam ba bận”. Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài yêu điên cuồng đến nỗi chết vì chính những người xúc phạm và giết chết Ngài, con người có tốt thì cũng chỉ dám chết cho người mình yêu mà thôi. Vì thế, chúng ta chỉ còn biết ngước nhìn Ngài, rồi dang tay lên và thân thưa: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự” (Tv 138:1-2). Lòng Chúa Thương Xót vượt lên khỏi trí tuệ của phàm nhân chúng ta, đúng như Thánh Vịnh gia đã cảm nghiệm: “Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn” (Tv 138:3). Thật vậy, nếu Ngài không kịp thời cứu chữa thì chúng ta không còn hiện hữu tới hôm nay.

Là tình yêu và giàu lòng thương xót, Thiên Chúa cũng cho phép chúng ta mặc cả vì tình yêu, vì sám hối, và dù “Chúa thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; còn ai ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết” (Tv 138:6). Đừng ảo tưởng mà đối nghịch với Ngài. Thánh Vịnh gia đã bày tỏ thay cho chúng ta: “Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con. Địch thù đang hằm hằm giận dữ, Ngài ra tay chận đứng, lấy tay uy quyền giải thoát con” (Tv 138:7). Do đó, chúng ta phải tự hứa với Ngài và xưng tụng: “Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang” (Tv 138:8).

Có thể nói rằng cuộc đời con người có hai cột mốc, như sợi dây có hai đầu: Khởi sự và kết thúc – khi sinh và lúc chết. Thiên Chúa là Nguồn Sống, là Alpha và Omega, là Đầu và là Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 1:17; 2:8; 22:13). Thánh Phaolô giải thích: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta” (Cl 2:12-13).

Không phàm nhân nào tinh tuyền, nghĩa là ai cũng sai lầm, ngay cả người tốt cũng sai lỗi mỗi ngày bảy lần (x. Cn 24:16), vì đã mang tội ngay khi hình thành trong bụng mẹ (x. Tv 51:7). Thế nhưng Thiên Chúa vẫn đại lượng tha thứ, nếu tội nhân biết sám hối chân thành. Điều rất quan trọng là đừng mất niềm tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, dù chúng ta có tội lỗi lút cổ ngập đầu: “Dù tội đỏ như son cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18). Mỗi khi chúng ta sám hối là chúng ta lại “mặc cả” với Chúa, nhưng Ngài cho phép vì lợi ích của chúng ta. Quả thật, chúng ta không thể nào hiểu thấu!

Thánh Phaolô cho biết: “Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá” (Cl 2:14). Và Thánh Phêrô nói: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2:24). Còn Thánh Mark khổ tu khuyên: “Ai đã phạm tội thì đừng bao giờ thất vọng. Chúng ta không bị đoán phạt vì số lượng tội lỗi đã phạm, nhưng vì chúng ta không muốn sám hối và không nhận biết các phép lạ của Chúa Kitô”.

Thánh Gioan Eudes (1601–1680) phân tích: “Không khí chúng ta thở, cơm bánh chúng ta ăn, trái tim đập trong lồng ngực chúng ta cũng không cần thiết để giúp chúng ta có thể sống đúng là một con người cho bằng lời cầu nguyện, vì cầu nguyện giúp chúng ta có thể sống đúng là một tín hữu”. Còn nhà vật lý André-Marie Ampère (1775–1836, Pháp) nói: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện”. Rõ ràng và chắc chắn rằng cầu nguyện là việc làm quan trọng, nhưng phong cách cầu nguyện còn quan trọng hơn nhiều.

Một lần nọ, Chúa Giêsu vừa cầu nguyện xong thì có một người trong nhóm môn đệ nói: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11:1). Đây cũng là điều cần thiết mà chúng ta phải biết xin Chúa mỗi khi chúng ta cầu nguyện – dù chung hay riêng. Cầu nguyện là hơi thở của tín nhân, không cầu nguyện là “chết tâm linh” mặc dù thân xác còn sống.

Nghe các trò hỏi, Sư Phụ Chúa Giêsu ân cần hướng dẫn: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11:2-4). Đó là Đệ Nhất Kinh. Mỗi ngày chúng ta đọc Kinh Lạy Cha nhiều lần, nhưng có thể quen quá hóa thường, đôi khi không khác kiểu đọc vẹt. Nếu xét sâu và sát theo lời kinh thì thấy mình còn thiếu sót nhiều lắm. Đọc là một chuyện, hiểu đúng và thực hành là chuyện khác.

Sau đó Ngài còn nói với các ông một chuyện rất đời thường: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’; mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi, cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được?’. Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó” (Lc 11:5-8). Ví dụ rất cụ thể, rạch ròi, dễ hiểu. Nhưng Ngài muốn dạy chúng ta phải biết kiên trì chứ đừng lải nhải (Mt 6:7). Chúa Giêsu rất trầm tính, không thích những người nói nhiều, lắm chuyện, lẻo mép!

Đọc kinh là cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không hẳn là cứ phải đọc kinh. Cầu nguyện không là trình bày cho xong lần, cũng không là “ra lệnh” cho Chúa, mà phải cầu nguyện bằng cả niềm tin tưởng và phó thác. Ngài trọng chữ tín, không bao giờ sai lời hứa: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11:9-10). Xin chưa được, tìm chưa thấy, gõ chưa mở, đó là do lỗi của chúng ta, vì có thể lời cầu xin của chúng ta còn ích kỷ hoặc thực dụng.

Thật vậy, Thánh Gioan Eudes cho biết: “Có những ân sủng của Thiên Chúa toàn năng KHÔNG ĐƯỢC BAN khi anh em ngỏ lời xin lần thứ nhất, lần thứ hai, hoặc lần thứ ba, bởi vì Người muốn anh em PHẢI CẦU NGUYỆN trong một thời gian lâu dài và thường xuyên. Người muốn trì hoãn để giữ anh em trong tình trạng KHIÊM CUNG và TỰ HẠ, đồng thời làm cho anh em NHẬN THỨC được giá trị những ân sủng của Người”. Ý Chúa mầu nhiệm, không thể hiểu, nhưng người ta lại chỉ muốn xin “như ý” của mình mà thôi.

Về việc cầu nguyện, chính Chúa Giêsu cũng đã phân tích rất cụ thể rằng không cha mẹ nào lại lấy rắn cho con khi nó xin cá, hoặc lấy bò cạp cho con khi nó xin trứng. Rồi Ngài kết luận: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11:13). Một câu nghi vấn để nhấn mạnh điều xác định. Thiên Chúa tốt lành nên Ngài chỉ làm điều ích lợi cho chúng ta, Ngài không thể muốn điều xấu cho ai hoặc cám dỗ ai.

Người ta nói: “Vô tri bất mộ”. Yêu thì phải biết – biết rõ chứ không mơ hồ, không biết thì không thể yêu. Biết rõ rồi cảm thấy yêu mến, yêu mến nên mới tin tưởng, tin tưởng nên muốn cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ là lẽ sống mà còn thể hiện Đức Tin và Đức Mến (bao hàm cả Đức Cậy). Thánh Gioan Tông Đồ lý luận: “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”(1 Ga 4:20). Rất lô-gích và chí lý!

Lạy Thiên Chúa, xin ban Thần Khí đốt Lửa Mến trong lòng chúng con, để chúng con nói với Ngài và nói về Ngài, đồng thời càng ngày càng hoàn thiện mà nên giống Ngài hơn. Xin cho mọi người sống đúng bổn phận và trách nhiệm của mình để vinh danh Ngài và sinh ích lợi cho tha nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

nguon . thanhlinh.net