Tại sao Thiên Chúa lại tự tỏ mình ra cho nhân loai?

346 lượt xem 24 Tháng Sáu, 2023

Tại sao Thiên Chúa lại tự tỏ mình ra cho nhân loai?

Dẫn nhập

Trong đức tin Kitô giáo, việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại là đỉnh điểm của mạc khải, là “ân ban của mọi ân ban”. Bởi lẽ nếu Thiên Chúa không tỏ mình, thì con người không thể nhận biết một Đấng Vô Hình đang ku;điều khiển mọi hoạt động của vũ trụ này. Từ đó, một đàng trong sâu xa con người khát vọng vô biên về chân thiện mỹ, một đàng con người trở nên một thụ tạo loay hoay với một cuộc sống không có mục đích, không biết mình đi đâu và về đâu. Chính Thánh Irênê đã nói: “Thiên Chúa dạy chúng ta điều này: không ai có thể biết Thiên Chúa trừ khi được Thiên Chúa cho biết, nói cách khác, ta không thể biết Thiên Chúa nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa; cả viêc chúng ta được biết Người cũng chính là ý Chúa Cha, bởi vì những ai biết Người là kẻ mà Chúa Con mạc khải cho[1] (x Mt 11,27:Lc 10,22). Ân ban, quà tặng mạc khải là khởi điểm cho thần học Kitô giáo “chỉ có Thiên Chúa nói đúng về Thiên Chúa[2], nên con người không thể quan niệm Thiên Chúa như bất cứ ai mà ta có thể biết, ngoại trừ chính Ngài tự tỏ lộ ra. Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại là “câu chuyện tình lãng mạn giữa Thiên Chúa và con người”, chính Ngài đã kiên trì quyến rũ, ve vãn, bày vẽ đường đi để Ngài là Đấng dẫn dắt tuyệt đối độc nhất của con người. “Thiên Chúa tỏ mình cũng tuân theo một đường lối sư phạm tiệm tiến; tiến trình từ chỗ bất toàn đến chỗ hoàn toàn, giống như “Thầy giáo” dẫn học trò từ bài dễ đến bài khó”[3]. Quả vậy, Mạc Khải chính là câu chuyện trình thuật về việc Thiên Chúa, Đấng hé mở mình từ từ cho con người, Đấng đã làm cho con người biết chính Ngài, biết dung mạo của mình.

             Trong sâu xa đời sống đức tin, khi xét trên bình diện con người, ta có thể gặp gỡ một ai đó. Trên bình diện nhân loại, không ai có thể đủ để con người phó thác niềm tin. Trong bình diện tự nhiên, lý trí, con người không thể có một ai đó có một chứng cứ chắc chắn để hoàn toàn tin tưởng. Vì thế con người khao khát một chiều kích siêu việt mà chỉ có một mình Thiên Chúa là một ai đó hoàn toàn trung tín và chân thực. Nhưng thực tế, con người không phải ai ai cũng đáng tin, vì tất cả đều mang kiếp phàm nhân. Từ đó, chỉ có Thiên Chúa là cùng đích của sự vươn tới chiều kích siêu việt của niềm tin con người. Chính vì thế, “Thiên Chúa tỏ mình ra nhiều lần nhiều cách” (x Dt 1,11). Ngài đã đến găp gỡ, gần gũi, tương giao con người trong mảnh đất cuộc sống cụ thể trong ngôn ngữ của con người để con người có thể nghe, nhận biết Ngài.Chúng ta có thể gặp thấy trong thiên nhiên, là thụ tạo của Thiên Chúa phản ánh Đấng sáng tạo, trong mầu nhiệm đang biểu hiện nơi chính con người, trong lịch sử luôn phản ánh cái ở bên kia của chính nó. Nếu chúng ta có thể hiểu được Đấng Vô Hình, thì ắt hẳn chính Người đã tự tỏ mình ra cho chúng ta, ắt hẳn Người đã tự mạc khải chính mình.”[4]

      Để cảm nghiệm rõ hơn ý định nhân lành của Thiên Chúa qua việc bày tỏ cho nhân loại, chúng ta cùng tìm hiểu lý do và mục đích qua những điểm sau.

  1. Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại bắt nguồn từ một tình yêu nhưng không.

     Từ định nghĩa của Thánh Gioan Tông Đồ “Thiên Chúa là Tình Yêu”(1 Ga 4,8). Chúng ta có thể xác quyết rằng: khi nói đến việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại, lý do đầu tiên và cũng là chủ chốt cho mọi lý do chính là tình yêu chứa chan của Thiên Chúa. Bởi con người là cụ thể nằm trong không gian, thời gian, còn Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, hằng hữu, vô biên. Giữa con người và con vật có khoảng cách nhưng giữa con người với Thiên Chúa muôn ngàn trùng xa cách. Thế mà  “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ mình cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x Eph 1,9)”[5] Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại là vì con người, Chúa không hành động theo lẽ con người nghĩ, mà Ngài đến chia sẻ trong sâu thẳm cho con người. Thật vậy, “Thiên Chúa hoàn toàn tự do, không bị ép buộc bởi bất cứ điều gì khác cho con người. Thiên Chúa hạnh phúc với chính Ngài, Ngài không có một nhu cầu nào từ bên ngoài.[6] Từ đó, cho thấy rằng “Thiên Chúa có thể không phải là vị Thiên Chúa – vì – Thiên Chúa, ngồi lì trong thực tại tuyệt đối không thể nào tương giao được của mình và bo bo giữ lấy cho mình tất cả mọi thứ quyền lực, ngủ yên trong vĩnh cửu của mình; mà là vị Thiên Chúa hướng về chúng ta, bởi vì Người yêu con người cách si mê, yêu ái thực tại tạo thành của Người mà Người thấy quả là tốt đẹp. Như bất cứ tình nhân nào, Thiên Chúa muốn trở thành như người khác: đó là con người. Thiên Chúa là tình yêu: điều này không phải chỉ là một trong muôn vàn thuộc tính, mà đó chính là tên gọi Người, tính thể của Người.[7]

     Đi từ lịch sử tạo dựng, khi có vũ trụ này “Thiên Chúa đã nhiều lần nhiều cách quyến rũ chúng ta với một tình yêu không gì cưỡng lại được. Đây là một lịch sử tình yêu rất cảm động của một vị Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm và cứu độ con người. [8]” Con người thụ tạo thấp hèn không thể biết được Thiên Chúa, chỉ có Ngài mạc khải,  bày tỏ chính Ngài cho con người qua sự hiện diện của vũ trụ, vạn vật, qua dòng lịch sử để con người có thể đón nhận và hiểu được. Bên cạnh đó, Thiên Chúa là một Đấng rất sống động, một Đấng yêu thương, mà bày tỏ qua thiên nhiên thì chưa đủ, bởi thiên nhiên chỉ giúp con người nhận biết một phần về Ngài mà thôi. Ngài cần các ngôn sứ, cần chọn một dân riêng, vì thế Thiên Chúa hé mở phần nào đời sống nội tâm của Ngài, và nói chuyện với Abraham, Isaac và Giacop. Ngài truyền lệnh cho ông Môsê giải phóng dân Ngài khỏi ảnh nô lệ bên Ai Cập. Hết lần này đến lần khác Ngài yêu cầu các ngôn sứ lên tiếng và hành động công khai nhân danh Ngài. “Theo dòng lịch sử, dân Israel đã có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa chỉ có một động lực duy nhất khiến Ngài tự mạc khải cho họ và chọn họ giữa mọi dân để họ là dân của Ngài: đó là tình yêu nhưng không của Ngài.(x Đnl 4,37;7,8). Nhờ các Tiên tri, Israel hiểu rằng, cũng vì tình yêu mà Thiên Chúa đã không ngừng giải cứu họ (x Is 43, 1-7) và tha thứ cho sự bất trung và tội lỗi của họ. (x Hs 2)”[9]. Qủa vậy, “Chính tình yêu khôn tả đã khiến Chúa nhìn đến thụ tạo Chúa nơi chính Chúa, Chúa đã say mê nó; vì tình yêu Chúa đã dựng nên nó, vì tình yêu Chúa đã cho nó hiện hữu, để nó nếm được sự Tốt lành vĩnh cửu của Chúa.[10] Thiên Chúa đã đi vào lịch sử bất tất của nhân loại trong mọi biến cố, tất cả chỉ vì tình yêu.

    Tiếp đến, đi từ quà tặng ân sủng của Thiên Chúa nhân từ, Ngài bày tỏ cho con người, đối thoại với con người như một mối liên hệ của hai người bạn. Thế nhưng, “mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người là điều hoàn toàn vượt quá lãnh vực những sự vật hữu hình. Lý trí con người gặp phải những chướng ngại bởi những chân lý liên quan đến thực tại siêu nhiên, đòi con người phải hiến thân từ bỏ mình. Để đạt được những chân lý như vậy, trí tuệ con người phải làm việc một cách khó khăn, một đàng vì sự thúc đẩy của các giác quan và trí tưởng tượng, đàng khác vì những dục vọng do nguyên tội gây nê. Cho nên trong những vấn đề đó, con người dễ cho là dối trá hoăc là ít nhất là mơ hồ, những điều họ không muốn đó là những sự thật”[11] Bên cạnh đó sự hiểu biết lý trí của con người bị pha lẫn nhiều lầm lạc, như lịch sử nhân loại đã cho thấy (các quan điểm đa thần, nhất thần, lưỡng thần…).  Chính vì lý do đó, “con người cần được mạc khải của Thiên Chúa soi dẫn, không những trong những gì vượt quá trí khôn, mà cả trong những chân lý tôn giáo và luân lý tự chúng không vượt quá khả năng lý trí, để trong tình trạng hiện thời của nhân loại, mọi người có thể nhận biết cách dễ dàng, chắc chắn và không lẫn lộn sai lầm”[12]

     Thiên Chúa không bị ràng buộc phải tự tỏ mình cho nhân loại. Người tỏ mình chỉ vì yêu thương. Cũng như trong tình yêu loài người, ta chỉ có thể biết được sự gì của người mình yêu khi họ mở lòng ra cho ta. Đối với Thiên Chúa ta cũng chỉ đạt tới chỗ hiểu biết một chút gì đó về các tư tưởng sâu kín nhất của Người, bởi vì Người là Đấng Vĩnh Cửu và cao siêu, Người đã chỉ vì yêu mà tỏ lộ cho nhân loại. Từ khi tạo dựng, qua các tổ phụ và tiên tri cho đến mạc khải sau cùng qua Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã không ngừng nói với loài người. Thiên Chúa cho ta và cho phép ta chiêm ngắm bản tính sâu sắc nhất của Người nhờ Đức Kitô.

  1. Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại mở đường cho con người hưởng ơn cứu độ

     “Kinh Thánh không dạy chúng ta nên nói về Thiên Chúa như thế nào, nhưng dạy chính những gì Người nói với chúng ta; Kinh Thánh không chỉ cho chúng ta làm cách nào để tìm thấy con đường dẫn đến Thiên Chúa, nhưng lại chỉ cách nào Người đã tìm thấy  và thấy được con đường để đến với chúng ta.”[13] Quả vậy, nếu không có con đường Thiên Chúa mở ra để đến với con người thì con người không thể tìm thấy con đường đi đến với Thiên Chúa. Bắt nguồn tình yêu nhưng không, con đường cứu độ là lộ trình để Thiên Chúa tỏ mình nơi người con duy nhất là Đức Giêsu thành Nazaret. Đức Giêsu Kitô đã không chỉ công bố Lời của Thiên Chúa (Mt 11,27); Ga 1,17), mà Người còn chính là Lời (Ga 1,1-14), theo nghĩa là nơi Người, Thiên Chúa tự nói tất cả về mình. “Thiên Chúa đã tha thiết muốn cứu độ con người, đến nỗi đã không buông tha Con Một của Ngài vì họ; Thiên Chúa cũng không ngừng vận dụng mọi cách để nâng con người lên đặt ở bên hữu Ngài”[14]  Một điều chắc chắn rằng, ý định cứu độ của Thiên Chúa đã có từ đời đời, là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, muốn con người được chia sẻ thần tính và nên một với Người để con người được diện kiến Thiên Chúa.

      Từ khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, Thiên Chúa đã sáng tạo con người, Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại. Sau khi nguyên tổ loài người sa ngã phạm tội, con người đã đánh mất ân sủng, xa rời tình yêu Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã ban lời hứa cứu độ để cứu con người khỏi sự chết trầm luân, nhưng được hưởng hạnh phúc với Ngài mãi mãi. Chính vì thế, Ngài hứa ban từ “dòng dõi người nữ” (x.St 3,15), xuất hiện một vầng đông (Benedictus) cứu dân Người khỏi tay tử thần. Nơi Đức Kitô, vị Thiên Chúa vô hình đã biểu lộ dung mạo của Người. “Không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Đấng ở trong cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (Ga 1,18). “Thiên Chúa không đành nhìn con người dần dần hủy hoại mình và những gì chung quanh mình, do hiệu ứng dây chuyền của tội lỗi. Người gửi đến cho ta Chúa Giê su Kitô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc, Người cứu ta khỏi tội lỗi.”[15]

     “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).Việc Thiên Chúa đến trần gian thì còn có lý do nào lớn lao hơn là việc Thiên Chúa đã có ý định bày tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, bằng cách biểu lộ tình yêu ấy (x Rm 5,8) một cách mạnh mẽ. Như vậy, Thiên Chúa đã đến tiên vàn để con người biết Thiên Chúa yêu thương họ dường bao và để nhờ đó mà họ cháy bừng lửa yêu mến đối với Đấng đã yêu thương họ đầu tiên (x 1Ga 4,10 và 19) và để họ yêu thương anh em đồng loại mình.”[16] Thiên Chúa nơi Đức Kitô không phải là Thiên Chúa đàn áp, trừng phạt… nhưng là Thiên Chúa tốt lành, nhân từ và quan phòng, là vị Thiên Chúa Tình Yêu. Đức Kitô là dấu chỉ để cho con người biết tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa mạc khải ý định của Người và vạch cho loài người con đường cứu rỗi.[17] Đó là tin vào Đức Kitô “Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu độ”. Đức Kitô là con đường đẫn chúng ta đến với Chúa Cha. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Nhờ Đức Kitô, con người nhận ra Thiên Chúa đến với họ trong những điều kiện, môi sinh của mình và nhận ra phẩm giá cao quý của mình. Nơi Đức Kitô, “con người nhận ra Thiên Chúa đã không khép kín mình ở chốn trời cao để nhìn trộm xuống con người, nhưng Ngài đã đích thân tới tìm chúng ta, mở lòng lắng nghe chúng ta, và trên hết là môt Thiên Chúa có khả năng yêu”.[18] Cuộc đời của Đức Giêsu là sự tỏ mình sau cùng của Thiên Chúa. Nhờ nghe Người nói, mọi người trong mọi thời có thể nhận biết Thiên Chúa là ai, và biết họ cần làm gì để được cứu rỗi.

    Qủa thật, khi đã yêu ai thì ta không thể nào dừng lai ở chỗ hiểu biết người yêu cách hời hợt, nhưng cố gắng tra cứu tường tận về họ, nhờ vậy đi vào cõi thâm sâu của họ.”[19] Thiên Chúa biến thành một chấm nhỏ không phải là thể hiện quyền năng nhưng thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa muốn làm cho con người biết được Người để con người đươc hiệp thông với Người trong đời sống thần linh của Người. Làm cho mình được người ta biết đến hoặc, nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh, tự mạc khải mình ra, tự vén màn xuất hiện. Để làm điều đó, theo trực giác của tất cả mọi thứ tình yêu, tìm mọi cách và sử dụng những phương tiện để sống với người mình yêu. Thiên Chúa tự làm người. Người đến trong thế giới. Người đi ra khỏi chính mình. Có thể nói rằng, Người tước bỏ tính siêu việt của Người.[20]  Từ đó ta có thể nói rằng bản chất và mục đích của mạc khải là để cứu độ con người. “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết sự thật” (1Tm 2,4)

  1. Thiên Chúa tỏ mình mở đường cho con người tham dự vào đời sống Chúa Ba Ngôi.

     Một điều hiển nhiên rằng, chúng ta không thể tưởng tượng được một Thiên Chúa Duy Nhất trong Ba Ngôi Vị. Chính Thiên Chúa đã mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Người qua việc gửi Con của Ngài là Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần đến. Chúa Giêsu cũng mạc khải Thiên Chúa là “Cha”, bằng cách cho chúng ta thấy, Người chỉ tồn tại qua Cha của Người. Chúa Giêsu là một Thiên Chúa với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ của mình, mười hai người mà Người đã chọn và gửi Chúa Thánh Thần xuống. Chúa Thánh Thần sẽ ở với họ và trong họ để hướng dẫn họ và dẫn dắt họ “đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Trong bản tính nhân loại được tôn vinh, Đức Kitô sẽ là phương thế để những kẻ được chúc phúc biết Chúa Ba Ngôi và tận hưởng sự sung mãn của ơn cứu độ. Bằng tất cả bản thể của mình, bằng lời giảng dạy, bằng các dấu lạ, bằng sự chết, lên trời và bằng việc sai Chúa Thánh Thần đến, Chúa Giêsu Kitô không những cho ta biết, mà còn thực hiện chương trình cứu rỗi của Chúa Cha, tức là giải thoát ta khỏi tội lỗi, sự chết và ban cho ta sự sống đời đời.

     Qủa vậy,Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Chúa Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần. Ngài là Thiên Chúa của tình yêu và trao ban. Từ muôn thuở, trong cung lòng Thiên Chúa, đã diễn ra sự đối thoại và trao ban giữa Cha, Con và Thánh Thần. Chính từ suối nguồn tình yêu sung mãn dạt dào đó, mà Thiên Chúa đã thông ban sự hiện diện cho vạn vật, qua công cuộc tạo dựng và mời gọi nhân loại vào chia sẻ tình yêu với Ngài. Toàn thể công trình cứu chuộc (việc nhập thể của Con Thiên Chúa, cuộc tử nạn và phục sinh của Người, sứ mạng của Hội Thánh) đều nhằm thực hiện mục tiêu cánh chung là dẫn đưa con người thông hiệp hạnh phúc với Thiên Chúa”.[21] Từ đó, việc mạc khải cho con người để họ tham dự sự sống với Người là do tình thương của Người mà thôi; không có sự cần thiết hữu thể hoặc luân lý nào buộc Thiên Chúa phải mạc khải cho con người, xét về khía cạnh Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ ra trong lịch sử là Mầu nhiệm nhập thể, nhờ đó ta biết được Thiên Chúa Ngôi Ba.

       Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II : “Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha, Chúa Cha chia sẽ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính. Đức Kitô thực hiện phần đầu.Ngài nhập thể, mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ. Phần hai dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên, đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần.”[22] 

      Tiếp đến, công đồng trình bày mạc khải theo hướng mang tính Ba Ngôi của mầu nhiệm và từ một sự “hướng tâm mang tính Kitô học”: Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep ,8; 2Pl 1,4). Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh.Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ. Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô,Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua thánh thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34). Khi chia sẽ chén hiệp thông cuả Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một( Ga 17,21).

     Nhìn vào Kinh Thánh, mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba ngôi. Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan.Chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1, 32-34). Tiếng chúa Cha tuyên phán : Con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11).Tiếng nói, chim câu,Chúa Giêsu,ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi.Trong phúc âm Mathêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và con và Thánh thần”( Mt 28,19).Thánh Phaolô luôn cầu chúc : Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh thần ở cùng anh chị em.

      Ba Ngôi nhưng là Một: chúng ta không tin vào ba vị thần, nhưng vào một Thiên Chúa trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi Ngôi Vị trong Ba Ngôi là tất cả trong Chúa. Mỗi Ngôi Vị trong Ba Ngôi chỉ tồn tại trong sự hợp nhất với hai ngôi kia trong một mối quan hệ yêu thương hoàn hảo. Vì vậy, toàn bộ công trình của Thiên Chúa là công việc chung của Ba Ngôi và toàn bộ đời sống của người Kitô hữu chúng ta là một sự hiệp thông tình yêu Chúa Ba Ngôi. Người Kitô hữu chúng ta được rửa tội “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”. Khi bắt đầu cầu nguyện, chúng ta làm Dấu Thánh Giá trên trán, trên trái ngực và trên hai vai bằng cách cầu khẩn Thiên Chúa: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần: đó là Chúa Ba Ngôi. Tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần. Từ đó cho thấy rằng, đời sống con người ngay từ đời này đã được diễm phúc tham dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi, đồng thời nhờ hồng ân mạc khải, giúp con người đạt được hạnh phúc, cứu cánh đời mình, tức là con người ý thức hướng về sự sống mai sau, hy vọng được chung chia niềm vui hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trên quê trời vinh hiển.

Kết luận

     Tóm lại, cuộc sống nếu ta không quan sát cái gì mới, thì nó như đã chết rồi. Cuộc sống thực sự năng động khi cảm thấy bỡ ngỡ trước vẻ đẹp, trước chân lý sâu thẳm đem lại cho ta có ý nghĩa trong cái nhìn của Chúa. Chính vì thế, sự kì diệu nơi việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại là một món quả vô giá, chứng minh tình yêu, sự khôn ngoan, tốt lành của Thiên Chúa, Người đã vui lòng tự mạc khải bản thân Người và cho con người biết mầu nhiệm của ý định Người mà loài người, nhờ Đức Kitô Ngôi lời Nhập Thể, có thể nhờ Chúa Thánh Thần đạt tới Chúa Cha và đã được tham dự vào bản tính Thiên Chúa.“Trong kế hoạch nhiệm mầu, Thiên Chúa mạc khải Ngài là ai cho con người, và khi con người biết con người là ai. Việc tỏ mình giúp con người biết nguồn gốc của mình, lý do hiện hữu của mình, tương lai mình sẽ đi về đâu, cùng đích cuộc đời mình là gì, mình phải có tương quan với Thiên Chúa ra sao! Và một khi thấy ý định của Thiên Chúa về mình, con người phải đáp trả”.[23] Sự đáp trả trong niềm tin, hy vọng giúp con người đi tìm hạnh phúc nơi một cuộc sống có ý nghĩa dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Đồng thời trong tin yêu phó thác vào một Thiên Chúa không xa lạ nhưng gần gũi, giúp con người có một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc ở đời này và đời sau.

La Nobita.

……………………………………………………………………………………………………………….

[1] Irénée, Contre les hérésies 4,6,4

[2] Pascal, Pensées. Br.799

[3] Phan Tấn Thánh, Op. Mầu nhiệm Thiên Chúa, Nxb Học Viện Đa Minh, năm 2012, tr 99

[4] Walter KASPER, Le Dieu des chr é tiens, Éd. Du Cerf, “Cogitatio Fiedie”,116-117,1983, t.1, p 179-180

[5] Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum, số 2

[6] JB, Nguyễn Khắc Bá, Thần học Căn bản 2021-2022, tr 114

[7] Bruno chenu – Marce Neusch, “Au pays de la Thesologie”, Phêrô Nguyễn Thiên Cung dịch, 1987, tr 96

[8] Ibid, Thần học Căn bản 2018 -2019, tr 5

[9] Sách GLHTCG, Nxb Tôn giáo năm 2016, số 218, tr 80

[10] Thánh Cata rina Siêna, II Dialogo della Divina Provvidenza, 13, Roma 1995, tr43

[11] ĐGH Pi ô XII. Thông điệp Humani generis;DS 3875

[12] Sách GLHTCG, Nxb Tôn giáo năm 2016, số 38, tr 32

[13] Karl Barth, Parole de Dieu et parole humanine, esd.Les Bergers et les Mages, 1966, p 36

[14] Thánh Gioan KimKhẩu, Sermones in Genesim,2,1: PG 54, 58-588

[15] Sách GLHTCG, Nxb Tôn giáo,  năm 2016, số 410, 412)

[16] Saint AUGUSTIN, La première Catéchèse (De catechizandis rudibus), 4,8, BA,11-1, P 69

[17] Điển ngữ thần học Thánh Kinh, Học viên Pio X Đà Lạt 1974,24

[18] Http//www. Lamhong.net/chiemngamdungmaothienchuanoiduckito, cập nhật ngày 14/5/2013

[19] ST I-II, q28,a2

[20] Bruno chenu – Marce Neusch, “Au pays de la Thesologie”, Phê rô Nguyễn Thiên Cung dịch, 1987, tr 95

[21] Phan Tấn Thánh, Op. Mầu nhiệm Thiên Chúa, Nxb Học Viện Đa Minh, năm 2012, tr15-16

[22] X.Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium, Số 2,3,4.

[23] JB Nguyễn Khắc Bá, Thần học căn bản, tr 118