Tại sao Kitô giáo luôn đề cao, tôn trọng nhân vị và lấy đó làm trung tâm để xây dựng nền thần học luân lý?

837 lượt xem 11 Tháng Mười Hai, 2021

Tại sao Kitô giáo luôn đề cao, tôn trọng nhân vị và lấy đó làm trung tâm để xây dựng nền thần học luân lý?

 Sr. Anna Bích Loan. op

Trước sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa hưởng thụ, cá nhân, vô thần và chiến tranh trong thời đại này, hẳn chúng ta không khỏi bàng hoàng và rùng mình về những sự kiện và câu chuyện “hot” cho thấy mạng sống con người đang bị xem thường và rẻ mạt. Càng ngày phẩm giá con người càng bị tha hóa, bởi họ không xem trọng phẩm giá của chính mình và tha nhân. Thật vậy, con người là một nhân vị (persona), là hữu thể có lý trí, ý chí tự do và có trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng nói đến quyền căn bản của nhân vị, đó là quyền được sống và sống đúng với nhân phẩm của nó như Thiên Chúa muốn. Trước những thách đố của thời đại, nền thần học luân lý phải làm sao để gìn giữ gia sản về giá trị nhân vị nhằm cho con người của thời đại này hiểu rõ: nhân vị là nòng cốt của sự sống con người. Đó chính là điều mà Kitô giáo luôn đề cao, tôn trọng và lấy nhân vị làm trung tâm để xây dựng nền thần học luân lý.

Phẩm giá của nhân vị

Phẩm giá của nhân vị bắt nguồn từ việc con người được dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Trong Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, thánh Công đồng Vaticanô II dạy rằng:“con người đã được tạo dựng ‘theo hình ảnh của Thiên Chúa’ có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng mình…”[1] Những lời này đặt nền trên trình thuật Sáng thế:

“Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.’ Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1,26-27)

Bởi thế, con người luôn có mối liên hệ với Thiên Chúa bởi sự thật con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và chỉ trong Thiên Chúa người đó mới có thể phát triển hết khả năng làm người của mình. Chính ơn gọi làm con Thiên Chúa bày tỏ phẩm giá cao trọng của con người trước nhan Chúa, vừa bảo đảm giá trị siêu phàm của phận người. Dựa vào điều này, chúng ta thấy sự thật về con người, sự thật về giá trị phẩm giá của nhân vị là bất khả tha hóa, bất khả thay thế và bất khả xâm phạm của hữu thể có lý trí, ý chí và tự do. Đây là niềm vinh dự và diễm phúc mà Đấng Tạo Hóa ban cho con người như thánh Tôma Aquinô đã xác tín: nhân vị là “một thụ tạo đẹp nhất và cao quý nhất trên đời, bởi vì là một hữu thể tự tại, có lý tính và có khả năng tâm linh.”[2]

Nhờ những đặc ân đó, con người trở nên thụ tạo cao quý nhất và “được dự phần vào ánh sáng của thần trí siêu nhiên nên họ vượt trên mọi thụ tạo khác.”[3] Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng: con người là hình ảnh của Thiên Chúa hệ tại ở điều này: con người có một bản tính được Thiên Chúa sáng tạo và được đặt để ở vị trí trổi vượt muôn loài trên trái đất. Đó chính là phẩm giá tối cao và trổi vượt của nhân vị, của ngôi vị làm người. Chân lý trên đây là nòng cốt của việc tại sao Kitô giáo luôn coi trọng và đề cao nhân vị.

Nhân vị – trung tâm của thần học luân lý

Khởi đi từ nền tảng chân lý trên đây, thần học luân lý tập trung và xây dựng những giáo thuyết về nhân vị nhằm mục đích cung cấp những chuẩn mực cho hành vi nhân linh hầu làm cho đời sống con người có giá trị và ý nghĩa. Công Đồng Vaticanô II cho thấy rằng nhân phẩm con người là nền tảng và từ đó đưa ra những nguyên tắc luân lý nhằm đòi hỏi mọi người phải tuân theo: “con người là trung tâm điểm và đỉnh cao của vạn vật.[4] Như thế, con người trở thành nguyên nhân chuẩn mực luân lý căn bản. Con người trở thành tiêu chuẩn để thẩm định và xét duyệt tính luân lý trong tương quan giữa đời sống cá nhân và xã hội và những hoàn cảnh luân lý riêng biệt.

Đã là người, chúng ta có thể ý thức việc tốt xấu, và cũng có thể phạm phải sai lầm trong những hành vi của mình. Con người sống trong xã hội và bị xã hội hóa suy nghĩ và hành vi của bản thân. Thần học luân lý cũng phát xuất từ chính con người khi nghiên cứu những vấn đề xoay quanh hành vi luân lý của con người, từ đó, đề ra những nguyên tắc và chuẩn mực luân lý. Như vậy, con người, hay nhân vị chính là trung tâm của thần học luân lý.

Luôn luôn nhân vị phải là chủ thể và trung tâm của mọi cơ cấu cũng như sinh hoạt xã hội. Mười điểm chủ chốt theo Louis Jansens trình bày để trả lời cho việc luân lý dạy ta phải tôn trọng nhân vị:

  1. Con người không phải là đồ vật;
  2. Thực thể mang thân xác;
  3. Sống trong thế giới;
  4. Trong mối tương quan liên vị;
  5. Chiều kích xã hội của nhân vị,
  6. Nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa;
  7. Đời mỗi người đều có một lịch sử;
  8. Nhân vị con người là một huyền nhiệm;
  9. Tính bình đẳng tự bản chất;
  10. Nhân vị con người đi tìm ý nghĩa đời mình.

Theo Louis Janssens thì đây là tiêu chuẩn khách quan đặt nền tảng trên những chiều kích cố định của con người. Điều này đòi hỏi ta phải thường xuyên duyệt xét lại những khả năng ta có được để thăng tiến con người. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng việc áp dụng tiêu chuẩn này không phải là điều dễ dàng. Sử dụng tiêu chuẩn này đòi hỏi sự khôn ngoan là ơn đặc biệt của những người luơng thiện là những người gần gũi với những gì là ngay chính và những phán đoán của họ được cảm hứng từ một trạng thái luân lý tốt và từ thái độ sẵn sàng phục vụ con người hết sức có thể.[5] Qua đây ta thấy được xây dựng, tôn trọng và bảo quyền làm người và quyền được sống xứng với nhân phẩm của con người là tiêu chuẩn căn bản để xây dựng nền thần học luân lý.

Tóm lại, thần học luân lý phát xuất từ chân lý nền tảng là phẩm giá của nhân vị và mục tiêu cuối cùng của luân lý là hạnh phúc, là sự tăng trưởng và triển nở toàn diện của ngôi vị làm người. Như vậy, Kitô giáo luôn luôn và sẽ đặt trọng tâm giáo huấn luân lý trên sự đề cao và tôn trọng nhân vị để đưa ra những nguyên tắc và chuẩn mực luân lý phù hợp và phục vụ tốt nhất cho con người.

[1] CĐ.Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), số 12.

[2] P. Nguyễn Thái Hợp, OP., Để Họ Lớn Lên, Đức Tin & Văn Hóa, 2005, tr.228.

[3] CĐ.Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), số 15.

[4] CĐ.Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), số 12.

[5] x. Artificial Insemination: Ethical Consideration, Louvain Studies số 8 (Spring 1980), tr.13-15.