Tại sao chúng ta nói nội dung Đức tin Kitô giáo (Kinh thánh, Truyền thống và Huấn quyền) là nguồn căn bản của thần học?
Anna Bích Loan.op
DẪN NHẬP
Sống trong một xã hội hiện đại với sự phát triển đa diện, con người ngày càng muốn tích lũy và nắm vững kiến thức nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc đào sâu nguồn kiến thức bách khoa hay kiến thức chuyên biệt là điều mà ai cũng mong muốn. Cũng vậy, khi nghiên cứu thần học cũng là lúc người Kitô hữu, đặc biệt là các sinh viên thần học, muốn đào sâu và trở về nguồn Đức tin đã được lãnh nhận từ bí tích Rửa tội.
Từ thuở thiếu thời đến nay, chúng ta được dạy rằng: “Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa ban.”[1] Đức tin còn là “sự gắn bó cá nhân của toàn thể con người mình với Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải. Đức tin bao hàm sự gắn bó của lý trí và ý chí với mặc khải mà Thiên Chúa đã bày tỏ về chính Ngài qua các việc làm và lời nói.”[2]
Qua muôn thế hệ, các Kitô hữu nhận ra rằng họ đang đón nhận và thừa kế gia sản Đức tin từ Thánh Kinh và Thánh Truyền. Qua gia sản đó, họ khám phá chương trình của Thiên Chúa và mặc khải của Người cũng như truyền thống Đức tin sống động từ thuở sơ khai. Và như vậy, khi nghiên cứu thần học, có lẽ nhận định của Merrian cho chúng ta sự xác tín: Thần học là sự tìm hiểu về niềm tin, kinh nghiệm và thực hành tôn giáo, đặc biệt sự tìm hiểu về Thiên Chúa và tương quan giữa Thiên Chúa với thế giới thụ tạo.[3] Chúng ta có thể gói gọn việc tìm hiểu này trong các nguồn Kinh Thánh, Thánh Truyền, và Huấn quyền của Giáo hội. Ba nguồn này là những nguồn mạch căn bản của nội dung Đức tin cho ta biết về các mầu nhiệm của Đức tin, những kinh nghiệm Đức tin sống động của dân Thiên Chúa trong Cựu ước, đời sống của Giáo hội thuở sơ khai,…
Bởi vậy, khi nghiên cứu thần học là nghiên cứu về kho tàng Đức tin được mặc khải trong Kinh thánh, qua gia sản Đức tin của Truyền thống từ các tông đồ tới ngày hôm nay và Đức tin được Huấn quyền giải thích, giảng dạy và giáo huấn. Đây chính là cái mà người ta gọi là nguồn căn bản của thần học hay cái nôi thần học.
CÁC NGUỒN CĂN BẢN CỦA THẦN HỌC
Kinh Thánh
Kinh thánh trong nguyên ngữ Hy Lạp (Biblia) có nghĩa là các sách (số nhiều). Một từ ngữ khác thông dụng để chỉ hạn từ Kinh thánh trong ngôn ngữ Âu châu: Scriptura (Latin), Ecriture (Pháp), Scripture (Anh), tất cả những chữ này đều mang nghĩa: “điều được viết ra”.[4]
Kinh Thánh không đơn thuần là cội nguồn xuất xứ của suy tư thần học, mà chính là “khuôn vàng thước ngọc” cho việc suy tư thần học. Trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II, nhất là trong Hiến chế Tín lý về Mặc khải nói: “việc nghiên cứu Thánh Kinh phải là linh hồn của khoa Thần Học Thánh”[5], vì trong Thánh Kinh có sự hiện diện đặc biệt của việc từ bỏ mình của Thiên Chúa, làm cho ta nhận biết điều Chúa đã nói và đã làm về phần rỗi linh hồn của ta. Nhưng Kinh thánh không chỉ chứa đựng Lời Chúa mà thôi, nhưng là chính Chúa[6], bởi vì Thiên Chúa đã hiện diện và sống động trong việc tạo nên bản văn về biến cố mặc khải. Trước hết, Thiên Chúa chọn và soi sáng cho các soạn giả Kinh thánh viết ra những lời của Người và có khả năng truyền đạt cách chắc chắn, chân thật về các chân lý mặc khải đã được nhận biết. Không những thế, chính Thiên Chúa thường xuyên hiện diện cách đặc biệt, đằng sau lời của Kinh Thánh là để gặp gỡ với con người nghe Lời Chúa.
Kinh thánh còn mang dấu vết của một cộng đồng đức tin, đó là dân Ítraen từ thuở các tổ phụ trong Cựu ước cho đến những chứng nhân của thời Tân ước. Từ đó, chúng ta khám phá những mẫu gương về đức tin như tổ phụ Ápraham hay Đức Maria,…Vì thế, Kinh Thánh chứa đựng những đạo lý và những chứng tá đức tin mẫu mực cho thời đại ngày hôm nay.
Truyền thống
Truyền thống (Traditio) là lưu truyền kho tàng đức tin của Hội Thánh từ các Tông đồ tới ngày hôm nay, dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Theo Giáo hội dạy: Thánh truyền là mang lời của Thiên Chúa đã được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ủy thác cho các Tông Đồ và truyền đạt lời Chúa cách nguyên vẹn cho những người kế vị các Tông đồ để các vị này gìn giữ, trình bày và truyền bá lời đó cách trung thành khi giảng dạy.[7]
Truyền thống là nguồn mạch của thần học qua các “chứng nhân”:
Về phụng vụ (liturgia): Nếu đối tượng của Đức tin chính là Thiên Chúa và cùng đích tối hậu của Đức tin chính là được gặp gỡ Thiên Chúa, thì Lời Chúa, như lời dạy của Thánh Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế Mặc khải chính là Tấm gương mà Giáo hội lữ hành trên trần gian nhìn vào để chiêm ngưỡng.[8] Thật vậy, qua Phụng vụ, Hội Thánh trao ban bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cho các tín hữu: “Giáo hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng Vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu.”[9]Như vậy, phụng vụ biểu lộ và tăng trưởng đức tin, các văn bản Phụng vụ là mẫu mực cho Đức tin. Phụng vụ phải phù hợp với đức tin và đức tin đặt tiêu chuẩn cho phụng vụ trở thành chứng tích của niềm tin, nó mang tính thần học diễn tả qua các giai đoạn lịch sử, suy tư và thực hành.
Qua các Giáo phụ (patres ecclesiae): Các ngài là những chứng nhân uy tín của lời giảng các tông đồ, sống vào thủa sơ khai của Giáo hội, là những chúng nhân đặc biệt của đạo lý Đức tin, và là những người gìn giữ và bảo vệ kho tàng Đức tin. Việc trở về với các Giáo phụ đã đóng góp rất nhiều cho sự đổi mới trên bình diện thầnhọc. Thần học đi nghiên cứu tư tưởng của các Giáo phụ để thấy được mối liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời giữa Kinh Thánh và kho tàng Đức tin của Giáo hội. Chính các ngài đã truyền đạt Thánh Kinh cho chúng ta, vì các ngài đã là những người đầu tiên học hỏi, chú giải và suy niệm Thánh Kinh. Qua đời sống của các ngài, chúng ta khám phá ra được Đức tin Kitô giáo, điều này cũng cho thấy rõ hiểu biết về các Giáo phụ có tầm quan trọng như thế nào đối với việc thấu hiểu Đức tin Kitô giáo.
Huấn quyền
Huấn quyền (Magisterium) nghĩa là quyền giáo huấn. Thuật ngữ này bắt nguồn từ gốc: magister vừa ám chỉ việc dạy dỗ (hành động) vừa ám chỉ đạo lý (điều mà thầy dạy). Từ thế kỷ XVIII-XIX, từ magisterium chỉ được dành cho các Giám mục: họ giảng dạy với uy quyền lãnh nhận từ Đức Ki-tô.[10]
Huấn quyền được Chúa Kitô thiết lập và lưu truyền cho các vị mục tử tối cao trong Giáo hội. Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Mặc khải dạy rằng: các Giám mục là những người gìn giữ giáo lý tông truyền, có bổn phận tìm phương cách thích hợp để dạy các tín hữu biết sử dụng đúng sách Thánh để có thể tiếp xúc với Lời Chúa cách bảo đảm và ích lợi, thấm nhầm tình thần Thánh kinh.[11] Như vậy, trước hết và trên hết, nhân danh Chúa Kitô, các Giám mục là những thầy dạy đức tin[12] là những người bảo vệ, khai triển, và chuyển thông nội dung Đức tin Kitô giáo: Thánh Kinh, Thánh truyền, và Huấn quyền cho cộng đồng Dân Chúa, ngang qua các văn kiện Huấn quyền theo hai cách thức: thông thường và trang trọng đó là các giáo huấn tuyên bố chân lý mặc khải buộc phải tin tức là các tín điều như Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, ( ĐGH. Piô IX, 8/12/1854), Đức Mẹ hồn xác lên trời (ĐGH. Piô XII, 1/11/1950)… các giáo huấn mang tính cách mục vụ, các giáo huấn chống lại các lạc thuyết chống phá Đức tin.
Như vậy, Thần học không chỉ chú giải những văn kiện của Huấn quyền để khám phá nội dung Đức tin của Kitô giáo ẩn chứa trong những văn bản đó, nhưng còn mở đường cho Huấn quyền những phương pháp nghiên cứu Thánh Kinh và các lãnh vực khác. Chính vì thế, Huấn quyền và Thần học đều là chứng tá của chân lý đức tin. Cả hai điều có sứ mạng phục vụ dân Chúa trong việc hiểu và sống Đức tin Kitô giáo.
KẾT LUẬN
Tóm lại, từ những khía cạnh trên, thần học thi hành sứ mệnh của mình với tư cách là một đặc sủng – tìm ngôn ngữ phù hợp để diễn tả các đạo lý đức tin. Nội dung đức tin Kitô giáo chứa đựng nơi Kinh Thánh, Truyền thống và Huấn quyền và ba nguồn này trở thành nguồn suy tư và nghiên cứu của Thần học.
Thần học vốn được quan niệm như là “sự suy tư về đức tin” (cogitatio fidei). Đức tin theo sát tiến trình làm việc của thần học (auditus fidei – lắng nghe Đức tin, intellectus fidei – hiểu Đức tin, praxis fidei– thực hành Đức tin). Điều này hàm ngụ rằng đức tin là linh hồn của thần học: nếu không có đức tin thì thần học mất ý nghĩa.[13]
………………………………………………………..
[1] GLHTCG, số 153, UB.Giáo lý Đức Tin (HĐ. GMVN), Nxb. Tôn giáo, 2012, tr. 60.
[2] Sđd., số 176, tr. 67.
[3] Merrian – Webster’s Learner’s Dictonary
[4] Phan Tấn Thành, OP., Nhập môn Thần học, Học viện Đa Minh, 2017, tr. 93.
[5] CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải (Dei Verbum), số 24.
[6] nt.
[7] xc. GLHTCG, số 81, UB.Giáo lý Đức Tin (HĐ. GMVN), Nxb. Tôn giáo, 2012, tr. 43.
[8] xc. CĐ. Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải (Dei Verbum), số 7.
[9] xc. CĐ. Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải (Dei Verbum), số 21.
[10] xc. Phan Tấn Thành, OP., Nhập môn Thần học, Học viện Đa Minh, 2017, tr. 115.
[11] xc. CĐ. Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải (Dei Verbum), số 25.
[12] xc. GLHTCG, số 1558, UB.Giáo lý Đức Tin (HĐ. GMVN), Nxb. Tôn giáo, 2012, tr. 465.
[13] http://www.giaolyductin.net/duc-tin-trong-than-hoc-1.html
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”