Suy niệm Tin Mừng – Thứ Tư tuần Bát Nhật Phục sinh

193 lượt xem 14 Tháng Tư, 2020

Suy niệm Tin Mừng – Thứ Tư tuần Bát Nhật Phục sinh

Hành trình đi về Em-mau

Trên con đường từ nghĩa trang trở về, bước chân của Hân trở nên nặng trĩu. Người anh trai duy nhất của cô, là chỗ dựa vững chắc nhất của gia đình cô (kể từ lúc bố cô ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác) đã mãi mãi rời xa cô. Từ nay, ai sẽ thay anh chăm sóc cho ngôi nhà nhỏ này, ai sẽ là người gánh vác món nợ khổng lồ mà bố cô để lại và nhất là ai sẽ là người giúp cô bước tiếp trên hành trình tương lai? Tâm hồn cô sầu não, tuyệt vọng, lòng khắc khoải, ngổn ngang những nghi vấn: Thiên Chúa có thật sự yêu thương cô và gia đình không? Nếu yêu thương sao Ngài lại để cho những sự đau khổ cùng cực xảy ra cho gia đình cô như vậy?

Hôm nay trên con đường Em-mau bước chân của hai môn đệ cũng chẳng khác gì bước chân của Hân năm đó. Họ đã trở về với những bước chân chứa đầy nỗi niềm bi đát, thất vọng, đôi chân hoàn toàn muốn chùn bước và như ngã gục trên đường. Một người Thầy đầy quyền năng và sức mạnh, một vị Tôn Sư danh tiếng lẫy lừng, một người mà đến nỗi sự chết, ma quỷ hay bệnh tật đều phải biến mất khi Ngài lên tiếng, đã phải chịu chết một cách nhục nhã dưới bàn tay hung ác của con người, thật sự là một cái chết đầy oan nghiệt và phũ phàng. Sao Thầy lại phải chết như vậy? Những quyền năng mà bấy lâu nay Thầy có đâu hết rồi? Bao nhiêu năm tháng được sống cùng với Thầy, được chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ Thầy làm, giờ đây tất cả đều bị bóng tối của sự chết xóa nhòa, vì thế, tương lai, lý tưởng, vận mạng của các ông cũng sụp đổ tan tành. Không những thế, ở lại Gierusalem giờ này thật chẳng an toàn chút nào cho tính mạng của mình, hai ông đã vội vã rời bỏ Giêrusalem và các anh em của mình, lên đường trở về trong sự sợ hãi và tuyệt vọng đến tột cùng. Các ông muốn bỏ lại sau lưng cái quá khứ liên quan đến Đức Giêsu, nhưng họ lại không thể không nói ra cái gánh nặng chất chứa trong lòng: Đức Giêsu bị kết án, chết trên thập giá….không phải là Đấng Cứu Độ nhân loại như đã hứa sao. Chẳng lẽ cuộc đời của Đức Giê-su, hành trình theo Chúa bao nhiêu năm của hai môn đệ và cả cuộc sống của cô bé Hân trong câu chuyện ở trên, tất cả đều chấm dứt bởi quyền lực của bóng tối, của cái chết hay sao? Nếu Lời Chúa của chúng ta hôm nay chỉ dừng lại ở đây thì có vẻ như việc Chúa Giê-su đến cứu nhân loại trở nên vô nghĩa? Nhưng không, Thiên Chúa không phải là Đấng hứa suông. Chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện để thấy việc Chúa làm thật là vĩ đại.

Thế nhưng tất cả những đau khổ đó không phải là sự chấm dứt nhưng đang là sự bắt đầu: “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”(Lc 24, 15-17) Hành trình em-mau không dừng lại ở cái chết của Đức Ki-tô nhưng là mở ra một con đường mới tràn đầy niềm vui và hy vọng khi có sự xuất hiện và đồng hành của Đức Ki-tô.  Ngài đã thực sự trỗi dậy từ cõi chết, Ngài đang ở đây ngay lúc này trên con đường Em-mau. Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh của hai môn đệ xẩy ra trên hành trình từ Giê-ru-sa-lem đi Emmau và từ Emmau trở về Giê-ru-sa-lem đã minh chứng cho chúng ta về sự chiến thắng bóng tối của sự chết nơi Đức Ki-tô. Đức Kitô Phục Sinh tiến đến gần và cùng đi với họ cách lặng lẽ, lắng nghe, quan tâm đến vấn đề của hai môn đệ trước khi giải thích; và Ngài sẽ đồng hành với họ đến tận cùng. Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, Đức Kitô vẫn tiếp tục làm như thế. Ngài đồng hành với ta trong Lời Chúa và nhất là trong Bí Tích Thánh Thể và còn ngang qua những trung gian: những người thân yêu, những người có trách nhiệm, các chị em trong đời sống cộng đoàn… Như thế, kinh nghiệm nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô phục sinh, cùng với ơn hiểu biết mọi sự dưới sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, có sức mạnh thay đổi hướng đi khởi đi từ những thay đổi nội tâm sâu sa, mà chúng ta có thể gọi là ơn “tái sinh”.  Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta biết rằng:

  1. Lời chúa là ngọn đèn cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.

Lòng trí của các ông đã bừng sáng lên khi nghe Đức Giê-su kể chuyện Kinh Thánh, và nhất là niềm hy vọng được nhóm lên nhờ việc Ngài soi sáng để các ông hiểu được về sứ vụ của Đấng Cứu Thế qua những đoạn Thánh Kinh nói về Ngài. Chúa Giê-su vẫn tiếp tục ở bên và dạy dỗ chúng ta qua Lời Chúa mỗi ngày. Vì thế mỗi chúng ta hãy để cho Lời của Chúa dẫn bước cho mỗi người chúng ta trên hành trình đức tin của mình.

  1. Thánh Thể là niềm hy vọng, an ủi, là chóp đỉnh của cuộc đời chúng ta.

Mắt của các môn đệ đã hoàn toàn mở ra khi được đồng bàn và được chiêm ngắm lại các cử chỉ trong bữa tiệc ly của Chúa. Họ đã can đảm và mạnh dạn đứng dậy trở lại Giêrusalem để tiếp tục sứ vụ của mình, “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.” Qua đây Chúa Giê-su muốn dạy cho chúng ta biết rằng bí tích Thánh Thể là nguồn lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, gắn kết chúng ta trong tình yêu của Ngài để giúp chúng ta có sức chống lại những cạm bẫy của ma quỷ, Vì thế việc rước lễ hằng ngày là rất quan trọng và cần thiết.

  1. Giá trị của đau khổ

Trong đời sống của mỗi Ki-tô-hữu chúng ta thường cảm thấy nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa mỗi khi chúng ta gặp đau khổ và thử thách. Luôn biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh và luôn cố gắng để tìm thấy Chúa ngay cả lúc chúng ta phải chịu đau khổ, hiểu nhầm, bị cáo buộc, bị bắt bớ…là điều mà Chúa luôn nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. “Chính lúc tôi yếu, là lúc tôi mạnh,” lời ấy năm xưa của thánh Phao-lô vẫn luôn nhắn nhủ mỗi chúng ta rằng, chính những lúc đau khổ, yếu đuối là lúc chúng ta thực sự cần ơn Chúa. Điều đó làm cho đức tin của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn khi tin rằng Chúa vẫn luôn ở ngay bên để trợ giúp chúng ta. “Ơn ta luôn đủ cho con.”

             Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, hôm nay trên hành trình Em-mau Chúa đã đồng hành và biến đổi hai môn đệ của Chúa. Xin Chúa cũng cho mỗi người chúng con biết chạy đến với Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống và tinh tế nhận ra sự hiện diện của Chúa cũng như thực thi sứ vụ mà Chúa trao phó. Amen

Nam Bu – Tiền Tập Viện