Suy niệm Tin Mừng – Thứ Sáu sau Chúa Nhật II Mùa Chay

196 lượt xem 12 Tháng Ba, 2020

Suy niệm Tin Mừng – Thứ Sáu sau Chúa Nhật II Mùa Chay

TÌNH YÊU KHÔNG ĐƯỢC ĐÁP TRẢ

(Mt 21, 33-43, 45-46)

Khi đọc bài Tin Mừng này, tôi chú ý đến hai hình ảnh đối lập được diễn tả trong bài đọc hôm nay.

Hình ảnh ông chủ vườn nho: Sau khi đọc câu chuyện dụ ngôn về vườn nho, tôi suy nghĩ mãi về hình ảnh ông chủ. Chắc chắn ông là người có một không hai xử sự như vậy. Không ai trên trần gian này lại dám trao gia sản của mình vào tay những người làm công và để họ tự quản lý mà không một lần thử thách để coi xem họ có đáng tin cậy hay không.  Ông chủ này cũng không rút kinh nghiệm để tìm cách ứng phó với những người tá điền, khi những người tôi tớ ông sai đến lần đầu để thu hoa lợi từ vườn nho đã bị những người tá điền hành hạ và cho về tay không. Ông lại tiếp tục sai các tôi tớ khác đến lần hai mà vẫn không thu được kết quả. Vậy mà ông vẫn cứ “mù quáng” sai người con duy nhất của mình tới với suy nghĩ có vẻ thật “ngây ngô” “chúng sẽ nể con ta” (Mt 21, 37). Và kết quả là chúng tóm lấy cậu và giết đi để chiếm lấy vườn nho. Chỉ đến lúc đó, ông chủ mới “rút kinh nghiệm”: “Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21, 43).

Phải chăng ông chủ là người quá khờ khạo, ngây ngô, dại dột, không biết tính toán, không biết cách làm ăn? Nhưng xem cách ông chăm chút cho vườn nho thì không phải thế. Hay có một lý do nào khác khiến ông chủ hành xử như vậy?

Hình ảnh những người tá điền: Khi nghĩ đến những người tá điền, qua diễn tiến trong câu chuyện, tôi tự hỏi, tại sao họ lại có thể cư xử bất nhân với một ông chủ quá tốt đối với họ như thế? có 2 lý do được tìm thấy trong bài Tin Mừng cũng như trong bài đọc 1 hôm nay.

Thứ nhất: LÒNG THAM. Các tá điền tham lam nên họ làm mọi cách để chiếm lấy vườn nho. Vì tham, con người sẵn sàng chà đạp lương tri, tình người, lẽ phải; họ dùng mọi thủ đoạn để chiếm cho bằng được những gì họ nghĩ sẽ làm lợi cho họ.

Thứ hai: SỰ GHEN TỴ: Các anh em của Giu-se ghen với ông nên họ muốn loại ông khỏi mắt họ, khỏi tương quan thân thiết, khỏi gia đình của họ.

Nhìn người lại nghĩ đến ta: Câu chuyện của Giu-se và câu chuyện những người tá điền năm xưa cũng là câu chuyện cuộc đời của tôi. Chúa yêu thương tôi bằng một tình yêu “dại khờ”, không tính toán hơn thiệt; một tình yêu tin tưởng vô điều kiện và rất kiên nhẫn. Ngài trao vườn nho của Ngài cho tôi chăm sóc; vườn nho đây có thể hiểu là bản thân tôi, là gia đình, cộng đoàn, là đất nước, Giáo Hội, là cả nhân loại. Tôi và bạn, chúng ta có cảm nhận được tình thương “điên cuồng” của Chúa, yêu đến nỗi bao lần ta phản bội, bất trung, Chúa vẫn kiên trì chờ đợi, lại sai cả người Con duy nhất đến cứu chúng ta? Chúng ta để Chúa chờ đợi đến bao giờ? Những “vườn nho” Chúa trao cho tôi quản lý, tôi đã và đang chăm sóc chúng như thế nào? Trong vườn nho đó, những cỏ dại của ích kỷ, tham lam, ghen tương có được tôi để ý diệt trừ hay nó đang từng ngày lớn lên trong tôi? Có khi nào tôi cố tình ngủ mê trong tội lỗi, xa tránh Chúa để rồi Chúa phải lấy Nước của Ngài ra khỏi tôi và trao cho người khác?