Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 1 – MÙA CHAY, Năm A
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
Lời cầu xin tha thiết trong Kinh Lạy Cha đã nói lên tình trạng căng thẳng của chúng ta, những con người yếu đuối trước những cám dỗ của Thần Dữ. Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và con người thật đã trải qua những giây phút chịu ma qủy cám dỗ, như Tin Mừng đã ghi : “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ” (Mt 4, 1).
Trước hết, chúng ta cần minh định : Thiên Chúa không là “Tên Cám Dỗ”, nhưng kẻ cám dỗ chúng ta là Satan và bè lũ. Mục đích chúng cám dỗ là ngăn cản chúng ta thực thi giới luật Yêu Thương của Chúa, và tìm cách làm cho chúng ta không còn muốn sống theo đường lối của Ngài. Tuy thế, trong mọi trường hợp, cám dỗ luôn là dịp thử thách niềm tin của chúng ta, là cơ hội chúng ta chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa, và là thước đo mức độ gắn bó, kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa.
Như Đức Giêsu, khi chịu ma qủy cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã làm chứng lòng trung tín sắt son, và kiên quyết vâng phục Thiên Chúa khi đặt mình dưới ánh sáng Lời Thiên Chúa, ngay trong lúc ma qủy thấy Ngài mệt mỏi, vì đói, như Tin Mừng Mátthêu đã kể lại : “Người ăn chay ròng rã suốt bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người…” (Mt 4, 3).
Qủy biết lúc nào thuận tiện để cám dỗ chúng ta, như đã cám dỗ Đức Giêsu khi Ngài mệt vì đói ; qủy biết những lúc chúng ta khổ đau vì sa cơ thất thế, những lúc thất bại vì bị người thân bỏ rơi, bạn bè phản bội là cơ hội hiếm có để cám dỗ chúng ta ngã lòng trông cậy, tuyệt vọng, khước từ lòng thương xót của Thiên Chúa ; qủy biết thời buổi “ăn nên làm ra”, được “thăng quan tiến chức vùn vụt” là thời cơ dễ làm chúng ta sa chước cám dỗ “kiêu căng, ngạo mạn”, nên huy động lực lượng để cám dỗ chúng ta chống báng Giáo Hội, phạm thượng Thiên Chúa, khinh miệt anh em ; qủy tinh qúai biết rõ càng giầu, càng dễ gian tham, ty tiện, nên cám dỗ chúng ta làm những điều bất công, bất chính tổn thương đến người khác, và lỗi đức công bằng, bác ái, khi chúng ta chỉ còn một ham muốn tiền bạc, của cải.
Trong hoang địa, ma qủy bắt đầu bằng cám dỗ Đức Giêsu về Nhân Tính của Ngài, khi nói với Ngài : “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi !” (Mt 4, 3). Mục đích của ma qủy là thách thức Đức Giêsu từ chối nhân tính của mình, bằng ra tay uy quyền của Thiên Tính mà làm cho những hòn đá trước mặt Ngài hóa thành bánh, bởi điều làm ma qủy cay cú hơn cả là “Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi đã sai Con Một của Người xuống thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9). Ma qủy là ganh ghét, hận thù đã không muốn Thiên Chúa yêu thương loài người ; nó còn là bạo lực và sự chết, nên không muốn con người được Thiên Chúa làm người cứu chuộc để ban lại sự sống.
Chính vì thế, ma qủy luôn tìm cách đánh đổ nhân tính của Đức Giêsu, để loài người theo chúng chối bỏ nhân tính của Ngài, như nhiều người, dọc suốt lịch sử Giáo Hội, đã kịch liệt chống đối, phản bác “mầu nhiệm làm người” của Ngôi Lời Thiên Chúa.
Giập tắt cơn cám dỗ về Nhân Tính của qủy, Đức Giêsu đã nhắc cho qủy lời Thiên Chúa : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
“Sau đó, qủy đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người : Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ ra tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,5-6).
Đây là cơn cám dỗ của kiêu căng và lòng ham muốn quyền lực. Cơn cám dỗ nguy hiểm đối với mọi người, vì quyền bính, uy quyền, quyền lực là điều ai cũng chờ đợi, mong ước cho mình, bởi có quyền là có tất cả, và khi có tất cả thì chẳng còn sợ ai, không phải vâng phục người nào, và thực hiện được mọi sự theo ý mình.
Cũng với Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu đã vượt qua cám dỗ của kiêu căng, quyền lực : “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Đức Chúa của ngươi” (Mt 4,7).
Qủy lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước trên thế gian và vinh hoa, lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,8-9).
Cơn cám dỗ cuối cùng lại là cơn cám dỗ khủng khiếp nhất : cám dỗ con người chạy theo ma qủy và tôn thờ chúng, khi mặc cả với con người : nếu thờ lạy ta là Satan, ngươi sẽ có mọi vinh hoa, lợi lộc trên thế gian này.
Không ít người đã bùi tai và nghe ma qủy mà bỏ Thiên Chúa để sấp mình bái lậy chúng, hầu được những lợi lộc trần gian ; không thiếu người đã chấp nhận đầu quân cho Satan vì một mối lợi vật chất nào đó được Satan hứa đem lại.
Điều đáng buồn và lo ngại là thế giới hôm nay có nhiều phong trào, giáo phái “tôn thờ Satan”, vì Satan có khả năng làm cho những người bán linh hồn cho nó đạt được danh lợi, nguyện vọng và thực hiện được những mưu đồ, thủ đoạn như họ muốn, nhưng những danh lợi, thành qủa do Satan mang lại ấy đều rất chóng qua, và sẽ đem lại bất hạnh cho người có nó, bởi tất cả những gì thuộc về ma qủy, đến từ ma qủy đều là ganh ghét, dối trá, hận thù, bạo lực, bất hạnh, chết chóc, do bản tính xấu xa, ác độc, gian dối của chúng. Vì thế, đi theo ma qủy và thờ lạy chúng, con người sẽ chuốc vào thân mọi tai ương, vì bản chất của ma qủy, cũng như mục đích duy nhất hoạt động của ma qủy là làm cho con người phải đau khổ, bất hạnh và chết, khi đánh mất và xa khỏi Thiên Chúa là Tình Yêu, Ơn Cứu Độ, Sự Sống đời đời, và Hạnh Phúc, Bình An.
Và cũng như hai lần chịu cám dỗ, Đức Giêsu đã xua đuổi Satan và nói với nó : Có lời chép rằng : “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).
Chúng ta có thể nhận ra ý Thiên Chúa qua đọan Tin Mừng “Đức Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa” :
- Thiên Chúa muốn chúng ta chân nhận : Ngôi Lời là Thiên Chúa thật và con người thật.
Vì là con người thật, nên Ngôi Lời là Đức Giêsu đã chịu ma qủy cám dỗ như chúng ta, cũng như bất cứ con người nào. Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người là điểm nóng mà ma qủy và thế gian luôn tìm cách chống phá, lôi kéo người ta phủ nhận bằng mọi chiêu trò.
Sở dĩ ma qủy và thế gian phải chối bỏ mầu nhiệm “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7), vì nếu chấp nhận “mầu nhiệm nhân tính” này, chúng sẽ phải nhận tất cả chân lý về Thiên Chúa do Đức Giêsu mặc khải, vì Ngài vừa là Thiên Chúa, nên biết rõ Thiên Chúa là ai, và Thiên Chúa muốn gì, đồng thời vừa là con người, nên nói được với con người về Thiên Chúa.
Ngoài ra, khi phải chấp nhận mầu nhiệm làm người của Đức Giêsu, ma qủy, thế gian không thể chối từ : Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, bởi chỉ một mình “Thiên Chúa làm người” mới có thể chuộc lại tội lỗi của loài người đã xúc phạm đến Thiên Chúa, do đòi hỏi chính đáng của công bằng.
Vì thế, bằng mọi giá, ma qủy, thế gian luôn tìm tấn công mầu nhiệm “làm người” của Ngôi Hai Thiên Chúa, chống phá “nhân tính thật” của Đức Giêsu, để hủy bỏ công trình cứu chuộc loài người của Thiên Chúa qua cuộc khổ nạn và chết trên Thánh Giá như thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Philípphê : “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái qùy, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa…” (Pl 2,9-11).
- Thiên Chúa muốn chúng ta tin tưởng : Ơn của Ngài luôn đủ cho chúng ta (x. 2 Cr 12,9), để chúng ta chiến thắng ma qủy, vượt qua mọi cám dỗ :
Ma qủy không ngang hàng Thiên Chúa. Chúng chỉ là thụ tạo kiêu căng, phản bội đã bị Thiên Chúa xua đuổi khỏi Thiên Đàng và đẩy xuống hoả ngục. Vì thế, chúng không thể vượt quyền Chủ Tạo của Thiên Chúa. Do đó, chúng không thể áp chế ta khi cám dỗ ta. Chúng chỉ có thể lôi cuốn, dụ dỗ, mồi chài, nhưng quyết định nghiêng theo cám dỗ, chấp thuận lao mình vào cám dỗ, và chiều theo đề nghị của chúng hay không là do ta, vì Thiên Chúa ban cho mỗi người ý chí tự do để lựa chọn và quyết định, chưa kể ơn của Ngài luôn tràn đầy nâng đỡ, hỗ trợ, và bên cạnh, chúng ta có Giáo Hội là Mẹ luôn bảo vệ, chở che, cầu bầu.
Vì thế, cám dỗ là việc làm của ma qủy được Thiên Chúa cho phép, để thử thách niềm tin và lòng trung thành của chúng ta đối với Thiên Chúa, như Ngài đã cho phép Rắn Độc cám dỗ Evà, và cho phép Satan thử thách Gióp, tôi trung của Đức Chúa Giavê, nên ngã lòng trông cậy trong khi bị cám dỗ là điều tối kỵ đối với người môn đệ Đức Giêsu, và phải tránh cho kỳ được tâm trạng tuyệt vọng, như Gióp đã luôn vững lòng tín thác ở Thiên Chúa Giavê trong cơn thử thách vô cùng cam go, để trong mọi cám dỗ, thử thách, lúc nào ông cũng một lời ca ngợi Thiên Chúa :
“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi : xin chúc tụng danh Đức Chúa !” (G 1,21).
- Khí giới tuyệt hảo để chiến thắng ma qủy khi bị cám dỗ là tìm về và dựa vào Lời Thiên Chúa :
Cả ba lần chịu cám dỗ, Đức Giêsu đều lấy Lời Thiên Chúa để chống trả ma qủy, và chúng đã phải thoái lui.
Thực vậy, nguy cơ lớn nhất của con người ngày xưa cũng như ngày nay, và cho đến tận thế là từ chối lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa. Và khi không còn lắng nghe, suy gẫm, người ta sẽ không vâng theo, như Evà đã không nghe Lời Thiên Chúa, nên đã ra nông nỗi : “vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5,12) .
Hơn chúng ta, ma qủy biết sức mạnh của Lời Chúa, nên tìm mọi cách để người ta không yêu mến Lời Chúa, không tìm về Lời Chúa, không tôn kính Lời Chúa, không rao giảng Lời Chúa, bằng chứng là hiện nay có nhiều người thích “tấu hài” hơn rao giảng Lời Chúa, thích kể chuyện mình hơn kể cho người khác nghe những kỳ công của Chúa, thích trích văn chương hoa mỹ của loài người khi truyền giáo hơn gieo rắc Lời Thiên Chúa, thích làm cho người khác nghe lời mình ngon ngọt, lôi cuốn hơn để Lời Chúa đi vào, ở lại và đổi mới tâm hồn họ.
Cũng vì biết Lời Chúa có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi cạm bẫy cám dỗ, nên ma qủy ráo riết làm cho con người không quan tâm đến Lời Chúa, không tìm ánh sáng khôn ngoan ở Lời Chúa, không quy chiếu mọi tư tưởng, hành động vào Lời Chúa, không tin Lời Chúa là sức sống đổi mới, không hy vọng Lời Chúa mang lại bình an đích thực, không xác tín Lời Chúa là chính Chúa, nên dần dà Lời Chúa bị thêm bớt, cắt xén, lãng quên, coi thường, diễu cợt, rồi trở nên xa lạ, hão huyền, vô ích với con người.
Vâng, ngay từ buổi đầu tạo dưng, con người đã bị ma qủy cám dỗ, và hậu qủa của tội lỗi khi “sa chước cám dỗ” là bất hạnh và sự chết.
Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và con người thật đã chịu cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng ma qủy, khi lấy Lời Thiên Chúa giập tắt cơn cám dỗ. Ngài đã chiến đấu với ma qủy, bằng vũ khí Lời Chúa, và đã chiến thắng chúng bằng vâng lời Thiên Chúa, như thánh tông đồ dân ngoại đã qủa quyết : “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).
Xin Chúa cho chúng ta biết yêu mến, lắng nghe, suy gẫm và vâng phục Lời Chúa, là vũ khí của Thiên Chúa đặt vào tay chúng ta để vượt qua cám dỗ, và chiến thắng ma qủy.
Jorathe Nắng Tím
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ