ĐƯỢC SINH RA TRONG CUNG LÒNG THIÊN CHÚA
(Mk 5:1-4a; Mt 1:1-16.18-23)
Như chúng ta biết, trong lịch phụng vụ, chỉ có ba lễ sinh nhật được mừng kính, đó là sinh nhật của Chúa Giêsu, sinh nhật của Gioan Tẩy Giả và sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria mà hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính. Thánh lễ này có thể được khởi nguồn sau Công Đồng Êphêsô năm 431, công đồng mà thiết lập Mẹ Maria là “Mẹ Thiên Chúa.” Thánh lễ này được nói đến trong một lời ca sáng tác bởi Thánh Romanus và được đón nhận bởi Giáo Hội Rôma vào thế kỷ thứ 17.
Trong bài đọc 1, ngôn sứ Mikha trình thuật cho chúng ta về lời sấm của Đức Chúa, nói về sự xuất hiện một vị thống lãnh Israel từ Bêlem. Nguồn gốc của vị thủ lãnh này có từ thuở xa xưa. Ngài thống lãnh Israel như người mục tử chăn dắt đàn chiên mình. Nơi Người, Israel sẽ tìm được sự bình an: “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Chính Người sẽ đem lại hoà bình” (Mk 5:4-4a). Sự xuất hiện của người thủ lãnh này được thực hiện qua người nữ. Như thế, sự cao trọng và sự hiện hữu của người nữ này đã hiện hữu trong kế hoạch muôn thuở của Thiên Chúa. Đây chính là hình ảnh mà chúng ta mừng kính ngày hôm nay, đó là sự hiện hữu của Mẹ Maria nằm trong kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cũng thế, chúng ta cũng được Thiên Chúa yêu thương từ muôn đời và cho chúng ta hiện hữu trong thời gian để làm chứng cho tình yêu của Ngài. Chúng ta cố gắng sống cho xứng đáng với tình yêu của Ngài qua đời sống phục vụ, yêu thương và tha thứ.
Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: Phần 1 (Mt 1:1-16) nói về gia phả của Chúa Giêsu và phần 2 (Mt 1: 18:23) nói về việc Chúa Giêsu được sinh ra. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là: Tại sao hôm nay lễ sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria mà Giáo Hội lại chọn đoạn Kinh Thánh nói về sự ra đời của Chúa Giêsu? Chúng ta có thể trả lời cách đơn sơ rằng: Bởi vì sự hiện hữu của Mẹ Maria không thể tách rời khỏi Chúa Giêsu. Chúng ta cùng nhau tập trung suy gẫm gia phả của Chúa Giêsu, để rút ra những bài học quý giá cho ngày sống.
Điểm thứ nhất chúng ta có thể suy gẫm là việc Thánh Sử Matthêu bắt đầu bản trình thuật của mình về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô với những lời: “Sách gia phả của Đức Giêsu Kitô, con của Đavít, con của Abraham” (Mt 1:1). Thánh sử tìm ra tổ tiên con người của “con người Giêsu” và cố gắng đặt Ngài vào trong sự liên hệ với lịch sử của nhân loại. Thánh sử chỉ ra nguồn gốc con người của sự sống này, sự sống mà không phải rơi trực tiếp từ trời nhưng phát triển từ một thân cây với một lịch sử rất dài và một cách tuyệt đối là phát xuất từ hai gốc rễ thật vĩ đại mang tên Abraham và Đavít. Thánh Matthêu đang trình bày con người Giêsu, và vì lý do này, biểu tượng của thánh sử là Con Nguời (Con của Người). Sự hiện hữu của mỗi người chúng ta cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nhưng phát xuất từ một dòng dõi con người trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Vì vậy, chúng ta được mời gọi sống trọn kiếp nhân sinh của mình trong giai đoạn lịch sử ấy.
Thứ hai, theo Thánh Mátthêu, con người Giêsu đứng tại điểm khởi đầu của Tân Ước, như là Đấng nổi lên từ lịch sử của nhân loại. Trong gia phả của Ngài, Thánh Sử Mátthêu vẽ một cách cẩn thận sự chuyển tiếp từ một dòng lịch sử dài và khó hiểu được ghi lại trong Cựu Ước đến một thực tại mới được bắt đầu với Đức Giêsu Kitô. Thánh sử tóm tắt toàn bộ lịch sử này trong ba bộ mười bốn tên và đưa nó xuống đến Ngài, Đấng mà suy cho cùng chỉ vì danh Ngài mà lịch sử này tồn tại. Thánh Sử chỉ ra rằng dù lịch sử nhân loại di chuyển theo nhiều con đường khác nhau và những đường phụ, lịch sử này đã, theo một hình thức ẩn dấu, mang đến Đấng Cứu Độ rồi; và rằng trong suốt những thế kỷ đó, và tại mọi thời điểm, chính một và cùng một Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài và bây giờ trong Đức Giêsu Kitô đã trở thành một “người anh” cho toàn bộ nhân loại. Thánh Sử khẳng định cách dứt khoát tính vốn có của lịch sử, điều mà nếu phân tích cho đến cùng không có một mục đích nào cao hơn là đem lại con người Giêsu này cho lịch sử nhân loại. Chi tiết này cho thấy, trung tâm điểm của lịch sử nhân loại và mỗi người chúng ta là Đức Kitô. Điều này có thật sự đang xảy ra trong cuộc đời của chúng ta không? Chúa Giêsu có phải là trung tâm điểm của cuộc đời chúng ta không?
Thứ ba, chỉ có bốn phụ nữ được ghi tên trong gia phả và cả bốn người là những nhân chứng cho sự tội lỗi của con người: trong số họ là Rahab, một cô gái điếm là người đã giao Jericho vào trong tay những người Do Thái di trú. Cũng ở trong số họ là vợ của Uriah, người phụ nữ mà Vua David giành lấy cho chính mình qua hành động ngoại tình và giết người. Những người đàn ông trong gia phả cũng không có khác biệt gì. Ngay cả Abraham hoặc Isaac hoặc Jocob không phải là những con người lý tưởng; Vua David hiển nhiên không phải là người lý tưởng, Vua Solomon cũng thế; và cuối cùng chúng ta gặp phải những người thống trị thật ghê tởm như Ahaz và Manasseh, những người thống trị mà ngai vàng của họ dính đầy máu của những nạn nhân vô tội. Đó là một lịch sử đầy tang tóc dẫn đến Chúa Giêsu; nó không phải là không có những giây phút có ánh sáng của nó, niềm hy vọng của nó, những tiến bộ của nó, nhưng trong tính toàn bộ của nó, nó là một lịch sử của sự xấu (sự dữ), tội lỗi và thất bại. Lịch sử cuộc đời mỗi người chúng ta cũng có nhiều bóng tối đau thương. Nhưng chính trong lịch sử đầy đau thương đó, Chúa Giêsu bước vào. Liệu chúng ta có cho phép Ngài bước vào và trở thành một phần [chính] của lịch sử cuộc đời chúng ta không?
Cuối cùng, gia phả của Chúa Giêsu theo thánh Matthêu bắt đầu với Abraham. Như thế nó làm chứng cho sự trung thành của Thiên Chúa Đấng thực hiện lời hứa mà Ngài đã tạo ra với Abraham: Rằng Abraham sẽ là tác nhân của sự chúc lành cho toàn bộ nhân loại. Toàn bộ gia phả, với tất cả những xáo trộn của nó, tất cả những thăng trầm mà nó trình bày, là một lời chứng sáng chói cho sự trung thành của Thiên Chúa, Đấng giữ lời hứa của mình dù cho tất cả những thất bại và sự không xứng đáng của con người. Suy cho cùng, gia phả của Chúa Giêsu theo Thánh Sử Matthêu cũng là Tin Mừng về Chúa Kitô Vua. Gia phả được tạo thành bởi ba chuỗi mười bốn tên. Bây giờ nếu chúng ta viết số mười bốn theo những ký tự tiếng Do Thái chúng ta có ba phụ âm, những phụ âm này tạo thành tên David. Thật vậy, số mười bốn, số mà chi phối gia phả, là một biểu tượng của vương quyền. Nó biến gia phả thành một gia phả vương giả mà trong đó không chỉ lời hứa với Abraham được hoàn thành, nhưng cả lời hứa mà đi cùng với cái tên David. Ý nghĩa của việc này là Đấng đang đến là vị Vua thật của thế giới. Ngài thật sự là Thiên Chúa nhân từ, nhưng ngay cả trong sự thương xót của mình Ngài vẫn là Đức Chúa, vị Vua mà mệnh lệnh của Ngài chúng ta vâng phục, vị Vua Đấng triệu tập chúng ta và có quyền hạn trên sự vâng phục của chúng ta. Như thế, gia phả tại khởi đầu của Tin Mừng cũng chính là một hồi kèn trumpét cho Đức Vua. Nó kêu gọi chúng ta đến trước sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô. Nó kêu gọi chúng ta đến với một sự vâng phục thánh trước lời của Thiên Chúa, và đến với sự phục vụ của Chúa Giêsu, Đấng xem phục vụ là thống trị. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”