Suy niệm Lời Chúa lễ Giáng Sinh: Lễ Vọng và lễ sáng chính ngày

34 lượt xem 24 Tháng mười hai, 2024
Mừng-Chúa-Giáng-Sinh

Suy niệm Lời Chúa lễ Giáng Sinh: Lễ Vọng và lễ sáng chính ngày

Lễ Vọng Giáng Sinh

BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM

(Is 9:1-6; Tt 2:11-14; Lc 2:1-14)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Mầu nhiệm đêm nay là mầu nhiệm ánh sáng của Thiên Chúa: Ánh sáng mà đưa dân Chúa ra khỏi bóng tối tử thần. Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaia nói về ánh sáng huy hoàng mà Thiên Chúa ban cho dân Ngài trong ngày ‘một trẻ thơ được sinh ra.” Trong ngày đó, dân Chúa sẽ được hưởng những điều sau: (1) không còn bước đi trong bóng đêm tội lỗi; (2) được ban cho chan chứa niềm vui; (3) được giải thoát khỏi ách nô lệ [thói hư tật xấu]; (4) được hưởng sự bình an. Chúng ta đã được hưởng bốn điều này chưa? Nếu chưa, chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta có được sự bình an thật để đón mừng con Chúa: “Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9:5-6). Đêm hôm nay là đêm Thiên Chúa hoàn thành lời hứa của Ngài với con cháu Adam. Ngài là Thiên Chúa trung thành. Chúng ta cũng được mời gọi để sống trung thành với Thiên Chúa và với nhau.

Trọng tâm của phụng vụ đêm nay chính là việc “một Trẻ Thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:5). Lời tuyên sấm này nói cho chúng ta hay rằng: Thiên Chúa đã không ban tặng cho chúng ta của cải vật chất và danh vọng, là những thứ chóng qua. Ngài ban cho chúng ta một Người Con, để những ai tin vào Ngài sẽ được sự sống đời đời (Ga 3:16). Quả vậy, “Người Con đã được ban tặng cho ta” chính là Đấng Cứu Độ. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 quả quyết rằng, mục đích của việc Đấng Cứu Độ đến là mang lại cho chúng ta lòng nhiệt thành để “từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục” (Tt 2:12) và để sống một đời sống tiết độ, công bình và thánh thiện trong một thế giới đầy bóng đen tội lỗi. Ngài đến để biến chúng ta thành dân riêng của Ngài để làm điều tốt (Tt 2:14). Chính việc Thiên Chúa trao ban chính mình qua Người Con nay trở nên khuôn mẫu cho tất cả mọi tương quan của con người. Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, và họ chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình” (GS, số 24).

Một điều chúng ta cần lưu ý trong Tin Mừng đêm nay là việc Thánh sử Luca muốn chứng minh rằng: Sự kiện Chúa Giêsu sinh ra là một sự kiện xảy ra trong lịch sử con người, là một sự kiện có thật. Nói một cách khác, sự kiện đêm nay mà chúng ta đang cử hành không phải là một câu chuyện thần thoại được thêu dệt lên hoặc tưởng tượng ra. Nhưng nó là một sự kiện được xảy ra trong một không gian và thời gian nhất định. Chúng ta thấy điều này qua những tên tuổi và nơi chốn lịch sử được ghi lại cách rõ ràng: Chúa Giêsu sinh ra dưới thời của Hoàng Đế Caesar Augustus và Quirinius làm tổng trấn Syria (Lc 2:1-2); Ngài “hành trình” với Thánh Giuse và Mẹ Maria từ thành Nazareth thuộc miền Galilee lên thành của Vua David gọi là Bethlehem thuộc miền Judea (Lc 2:4). Điều này nói cho chúng ta điều gì? Nó nói cho chúng ta rằng: Đêm nay, chúng ta đang cử hành mầu nhiệm của việc Thiên Chúa, Đấng vĩnh cửu, bước vào thời gian. Dù siêu việt trên thời gian nhưng Ngài ở trong thời gian để rồi Ngài luôn có thời gian để lắng nghe và ở với mỗi người chúng ta. Về phía chúng ta, chúng ta có thời gian cho Ngài hay không? Hay chúng ta để cho sự vội vã của cuộc sống cuốn chúng ta đi đến nỗi chúng ta không có thời gian cho Chúa hoặc có đến với Ngài thì cũng chỉ trong khoảng thời gian “dư thừa và vội vàng” của chúng ta?

Đêm nay là đêm của niềm vui vì “Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9:1). Tin Mừng cho chúng ta hay những người đầu tiên được đón nhận ánh sáng này là các mục đồng, những người “luôn canh thức chờ chủ về” ngay cả lúc nửa đêm. Dù sống trong “bóng tối” của “cái ách đè lên cổ, cây gậy đập xuống vai và dưới ngọn roi của kẻ hà hiếp” (Is 9:3), những người mục đồng vẫn cầm đèn sáng đức tin và hy vọng trong tay để hân hoan chờ đón chủ về. Niềm vui này được các các thiên thần hoà chung: Vinh danh Thiên Chúa trên trờiBình an dưới thế cho loài người Chúa thương (Lc 2:14). Quả thế, trước công trình kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, các thiên thần cao sang còn hân hoan vui mừng, thì loài người tội lỗi như chúng ta phải vui mừng biết bao. Chúng ta phải vui mừng vì chúng ta đã được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết: “Hỡi sự chết, nọc độc của ngươi ở đâu?” (1 Cor 15:55). Quả thật, mầu nhiệm mà chúng ta mừng đêm nay là mầu nhiệm của tình yêu giao hoà đất trời. Đêm nay, một cuộc trao đổi kỳ diệu xảy ra: Con Thiên Chúa xuống thế làm người, để con người trở thành con Thiên Chúa.

Cuối cùng, chúng ta có thể nói rằng: Mầu nhiệm đêm nay là một mầu nhiệm không ai có thể hiểu thấu, nhất là những người luôn muốn sống trong nhung lụa và tiện nghi, những người chạy theo của cải và danh vọng. Thật là một điều không thể hiểu, một huyền nhiệm: “Một vị vua sinh ra trong máng cỏ.” Hay nói theo ngôn từ của chúng ta ngày hôm nay: “Một tỷ phú sống trong khu ổ chuột.” Một hình ảnh thật khiêm nhường, thật giản dị! Hình ảnh này đưa chúng ta về với mầu nhiệm Kenosis (“tự hạ”) của Đức Kitô mà Thánh Phaolô đã trình bày trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2:6-7). Chính qua sự tự hạ của mình, Chúa Giêsu mang lại “vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương.” Sự tự hạ của Ngài làm cho trời đất giao hoà không còn bị phân rẽ.

Để kết thúc, chúng ta cùng kể cho nhau nghe câu chuyện sau để nói lên ý nghĩa của đêm hồng phúc và tràn ngập niềm vui này:

Vào đêm Chúa Giêsu sinh ra, trước khi đi loan tin cho các mục đồng, các thiên thần có một cuộc họp bí mật với các loại súc vật để chọn con nào trong chúng có thể giúp đỡ Gia Đình Thánh trong hang đá.

Các thiên thần hỏi: “Ai trong các ngươi có thể làm được việc này?”

“Chỉ có chúa tể sơn lâm mới xứng đáng đảm trách công việc này,” sư tử trả lời: “Tôi sẽ xé xác tất cả những ai đến gần và làm hại Hài Nhi Giêsu.”

Thiên Thần trả lời: “Không được! Ngươi quá kiêu ngạo và quyền lực.”

“Vậy thì không ai bằng tôi,” cáo lên tiếng: “Tôi sẽ kiếm mật ngọt và ăn cắp gà cho Mẹ Maria mỗi buổi sáng để nấu cháo cho Hài Nhi Giêsu và Thánh Giuse.”

“Ngươi cũng không được vì ngươi quá ranh ma thủ đoạn,” thiên thần trả lời.

Nhiều con vật khác đến trình bày về việc chúng có thể làm để giúp Gia Đình Thánh, nhưng các thiên thần không chọn được loài nào. Các thiên thần buồn và nhìn quanh các loại vật một lần cuối. Mắt các thiên thần sáng lên tia hy vọng vì thấy từ đằng xa một con bò và một con lừa đang mang cái ách trên cổ với gánh nặng đồng áng. Các thiên thần đến bên bò và lừa rồi hỏi: “Các ngươi có thể làm được gì cho Hài Nhi Giêsu không?”

“Chúng tôi chẳng có gì để dâng cho Hài Nhi cả. Chúng tôi chỉ biết khiêm nhường và kiên nhẫn nghe theo chỉ dẫn thôi,” bò và lừa trả lời. “À, chúng tôi có thể làm một việc rất nhỏ, đó là, dùng đuôi của chúng tôi để đuổi ruồi không cho chúng quấy rầy giấc ngủ của Hài Nhi Giêsu.”

Các thiên thần reo lên sung sướng: “Hai ngươi là những con vật mà chúng ta đang cần.”

Xin Chúa ban cho chúng ta đức khiêm nhường và kiên nhẫn (trong đau khổ) để chúng ta hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong sự tự hạ của Hài Nhi Giêsu mà chúng ta chiêm ngắm trong máng cỏ.

***

Lễ Sáng Giáng Sinh

NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ Ở GIỮA CHÚNG TA

(Is 52:7-10; Hr 1:1-6; Ga 1:1-18)

Bài đọc 1 hôm nay nói về bản chất thật của những bước chân. Bản chất của chân là để đi. Chân đưa chúng ta đến những nơi ta muốn. Chân cũng đưa chúng ta đến với những người chúng ta yêu thương. Có những bước chân đưa con người đi làm điều tốt, nhưng cũng có những bước chân đưa con người đi làm điều xấu. Có những bước chân đưa chúng ta đến những nơi chúng ta cần đến, nhưng cũng có những bước chân đưa chúng ta đến những nơi chúng ta không cần phải đến. Bài đọc 1 hôm nay hát khen rằng: “Đẹp làm sao chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan báo hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52:7). Đây là những bước chân của những người mang Chúa đến cho người khác; đây là những bước chân mang chúng ta đến với người khác và biến đổi “tiếng khóc đau buồn” của họ thành “tiếng khóc hân hoan.”

Hôm nay, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Hôm nay, Đấng cứu độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Thánh Vịnh Gia trong đáp ca mời gọi chúng ta: “Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca. Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Chúa vị Quân Vương” (Tv 97:5). Thánh Lêo Cả Giáo Hoàng nói cho chúng ta về lý do của niềm vui mà ngày hôm nay đem lại như sau: “Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm này phá tan sự sợ hãi trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời. Không ai bị gạt ra khỏi niềm hân hoan đó, vì mọi người đều có chung một lý do để vui mừng. Chúa chúng ta là Đấng huỷ diệt tội lỗi và sự chết, vì Người không thấy ai vượt qua được tình trạng này, nên đã đến để giải cứu mọi người. Thánh nhân hãy mừng vui vì ngày khải hoàn đã gần tới. Tội nhân hãy hân hoan vì được mời gọi đón nhận ơn thứ tha. Người ngoại giáo hãy phấn khởi vì được mời gọi đến hưởng sự sống.”

Bài đọc 2 đưa chúng ta đến “thời sau hết này” (Heb 1:2), khi Thiên Chúa phán dạy chúng ta cách trực tiếp qua Thánh Tử. Đức Kitô chính là sự viên mãn của sự mạc khải của Thiên Chúa vì “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Heb 1:3). Thật vậy, khi thời gian tới hồi viên mãn đúng như kế hoạch cao sâu huyền nhiệm của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính loài người, để con người được giao hoà với Đấng Tạo Hoá; như thế, ma quỷ là kẻ gây ra sự chết, sẽ bị đánh bại do chính bản tính mà nó đã thắng. Đức Giêsu mặc lấy thân phận con người để Ngài đồng hoá chính Ngài với con người mọi nơi và mọi thời. Chính vì vậy, chúng ta được mời gọi sống đúng với nhân phẩm của mình, của những người không chỉ được “tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa” (St 1:26), nhưng là những người đồng thừa tự với Đức Kitô (Rom 8:17). Vì vậy, Thánh Lêo Cả nhắc nhở chúng ta: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Do lòng thương vô tận, Thiên Chúa Cha đã yêu mến, đã thương xót chúng ta; dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô, để trong Đức Kitô, chúng ta trở nên một thụ tạo mới, một công trình mới”.

Thánh Gioan trong Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về ‘trẻ thơ’ vừa được sinh ra là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thánh Gioan chứng minh Ngôi lời là Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa” (Ga 1:1-2). Chính nhờ Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:3-5). Chi tiết này đưa chúng ta về với sách sáng thế khi Thiên Chúa dùng “lời” của mình để phán, và mọi sự xảy ra như vậy. Lời Chúa có sức sáng tạo; lời Chúa mang lại sự sống. Còn lời chúng ta thế nào? Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã dùng lời mình để nói xấu nhau, để làm mất danh dự và làm tổn thương nhau. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta dùng lời của mình để mang niềm vui và sức sống đến cho người khác.

Ngoài việc trình bày Ngôi Lời là Thiên Chúa và căn nguyên của mọi loài, Thánh Gioan trình bày rằng đây không phải là sự thật không có ai làm chứng. Người làm chứng cho sự thật này là người được Thiên Chúa sai đến: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1:6-8). Những lời này cho thấy Thánh Gioan Tẩy Giả sống đúng với căn tính của mình. Ông chỉ là người làm chứng về ánh sáng; hay nói đúng hơn, ông là người phản chiếu ánh sáng trên cuộc đời của mình. Nhiều người trong chúng ta ngày hôm nay không muốn sống đúng căn tính của mình. Nhiều lần chúng ta so sánh mình với người khác, rồi chúng ta trở nên ghen tỵ và không chấp nhận chính mình với những giới hạn. Chúa Giêsu đến mặc lấy thân phận con người với những giới hạn của nó. Chúng ta cũng được mời gọi sống thật với chính mình, với Chúa và với mọi người.

Chính Ngôi lời là ánh sáng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1:9-13). Trong những lời này, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu có thể bị từ chối; chúng ta có thể không đón nhận Ngài. Điều này xảy ra khi chúng ta sống trong bóng đêm của tội lỗi. Chúng ta từ chối để ánh sáng của Ngài dọi chiếu vào trong những ngõ ngách đen tối của cuộc đời chúng ta. Hãy nhận biết Chúa đang đến với chúng ta và chuẩn bị một chỗ thật xứng đáng cho Ngài trong con tim của mình.

Cuối cùng, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta về mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa, nay qua sự ‘mặc lấy xác phàm” (x. Ga 1:14) mà trở nên hữu hình trước mắt chúng ta. Qua Chúa Giêsu, chúng ta được đụng chạm đến nguồn ân sủng của Thiên Chúa: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:16-18).