Suy niệm Lời Chúa CN 23 TN C: Khôn ngoan đi theo Chúa

204 lượt xem 3 Tháng Chín, 2022
Suy niệm Lời Chúa CN 23 TN C: Khôn ngoan đi theo Chúa

Khôn ngoan đi theo Chúa

Người xưa thường nói “Xem giỏ bỏ thóc” hoặc “Đừng vung tay quá trán”. Đó là lẽ khôn ngoan thường tình chúng ta cần phải biết, trước khi bắt tay làm bất cứ công việc gì. Hôm nay Chúa dùng hai dụ ngôn cụ thể để nhắc nhớ điều ấy: Dụ ngôn về một người khởi công xây nhà cần  hoạch toán dự chi và dụ ngôn về một ông vua trước khi tham chiến phải xem lực lượng quân đội của mình ra sao. ‘Hãy liệu cơm mà gắp mắm’, là lẽ khôn ngoan ở đời. Tuy nhiên, Đức Giêsu không phải là một kinh tế gia hay một chuyên viên xây dựng. Ngài cũng không phải là người rành rẽ về binh lược nơi trận mạc. Sứ điệp Chúa muốn nhắn gửi chúng ta, là phải sống khôn ngoan theo lối bước của Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi ” (c.26-27). Cuối cùng, Chúa đưa ra kết luận chung cuộc: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ của tôi” (c.33).

Biết mình: Khởi đầu của sự khôn ngoan

Ngày xưa, triết gia Socrates đã dạy các học trò của ông: “Biết mình là khởi đầu của sự khôn ngoan”. Ông cắt nghĩa tiếp “Ở trên đời, chúng ta thường rơi vào ba cái dốt. Cái dốt đầu tiên là chúng ta không biết những gì cần phải biết. Cái dốt thứ hai là chúng ta tò mò muốn biết những gì không nên biết, và cái dốt cuối cùng là chúng ta cứ tưởng rằng mình đã biết những gì mình thực sự chưa biết”. Nền triết học Hy Lạp ngày xưa vạch dẫn cho chúng ta những đường nét khôn ngoan ở đời, nhưng nó vẫn không thể đi vào chiều sâu của sự khôn ngoan như Chúa Giêsu mời gọi. Chúa Giêsu từ từ khai mở con đường Thập giá để dẫn đưa chúng ta đến nguồn mạch của sự khôn ngoan đích thực. Thánh Phaolô đã viết : “Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước đến muôn đời… Lẽ khôn ngoan ấy, không một thủ lãnh thế gian được biết, vì nếu biết họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa vinh hiển vào Thập giá” (1Cr. 2, 7-8). Ngài còn phân định rõ hơn sự khác biệt giữa khôn ngoan thế gian so với sự khôn ngoan của Tin Mừng. Vị Tông đồ dẫn giải tiếp: “Trong khi người Do Thái tìm kiếm những dấu lạ, người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục, và dân ngoại cho là điên rồ…. Cái điên rồ của Thiên Chúa thì còn hơn cái khôn ngoan của loài người (1Cr. 1, 22-25).

Như vậy, câu nói của Socrates rất đúng khi ông nhận định: “Khởi đầu của sự khôn ngoan là hỡi người, hãy tự biết mình”. Nhưng tại sao phải biết mình, biết về mình như thế nào và biết mình để làm gì, là những vấn nạn mà ông ta không thể đưa ra câu trả lời. Chỉ khi Đức Giêsu vào trần gian, tiến nhận cái chết ô nhục trên Thập giá, chân lý ấy mới từ từ được khai sáng.

Thập giá: Con đường dẫn đến khôn ngoan đích thực

Triết gia Shaupenhauer, thế kỷ 19, đã nói với các bạn của ông: “Khi tôi chết, hãy khắc trên ngôi mộ của tôi hàng chữ: Đây là nơi yên nghỉ của một người đã chết, mà khi sống, không biết mình sống để làm gì”. Sống để làm gì và sau khi chết sẽ đi về đâu, là những câu hỏi muôn thuở mà từ trước đến nay nhiều triết gia đã suy tư mà vẫn không thể tìm ra đáp án. Chúa Giêsu đã đưa ra câu trả lời rất cụ thể và chuẩn xác qua chính cái chết của Ngài trên Thánh giá. Thập giá Đức Kitô là ẩn số vĩ đại và khó hiểu nhất, nếu chúng ta chỉ dừng lại trên bình biện thuần lý của đầu óc con người. Một Thiên Chúa cao cả lại trở nên thấp hèn, đã hạ mình xuống tận đáy bùn đen trong xã hội. Một Thiên Chúa hằng sống lại tự nguyện tiến nhận cái chết, và chết một cách tức tưởi như một tên tội phạm. Một Thiên Chúa nhân lành bị con người đối xử quá gian ác và phũ phàng. Nhưng chính nghịch lý của Thập giá lại là quyển sách ẩn chứa sự khôn ngoan cao sâu nhất. Chiêm niệm mầu nhiệm ấy, chúng ta mới dần hiểu được điều Chúa nói hôm nay: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Cha Gioan Cornay, một linh mục thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP) đã tình nguyện lên đường sang Việt Nam truyền giáo. Đi truyền giáo ngày xưa là chấp nhận ra đi vĩnh viễn không mong ngày trở về. Lúc ngài ra ga xe lửa, bạn bè và những người thân quen đưa tiễn. Quá thương con, song thân ngài nằm vật ra giữa đường để cản lối, nhưng Cha Cornay đã can đảm bước qua, và nhất quyết đi theo tiếng gọi của Chúa. Ngày 20 tháng 09 năm 1837, ngài lãnh triều thiên tử đạo tại Sơn Tây, miền Bắc và là một trong 118 vị Tử đạo tại Việt Nam. (Xem thêm Hạnh tích các thánh). Ngài là một gương sáng điển hình, đã sống và thực hành điều Chúa Giêsu khuyến mời hôm nay.

Kết luận

Con đường Thập giá cùng sự từ bỏ là lối bước Chúa Giêsu đã đi qua và mời gọi chúng ta dấn bước theo Ngài. Chúng ta đã nghe đi nghe lại sứ điệp này đến độ thuộc lòng, nhưng cụ thể trong cuộc sống, chúng ta đã từ bỏ cái gì và từ bỏ như thế nào. Đây là một thách đố mà mỗi ngày chúng ta phải lập đi lập lại để nhắc nhớ, hầu trở nên môn đệ chân chính của Đức Giêsu. Trong Giáo hội đã có rất nhiều mẫu gương để chúng ta noi theo. Một Cha Đamiêng đã từ bỏ mọi sự để chung hòa cuộc sống với những người cùi tại đảo Molokai. Một Cha Maximilien Kolbe đã can đảm chấp nhận chết thay cho một anh bạn tù trong trại tập trung Auswich ở Ba lan. Biết bao bạn trẻ đã từ bỏ quê hương xứ sở để lên đường dấn thân truyền giáo. Còn bạn, còn tôi, chúng ta đã đi vào sự từ bỏ và sống ơn gọi của chúng ta như thế nào?

Văn Hào, SDB