Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật 28 Thường niên năm C: Biết ơn

173 lượt xem 8 Tháng Mười, 2022
Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật 28 Thường niên năm C: Biết ơn - Hiệp Hội Đa Minh Tin Mừng

Biết ơn

Trong tập sách ‘Nói với chính mình’, Đức Cha Bùi Tuấn đã chia sẻ: “Tôi rất thích chó, vì chó là con vật biết ơn. Sự biết ơn của chó khác với lòng biết ơn của con người, nhưng không thiếu vẻ đẹp. Cho chó một miếng xương nó cũng tỏ dấu biết ơn bằng cách vẫy đuôi, quấn quýt người cho. Càng được cho, nó lại càng biết ơn và ra sức bảo vệ chủ. Nhiều người không biết ơn bằng chó.” Lời nhận định của Đức Cha có thể làm nhiều người dị ứng và khó chịu, nhưng nếu suy nghĩ cho kỹ thì quả không sai. Câu chuyện trong Tin mừng hôm nay là một minh dẫn cụ thể.

Sự vô ơn rất thường xảy ra

Thánh Luca thuật lại câu chuyện về 10 người phong hủi được chữa lành, nhưng chỉ duy nhất một người quay lại bày tỏ lòng biết ơn. Rất bẽ bàng, đó lại là người ngoại giáo, một người Samari. Cũng vậy, cả đám đông khổng lồ đã được Chúa cho ăn no nê và chứng kiến biết bao phép lạ Ngài làm, nhưng khi Chúa oằn vai vác Thập Giá, chỉ duy nhất Simon thành Cyrênê ghé vai giúp Ngài, lại cũng là một người ngoại giáo. Sự vô ơn đạt đến cao điểm khi toàn dân quay lưng, đồng thanh đả đảo và kết án Chúa Giêsu như một tên tội phạm. Trên đỉnh cao núi sọ, chỉ duy nhất một người khám phá ra bầu trời yêu thương từ đôi mắt Chúa, và đó cũng chỉ là một tay ăn trộm khét tiếng.

Lịch sử dân Do Thái, một dân được Thiên Chúa ưu tuyển, được đan dệt bằng những hành vi phản bội và vô ơn. Hình tượng con bò vàng dưới chân núi Sinai rất tiêu biểu nói lên sự vô ơn này. Vết xe cũ của sự vô ơn nơi người Do Thái năm xưa, có thể vẫn đang được lặp lại nơi mỗi người chúng ta hôm nay. Mỗi tội chúng ta phạm là một sự phản bội. Mỗi điều ác chúng ta làm là một hành vi chống lại Thiên Chúa, và thể hiện sự vô ơn đối với Ngài.

Tại sao phải biết ơn

‘Không ai là một hòn đảo’. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, đều cần có sự tương tác và trợ giúp từ người khác. Miếng cơm chúng ta ăn, manh áo chúng ta mặc đều có sự đóng góp công sức của nhiều người. Chúng ta có làm được ông này hay bà nọ cũng nhờ công ơn sinh thành của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô. Song trên hết, những gì chúng ta đang hưởng dùng như tiền bạc, nhà cửa, tài năng, sức khỏe, thời giờ…tất cả đều là hồng ân Thiên Chúa ban tặng. Vì vậy, Đấng mà chúng ta phải tỏ bày lòng biết ơn đầu tiên là chính Thiên Chúa.

Cha sở họ Ars trong một bài giảng đã kể một câu chuyện rất ý nghĩa. Hằng ngày Chúa sai hai Thiên Thần đi xuống trần gian để nhận những lời khấn nguyện của con người. Hai vị cầm hai giỏ, một để đựng những lời cầu xin, một để đựng những tâm tình tạ ơn. Ngày nào cũng vậy, giỏ đựng những lời cầu xin thì đầy ắp, còn giỏ đựng những tâm tình tri ân thì quá ít, hầu như không có gì. Chúa nói với các Thiên Thần: “Con người thường chỉ biết nhận và không biết cho đi. Họ cứ xin xỏ điều này điều kia, nhưng chỉ biết thụ ơn mà không nhớ đến kẻ đã thi ân cho mình.” Một nhà tu đức đã phát biểu: “Thiên Chúa cư ngụ ở hai nơi: Trên thiên đàng và trong tâm hồn những người có lòng biết ơn.” Khoa sư phạm giáo dục của Cha Thánh Gioan Bosco luôn nhấn mạnh đến lòng biết ơn, và đây là yếu tố để việc giáo dục đạt được kết quả. Ngài nói: “Hãy đem đến cho tôi một đứa trẻ có lòng biết ơn, tôi bảo đảm nó sẽ là một đứa trẻ tốt lành.”

Cách thể hiện lòng biết ơn

Tại các nước văn minh, bài học đầu tiên người ta dạy cho các học sinh trong nhà trường là tập nói câu ‘xin lỗi’ và ‘cám ơn’. Ở Việt Nam, một cơ quan nọ đã phát động chiến dịch để các nhân viên tập mở miệng nói 2 câu này trong những giao tiếp hằng ngày, nhưng có lẽ không thành công lắm. Sự vô ơn, chỉ biết ngửa tay đón nhận và không biết mở lòng để cho, là một căn bệnh trầm kha rất khó chữa trị. Trong đời sống đức tin cũng vậy, sự vô ơn gắn liền với lối sống ích kỷ và hưởng thụ, là nguyên nhân làm sói mòn đức tin nơi người Kitô hữu. Chúng ta hãy đọc lại câu kết của bài Tin mừng hôm nay, khi Đức Giêsu nói với người Samari đã quay lại cám ơn Chúa: “Đứng dậy về đi. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Sự biết ơn là dấu biểu thị đức tin. Sống đức tin không phải chỉ là đi đến nhà thờ để đọc kinh, dự lễ một cách máy móc. Đức tin được diễn tả bằng hành động giống như người Samari mà Thánh Luca nhắc đến hôm nay. Những người có cảm thức đức tin sâu xa, sẽ rất quảng đại dấn thân phục vụ, nhất là qua sứ vụ truyền giáo, để diễn bày lòng biết ơn đối với Chúa.

Kết luận

Báo Digest có viết lại một giai thoại. Có một chàng thanh niên nọ đã sống rất quảng đại và rộng rãi giúp đỡ mọi người. Anh ta tình nguyện đến chăm sóc một người bạn bị tâm thần nằm trong bệnh viện mà không quản ngại vất vả. Anh ta cũng mở lòng đem tiền bạc đến giúp một anh bạn da đen chẳng may bị sa cơ thất thế. Khi được mời gọi đóng góp vào những việc từ thiện, anh ta không hề so đo tính toán. Nói chung, anh ta làm những gì có thể để mở lòng nhân ái giúp đỡ những ai cần đến. Bỗng dưng một bữa nọ, những người hàng xóm chung quanh phát hiện ra, con người tốt bụng ấy đã dùng súng để tự sát. Lý do dẫn đến cái chết đã được anh ta ghi lại trong quyển nhật ký : “Tôi đã nghĩ đến mọi người, nhưng chẳng ai thèm nghĩ đến tôi. Tôi đã sống tốt với tất cả, nhưng tôi đã không được đáp lại bằng sự tử tế. Điều duy nhất tôi nhận được, chính là sự vô ơn và bạc nghĩa”.

Để diễn bày lòng biết ơn, chúng ta hãy học lấy thái độ của người Samari trong bài Tin mừng hôm nay. Cũng tương tự, tướng Naaman, vua nước Aram sau khi khỏi bệnh đã đến cám ơn ngôn sứ Elisa, và dâng lễ vật tạ ơn Đức Chúa (bài đọc 1). Còn chúng ta, chúng ta thực hành lòng biết ơn như thế nào.

Văn Hào, SDB