Nghịch lý của Thập giá
Trong các sách Tin Mừng, Mầu nhiệm Đức Giêsu được trình bày như một nghịch lý và cao điểm của nghịch lý ấy chính là Thập giá. Một Thiên Chúa cao cả lại mang lấy thân phận con người thấp hèn. Một Thiên Chúa hằng sống đã tự nguyện đón nhận cái chết như một tội nhân. Nhưng, mầu nhiệm Phục Sinh là chìa khóa để giúp chúng ta khám phá ra ẩn số nơi nghịch lý vĩ đại này. Nghịch lý về mầu nhiệm Đức Giêsu một lần nữa được chính Ngài mặc khải trong bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu là ‘Hoàng tử bình an’, là nhịp cầu giao hòa giữa trời và đất lại trở nên nguyên cớ gây ra những chia rẽ và chống đối. Chúa nói: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là sự chia rẽ…Cha chống lại con trai, con trai chống lại cha. Mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; Mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”. Có phải Đức Giêsu tự mâu thuẫn với chính mình hay chăng? Chắc chắn là không. Chúng ta sẽ không thể am tường sứ điệp mà bài Tin Mừng hôm nay truyền tải, nếu không đi sâu vào nghịch lý của Thập giá.
Cuộc chiến nội tâm
Ngạn ngữ tây Phương có viết: “Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh” Cũng vậy, muốn hưởng nhận bình an mà Đức Giêsu ban tặng, chúng ta phải can đảm đi vào cuộc chiến. Đây không phải là cuộc chiến tranh với bom đạn hay sự căm thù, nhưng đó là cuộc chiến đấu nội tâm để chống lại tội lỗi và ma quỷ. Cuộc đấu tranh giữa sự thiện và sự ác, giữa tội lỗi và ân sủng, giữa ánh sáng và bóng tối là cuộc chiến dai dẳng nhất, gian nan nhất mà chúng ta phải can đảm dấn sâu vào cho đến suốt đời. Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô cũng dùng hình tượng một cuộc chạy đua để phác vẽ cuộc chiến đấu thiêng liêng ấy. Ngài viết: “Anh em hãy kiên trì trong cuộc đua dành cho chúng ta, mắt hướng về Đức Kitô, là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”. Chúa Giêsu cũng nói về cuộc chiến đó như một ngọn lửa bùng cháy: “Thầy đã đến đem lửa vào mặt đất và Thầy mong ước cho ngọn lửa ấy bùng cháy lên”.
Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai, Chúa Giêsu cũng đi vào sa mạc và bị ma quỷ tấn công. Ngài đã trải qua cuộc chiến gian nan, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng. Chúa Giêsu là một con người rất con người giống chúng ta, nhưng cũng là một Thiên Chúa rất Thiên Chúa. Mang phận người, Ngài cũng bị tấn công dữ dằn đến mức độ phải thốt lên: “Cha ơi, sao Cha lại bỏ con?”. Nhưng cuối cùng, vì là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chiến thắng trong vinh quang.
Tác giả Nikos Nazantzakis trong cuốn sách ‘The Last Temptation of Christ’ (Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa) cũng mô tả cuộc chiến đấu kinh hoàng và quyết liệt của Đức Giêsu lúc hấp hối trên Thập giá. Trong cuộc chiến nội tâm mỗi ngày, Thập giá Chúa luôn là khuôn mẫu để chúng ta quy chiếu vào. Tác giả thư Do Thái cũng nhắc lại cho chúng ta trong phụng vụ hôm nay: “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình Thập giá, chẳng nề chi ô nhục và nay đang ngự bên hữu Thiên Chúa”. Khi quy hướng về Thập giá, tác giả còn khích lệ chúng ta: “Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu”.
Thập giá: Con đường độc đạo dẫn vào mầu nhiệm tự hủy
Cha Thánh Gioan Maria Vianey đã nói: “Thánh giá là quyển sách quý, chứa đựng những chân lý cao sâu nhất. Ai đọc và nghiền ngẫm cuốn sách này sẽ có được sự khôn ngoan và thông thái đích thực”. Con đường Thập giá là con đường độc đạo dẫn đưa chúng ta đến sự trọn lành. Thập giá không phải chỉ khuyên mời chúng ta chấp nhận khổ đau cách thụ động, nhưng trên hết, Thập giá biểu tỏ tình yêu của Thiên Chúa một cách tròn đầy. Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng mối tình của người hiến thân vì bạn hữu”. Ngài đã đi sâu vào mầu nhiệm tự hủy, biến mình ra không qua cái chết nhuốc khổ. Thập giá là kết tụ sự phẫn nộ và căm thù của đám đông. Giuđa thì phản bội, bán đứng vị tôn sư khả kính. Các đầu mục Do Thái đã quỷ quyệt dàn dựng một phiên tòa giả dối và đầy bất công. Lính tráng và người qua đường thì tha hồ chửi bới và không tiếc lời lăng mạ. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã hạ mình xuống tận đáy bùn đen của xã hội, và trở nên hư vô hoàn toàn, đi vào hành trình tự hủy cách trọn vẹn. Tác giả thư Do Thái đã đưa ra khuôn mẫu này để chúng ta chiêm nghiệm và noi theo. “Anh em hãy tưởng nhớ đến Đấng đã cam chịu những chống đối của kẻ tội lỗi, để anh em không sờn lòng nản chí”. Đó chính là khuôn mẫu nội tâm để chúng ta đi vào cuộc chiến đấu thiêng liêng hằng ngày.
Kết luận
Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Một nhà tu đức đã nói: “Có nhiều người tỏ ra yêu mến Chúa Giêsu, nhưng lại là một Đức Giêsu không có Thập giá ở dưới. Ngược lại, cũng có nhiều người đang oằn vai vác thập giá, nhưng thập giá không có Chúa Giêsu ở trên”. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã trích lời thi hào Cyprian Norwid để khích lệ các bạn trẻ: “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vác thập giá theo Ngài, nhưng không phải vác thập giá đi theo Chúa, mà chúng ta được mời gọi hãy tiến bước theo dấu chân của Chúa Giêsu, Đấng đang vác lấy thập giá của chính chúng ta”. Con đường thập giá là con đường Chúa đã đi qua và vạch dẫn để mời gọi chúng ta bước tới. Trên con đường ấy, chúng ta sẽ thấy ngọn lửa bùng cháy lên như lời Chúa nói trong Tin Mừng hôm nay. Đó là ngọn lửa của tình yêu. Ngọn lửa càng nóng càng sáng rực. Nó sẽ thiêu đốt mọi vẩn đục của tội lỗi và đưa dẫn chúng ta đến sự trọn lành.
Văn Hào, SDB
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”