Suy niệm lễ Truyền Tin

1238 lượt xem 24 Tháng Ba, 2018

LỄ TRUYỀN TIN

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Vì yêu thương nên Ngài đã đặt con người sống trong vườn Địa Đàng với biết bao ân huệ. Thế nhưng, con người nghe theo lời xúi giục của ma quỷ đã sa ngã phạm tội, nên bị Thiên Chúa tước mất mọi ân sủng, đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng.

Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Ngài đã nói với con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mày và người nữ, Người Nữ sẽ đạp giập đầu mày”(St 3,15).

Khi tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Thiên Thần đến gặp Đức Mẹ và loan báo ý định của Ngài. Sau khi nghe Thiên Thần loan báo, Đức Mẹ bối rối vì không hiểu lời Thiên Thần, hay nói đúng hơn, Đức Mẹ phân vân giữa chức vụ làm mẹ Thiên Chúa và việc giữ mình đồng trinh, nên Mẹ thưa với Thiên Thần rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Thiên Thần đã giải thích cho mẹ biết, việc Mẹ thụ thai và sinh con là do Chúa Thánh Thần. Để thuyết phục Đức Mẹ, Thiên Thần còn đưa ra dẫn chứng về việc thụ thai trong tuổi già của bà Êlizabet cách đây 6 tháng. Cuối cùng Thiên Thần kết luận: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Sau khi nghe Thiên Thần giải thích, Đức Mẹ đã thưa xin vâng: “Này tôi là tôi tới Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38). Nhờ tiếng thưa “Xin Vâng” của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thể Làm Người, lịch sử Cứu Độ đã bắt đầu sang trang và biến Mẹ từ một thiếu nữ Do thái trở thành Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Khi nói về tầm quan trọng hai tiếng xin vâng của Mẹ, công đồng Vatican II đã lặp lại lời của các Giáo Phụ xưa rằng : Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng : “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (x. Lumen gentium, số 56). Thánh Bênađô thì kêu lên rằng: “Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, Đavit cũng khẩn cầu, các tổ phụ cũng không ngớt nài xin. Câu trả lời ấy cả thế giới này đang phủ phục dưới chân Mẹ và chờ đợi nó. Bởi việc giải thoát cho những ai đang đau khổ, chuộc lại kẻ giam cầm, trả tự do cho người bị kết án và sau cùng là phần rỗi của mọi con cái Adam, của toàn thể dòng dõi Mẹ đều tùy thuộc vào lời thưa của Mẹ”.

Đối với Mẹ, để thưa xin vâng, Mẹ phải chấp nhận hy sinh, hy sinh vì lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhân loại. Lời thưa xin vâng của Mẹ, thể hiện sự phó thác tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Bởi vì, lời thưa xin vâng không chỉ thực hiện trong biến cố truyền tin mà còn kéo dài trong suốt cuộc sống của Mẹ. Sau biến cố truyền tin là cả hành trình dài đầy gian nan đau khổ. Từ việc bị Thánh Giuse hiểu nhầm, đến việc sinh con trong hang đá nghèo hèn, lạnh lẽo. Việc bà Anna loan báo về sự đau khổ của Hài Nhi khi Mẹ đưa Chúa Giêsu dâng trong đền thờ. Việc đưa con trốn sang Ai cập khỏi Hêrôđê lùng bắt. Suốt ba mươi năm tại làng quê Nazaret, Mẹ sống âm thầm cùng với Thánh Giuse nuôi Chúa Giêsu khôn lớn. Sau đó, Mẹ đã đồng hành với con suốt ba năm trên mọi nẻo đường rao giảng Tin mừng. Đặc biệt, khi Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của con mình trên thập giá… Qua những biến cố đau thương như vậy, để thưa xin vâng, Mẹ phải có một niềm phó thác và một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Chính bà Êlizabeth đã xác nhận điều đó khi nói với Mẹ rằng: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Như vậy, để cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu rỗi nhân loại, Mẹ Maria đã thực hiện lời xin vâng một cách trọn vẹn bằng cả cuộc sống.

Đối với chúng ta hôm nay, sự vâng lời luôn luôn cần thiết: Người dưới vâng lời người trên, con cái vâng lời cha mẹ, học sinh vâng lời thầy cô, vợ chồng lắng nghe nhau… Đó không chỉ là nét đẹp của cuộc sống hằng ngày và để gia đình, xã hội có tôn ti trật tự mà còn là điều kiện để gia đình hạnh phúc và xã hội bình yên. Chúng ta thử hình dung: Nếu trong một gia đình mà con cái không vâng lời cha mẹ, vợ chồng không biết lắng nghe nhau; ở nhà trường, học sinh không vâng lời thầy cô; xã hội không có trên dưới… thì gia đình, nhà trường, xã hội đó sẽ như thế nào? Thực tế cho chúng ta thấy, vì không biết vâng lời cho nên con cái hư hỏng, trò đánh thầy, hỗn loạn nhiều nơi trong xã hội chúng ta đang sống.

Trong lĩnh vực tôn giáo, “Đức Vâng Lời” lại còn quan trọng hơn gấp bội phần. Đức vâng lời được thể hiện qua việc lắng nghe tiếng Chúa. Tiếng Chúa qua Lời Chúa và các giới răn. Thực hành lời Chúa và tuân giữ các giới răn của Chúa một cách trọn vẹn là chúng ta đang giữ nhân đức vâng lời.
Đức vâng lời còn được thể hiện qua việc vâng nghe sự dạy bảo của các vị bề trên coi sóc linh hồn chúng ta. Đó có thể là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, linh mục hay cha mẹ anh chị của chúng ta. Đối với các cộng đoàn dòng tu, vâng lời các vị bề trên không chỉ là nhân đức mà còn thực hiện một trong ba lời khấn.

Việc tuân giữ đức vâng lời không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi không hiểu ý bề trên (như trường hợp của Đức Mẹ) hay khi sự vâng lời đó đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận hy sinh, thậm chí là phải đổ máu (như trường hợp các thánh tử đạo). Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng luôn và trong mọi hoàn cảnh hãy thưa với Thiên Chúa như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Nhờ tiếng xin vâng của Mẹ Maria, nhân loại đã bước sang một trang sử mới là trang sử Cứu Thế. Ngày hôm nay, để viết lên những trang sử đẹp, rất cần nhiều tiếng thưa xin vâng trong gia đình, Giáo Hội và xã hội. Xin Chúa giúp mọi người chúng ta biết noi gương Mẹ, chấp nhận hy sinh để luôn thưa xin vâng trong những điều đẹp ý Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

Nguồn: Vietcathoiic.org