SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B
XIN ƠN CHỮA LÀNH MÙA ĐẠI DỊCH
NGÀY 17/10/2021
Theo cổng thông tin của Bộ Y tế nước ta, tính đến ngày 14/10/2021, số ca nhiễm Sars-Cov-2 trên thế giới kể từ cuối năm 2019 tới nay là 240,046,889 ca, riêng ở Việt Nam là 853,842 ca; số người tử vong vì bệnh Covid-19 là 4,891,699 người, trong đó, Việt Nam tới 20,950 người. Những con số này vẫn còn tiếp tục thay đổi mỗi ngày, biến Covid trở thành đại dịch trên 222 quốc gia, gây nên một bầu khí lo lắng, sợ hãi bao trùm cả toàn cầu mà chưa biết tới bao giờ mới hết. Dịch bệnh làm cho các quốc gia gấp rút tìm mua trang thiết bị y tế, nhà nhà tích trữ lương thực thực phẩm vì sợ giãn cách phong tỏa, người người e ngại tiếp xúc với nhau, thực hiện khuyến cáo 5K để phòng dịch (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông).
Khi đối diện với cơn đại dịch, nhiều người đang cố đi tìm cho được nguyên nhân. Thông tin nơi này thì cho là dịch bệnh xuất phát từ một loài động vật hoang dã, nơi khác lại cho biết dịch khởi nguồn từ trong phòng thí nghiệm… làm cho cả thế giới dường như đang cảm thấy bất an và nghi ngờ lẫn nhau. Dẫu vậy, cả tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lẫn các chuyên gia và các tổ chức cho đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây nên dịch bệnh Corona. Và rồi người ta lại quay ra ca “Bài ca con cá” như bao thuở, đổ thừa là “tại ông trời”. Liệu có Thiên Chúa không, nếu có sao Chúa lại để cho dịch bệnh xảy ra như một thảm họa khiến dân tình lâm vào lầm than khổ cực? Phải chăng Thiên Chúa đang trừng phạt thế giới? Nếu Thiên Chúa đang trừng phạt thế giới thì Ngài có là Đấng nhân hậu từ bi không? Như vậy Người là nguyên nhân của đại dịch này?
Đứng trên phương diện lý trí, chúng ta không có một câu trả lời tối hậu nào cho vấn đề này. Còn trên phương diện đức tin, là người Kitô hữu, chúng ta sẽ lý giải cảnh tượng ấy như thế nào đây? Bài đọc I trích sách Ai Ca diễn tả lời van nài, xin Chúa nhớ đến sự nghèo khổ, cảnh lang thang phiêu bạt và những nỗi cay đắng của người đang phải đối diện. Và rồi với một niềm thâm tín và hy vọng rằng “lòng Chúa thương xót không hề chấm dứt, và lòng từ bi Chúa không bao giờ vơi cạn, nhưng vẫn mới hoài vào mỗi sáng ngày”. Đó là lời an ủi những ai đang chịu nỗi truân chuyên biết lặng thinh đợi trông ơn Chúa cứu độ.
Bài đọc Tin mừng mà Ủy ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn đọc cho ngày Giáo hội Công Giáo Việt Nam xin Ơn chữa lành mùa dịch vào Chúa nhật 17/10/2021 là trình thuật Tin mừng theo thánh Marcô. Thánh sử cho biết vào chiều ngày hôm ấy, sau khi Chúa Giêsu giảng dạy cho đám đông dân chúng, Người và các môn đệ bắt đầu xuống thuyền sang bờ bên kia. Có thể nói, từng câu, từng chữ trong trình thuật Tin Mừng, đều được khoa Giáo lý nghiên cứu chú giải.
Trên con thuyền mà các môn đệ đang đi, Chúa Giêsu mệt mỏi thiếp ngủ nơi cuối thuyền, kế bên là Phêrô đang cầm lái cạnh đó. Giữa khung cảnh trời đã xế chiều, bóng tối dần phủ không gian, đây là giờ của thử thách. Và biển cả theo các nhà chú giải Kinh Thánh nhằm ý nói về các thế lực sự dữ. Những người đi biển và các ngư dân tại biển hồ Tibêria rất sợ luồng gió phía tây từ Địa Trung Hải thổi vào và chạm trán với luồng gió phía đông từ hoang địa Syria nổi lên cùng một lúc vì sẽ gây nên một trận cuồng phong. Và trong ngày hôm ấy, một buổi chiều không như những buổi chiều khác. Một buổi chiều mà Phêrô và các môn đệ Chúa nhớ suốt đời. Trận cuồng phong đầy kinh hãi đã nổi lên, những lớp sóng ập vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước. Tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều dùng chữ bão tố cuồng phong để ám chỉ “một cơn thử thách bất ngờ ập xuống trên con người”. Ngôn ngữ hiện tượng địa lý tự nhiên mà thánh sử mô tả trong Kinh Thánh giờ đây mang ngụ ý để nói về điều tâm linh, thế lực của ma quỷ đang tấn công con thuyền Giáo hội của Chúa Kitô.
Trong khi đó, Chúa Giêsu ngủ ngon lành. Vẻ bình thản của Chúa Giêsu giữa cơn bão tố có phải là sự lãnh đạm, sự “vắng mặt của Chúa” giữa nỗi đau khổ của con người không? Thưa rằng trong những cơn bão tố cuộc đời con người, chúng ta dường như Chúa vẫn ngủ. Qua đại dịch Covid, chúng ta đã chứng kiến bao người thống khổ vì mất đi người yêu thương, vợ mất chồng, chồng mất vợ, cha mẹ mất con, con cái phải vĩnh biệt cha mẹ mà không có cơ hội giã từ, đưa tiễn, nhiều mái đầu xanh mất cả cha lẫn mẹ, mất mái ấm tình thương, mất cả tương lai. Rồi từ đây những buồn vui sẽ không còn nơi để giải bày, để sẻ chia, để chăm sóc, đỡ nâng; bao đau thương khủng hoảng sẽ ập tới vì những mất mát, thiếu thốn. Biết bao người rơi vào cảnh bế tắc vì thất nghiệp dẫn đến cảnh không tiền, không lương thực, không nhà ở, người ta hoảng loạn không biết chạy đằng nào để trốn dịch bịnh; nhiều người thất bại đến phá sản sanh ra túng quẩn, căng thẳng vì nợ nần, có khi dẫn đến thất vọng, tuyệt vọng, dẫn tới những hệ lụy khôn lường. Trong sự chán chường và đau khổ ấy, người ta hay chất vấn: “Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng?” Thậm chí trong sự cùng cực ấy, lắm khi con người ngày nay còn có thái độ loại trừ Thiên Chúa. Dần dần điều đó trở thành một hệ thống triết học và chính trị vô thần duy vật chất với những tên tuổi như Feuerbach, Karl Mark. Hay triết gia hiện sinh vô thần Nietzsche còn tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết! Thiên Chúa sẽ mãi mãi chết! Và chính chúng ta đã giết Người”. Theo ông, phải để Thiên Chúa chết để dành chỗ cho siêu nhân và cho ý chí quyền lực của con người. Và rồi chúng ta nhận ra khi con người cứ loay hoay với tham vọng tìm kiếm giải pháp cho mình, muốn tự mình giải quyết mọi vấn đề thì con người mới thấy rằng mình quá bất lực và hữu hạn.
Đọc chầm chậm những lời các môn đệ trong lúc này, khi đánh thức Chúa Giêsu, họ nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chính các môn đệ trong tiếng kêu cứu hoảng loạn, trối chết và đang có ý trách cứ Thầy mình, cách nào đó Chúa Thánh Thần đã tác động cho thánh sử Marcô làm lóe lên ánh sáng cuối đường hầm, thể hiện niềm tin của cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi vào Chúa là chỗ dựa cuối cùng và duy nhất cho sự an nguy của họ. Hình ảnh Chúa Giêsu “dựa đầu vào gối mà ngủ” cách bình an tương phản với trận cuồng phong đang muốn nhấn chìm con thuyền cho thấy thế lực sự dữ không làm cho Người sợ hãi hay nhấn chìm Người được, vì Chúa Giêsu có quyền năng trên mọi thụ tạo và chế ngự được cả thế lực sự dữ. Bằng chứng là khi bị các môn đệ đánh thức, Người đứng dậy quát nạt gió và phán với biển: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngưng, biển lặng như tờ.
Trong khi cả ngày Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng bằng dụ ngôn, nói bóng nói gió về sứ vụ Đấng Cứu Thế, thì giờ đây, lúc chỉ riêng với các môn đệ thân tín, Người mạc khải mầu nhiệm về thần tính của Người cho các môn đệ bằng hành động hăm he gió và biển. Người mạc khải cho biết quyền năng của Người trên khắp vũ trụ. Người giúp các ông đặt lại câu hỏi trong tâm trí mình để tập cho họ biết thắc mắc “Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?” Và các ông sẽ tự trả lời cho mình câu hỏi đó qua chính mối tương quan và kinh nghiệm khi sống với Thầy. Không lâu sau, chúng ta gặp câu hỏi của Chúa Giêsu dành cho Phêrô và các môn đệ: “Đối với anh em, Thầy là ai?” (Mc 8,29). Vâng, không ai trong chúng ta có thể tự miễn cho mình khỏi phải trả lời cho câu hỏi đó khi gặp những khó khăn trở ngại trong cuộc sống để nhờ đó, chúng ta có thể luôn vững lòng tin vào Chúa khi gặp thử thách gian nan. Còn nếu chúng ta không tự mình trả lời được thì nghĩa là chúng ta chấp nhận những phong ba bão táp xảy ra trong cuộc đời, và sẽ kết thúc bằng một sự tuyệt vọng, chìm đắm vào hư vô. Ở cuối Tin mừng theo thánh Marcô, thánh sử sẽ khéo léo đặt câu trả lời tuyên xưng đức tin trên môi miệng viên quân lính ngoại giáo khi chứng kiến Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Khi thành công, khỏe mạnh, hạnh phúc và tràn đầy sức sống, chúng ta thường gạt Thiên Chúa ra bên lề của cuộc sống của mình, điều mà Đức giáo hoàng Phanxicô gọi những người như thế là “vô thần thực tiễn”. Vâng, chúng ta nào là biện hộ cho mình muôn vàn lý do lý trấu, biết bao nhiêu là việc quan trọng hay khẩn cấp phải ưu tiên giải quyết khiến không còn thời gian dành cho Chúa. Tâm hồn chúng ta đầy những suy tính, lo lắng và giải trí cùng bạn bè, người thân và các mối giao du mà không hề có chỗ cho Ngài.
Rồi đùng một cái, đại dịch Covid như vị khách không mời mà tới, gây ra cho chúng ta sự sợ hãi, lo lắng, bất an triền miên vì sự an toàn của chính mình và người mình yêu thương bị đe dọa. Những biến thể của virus Corona là một lời nhắc nhở chúng ta rằng sự an toàn tuyệt đối trên trái đất này là điều không thể. Cùng với những tác hại về thể lý và tâm lý khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid diễn ra, nó cũng tiếp tục gây tác động tiêu cực trên đời sống đức tin của các Kitô hữu. Dịch bệnh kéo dài khiến người tín hữu không thể trực tiếp tham dự các cử hành phụng vụ tại nhà thờ, mất đi sự nâng đỡ của cộng đoàn trong Giáo hội, và nhiều người cảm thấy nao núng trong niềm tin vào tình yêu của Cha trên trời. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nhận ra Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành không, như Người đã biến trận cuồng phong thành một cơ hội để mạc khải quyền năng Thiên Chúa, nhờ đó mà giúp các môn đệ được củng cố đức tin hơn?
Trong một cuộc hải trình vượt Đại Tây Dương, khách du lịch đang thư thái ngắm cảnh hoàng hôn trên boong tàu. Nơi tít mù xa, mặt trời đỏ cam đang chiếu những ánh vàng cuối cùng của một ngày còn sót lại.
Bỗng mây đen ùn ùn kéo tới, tối sầm cả một vùng trời. Sấm chớp đổ xuống liên hồi, giông tố cuồn cuộn nổi lên, càng lúc càng thét gào dữ dội. Mọi người trên boong chen lấn nhau chạy về phòng mình. Duy chỉ có một bé trai cứ tiếp tục chạy giỡn trên boong giữa trận cuồng phong.
Được hỏi tại sao em không sợ hãi trước cơn giông tố?
Em thản nhiên đáp lại: Vì cha em là người thuyền trưởng của con tàu!
Đại dịch đặt câu hỏi nghiêm túc về nhiều khía cạnh nơi cuộc sống tục hóa của mỗi người chúng ta, về những thứ mà chúng ta trước nay cho là thiết yếu, quan trọng nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ là hư vô và không chắc chắn. Giờ đây, chúng ta nhận ra rằng chỉ có Chúa mới chữa lành tâm hồn mỗi người chúng ta. Vẫn còn kịp để chúng ta sắp xếp lại thang giá trị trong cuộc sống của mình, nơi đó, Chúa luôn là vị trí ưu tiên và chi phối mọi hoạt động của đời sống mình, gia đình và người thân yêu của chúng ta. Như lời thánh Phaolô vững tin rằng Chúa luôn yêu thương quan phòng, để rồi “dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay quỷ thần, dù hiện tại, tương lai hay bất cứ quyền lực nào, dù chiều cao, chiều sâu, hay bất cứ thụ tạo nào, cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Lạy Chúa, xin cho con biết đặt lại mối tương quan thân tình với Chúa, và nhận ra Chúa luôn đồng hành, bên cạnh những buồn vui của kiếp người chúng con. Xin Chúa cho con tập sống đời sống đạo đức để được gắn kết với tình yêu Chúa. Bằng những hy sinh cụ thể qua việc cầu nguyện bằng tràng chuỗi Mân Côi, cùng việc giữ chay vào thứ sáu 22/10/2021 mà các vị mục tử chúng con đã hướng dẫn, để như là một hy sinh nhỏ nhờ đó mà lời cầu nguyện của con đẹp lòng Chúa. Và cũng xin cho con biết rằng cuộc đời trần thế này chẳng có gì để chúng ta bám víu lâu dài, nhờ đó mà con cũng can đảm thể hiện những hành động bác ái cụ thể với những người cần con giúp đỡ, như là để diễn tả sự thành tâm của con. Xin Chúa cho thế giới sớm thoát khỏi đại dịch, cho người người lại thân thiện yêu thương, cho nhà nhà đừng đóng lòng ích kỷ nhưng biết quan tâm tương trợ lẫn nhau, vì chúng con là những người “cùng hội cùng thuyền” trên con đường Chúa dẫn dắt con đi về nhà Cha trên trời. Amen.
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ