SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A
“THIÊN CHÚA VÀ TRẦN GIAN”
“Hãy trả cho Xê-da điều thuộc về Xê-da, hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa”. Lời tuyên bố của Chúa Giê-su đã quyết định một ranh giới giữa Thiên Chúa và thế gian. Người tín hữu sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian (x. Ga 15,19). Như đóa sen giữa bùn lầy, vẫn vươn cao và tỏa hương thơm ngát, Ki-tô hữu hòa mình vào cuộc sống trần thế đầy bon chen và gian dối, nhưng không để mình bị lây nhiễm những thói xấu của cuộc đời trần tục. Nói như thế không có nghĩa là coi thường những giá trị trần thế hoặc guồng máy lãnh đạo xã hội. Bởi lẽ tham gia xây dựng một xã hội nhân ái và công bằng chính là điều kiện để trở nên Ki-tô hữu đích thực.
Xê-da là hoàng đế La mã. Tên đầy đủ của ông là Gaius Julius Caesar (sinh năm 100 TCN, và bị ám sát năm 44 TCN). Ông được coi như người khai sinh ra đế quốc, vì vậy hình của ông được đúc nổi trên đồng tiền trong nhiều thế kỷ. Trong ngôn ngữ thời Chúa Giê-su, nói đến Xê-da là nói đến quyền lực và của cải trần thế. Những người Biệt phái tìm cách gài bẫy Đức Giê-su, khi đặt ra câu hỏi này. Bởi lẽ dù câu trả lời là có nộp thuế hay không nộp thuế, thì vẫn có cớ để làm to chuyện. Không nộp thuế tức là chống lại nhà nước; có nộp thuế thì chẳng có gì khác những người theo phe ủng hộ nhà nước, tức là làm chính trị. Câu trả lời của Chúa Giê-su không dừng lại ở chuyện tiền thuế, nhưng còn đi xa hơn. Người không trực tiếp chống lại hoàng đế, mà nêu rõ quan điểm của Người: Phải trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, vì Thiên Chúa là Chủ của mọi sự, kể cả quyền lực thế gian. Sau này, khi đứng trước tòa Phi-la-tô, Chúa Giê-su khảng khái nói: “Ngài chẳng có quyền gì đối với tôi, nếu Trời không ban cho ngài” (Ga 19,11).
“Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!”. Chúa Giê-su biết rõ tư tưởng và mưu mô của họ. “Hãy trả cho Xê-da điều thuộc về Xê-da, hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa”. Chúa Giê-su không trốn tránh trách nhiệm của người công dân, đồng thời Người cũng khẳng định Thiên Chúa là Chủ tuyệt đối của các dân tộc. Nếu hình của một hoàng đế được khắc trên đồng tiền, thì, hình ảnh Thiên Chúa lại được khắc sâu nơi mỗi tâm hồn con người. Vì thế, con người phải chủ toàn những bổn phận đối với Ngài, không chỉ là đóng thuế Đền thờ, mà còn là tâm tình thờ lạy, tạ ơn và cầu nguyện bằng trái tim trọn vẹn. Mưu mô của đám biệt phái đã thất bại, thánh Mát-thêu viết: “Và họ để Người lại đó mà đi”.
Thiên Chúa là Đấng Tối cao và là Đấng duy nhất đáng tôn thờ. Đó cũng là khẳng định của chính Chúa qua ngôn sứ I-sai-a. Vua chúa trần gian suy cho cùng cũng là do Thiên Chúa ban cho quyền lãnh đạo. Ông Ky-rô là vua Ba-tư đã giải phóng dân Ít-ra-en lưu đày, cho họ trở về quê cha đất tổ, theo giáo huấn của vị ngôn sứ, là vị vua được chính Thiên Chúa sai đến. Ông là hình ảnh của Đấng Ki-tô sau này. Người đến để giải phóng nhân loại khỏi lầm than tội lỗi. Chúa Giê-su đã chiến thắng mưu mô của con người. Người đã chiến thắng tử thần, chiến thắng ma quỷ, giải thoát và cho nhân loại được hưởng tự do của những con cái Chúa.
Ki-tô hữu là công dân của vương quốc vĩnh cửu, đồng thời cũng là công dân của vương quốc trần gian. Họ phải chu toàn những bổn phận công dân, nhưng không buộc phải làm những gì trái ngược với luật Chúa và luật Giáo Hội. Ví dụ chính phủ một số quốc gia cho phép ly dị, phá thai, người công giáo vẫn phải coi ly dị là sự phản bội lời cam kết trong bí tích Hôn nhân và phá thai là giết người, xúc phạm đến Thiên Chúa là chủ sự sống.
Cách đây vài tuần, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi thư cho các tín hữu Công giáo Việt Nam. Đây là một đặc ân mà người kế vị Thánh Phê-rô dành cho dân tộc chúng ta. Dựa trên nội dung được gửi cho ông Diognetus ở thế kỷ thứ hai, Đức Thánh Cha viết: “Như vậy, các tín hữu Công giáo, hoặc qua việc xây dựng Hội Thánh bằng cách cộng tác vào sinh hoạt mục vụ với tinh thần đồng trách nhiệm, hoặc một cách đặc biệt, đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, họ sẽ thể hiện căn tính của mình là người Ki-tô hữu tốt và là công dân tốt. Trong viễn cảnh này, khi thực hiện được những điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo cách tự do, các tín hữu Công giáo sẽ có thể tăng cường đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước ”Cũng trong Thư này, Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI nhân dịp Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào năm 2009: “Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng. Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng”. Khẳng định này nhằm xóa tan những nghi ngờ và thành kiến, muốn coi Giáo Hội của Chúa Ki-tô như một tổ chức chính trị.
Chúa nhật hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng, hay còn gọi là Chúa nhật truyền giáo. Sứ vụ truyền giáo đích thực là giúp con người nhận ra Đức Giê-su là Đường, là Sự thật và là Sự sống, đồng thời nhiệt tâm đón nhận và chuyên cần thực hành giáo huấn của Người. Xin cho mỗi tín hữu ý thức bổn phận của mình đối với việc loan báo Đức Giê-su bằng chính đời sống thường ngày.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên / Tổng Giáo Phận Hà Nội
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ