Sống Lòng Thương Xót trong thế giới vô cảm
Trong văn hoá ứng xử, người Việt Nam luôn thể hiện ý thức cộng đồng qua nhiều đức tính cao quý, như: lòng thương xót kẻ hoạn nạn: “Thương người như thể thương thân”; lòng quảng đại trao ban: “Lá lành đùm lá rách”; tinh thần tương thân tương ái: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; hay tình đoàn kết chở che: “Chị ngã em nâng”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”…
Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, những truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy ngày càng hiếm hoi; thậm chí, người ta còn làm ngược lại những chuẩn mực đạo đức của tiền nhân, đến nỗi nó đang trở thành “dịch bệnh” của thời đại. Đó là “Căn bệnh vô cảm”: Thấy lũ côn đồ càn quấy, không ai dám ngăn cản; thấy người hiền lành bị hãm hại, không ai dại gì bênh vực; thấy tiền rơi hay bia đổ, người ta tranh nhau “Cướp giữa ban ngày”. Thật là đau lòng! Đúng như lời mục sư Martin Luther King: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng của những người tốt”.
Hiện nay, Việt Nam xếp hạng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc nhất (vô cảm). Đây là một tín hiệu thật đáng buồn! Theo khoa Tâm lý học, vô cảm là do người ta đánh mất dần những cảm xúc của con người, như: sợ hãi, ghê tởm và đau đớn. Chai lỳ trước những cảm xúc này, con người sẽ trở nên vô cảm.
Hiện trạng vô cảm
Trong Sứ điệp Hòa bình 2016, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh đến nhiều hình thức khác nhau của thói vô cảm trong xã hội: “Trước hết, con người vô cảm với Thiên Chúa; từ đó, dẫn đến vô cảm với người lân cận; và sau cùng, vô cảm với môi trường”.
Trước hết, con người vô cảm với Thiên Chúa. Họ thờ ơ, dửng dưng, lãnh đạm với Đấng Tạo Hóa, Đấng đã dựng nên họ, đã luôn yêu thương và quan phòng cho cuộc sống của họ. Họ vô tình, vô ơn, vô phép với Đấng là Tình Yêu, Đấng đã xót thương họ đến giọt máu cuối cùng, và đã cứu chuộc họ bằng chính mạng sống của Người.
Thứ đến, con người vô cảm với đồng loại. Trong xã hội ngày nay, khi xuất hiện những phương tiện thông tin hiện đại, con người dường như chỉ biết sống với máy móc, gắn bó với chiếc máy tính, điện thoại và quên đi những mối tương quan khác. Trong gia đình, người chồng mải mê với công việc và giải trí, không còn thời gian để trò chuyện với vợ con. Ngược lại, con cái cũng không có giờ để giao tiếp, nói chuyện cùng cha mẹ. Từ đó, dẫn tới “Căn bệnh vô cảm”. Chẳng hạn, khi các bạn trẻ đang ngồi cặm cụi với chiếc máy tính để chơi game, lướt web, thì người mẹ phải lau dọn căn phòng cho các bạn ấy. Khi một bạn trai đang nhắn tin hỏi “người yêu có mệt không?” thì mẹ bạn ấy đang chật vật ở trong bếp nấu ăn một mình. Nhiều phụ huynh vì cưng chiều con nên đáp ứng tất cả những yêu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện. Thế nhưng, họ lại không dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân và bạn bè. Một đứa trẻ chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho” sẽ nghèo nàn về cảm xúc, vô tâm trước đòi hỏi của tình người, và bàng quan trước nỗi đau của kẻ khác. Những câu nói như: “Chúc mẹ mạnh khỏe”, “Con yêu mẹ” được thể hiện đầy rẫy trên Facebook mỗi dịp “Tám tháng Ba” hoặc “Ngày của Mẹ”. Nhưng có mấy ai đã từng ôm mẹ và khẽ nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm”?
Cuối cùng, con người vô cảm với “Mẹ Thiên Nhiên”, đó là môi trường sống, Ngôi Nhà Chung của nhân loại. Mỗi loài thụ tạo đều phản ánh vinh quang, quyền năng và sự sống của Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đang phá vỡ vũ trụ được Thiên Chúa sáng tạo một cách hài hòa. Việc biến đổi gien cây trồng, cấy sinh sản vô tính… đã đem lại những kết quả thật tai hại. Phá rừng, xây đập thủy điện, khai thác tài nguyên bừa bãi, xả chất độc hại ra sông ngòi, biển khơi, làm cho cá chết hàng loạt, phá hại môi trường sống của thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. Và những con người bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại chính là những dân nghèo.
Trong Thông điệp Laudato Si’, số 2, ĐTC Phanxicô viết: “Mẹ Trái Đất đang kêu gào vì sự hủy hoại của chúng ta qua việc sử dụng của cải một cách vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Chúng ta tự xem mình là sỡ hữu chủ, nên được quyền bóc lột ra sao tùy ý. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, đã xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và trong mọi dạng thức của sự sống. Trái Đất của chúng ta đang bị bóc lột và tàn phá là một trong những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, nó đang ‘rên siết và quằn quại’ (Rm 8, 22)”.
Xin quý vị xem video clip tiếng nói của Thiên Nhiên:http://www.giesuchanhlongthuong.net/chia-se-chuyen-de/tieng-noi-cua-me-t…Giọng nói của nữ diễn viên Julia Roberts. Và video clip tiếng nói của Đại Dương:http://www.giesuchanhlongthuong.net/chia-se-chuyen-de/10495/ Giọng nói của nam diễn viên Harrison Ford. Đây là hai video clip nằm trong dự án “Nature Is Speaking” của Chương trình Conservation International Film. Ý tưởng chính của dự án là mang lại cho thiên nhiên một tiếng nói thông qua giọng đọc các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng như: Julia Roberts, Kevin Spacey, Edward Norton, Penélope Cruz, Robert Redford và Ian Somerhalder… Bản dịch phụ đề tiếng Việt là của anh Chung Chí Công.
Vô cảm là gì?
Vô cảm là nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không đau xót, không động lòng trắc ẩn. Con người hầu như trở nên vô tình, vô tâm, vô trách nhiệm trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Đèn nhà ai nấy sáng”. Vô cảm là cái chết từ trong tâm hồn, vô cảm là khi con tim hóa đá. Như thế, họ có còn là con người không hay chỉ là một cỗ máy? Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn, nó không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân mà còn len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội; nhất là người trẻ của chúng ta. Nó đã trở thành tác nhân làm rối loạn chuẩn mực đạo đức, gây ra sự khủng hoảng văn hóa, biến xã hội văn minh thành một xã hội bệnh hoạn và lạnh lùng. Những hệ lụy của căn bệnh này đưa tới sự suy đồi về đạo đức của chính bản thân, gia đình và xã hội. Điều tệ hại hơn là nó kéo người ta xa lìa Tình yêu của Thiên Chúa và anh chị em. Chính vì thế, Helen Keller đã nói: “Thói xấu tồi tệ nhất chính là sự vô cảm của con người”.
Nguyên nhân dẫn đến vô cảm
Có 5 nguyên nhân khiến người ta sống vô cảm: Cạnh tranh sinh tồn; Sợ hao tốn của cải; Sợ mang họa vào thân; Đèn nhà ai nấy sáng; Cuộc sống hối hả.
1. Cạnh tranh sinh tồn
Bác sĩ không chịu cứu người vì bệnh nhân đến cấp cứu không mang đủ tiền. Thương gia làm hàng giả, hàng nhái để thu nhiều lợi nhuận. Người chăn nuôi sử dụng chất cấm để kiếm lời nhiều hơn… Tóm lại, là vì đồng tiền (theo chủ nghĩa vật chất).
2. Sợ tốn hao của cải
Tài xế cán người, nếu họ bị thương, anh ta sẽ lui xe lại cán cho chết luôn. Vì nếu họ bị thương, tài xế sẽ phải bồi thường nhiều hơn là họ tử vong (chỉ đền tiền ma chay mà thôi).
3. Sợ mang họa vào thân
Người đi đường thấy kẻ gặp nạn không cứu giúp, vì nếu đưa họ đến bệnh viện thì sợ người nhà nghi oan là thủ phạm. Nếu không thì cũng sợ công an làm khó dễ, bắt mình lên xuống điều tra mất thời gian.
4. Đèn nhà ai nấy sáng
Gặp người bị nạn, mình đi ngang qua xem thử, nếu không phải người nhà thì liền bỏ đi. Bởi vì, không phải chuyện của mình, nhúng vào làm chi cho rắc rối, phiền hà!
5. Cuộc sống hối hả
Trên đường đi, nếu thấy kẻ gặp nạn mà không phải người thân thích thì bỏ đi ngay. Bởi vì, còn nhiều chuyện khác phải làm: sợ lỡ hẹn, trễ giờ làm, giờ học, chuyện đang gấp…
Hậu quả của vô cảm
Căn bệnh vô cảm gây nên hậu quả khôn lường. Nó biến con người thành kẻ vô trách nhiệm, mất lương tâm và vô văn hóa, thậm chí là kẻ tội đồ. Có thể nói đó là căn bệnh của những kẻ không có trái tim con người, hay trái tim đã hóa đá! Câu chuyện: “Tại sao chiếc xe bus lao xuống vực?” chính là lời cảnh tỉnh cho những ai sống vô cảm:
Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe đều im phăng phắc.
Lúc ấy, một người đàn ông trung niên yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.
Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe, và cô cầm lái tiếp tục lên đường… “Này ông kia, ông xuống xe đi!”. Cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình. Người đàn ông sững sờ, nói: “Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”. “Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?”. Cô lái xe vặn lại, vài hành khách bình thản cười. Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế. Ông nói: “Tôi đã trả tiền xe nên tôi có quyền ở lại”. Cô lái xe nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy”.
Điều bất ngờ là tất cả thành khách, vốn làm ngơ hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói: “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm!”. Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe. Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: “Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!”. Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe. Chiếc xe bus tiếp tục hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ.
Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái, chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe: “Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế?”
Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao xuống vực như mũi tên bật khỏi cây cung. Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng. Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc.
Điều trị vô cảm
Muốn điều trị căn bệnh vô cảm, chúng ta hãy bước theo Chúa Giêsu, Đấng luôn chạnh lòng thương, hãy cầu nguyện liên lỉ với Ngài, và hãy thực hành kinh “Thương người có 14 mối”.
Nhân loại hôm nay đang khát khao một vị cứu tinh đến chữa trị dịch bệnh vô cảm của con người. Và Đấng ấy đã đến, một Thiên Chúa làm người, sống giữa con người để giải thoát con người bằng một tình yêu cho không. Chúa nói: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh” (Cv 20, 35). Tình yêu đó dựa trên nguyên lý của sự hy sinh, của lòng vị tha và hiến mạng sống. Tình yêu đó đã Yêu cho đến cùng và dám Chết cho người mình yêu (Ga 15,13). Ngài đến để thay trái tim băng giá của con người bằng một quả tim bằng thịt, một quả tim biết yêu thương và cho đi.
Sống lòng thương xót
Trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, xin Chúa giúp tâm hồn chúng ta biết “rung động” trước những con người khổ đau, hoạn nạn, để chúng ta biết Yêu người như yêu Chúa, không ngại khó, ngại khổ. Bởi vì, giúp đỡ tha nhân cũng là giúp chính bản thân. Chúa đã khẳng định: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).
Trong tác phẩm “DANH NGÀI LÀ THƯƠNG XÓT”, ĐTC Phanxicô đã nói: “Lòng Trắc Ẩn là bản năng của con người, còn Lòng Thương Xót là bản chất của Thiên Chúa”. Vì thế, chúng ta hãy tập sống lòng trắc ẩn để được lòng Chúa thương xót. Ngài còn khẳng định: “Thương xót là trái tim của Thiên Chúa, vì thế cũng phải là trái tim của tất cả các con cái của Thiên Chúa” (Sứ điệp Hòa bình 2016). Chúng ta hãy cầu nguyện để có trái tim của Chúa, một trái tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để nó khép kín vào mình, không rơi vào vực thẳm của tệ nạn “Toàn cầu hóa sự dửng dưng vô cảm” (Sứ điệp Mùa Chay 2016).
Thiên Chúa biết chữa lành trái tim, bởi vì từ trái tim phát xuất ra những điều gian ác, sai lầm, xấu xa… Chúa Giêsu nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 20). Vì “Từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo và ngông cuồng” (Mc 7, 21-22). Chính vì thế, hãy khẩn cầu Chúa chữa lành trái tim đang bị thương tích của chúng ta.
Lạy Chúa, xin đừng để những vòng quay “Cơm áo gạo tiền” bóp nghẹt con tim yêu thương của chúng con. Xin cho chúng con luôn biết mở lòng mình ra, với những người chúng con gặp gỡ trên đường đi, nơi công sở, trong nhà máy hay nơi trường học… Bởi vì, họ chính là “Hình ảnh của Thiên Chúa” mà chúng con hằng yêu mến và tôn thờ. Xin cho chúng con biết dùng lời nói, cử chỉ và thái độ của chúng con để diễn tả “Dung mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha”. Amen.
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”