Chiều thứ 5 Tuần Thánh là buổi chiều của sự chia ly, chia ly giữa Thầy và trò, giữa những người đã cùng ăn, cùng sống và cùng đi với nhau trên một con đường. Tuy nhiên, đó chỉ là cuộc chia ly về phương diện thể lý khi người ra đi, người ở lại. Bởi chưng, cuộc chia ly tưởng như vĩnh biệt ấy đã trở nên cuộc gặp gỡ tuyệt hảo và mãi mãi không xa rời giữa Con Thiên Chúa và con người khi Chúa Giê su lập Bí tích Thánh Thể để ở lại cùng nhân thế với trọn vẹn Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Ngài. Đó quả thật là một sáng kiến nhiệm mầu đầy tình yêu của Con Chiên Vượt Qua để Ngài được tiếp tục ở cùng nhân loại cho đến ngày tận thế. Chính nhờ sáng kiến ấy mà trời với đất, Con Thiên Chúa và con người vẫn mãi như chưa hề có cuộc chia ly. Bởi từ đây, cả hai đã trở nên một xương một thịt và gắn bó với nhau trong cùng một thân thể.
Cũng trong chiều thứ 5 cực thánh ấy, sáng kiến của tình yêu còn được biểu lộ trong chính hành động của Người Tôi Trung khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Thật vậy, đó là hành động của một tình yêu hy sinh đến tận cùng, yêu đến nỗi hạ mình trong thân phận một người tôi tớ. Xưa kia, vì yêu Ngài đã vâng lời Chúa Cha mà từ bỏ vinh quang nơi Thiên Quốc để mặc lấy xác phàm, nay cũng vì yêu Ngài tiếp tục hy sinh cả chính mình để mặc lấy thân phận rốt hết của kiếp người.
Yêu thương và cho đi là tất cả những gì Đấng Cứu Độ muốn gửi gắm qua hành động của Ngài. “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà Thầy còn rửa chân anh em thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau”. Rửa chân không chỉ dừng lại là hành động của Con Thiên Chúa trước ngày lễ vượt qua nhưng còn phải được tiếp diễn mỗi ngày qua hành động của những ai theo Chúa. Việc làm này của Chúa Giêsu không chỉ là hành động cúi xuống để rửa chân như một người tôi tớ, nhưng qua sự khiêm hạ ấy, Ngài muốn chữa lành những tổn thương nơi thân xác và cả những tội lỗi trong tâm hồn mỗi con người. Do đó, chỉ khi hạ mình cúi xuống rửa chân cho người khác thì chúng ta mới có thể nhìn thấy được những nhu cầu, những thống khổ và cả những yếu hèn nơi mỗi anh chị em xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta hãy như Chúa Giêsu không phải để lên án nhưng để quan tâm, lo lắng; để sẻ chia, nâng đỡ và để chữa lành những thương tích của nhau.
Lạy Chúa Giêsu, những sáng kiến tình yêu của Chúa dành cho nhân loại chúng con thật cao cả và khiêm nhường. Xin cho chúng con luôn biết cố gắng để làm như Chúa đã làm, yêu như Chúa đã yêu. Vì chỉ như thế, chúng con mới thực sự là người môn đệ của Chúa.
“Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy,
là anh em có lòng yêu thương nhau”.
Thiên Hồng
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ