Phật Giáo – Nho Giáo – Lão Giáo: Đôi nét về sự hòa hợp giữa ba truyền thống tư tưởng và sự ảnh hưởng của nó lên nền tảng văn hóa dân tộc Trung Hoa
Dẫn nhập
Trung Hoa là một trong những quốc gia có nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại, tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển màu sắc văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Trung Hoa, tôn giáo lại có một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử tồn tại và phát triển của nó. Từ nguyên thủy cho đến ngày nay, Trung Hoa luôn là một quốc gia có nhiều tôn giáo, từ loại tôn giáo sơ khai cho đến tôn giáo lớn. Thời kỳ xã hội nguyên thủy, Trung Quốc là một quốc gia theo học thuyết đa thần, song hành với các loại tín ngưỡng là sùng bái, kính nhớ tôn thờ tổ tiên. Tất nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển, nền văn minh Trung Hoa cũng tiếp xúc với nhiều nền văn minh của thế giới. Chính sự tương tác qua lại giữa chúng đã làm cho văn minh Trung Quốc trở nên phong phú và đa dạng hơn. Ảnh hưởng nổi bật và sớm nhất của nguồn văn hóa bên ngoài đối với Trung Hoa cổ đại là sự giao thoa giữa hai nền văn minh tầm cỡ của thế giới, Ấn Độ và Trung Hoa. Trên hơn 4000 năm hình thành và phát triển về triết học của đất nước Trung Hoa (từ khai nguyên cho đến cách mạng Tân Hợi 1911), đã có sự nẩy sinh của rất nhiều học thuyết, nhiều hệ tư tưởng phong phú, sâu sắc mà các học giả thời nay gọi là Tam Giáo (Nho Giáo – Lão Giáo – Phật Giáo) và Cửu Lưu (chín học thuyết lưu truyền: Nho Gia, Đạo Gia, Âm Dương Gia, Pháp Gia, Danh Gia, Mặc Gia, Tung Hoành Gia, Tạp Gia và Nông Gia). Trong tất cả các học thuyết và hệ tư tưởng trên thì đáng chú ý nhất vẫn là hệ thống tư tưởng Tam Giáo. Mặc dù xét về phương diện tư tưởng, giáo lý và giáo thuyết thì giữa chúng có rất nhiều điểm khác biệt, nhưng không vì thế mà có sự bài trừ nhau, trái lại giữa chúng có một sự hòa hợp hiếm có. Dù rằng, Phật Giáo là một tôn giáo du nhập từ Ấn Độ, nhưng đã được người Trung Hoa điều chỉnh để phù hợp với tâm lý địa phương và cùng với Nho Giáo và Lão Giáo kết thành một hệ thống tư tưởng gọi là ‘Tam Giáo Đồng Nguyên’, nghĩa là cả ba có cùng một cội nguồn siêu hình. Sự hòa hợp giữa ba tôn giáo này đã trở thành một truyền thống ảnh hưởng sâu đậm trên nền tảng văn hóa Trung Hoa, cả về mặt nhận thức, đời sống, luân lý xã hội cũng như cách hành đạo. Trong bài viết này, chúng ta chỉ có thể lược qua đôi chút về sự khác biệt ở giáo lý trước khi nói về sự hòa hợp giữa ba tôn giáo nói trên và sức ảnh hưởng của nó lên nền văn hóa Trung Hoa như thế nào.
I/ Sự khác biệt cơ bản về giáo lý, giáo thuyết giữa Phật Giáo – Nho Giáo – Lão Giáo
1/ Phật Giáo
Có thể nói rằng, sự hiện diện của Phật Giáo trên đất nước Trung Hoa, một vùng đất rộng lớn và đông cư dân này đã mở ra một bước ngoặt mới trong quá trình tồn tại và phát triển của Trung Hoa. Chính cuộc chinh phục của Phật Giáo đã tạo ra một cuộc cách mạng tư tưởng trong mọi lãnh vực đời sống của nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, Phật Giáo khi vừa du nhập vào đất nước Trung Hoa thì rất khó có thể khẳng định được vị thế quan trọng của mình. Bởi vì tư tưởng và giáo lý Phật Giáo rất khác với tư tưởng cũng như giáo thuyết của cả Nho Giáo và Lão Giáo.
Về hệ tư tưởng: Thứ nhất, Đạo Phật cho thế gian là vô thường, ảo hóa, trong đó có cả bản thân con người. Bước đầu của người tu Phật trong một hình thức nào đó phải xa lìa thế gian. Còn hệ tư tưởng chính của Trung Hoa lúc bấy giờ rất chú trọng đến việc hành động trong thế gian và mưu cầu hạnh phúc giữa thế gian. Thứ hai, Đạo Phật cho hiện tượng giới là một thể “như như” tương tự đại dương, do tâm thức phân biệt mà có sai biệt tướng cho mỗi người. Trong khi đó Trung Hoa quan niệm có hiện tượng giới khách quan, chung cho mọi người, tách biệt hẳn với tâm chủ quan. Thứ ba, Phật Giáo tin vào học thuyết luân hồi. Rằng, con người do tội lỗi của mình có thể phải trải qua kiếp súc vật. Thuyết này quá xa so với các hệ tư tưởng giáo thuyết của Trung Hoa. Thứ tư, Phật Giáo chủ trương cứu cánh là Niết bàn tịch tĩnh, khác xa mơ ước của người Trung Hoa là Phối Thiên của Nho Gia và Thành tiên của Đạo Gia. Thứ năm, Phật Giáo lấy lý tưởng tu hành sống độc thân, còn người Trung Hoa chủ trương “nhất âm, nhất dương”, giữ đạo hiếu với tổ tiên, với việc nối dõi tông đường là vô cùng quan trọng…
Nội dung về Giáo lý gói trọn trong Tứ Diệu Đế hay còn gọi là ‘Bốn Thánh Đế’ mà Đức Phật khởi xướng: Khổ Đế (Kutai), Tập Đế (Jittai), Diệt Đế (Mettai) và Đạo Đế (Dòtai). Trong đó: Khổ đế: Đời là bể khổ. Sinh, lão, bệnh và tử là những cái khổ chính, được xem là 4 cái khổ vật lý. Từ đó sinh ra 4 cái khổ về tâm lý khác: sống chung với người mình không ưa là khổ, xa lìa người mình thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, rồi cái ngũ uẩn, tức là cảm giác, tri giác, ý chí, nhận thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) … đều gây ra khổ hạnh cho con người. Tập đế: Sự khổ vốn có nguyên nhân kết tập từ lâu. Nguyên nhân khổ là vô minh, tham, sân, si và vọng động nên con người ham sống, thích vui sướng và càng được lại càng ham, vì những thứ đó không bao giờ thấy đủ nên sinh ra khổ. Đây là nguồn ngốc của sự khổ. Diệt đế: Muốn khỏi khổ não, phải có phương pháp để trừ sự khổ não. Phương pháp chính là phải hạ cái lòng tham xuống, rồi dần dần bỏ nó đi, cuối cùng phải cố loại trừ nó ra bằng được trong con người của mình. Điều này có nghĩa là con người phải từ bỏ ái dục và những điều liên quan tới ái dục ra khỏi mình để thoát ly phiền não. Đạo đế: con đường diệt khổ để giải thoát vĩnh viễn kiếp đau khổ, cần phải dùng đến con đường ‘Bát chính đạo’, tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Cũng vì thế mà nhân gian cho rằng Đạo Phật là đạo giúp ta nhập thế để cứu thế và hoằng dương nhân bản. Đạo phật là đạo của chân lý tình thương. Chân lý và tình thương là hai yếu tố chính cấu tạo thành xã hội nhân bản.
Giáo lý nguyên sơ của Phật được gọi là Phật Giáo Tiểu Thừa thì tóm gọn trong ba chủ thuyết: “Chư hành vô thường”, “Chư pháp vô ngã”, và “Tịch tĩnh Niết bàn”. Trong đó ‘Chư hành vô thường’ cho rằng mọi sự đều biến dịch, lưu chuyển không tồn tại vĩnh hằng. Sự biến dịch qua 4 giai đoạn: Sinh – Thành – Dị – Diệt; ‘Chư pháp vô ngã’ thì không thực tướng, gọi cái ngã của ta chỉ là giả tưởng, duyên giả hợp lại như có, và thân ta là do các nhân duyên hợp lại mà thành; Còn ‘Tịch tĩnh’ nói rằng người ta biết rõ hiện tượng là vô thường, mọi thứ đẹp nhất, xấu nhất đều không tồn tại vĩnh viễn mà chỉ là “chấp ngã”, khi phá vỡ cái ta ngã và chấp ngã người ta không còn bị luân hồi chi phối mà đạt tới cảnh giới Niết bàn tức là được giải thoát hay giác ngộ vậy. Giáo thuyết của Đại Thừa thì khác với Tiểu thừa về cách thức thực hành. Do Đại Thừa được sinh ra từ hai nhánh khác nhau của Tiểu Thừa là Đại Chúng Bộ và Nhất Thiết Hữu Bộ. Đại Thừa cho rằng Phật Thích Ca là hóa thân của một thực thể siêu việt. Bởi thế, Giáo lý Đại Thừa còn đề bạt tới một thực thể siêu việt tính đó là “Trí huệ bát nhã”. Nếu như Tiểu Thừa với mục đích là mong giác ngộ và tự giải thoát mình, thì Đại Thừa lại mong giải thoát mình để giải thoát chúng sinh. Việc giải thoát chúng sinh là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt cho sự mong đợi của người dân Trung Hoa thời loạn lạc, chiến tranh. Đó cũng là lý do vì sao, Phật Giáo Đại Thừa du nhập vào Trung Quốc dễ dàng hơn so với Phật Giáo Tiểu Thừa là vậy.
2/ Nho Giáo
Nho Giáo, còn gọi Khổng giáo, là học thuyết do Khổng Tử, tên Khâu, tự là Trọng Ni, sinh tại nước Lỗ thuộc phía Nam tỉnh Sơn Đông ở miền Đông Trung Quốc ngày nay, khai sáng. Tổ tiên của ông vốn là dòng dõi công hầu nước Tống, nhưng do sự đảo lộn chính trị, dòng họ Khổng mất địa vị quý tộc và di cư sang nước Lỗ trước khi sinh ông.
Nhân, Nghĩa, Lễ và Trung Thứ xem như là hạt nhân của triết thuyết Nho Giáo. Trên nền tảng đó, giới Nho gia đã phát triển thành cả một hệ thống triết học đạo đức, chính trị và lịch sử. Khổng Tử đề xướng một học thuyết quan trọng là ‘Chính Danh’. Theo ông, muốn xã hội có trật tự thì trước hết phải chính danh. Trong mối tương quan xã hội, mọi cái danh đều bao hàm một số trách nhiệm và bổn phận, phù hợp với danh xưng ấy, gọi là thuyết Chính Danh. Có thể được hiểu trong câu nói sau “Vua hãy cư xử cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, và con cho ra con”. Theo Nho Giáo, Đạo Hiếu là nhân tố đạo đức quan trọng nhất trong suốt cả một đời người, có lẽ được biên soạn trước triều đại nhà Hán. Đạo Hiếu, quy định một số điều rất nghiêm khắc về các hành vi của con cái đối với cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời. Đạo hiếu còn mở rộng đến những mối quan hệ xã hội, giữa người trên kẻ dưới, dân và vua, thậm chí giữa con người với nhau, vì ai có thể thương kẻ khác thì không thể ghét bỏ cha mẹ. Đây là đích điểm tối cao của việc tu thân. Tu thân của Nho Giáo bao gồm: Tam cương, ngũ thường, tam tòng, tức đức. Tam cương là nói đến 3 mối quan hệ: Vua và tôi, Quân và thần, Cha và con, Chồng và vợ. Ngũ thường là 5 điều phải có trong đời là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tam tòng tức là 3 điều mà người phụ nữ phải có là: Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tứ đức là 4 nét đẹp của người phụ nữ: Công, dung, ngôn, hạnh. Hơn hết, đạt Đạo là con đường ứng xử mà người quân tử phải có trong cuộc sống đó là: đạo Vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo bạn bè. Đạt đức là 3 nhân đức phải đạt được là: Nhân, trí, dũng. Nho Giáo đề cao việc hành đạo của người quân tử. Câu nói: ‘Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’ như là kim chỉ nam cho tất cả những người quân tử. Đó chính là cách thức hành đạo trong Nho Giáo. Sau khi đã tu thân xong phải ra làm quan, làm chính trị, để bình thiên hạ. Việc trị quốc, bình thiên hạ phải được thực hiện bằng nhân trị: là cai trị bằng tình người, yêu người và coi người như mình. Nho Gia phải là người hướng dẫn, lãnh đạo xã hội, giúp cho xã hội được ổn định, phát triển và thăng tiến. Nho Giáo là đường lối giáo dục con người để trở nên bậc quân tử, thánh hiền. Như vậy, Giáo lý cơ bản của Nho Giáo chính là việc ‘Tu thân’ và ‘Hành đạo’.
Nền tảng của Nho Giáo là học thuyết ‘Thiên mệnh’ coi Thượng Đế (Trời) là một thực tại siêu hình. Còn vua là người thừa mệnh trời cai trị thiên hạ. Vị trí của vua là bất khả xâm phạm, thay trời hành động, để dân có được cuộc sống trật tự, công bằng, ấm no, hạnh phúc. Nếu vua làm trái lệnh trời, mất lòng dân, không còn thích hợp ‘Chính danh’, thì nhân dân sẽ phán xét, lật đổ và sẽ tôn xưng một người khác lên, mà không cần thông qua phiếu bầu. Để phụ tá cho nhà vua cai trị nước, sống mẫu mực và đức hạnh, thông qua thi cử triều đình tuyển chọn một đội ngũ quan chức thiện hảo, lấy nền tảng từ các kinh điển: Ngũ Kinh, Tứ Thư. Số quan chức trí thức này cùng với nhà vua sẽ cai trị điều hành đất nước, về mọi mặt. Những người theo Nho Giáo thì: (1) Tuyệt đối tin tưởng cõi trời và một vị thượng đế độc tôn trông nom hành vi và đức hạnh của con người và triều đình.(2) Tin tưởng rằng con người là sinh vật cao quý nhất được tạo ra bằng tinh túy của trời đất.(3) Tin tưởng vào sự thưởng phạt vì điều tốt và xấu.(4) Tin tưởng vào mối quan hệ hỗ tương giữa cõi trời và đức hạnh của con người, việc làm tốt đem đến điềm lành và việc xấu đem đến sự trừng phạt.(5) Tin tưởng ngành thiên văn như là phương tiện để dự đoán mọi sự kiện và giải thích ý nghĩa về các hiện tượng của trời đất. Tất cả các yếu tố trên đan quyện thành hệ thống toàn diện của triết lý tôn giáo chính trị dưới tên gọi Khổng Giáo trong suốt thời gian dài của lịch sử Trung Hoa và được người ta xem như ‘khuôn vàng thước ngọc’ để xây dựng vương triều, xây dựng nền quân chủ trung ương tập quyền.
3/ Lão Giáo
Lão Giáo là tôn giáo quan trọng thứ hai ở Trung Hoa, nhân vật chủ yếu là Lão Tử và Trang Tử, còn gọi là học thuyết Lão Trang. Tiểu sử của Lão Tử vẫn là một vấn đề còn mơ hồ. Tuy vậy, có một vài thuyết cho rằng ông họ Lý tên Đam, người nước Sở, sống trong thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc. Có thuyết cho là họ Lí tên Nhĩ, và sau khi chết được gọi là ‘Lão Đam’, sinh trước Khổng Tử khoảng 20 năm. Còn Trang Tử là một ẩn sĩ thích cuộc sống nhàn cư ở núi rừng, không để lối sống công danh ràng buộc. Ông phát triển học thuyết của Lão Tử, và xây dựng nó thành một hệ thống tư tưởng vô cùng sâu sắc. Nếu triết lý Khổng Mặc quan niệm trời là Đấng tối cao, thì Lão Trang đả phá tư tưởng ấy và thiết lập vũ trụ quan mới của triết học Trung Hoa. Để giải thích bản thể của vũ trụ hay Đạo, Lão Trang thiết lập phạm trù triết học ‘Hữu Vô’. Hệ tư tưởng này đã trở thành một trong những triết lý quan trọng nhất của lịch sử triết học Trung Quốc, ảnh hưởng từ thời cổ đại cho đến tận ngày nay. Triết thuyết chủ yếu của Lão Giáo bao hàm trong cuốn “Đạo Đức Kinh” hay “Lão Tử Kinh”, gồm khoảng 5.250 từ.
Lão Giáo là một loại tôn giáo huyền bí tự nhiên, có nhiều điểm dị biệt với Phật Giáo và cả Nho Giáo. Giáo lý cơ bản của Lão Giáo là học thuyết ‘Vô vi’, khí công, thái cực quyền, dịch cân kinh, tẩy tủy kinh, đó là con đường giải thoát khỏi mọi dục vọng. Từ đó, đi sâu vào cõi chân thân, qua chân thân tới đạo. Chân thân là tấm gương phản chiếu của đạo. ‘Vô vi’ không phải là không mà là nguyên lý của vạn vật, là đặc điểm của ‘Đạo’, có nghĩa là vô cực, vô hình, vô sắc, vô thanh, vô danh, vô trạng… Vô đối lập với cái Hữu mà vô nó là nguồn mạch của Hữu. Vô là khía cạnh tiêu cực và bất định của hữu. Hữu va chạm vào nhau tạo ra cái khác và cuối cùng trở về với nguồn là vô. Giới ‘đạo sĩ’ khám phá tự nhiên, biểu hiện sự thích thú của họ về sự khám phá ấy và nỗ lực để đồng nhất với tự nhiên mà họ gọi là Đạo. Đạo là ý niệm cao nhất của tư tưởng Lão Trang. Chính Lão tử dùng ‘Vô’ để chỉ thị Đạo hoặc Đức. Theo Lão Tử, Đạo có hai mặt: Thứ nhất, Đạo là bản thể của thế giới, có trước trời đất vạn vật. Do vì Đạo vô cùng huyền diệu, cao thâm, không thể nào diễn đạt được tướng trạng của nó, vì vậy Lão Tử phải sử dụng khái niệm ‘Vô’ để diễn tả “Vạn vật trong thế giới đều sanh ra từ hữu, hữu sinh từ vô”. Thứ hai, Đạo là quy luật biến hóa chung của mọi sự vật, vừa có trước sự vật, vừa nằm trong sự vật. Quy luật hoạt động của tự thân mỗi sự vật gọi là Đức.
II/ Sự thống nhất hòa hợp giữa ba tôn giáo: Phật – Nho – Lão
Như đã nói ở phần dẫn nhập, dù rằng, Phật Giáo là một triết thuyết du nhập từ Ấn Độ, nhưng đã được người Trung Hoa điều chỉnh để phù hợp với tâm lý địa phương và cùng với Nho Giáo và Lão Giáo kết thành một hệ thống tư tưởng gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên. Sự hòa hợp này được thể hiện qua cuộc sống của người dân bản xứ Trung Hoa, về mặt nhận thức, đời sống, luân lý xã hội cũng như cách hành đạo. Thời kỳ đầu, khi Phật Giáo chưa du nhập vào Trung Hoa, lúc bấy giờ hai học thuyết chủ đạo thống lĩnh hệ tư tưởng người dân đó là học giáo thuyết Nho Giáo của Khổng Tử và Đạo Giáo của Lão Trang. Khổng, Lão là hai bậc thầy sống gần như cùng thời với nhau.
Nhìn bề ngoài giữa hai giáo thuyết Khổng và Lão, trông như có sự kình địch nhau, chống chọi nhau, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Người ta thường cho rằng Khổng Tử chủ trương “Hữu Vi” (can thiệp vào việc đời), còn Lão Tử chủ trương “Vô Vi” (không can thiệp). Đó là hai cách thức ứng xử khác nhau của cùng một thời đại: Xuân Thu – Chiến Quốc, thời cực kỳ loạn lạc, chiến tranh liên miên, tội ác tràn lan, đạo lý suy đồi. Khổng Tử cho rằng để giải quyết sự rối loạn xã hội, cần phải dùng Nhân, Nghĩa, Lễ, Nhạc can thiệp vào cho gia đình, xã hội được ổn định trở lại. Còn Lão Tử chủ trương hành động thuận theo lẽ tự nhiên, thì xã hội sẽ trở lại sự đơn sơ ban đầu. Sự đối kháng này thực ra chỉ là ở vẻ bề ngoài theo cái nhìn hời hợt. Nhưng ngày nay, các học giả đều xét thấy, thực chất hai giáo thuyết, hai chủ trương của Khổng –Lão đều bổ sung cho nhau, hòa hợp với nhau như Âm với Dương, đem đến sự quân bình cho xã hội Trung Hoa. Nếu xét đến cùng cực, cả hai giáo thuyết sẽ gặp nhau. Vương Bật viết trong Chu Dịch Lược Lệ: “số đông không thể trị số đông… động không thể chế ngự được động, chế ngự được động là cái Một trinh bền. Cho từ phương diện thống lĩnh, tìm chúng thì vạn vật tuy đông nhưng chỉ do cái Một chế ngự. Con số đại diễn là 50, nhưng chỉ dùng 49, con số 1 không thể dùng, vì số 1 là số tạo ra các số khác. Cho nên Một là Thái cực của Dịch. Nghĩa là Vô không thể hiển minh từ vô nhưng phải bắt nguồn từ Hữu. Như vậy, trong học thuyết của Vương Bật, Vô tương đương với Thái Cực của Dịch và tương đương với Đạo của Lão Tử. Tuy nhiên, sự vận hành của Vô chỉ có thể hiển minh qua Hữu. “Nhất âm, nhất dương chi vị đạo” là vậy. Đạo ở đây vì bản thân vốn là Vô, nên nó yên lặng, tĩnh và vô thể, không hình tượng, khi sự cực độ của động là Hữu được đạt tới, thì thành của Vô được hiện hữu. Hữu cực động thì vô hoàn thành. Bản thân của Vô thì vô hình và ta chỉ thấy thành tựu của vô mà thôi. Trong sách Lão Tử, chương 42 chép: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị,..”. Chẳng hạn khi nói đến bản tính con người, Khổng Giáo đi từ cõi hậu thiên đi lên với đầy dẫy những yếu đuối, khuyết điểm. Muốn sửa chữa con người, điều chỉnh đời sống cần phải dùng đến Nhân, Lễ, Nghĩa, Nhạc để hướng dẫn. Còn Lão Giáo thì đi ngược lại, từ cõi tiên – thiên đi xuống với con người thuần nhiên tốt đẹp, cho nên coi thường Nhân, Nghĩa, Lễ, Nhạc. Cái khác nhau giữa hai giáo thuyết chẳng qua chỉ ở chỗ hai hướng nhìn, một bên nhìn lên và một bên nhìn xuống khi nhìn về bản chất con người mà thôi. Điểm tột đỉnh nơi hành động tốt lành là “Vô vi” mà Lão Tử chủ trương, về sau Tử Tư trong sách Trung Dung cho “vô vi” là hành động tốt đẹp nhất.
Phật Giáo, được phát triển và cùng dung hòa với Nho Giáo và Lão Giáo cách rõ ràng nhất là vào thời nhà Đường, khi mà Huyền học của Hướng Tú và Quách Tượng phát triển cực điểm. Khi mà Phật giáo phát triển bằng cách dựa vào văn hóa truyền thống của cả Nho giáo và Lão giáo. Các đệ tử Phật Giáo đã chia ra làm nhiều tông phái khác nhau như: phái Trung Quân do Tăng Sinh giải thích Đạo Phật theo quan niệm Lão-Trang; phái Thiền Tông dung hòa thuyết Lão-Trang với Phệ Đà; phái Duy Thức Tông do Huyền Trang khởi xướng mang âm hưởng Triết học Ấn Độ. Ngoài ra, còn một số tông phái Phật Giáo khác mang tư tưởng của Đạo Giáo như phái ‘Hư vô’ của Vương Bật lấy thuyết ‘Vô vi’ làm gốc. Phái Sùng hữu của Bùi Ngỗi quan niệm Vô là toàn Hữu, Thần tiên phái của Bảo Phát Từ lấy Huyền làm gốc. Lúc bấy giờ Triết học thì thiên về vũ trụ luận, Lão- Trang cho ‘Đạo’ là ‘vô’, tức là thực tại vô danh, vì ‘Đạo’ không phải là vật, nên không thể gọi tên Đạo. Đạo là vô, nghĩa là chẳng có gì, là hư không. Cái mà Lão Tử trong tác phẩm Đạo Đức Kinh đã trình bày: “Đạo khả đạo, phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh”. Nghĩa là ‘Thực tại tối hậu có thể giải bày thì chẳng phải là Thực tại tối hậu thường hằng. Tên có thể nêu ra chẳng phải là tên thường hằng’. Theo Lão Tử, bản tính của Đạo là hư không lặng lẽ, xem chẳng thấy, lóng chẳng nghe, rờ không đụng, không lớn, không nhỏ, không trước, không sau, không thể dùng lời nói mà diễn tả được, hoặc đem ra mà so sánh với bất cứ sự vật nào cụ thể được. Lão Tử cho rằng Đạo là tinh thần là bản nguyên của Trời, Đất, vạn vật, nên Trời Đất, Vạn vật là bản thể của Đạo, vì thế Đạo lưu hành trong vũ trụ, tàng ẩn trong muôn vật, cho nên vật nào cũng có phần linh diệu của Đạo bên trong để điều hòa, trưởng dưỡng cho nó. Đạo không có hình trạng, rất khó diễn tả, nên con người chỉ lấy ‘Tâm’ để cảm nhận và hình dung Đạo mà thôi. Cái ‘Tâm’ đó cũng chính là ‘Thân Tâm’ của ngũ uẩn trong Phật Giáo vậy. Chúng ta có thể nhận thấy được có một sự kết nối nào đó giữa ‘Đạo’ của Lão Giáo với ‘Chân Như’, là Phật Tánh, là Bồ Đề của Phật giáo hoặc Đạo là ‘Thái Cực’, là Thiên lý của Nho Giáo. Danh từ tuy khác nhau, nhưng thực sự tất cả đều chỉ cái nguồn cội của càn khôn vũ trụ và vạn vật. Cái nguồn cội ấy khi còn bất động gọi là Đạo. Còn khi đã động mà chuyển hóa thì gọi là Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Trời vậy.
Trong ba tôn giáo nói trên ta thấy ở Phật Giáo và Lão Giáo có sự đề cao hơn về giá trị tâm linh. Tuy rằng, nó mang tính triết lý học hơn là tôn giáo, gần gũi với quy luật thiên nhiên. Hơn nữa, khi nói về Thực tại siêu việt tính thì cái gọi là Thượng Đế, hay Trời là Chúa tể vũ trụ thì nó vẫn còn mập mờ, xa xa chứ không được rõ ràng như Thượng Đế trong Thiên Chúa Giáo, nhưng điểm đáng lưu tâm nhất là tính quy luật nơi thiên nhiên, rất gần gũi với khoa học tự nhiên. Mặt khác, ta thấy ba tôn giáo đều đề cao các giá trị nhân bản, nên được lòng người đón nhận như một chỗ dựa, một niềm tin, gần gũi nơi con người và cũng rất linh thiêng. Đặc biệt là cả ba tôn giáo đều giúp người ta sống nhân ái, yêu thương, vị tha, bao dung, độ lượng, đòi phải xóa bỏ cái tôi vị kỷ, nhỏ bé và những tư lợi nhỏ nhen và đề cao những giá trị tinh thần. Những tôn giáo này đều coi trọng luật nhân quả, coi trọng luật bảo tồn vật chất và năng lượng: “không có gì tự mất, không có gì tự cao”. Có lẽ vì tin tưởng vào những quy luật này mà người ta không còn sợ chết, sợ mất mát. Như thế, quả là có một sự hòa hợp hiếm thấy nơi ba tôn giáo này, giờ đây ta sẽ tìm hiểu đôi chút về sự ảnh hưởng của nó lên nền tảng văn hóa Trung Hoa như thế nào.
III/ Sự ảnh hưởng trên nền tảng văn hóa Trung Hoa
Nổ lực dung hòa Phật Giáo với Khổng Giáo và Lão Giáo trong thời kỳ đầu có ảnh hưởng rất lớn lên đời sống người Trung Hoa. Để được quần chúng tiếp thu và ủng hộ, Phật giáo phải tìm ra tiếng nói hòa hợp với hai nguồn tư tưởng chủ đạo trên. Trong việc nối kết Phật Giáo với Lão Giáo về nghi lễ quần chúng, cả hai hệ thống đều chủ trương thờ cúng nhưng không sát sanh để cúng tế. Trong việc tu dưỡng thân tâm, Lão và Phật đều nhấn mạnh đến thiền định, rèn luyện sự tập trung, kiểm soát hơi thở, kiêng cữ một số loại thức ăn. Nội dung chính của giáo lý Phật Giáo nhắm đến việc thanh tịnh tư duy và hành động, kềm chế dục vọng, và tránh xa cuộc sống xa xỉ. Mặc dù có một số đạo sĩ tu luyện ‘thuật trường sinh’, nhưng phần lớn ưa thích giáo lý Phật Giáo trong vấn đề kiểm soát dục vọng. Phật Giáo nói đến linh hồn bất tử và tái sinh về cõi trời Phạm Thiên, Lão Giáo tin vào thế giới bất tử ở bên kia Biển Đông hoặc kiếm tìm sự bất tử ở cõi trời Đại Thanh Tịnh… Một yếu tố quan trọng khác liên kết những tôn giáo này lại với nhau là công tác dịch thuật. Trong tiến trình này, những người phụ tá hoặc biên chép cho các danh tăng truyền đạo thời ban sơ được chọn lựa ra từ tín đồ Lão Giáo. Điều này có thể nhận thấy qua việc chọn lựa kinh sách để dịch và thuật ngữ được dùng. Đây là lý do giải thích tại sao phần lớn các dịch phẩm được chọn dịch đều tập trung vào một số chủ đề có liên quan đến Lão Giáo cũng như sở thích của người Trung Hoa thời bấy giờ như rèn luyện sự chú ý, kiểm soát hơi thở, kiềm chế dục vọng v.v… Thay vì các giáo lý trọng tâm của Phật Giáo như Tứ Đế, Duyên Khởi, Niết-bàn, Vô Ngã… Người ta tin rằng những người phụ tá và biên tập trong công tác dịch thuật, vốn bị ảnh hưởng Lão Giáo, Nho Giáo là những người chọn lựa nội dung kinh sách để truyền bá, chứ không phải các Phật tử làm việc trên, vì các chủ đề ấy đáp ứng đúng nguyện vọng của họ. Cũng có thể nói được rằng sở dĩ số kinh điển mang nội dung trên được giới Tỷ-kheo truyền giáo chọn để dịch và phổ biến vì chúng có thể làm cho nhân dân Trung Hoa dễ dàng tiếp cận và đón nhận giáo lý Phật Giáo hơn.
Thực sự, sau những năm chiến tranh loạn lạc, dân chúng lầm than khổ sở, lý tưởng: “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho Giáo tuy hay nhưng có vẻ xa vời, không thực hiện nổi. Người ta bắt đầu thấm nhuần tư tưởng giáo thuyết Tứ Diệu Đế của Đạo Phật, “đời là bể khổ” đáng để suy ngẫm. Những cuộc thanh đàm của phái Huyền Học về chữ ‘Vô’ xem ra rất gần với “Vạn pháp giai vô” (mọi sự đều là không) của nhà Phật. Hơn nữa, về ý nghĩa thực thể ‘Chân Như’ của Phật Giáo cũng có phần tương tự với ý nghĩa thực tại ‘Huyền’ trong lý thuyết của Đạo Giáo. Hình thức bên ngoài thì cái không khí thinh lặng, bình an của chùa chiền lại hấp dẫn được tâm hồn của những trí thức đã chán lợi danh, muốn tìm một lối sống giản dị, siêu thoát… Như thế, do sự cọ xát về tư tưởng, cộng với thái độ từ bi của những người tu Phật, những người theo phái Lão-Trang đã không còn thái độ chống đối thời kỳ đầu mà chuyển sang một thái độ dung hòa hiếm thấy. Song song với Lão Trang, Nho Gia cũng đã tìm thấy được ở Phật Giáo lý thuyết về “Tự giác, giác tha” tức là tự giác ngộ về mình rồi mới giác ngộ người khác, rất gần gũi với cương lĩnh “Minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện” (làm sáng năng lực sáng, thân yêu mọi người là dừng ở chỗ toàn thiện). Từ đây, Nho giáo, Lão giáo và Phật Giáo trở thành ba trường phái triết học chính, đã cùng nhau phát triển và hình thành nên một khía cạnh mới trong xã hội Trung hoa. Khổng Giáo đã tiếp thu rất nhiều từ Phật giáo và khai sinh nên Tân Nho. Lão Giáo cũng vay mượn giáo thuyết Phật Giáo và mở đường cho các trường phái mới như Kim Chân Đạo và Thái Nhất Giáo. Rồi Phật Giáo cũng hoàn thành việc bản địa hóa của mình và trở thành yếu tố chính và quan trọng trong văn hóa truyền thống Trung hoa. Ảnh hưởng lớn nhất của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo đối với văn hóa Trung hoa là việc thờ cúng ông bà tổ tiên, là nền tảng và thước đo cho muôn thế hệ sau. Ảnh hưởng lớn thứ hai đó là phương pháp Luyện Công là một phương pháp tập luyện tinh thần, giúp con người được bình an, thoải mái. Chính phương pháp này đã khai triển ra “Niệm Phật tam muội” do Tịnh Thổ Tông khởi xướng, khi niệm như vậy vào luyện Khí Công thì có thể tập trung ý niệm và dần sau này được người Trung hoa áp dụng mỗi khi vào luyện Khí Công.
Trong cái nhìn của người Hán, Phật Giáo chỉ là một hình thức khác của Lão giáo, vì giáo lý và sự thực hành của nó tương tự Đạo giáo. Phật giáo là một phương thức mới để đạt được bất tử. Họ cảm thấy rằng Niết-bàn của Phật Giáo không khác với giải thoát của Lão Tử, A-la-hán thì giống với ‘Chân Nhân’ hay Người Thanh Tịnh… Đức Phật có mối quan hệ chặt chẽ với Thần thánh của đạo Lão. Trải qua hằng trăm năm, Phật Giáo và Lão Giáo đan quyện vào nhau khiến người ta thường suy nghĩ rằng Phật Giáo chỉ là phần phát triển của Lão Giáo. Do bởi một số yếu tố có vẻ giống nhau rõ ràng, thế nên hai hệ thống tôn giáo có sự đan quyện vào nhau rất lâu dài. Điều này lý giải nguyên nhân tại sao trong nhiều thế kỷ Phật Giáo không hiện ra như là một tôn giáo độc lập. Nhờ đó, Phật Giáo có được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, tránh được sự thù nghịch, đối kháng của người bản địa, và có thể vượt qua những thành kiến cực đoan đối với tín ngưỡng ngoại lai.
Một nỗ lực trong việc nối kết Lão-Phật lại với nhau để quần chúng nhân dân chấp nhận tôn giáo ngoại quốc là cuốn “Hoá Hồ Kinh”, Nguyễn Lang cho rằng vì thấy Đạo Phật được giới trí thức nhà Hán hâm mộ, tín đồ Hoàng Lão tạo dựng thuyết Hoá Hồ để gây ảnh hưởng cho Lão Giáo. Theo thuyết này, sau khi biệt tăm tại miền Tây, Lão Tử đi thẳng đến đất Hồ (Ấn Độ); tại đây Lão Tử truyền giáo, cải đạo cho người Hồ và sau đó trở thành đức Phật. Do vậy, Giáo chủ của Đạo Lão và Phật giáo chỉ là một, vì đức Phật Thích Ca chỉ là hiện thân của Lão Tử. Vì hai tôn giáo bắt nguồn từ một mối, do vậy, không có gì khác nhau giữa việc thờ Phật hay Lão Tử. Đây là lời giải đáp cho việc Hán Hoàn Đế xây bàn thờ chung cho Hoàng Lão và Thích Ca ngay trong hoàng cung. “Hoá Hồ Kinh” có lẽ được ngụy tác ở một địa phương thuộc Đông Trung Quốc, nơi Phật Giáo và Lão Giáo hợp lại với nhau. “Hồi Ký” của Hsiang K’ai (biên soạn năm 166) đề cập đến chuyện này. Tập “Ngụy Sử” của Yu Huan cũng bàn luận đến chuyện Lão Tử du hành về phương Tây, đến Ấn Độ và cải hóa người man di ở đó quy y Phật giáo. Có truyền thuyết cho rằng “Hoá Hồ Kinh” do Vương Phù triều đại Tây Tấn (265-316) biên soạn.
Nòng cốt của Đạo Quân Tử Trung Hoa là cốt ở tu Tâm và dưỡng Tính, kiên định về Tâm và Đạo. Bởi theo Lão Trang thì tất cả mọi sự bởi Đạo mà có. Còn nếu không có Tâm của ta thì không tìm thấy đường mà trở về với Đạo, Đạo và Tâm liên kết chặt chẽ đến nỗi không còn phân biệt được Tâm và Đạo. Mạnh Tử nói: “Hễ tận tâm thì biết bản tính, biết bản tính thì biết được trời”. Tâm chỉ là một tâm mà thôi, là tâm của ta, của mọi người, của thánh hiền hay của trăm năm, ngàn năm trước hay trăm ngàn năm sau thì tâm của thánh hiền vẫn chỉ là một. Bản thể của tâm rất lớn, nếu ta có thể phát triển đến tận đỉnh Tâm tức là đồng nhất với Trời. Tượng Sơn cho rằng: “Lý ấy lấp đầy vũ trụ, đó gọi là ngoài Đạo, không có sự vật, ngoài sự vật không có Đạo”. Nếu bỏ nó, ta có toan tính, xu hướng, quy mô, sự nghiệp, thành tựu thì cũng không can hệ chi đến Đạo. Ông cho rằng đạo thì có khắp vũ trụ, mọi thứ đều do Trời phú bẩm, kể cả Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Nếu xa lìa các đức tính ấy là do con người tự sai lầm mà thôi. Như thế, hệ luận Tâm của Lão Tử bắt nguồn từ Trời, qua trời đất đến Đạo. Lão Tử nói rõ: “Thị dĩ thánh nhân, hậu kỳ nhân thi thân tiền, ngoại kỳ thân nhi thân tồn”. Vậy người và trời đất cùng ở trong một vòng dịch chuyển chung: người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước tự nhiên… Trang Tử sau này tuy không nói rõ Tâm nhưng đã khẳng định: “Thiên địa dữ ngã tính sinh, vạn vật dữ ngã vị nhất”, là trời đất cùng sống với ta, vận vật một thể với ta vậy. Trang Tử nhấn mạnh cái tính là hành động của Tâm, mà tính đó chính là Đạo. Lão Giáo cũng như Nho Giáo đều tin Thiên hay Đạo do tự tồn ở cái Tính. Cứ theo Tính mà hành động thì đạt tới Đạo, sống mà hòa đồng với Đạo là sống theo chân thể, theo bản tính được gọi là Thiên.
KẾT LUẬN
Con người sinh ra trên cõi đời này như là một cuộc đi về với cội nguồn đã phát sinh. Triết học đông tây qua muôn thế hệ, đặc biệt các tôn giáo là bằng chứng cho điều này. Cuộc hành trình đi tìm Đấng Siêu Việt, tìm về cái nguyên lý cội nguồn phát sinh ra trời đất, vũ trụ và vạn vật. Nguyên lý đó trong tam giáo có thể được gọi bằng những tên gọi khác nhau như “Thiên Đạo” trong Nho Giáo của Khổng Tử; ‘Chân Như’ hay ‘Niết bàn’ trong Phật Giáo; Bản thể ‘Đạo’ trong Lão Giáo hay các tên gọi khác như ‘Vô Vi’, ‘Hữu Vi’, Lý Thái Cực, Vô Cực… thậm chí không thể phân biệt rõ được các thực tại trên nếu xét về nguyên lý tuyệt đối trong mỗi tôn giáo. Điều đó nói lên sự hòa hợp sâu xa giữa các tôn giáo nói chung, cách riêng là ba tôn giáo mà ta khảo cứu Phật –Nho – Lão. Đây là ba trường phái triết học chính, đã cùng nhau phát triển và hình thành nên một khía cạnh mới trong nền tảng văn hóa xã hội Trung Hoa. Khổng Giáo đã tiếp thu rất nhiều từ Phật Giáo và khai sinh nên Tân Nho. Tương tự, Lão Giáo cũng vay mượn giáo thuyết Phật Giáo và mở đường cho các trường phái mới như Kim Chân Đạo và Thái Nhất Giáo. Phật Giáo cuối cùng đã hoàn thành việc bản địa hóa của mình và trở thành thành tố chính và quan trọng trong văn hóa truyền thống Trung hoa. Ảnh hưởng sự dung hòa giữa tam giáo lên nền văn hóa Trung Hoa, biểu thị rõ nhất mà ta thấy được là chỗ: ‘Thánh hiền’ là con người lý tưởng của Nho Giáo; ‘Tiên’ là con người lý tưởng của Lão Giáo; ‘Phật’ là con người lý tưởng của Phật Giáo. Mà tất cả đều quy chiếu vào ‘Trời’ là thực tại Siêu việt, là cội nguồn vũ trụ và vạn vật. Người ta đã kết nối cả ba lại thành: “Trời – Thánh –Tiên – Phật”. Một người chân chính trong hệ “Tam Giáo đồng nguyên” có thể theo Nho nhập thế hành đạo vào tuổi trẻ, có thể theo Lão – Trang để tiêu dao, thanh thoát trong lúc thất bại đau khổ, và có thể theo Phật để giảm trừ tham, sân, si bớt đi những hệ lụy gian trần. Cũng từ đấy mà sinh ra một lý thuyết mới mang đậm nét Trung Hoa, đó là lý thuyết “Đốn Ngộ”, nghĩa là giác ngộ lập tức. Thay vì tu qua nhiều kiếp mới đắc quả Phật, thì Phật Giáo Thiền Tông Trung Hoa chủ trương “Đốn ngộ” với châm ngôn “nhất niệm tương ứng tiện thành thính giác”, tức là trong chốc lát có thể kết hợp “Chân Như” và “Chân Tâm” làm thành một. Sự hòa hợp giữa ba tôn giáo trên ngày nay còn rất dễ nhận thấy nơi các kiểu thức tu ‘Thiền’, hay qua các bộ phim được trình chiếu trên truyền hình; qua các công trình kiến trúc còn để lại…. Hình ảnh và cách thức trang trí ở các chùa chiên, công đền đài nhiều nơi trên đất nước Trung Hoa có sự hòa hợp khi các hình ảnh Khổng, Lão và Đức Phật đều được đặt cạnh nhau trong các miếu thờ, đền Chùa… Hay trong các đền miếu có các kinh kệ của cả Ba tôn giáo ấy.
Thực sự mà nói, nghiên cứu tìm hiểu về sự hòa hợp giữa ba tôn giáo trên, có ảnh hưởng như thế nào đến nền tảng văn hóa Trung Hoa là một đề tài rất phong phú và bổ ích. Tuy nhiên, trong khả năng cũng như tài liệu về số lượng và chất lượng đều có hạn, bên cạnh đó Trung Hoa lại là một quốc gia có nền văn hóa quá lâu đời, đông dân, mang nhiều nét văn hóa cổ khác nhau. Một quốc gia có nhiều triều đại phong kiến nối tiếp nhau, mỗi triều đại, mỗi thời kỳ nó lại chịu ảnh hưởng rất khác nhau. Vì thế, bài viết này chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu tìm hiểu đề tài này, hy vọng nó sẽ cho ta thêm nhiều bài học bổ ích làm hành trang mục vụ sau này.
Giuse Trần Công Hường
Đại chủng viện Vinh Thanh
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ