Thuở nhỏ, mỗi lần tôi theo bố sang thăm ông bà nội, mới đến cổng đã nghe thấy những lời kinh Kính Mừng vọng ra từ ngôi nhà 4 gian thân thuộc mà từ ngoài nhìn vào chỉ thấy ánh đèn mờ mờ trên bàn thờ chiếu xuống. Ông chưa đọc hết phần đầu “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…”, bà đã đáp tiếp phần sau “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…” Cứ thế, hai ông bà đối đáp lời kinh sớm ngày, tưởng như không bao giờ lặng, cầu cho các cháu ngoan ngoãn học giỏi, con cái làm ăn khấm khá, và cũng cầu cho làng xã, xóm đạo và tuổi già yên vui, an bình… Càng già, chân tay càng yếu nên không thể đi nhà thờ dự lễ được nữa, ông bà lại càng sốt sắng lần chuỗi vì đó là sợi dây nối kết ông bà với trời cao.
Những ngày nhà thờ không có Thánh lễ, mẹ cũng giục tôi đi nhà thờ đọc kinh Mân Côi. Lời kinh đơn sơ giản dị, được cất lên bởi việc đối đáp hai bên đều đặn, vang vọng giữa vòm trần cao vút. Rồi những ngày mưa bão mịt mùng hay gió rét căm căm, cả nhà lại quây quần đọc chục kinh Mân Côi. Cứ thế, tuổi thơ của tôi được dệt nên bởi lời kinh thầm lặng của ông bà, lời giục giã đi nhà thờ của mẹ cha, và ít phút “đi khấn” viếng Chúa mỗi ban trưa cùng chúng bạn.
Lớn lên, tôi cùng anh em có nhiều dịp được đến và sống giữa bà con dân tộc thiểu số, Tây Nguyên có, Tây Bắc cũng có. Những tháng ngày được đến và sống giữa bà con, từ sáng tới tối đều là những khoảng khắc tuyệt vời. Sáng vào nông trường cạo mủ caosu, ra rẫy hái cà phê, đi rừng hái rau nhíp, đọt mây; chiều vui đùa với bọn trẻ bên suối nước; tối đến quây quần trong ngôi nhà nguyện đơn sơ tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa, hoặc đi đọc kinh Mân Côi liên gia.
Mỗi Thánh lễ nơi ngôi nhà nguyện nhỏ bên vách núi, mỗi giờ kinh Mân Côi chung trong những ngôi nhà vách gỗ đơn sơ, dù được cử hành hoàn toàn bằng tiếng Việt hay xen lẫn tiếng của bà con, đều rất đông đảo, từ già đến trẻ, trong sự giản dị và thâm trầm của núi của sông. Ở nhiều nơi, bà con nhiều dân tộc thiểu số phải “mượn” kinh bổn và bộ lễ đã được dịch từ tiếng Kinh sang một tiếng gần với tiếng của dân tộc mình. Như người S’tiêng trước đây sử dụng các kinh bổn tiếng K’hor, giờ họ đọc kinh và hát bộ lễ M’Nông; người Sơđăng dùng kinh và bộ lễ Bana. Tuy những ngôn ngữ ấy cùng ngữ hệ, dễ đọc, đọc lâu quen dần nhưng có lẽ bà con chẳng hiểu là bao vì không phải “tiếng mẹ đẻ” của mình; dẫu vậy lời kinh vẫn giòn giã và tha thiết, tôi nghe như rung động núi rừng và vang tới cả triều đình Thiên quốc. Những lời kinh đơn sơ như chính con người và cuộc sống của bà con nhưng được đọc lên bằng cả con tim và dù không đọc hiểu những giáo lý sâu xa nhưng tâm tình thì rất sốt sắng. Thiên Chúa hiểu thấu lòng người và Chúa Thánh Thần quả là tài tình, đã biến những lời kinh đơn sơ thuộc lòng thành bài ca vạn tâm tình dâng lên Ba Ngôi và nối kết những người con thiểu số với Mẹ Giáo Hội hoàn vũ. Thiên Chúa dù được gọi là “Yang”, hay “Brab”,… nhưng đúng thật là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ôm trọn từng con người trong lời kinh của họ.
Kết thúc giờ kinh Mân Côi ấy, anh em chúng tôi ngồi lại, trò chuyện và chia sẻ với gia đình và bà con những câu chuyện về đời sống thường nhật: hôm nay hái cà được mấy bao, mủ được mấy ký, con cái ốm đau thế nào,… Nhiều khi lắng nghe cả những câu chuyện buồn, những giọt nước mắt đau,… Ngồi lại, lắng nghe và thinh lặng cùng chia vơi nỗi buồn với nhau. Thinh lặng để nhận ra đằng sau những giọt nước mắt ấy còn có những nụ cười hạnh phúc, đằng sau những chuyện buồn của họ còn là một sức sống mãnh liệt, là những khát khao về ngày mai. Với những vui buồn trong phận người, họ vẫn bước tiếp và tôi cũng bước tiếp. Bước tiếp đến với những nụ cười, những khuôn mặt và những giọt nước mắt. Và tôi nhận ra rằng, niềm vui lớn không phải là mình làm được gì cho bà con, mình mang đến món quà gì cho mảnh đất còn nghèo đói này nhưng niềm vui đích thực là được gặp gỡ con người, được lắng nghe, chia sẻ và cầu nguyện với bà con, từ đó con tim được mở ra, đôi mắt trở nên nhạt nhòa nước mắt và tâm hồn rung động.
Nhìn lại những năm tháng thơ ấu ở với gia đình, những tháng ngày ở núi rừng, giữa bà con, trong tay Chúa, thật không khỏi xúc động và trân quý! Nhìn lại để cám ơn đời! Nhìn lại để nhận ra sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần vô hình trong đời sống của mọi người, Người luôn ở cùng chúng ta. Thần Khí là sự sống của chúng ta; chúng ta càng từ bỏ chính mình, Thần Khí càng làm cho chúng ta hoạt động. Xin tạ ơn Người!
Gió Biển
Nguồn: Dongten.net
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ