Những cuộc gặp gỡ tình yêu

163 lượt xem 3 Tháng Ba, 2020

Những cuộc gặp gỡ tình yêu

    Vội vàng dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà, tôi hối thúc chị Nhật: Nhanh lên chị ơi chúng ta sắp muộn rồi, muộn quá là người yêu bỏ về đó. Hai chị em nhanh nhẹn đội mũ bảo hiểm và leo lên xe máy rồi phóng thẳng tới bệnh viện GTVT- nơi mà mỗi thứ 4, 5, 6 trong tuần chúng tôi lại có những cuộc hẹn quan trọng.

Bạn có cảm thấy tò mò khi chúng tôi, những cô gái trẻ đang theo đuổi ơn gọi dâng hiến, lại thường xuyên hò hẹn ở bệnh viện không? Người chúng tôi hẹn hò là ai vậy? Bác sỹ? vì chúng tôi đau bệnh nên hẹn đến khám bệnh chăng? Bệnh nhân? Người thân của chúng tôi chăng? Bạn trai? Một cuộc hẹn ngoài luồng, ngoài sự cho phép? Những nghi vấn theo trí óc tò mò của con người có thể còn đặt ra hàng trăm giả thiết nữa. Để bạn khỏi đau đầu với những nghi vấn đó, tôi xin trả lời: Chủ nhân của những cuộc hẹn này là các bệnh nhân chạy thận ở các bệnh viện 115, bệnh viện Ba Lan, bệnh viện Quân Khu IV, bệnh viện Giao Thông Vận Tải, vì chúng tôi là những thành viên của chương trình “Cơm Hồng Tâm”. Vì thế, cứ mỗi tuần chúng tôi luôn dành ra ba ngày để hẹn gặp và trao cho các bệnh nhân những suất cơm mang tên “Trái tim hồng của Chúa” với hy vọng mang tình yêu của Chúa giúp họ thêm mạnh mẽ, vui tươi và tiếp thêm tinh thần lạc quan giúp họ sống hạnh phúc giây phút hiện tại.

Bạn biết gì về căn bệnh suy thận chưa? Qua những lần tiếp xúc với bệnh nhân và các bác sĩ, y tá chăm sóc các bệnh nhân chạy thận thì tôi hiểu những ai mắc căn bệnh này và phải đi chạy thận thì giống như lãnh án chung thân. Một khi đã phải chạy thận thì họ sẽ phải chạy suốt đời. Và như vậy cứ đều đặn tuần 3 ngày họ đến bệnh viện để được lọc máu. Một ca lọc máu cũng chiếm mất 3 hoặc 4 tiếng tùy mức độ nặng nhẹ của căn bệnh. Thêm vào đó, người bệnh có giữ được sức khỏe hay không còn tùy vào hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Nếu có tiền để mua những loại thuốc khác phụ vào thì sức khỏe còn có hy vọng kéo dài hơn. Những người ở gần bệnh viện thì có thể đi xe máy đến lọc máu, người ở xa lại tốn thêm tiền thuê nhà và đủ thứ chi tiêu, trong khi chính họ chẳng làm ra tiền. Khổ tâm cho người bệnh và quả thực là gánh nặng cho những người thân yêu. Cuộc sống của bệnh nhân chồng chất những âu lo về đủ mọi phương diện do căn bệnh đem lại nên khuôn mặt và ánh mắt họ luôn lộ vẻ mệt mỏi, phiền muộn, buồn rầu. Thế nên để vượt qua nỗi đau và lạc quan hướng đến tương lai đối với họ thực sự không phải là điều dễ dàng.

Đúng 10 giờ, chị em chúng tôi có mặt tại bệnh viện và tiếp tục chuẩn bị những việc còn lại để sẵn sàng cho cuộc hẹn. Tôi bỗng giật mình vì bàn tay của ai đó vừa vỗ cái “Bụp” lên vai tôi. Quay người lại nhìn thì ra là Ông Huy, vẻ mặt và ánh mắt ông hôm nay sáng rực niềm vui.

  • Con Chào ông Huy, ông có khỏe không ạ?
  • Chào các Thiên thần áo trắng (ông vẫn thường gọi chúng tôi bằng cái tên dễ thương đó dù cho chị em chúng tôi vẫn luôn mặc áo màu). Ông khỏe lắm.
  • Hôm nay thấy ông phấn khởi quá ha, tóc còn vuốt keo style nữa chứ.
  • Ồ, gặp các con là ông thấy vui rồi; nhìn những nụ cười tươi như hoa của các con ai lại không vui cho được.
  • Con cám ơn ông! Thế hôm nay ông lấy mấy suất cơm vậy ạ?
  • Hôm nay cho ông xin hai suất nhé, ông mang về phòng ăn với bà cho vui vì hôm nay bà xuống thăm ông.
  • Woa, hèn gì nhìn ông vui như thế. Chúc ông bà ăn ngon miệng nha.
  • Cám ơn các con nhé! Có các con đến mỗi tuần như thế này mọi người vui lắm. Chúc các con luôn khỏe mạnh và nhiệt thành để tiếp tục theo Chúa (dù không phải là người Công Giáo nhưng ông vẫn không quên động viên chúng tôi như vậy). Thôi chào các con ông về với bà đây.
  • Chúng con chào ông ạ, ông đi về cẩn thận nha.

Đang mải tạm biệt ông Huy thì từ xa xa thấp thoáng bóng dáng của một hotgirl nào đó tiến lại và nói: “Cho dì xin suất cơm với”.

Chúng tôi ai nấy mắt tròn xoe nhìn lên: Ô, người đẹp hôm nay điệu đà quá nhỉ, nào là giày cao gót, quần bó sát, còn áo khoác dạ nữa chứ. Dì Hằng hôm nay đẹp quá nhận không ra luôn.

Dì Hằng ngại ngùng cười và nói: Cũng đẹp bình thường thôi, do ăn cơm các Souer nấu nên con mới đẹp được vậy đó. Cơm của các Souer nấu ngon quá, con chỉ mong đến ngày để được ăn cơm và gặp các Souer thôi.

Trao  cơm cho các bệnh nhân xong chúng tôi tranh thủ hỏi thăm về cuộc sống, về tình hình bệnh tật và cố gắng tạo tiếng cười để giúp họ giải tỏa căng thẳng cũng như gánh nặng trong lòng họ. Hầu hết các bệnh nhân ở đây đều phải điều trị kéo dài nếu không muốn nói là phải điều trị đến hết đời, do đó họ phải sống cô đơn một mình nơi đất khách quê người. Nhìn những khuôn mặt chứa đầy lo âu, già đi vì bệnh tật khiến mỗi chúng tôi không khỏi xót xa và khao khát chia sẻ cho vơi bớt những bất hạnh của họ. Có những người nói mãi không dứt; người khác thì vừa nói được một câu thì nước mắt đã lưng tròng; có người lại nắm tay chúng tôi như không muốn rời xa…Vậy đó, hạnh phúc đôi khi đơn giản chỉ là có ai đó sẵn sàng nghe những tâm tư của mình rồi thỉnh thoảng vỗ nhẹ vào vai và thầm thì “Cố lên nhé!”.

Quả thực đúng như vậy, gặp gỡ, chia sẻ là những liều thuốc tinh thần mà bất cứ ai trên trái đất này đều cảm thấy rất cần. Qua những chia sẻ rất chân thành của mọi người chị em chúng tôi phần nào hiểu được những khó khăn cũng như hiểu được chính bản thân họ đã nỗ lực như thế nào để vượt lên sự đau đớn của bệnh tật. Có những đau khổ mà chỉ có ai đã từng kinh qua mới hiểu được và biết cách để vượt qua. Chính những chia sẻ đó cũng đã cho chúng tôi rất nhiều bài học quý báu và có cái nhìn cảm thông hơn với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Cho đi là nhận lại và nhiều khi cái mình nhận lại còn lớn lao hơn những gì mình đã cho đi.  

Tuần nào cũng gặp nhau nói đủ thử chuyện nhưng vẫn cứ thấy luyến tiếc mỗi khi chia tay và chỉ mong cho thời gian trôi thật nhanh để được gặp lại nhau. Hàng tuần công việc của chúng tôi vẫn đều đặn, thế nhưng tình yêu của chúng tôi dành cho các bệnh nhân làm cho công việc có sức hấp dẫn lạ thường. Nhờ đó, tôi hiểu được cách sâu xa hơn câu nói của thánh Augustino “Hãy yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm”. Thực sự những cuộc gặp gỡ như thế này để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc và chắc hẳn trong tâm khảm của mỗi người đều có những khát khao, những suy tư khác nhau để làm sao cho cuộc sống của những bệnh nhân này vơi bớt sự bất hạnh.

Cảm tạ Chúa đã gửi đến cho chúng con những vị ân nhân có tấm lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ tình yêu của mình cho những mảnh đời bất hạnh và cho chúng con được là cánh tay nối dài của Chúa giúp vận chuyển tình yêu của Ngài đến với những người đang cần. Xin Chúa tiếp tiếp tục đồng hành và chúc lành cho công việc của chúng con để chúng con luôn luôn ý thức và thực thi lời mời gọi của Chúa: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21).

                                                                                                                Bu