NGƯỜI MẸ VĨ ĐẠI TRONG TRÁI TIM TÔI
– Mẹ mày đi đâu rồi? Mày có biết không?
Ðang mải mê với những câu đố Kinh Thánh mà thầy cô giáo lí viên vừa ra bài, tôi chẳng nghe rõ câu hỏi của bố mình, tôi liền đáp lại một từ “dạ”.
– Tao hỏi là có biết mẹ mày đi đâu không? Dạ cái gì mà dạ.
– À! không bố ạ.
– Hoàng! mày suốt ngày cứ lấy lí do học với hành rồi ngồi ù lì trong phòng mãi như thế à? Mày đừng có trả lời cái kiểu cho xong đó, mẹ mày mà mày không biết bà đi đâu cả vậy hả?
Trời, tôi chẳng hiểu nổi bố nữa, tự dưng đi bực với mình trong khi bố là chồng mà cũng chẳng biết mẹ đi đâu chứ. Tôi cũng trả lời cho qua chuyện thật:
– Thì bình thường con hay thấy mẹ đến nhà mấy bà trong hội Gia đình Thánh Tâm để đọc kinh cầu nguyện, có lẽ hôm nay cũng vậy thôi bố à.
– Chắc chắn thì nói chứ đừng có lẽ với có thể ở đây.
– Thì con cũng đâu rõ là mẹ đang ở chỗ nào, nãy giờ chẳng phải bố ngồi uống nước và xem thời sự cùng mẹ đó sao? Bố thử hỏi chị…
Chẳng đợi tôi nói hết câu, bố đẩy cửa phòng một cái “rầm”, cánh cửa đóng sập lại cộng thêm tiếng từng bước chân của ông làm tai tôi như ù lên và tim tôi cũng một phen hết hồn.
Ở với bố, tôi cũng thừa biết cái tính của bố rồi. Tôi hốt hoảng gọi điện thoại cho mẹ. “Thuê bao quý khách vừa gọi, tạm thời không liên lạc được…”. Sao mẹ lại tắt máy? Chẳng trách gì mà bố lại nổi cáu lên thế. Biết tính bố thế mà còn thích chơi trò chơi nữa, mẹ cũng thiệt tình. Sợ cơn giận của bố không nguôi ngoai, tôi vội gọi về cho Dì Lan bên ngoại:
– Dì ơi, có mẹ con ở đó không dì?
Sau tiếng “không”, tôi không dám “buôn dưa lê, bán dưa bở” với dì nữa, tôi chào dì ngay và vội tìm số của cậu:
– Alo, có mẹ con ở đó không cậu ơi?
Câu trả lời cũng là không.
Tôi gọi cho mấy bà trong hội gia đình Thánh Tâm. Tất cả cũng đều cho tôi câu trả lời là “không”.
- Ôi! Lạy Chúa! Làm sao bây giờ? Làm sao để con báo cho mẹ biết là bố đang rất giận mẹ lắm, chắc ngoài kia đồ đạc cũng tự dưng mọc cánh mà bay tứ tung cả rồi – tôi ngước mắt lên Thánh Giá thầm thì…
Khi nói về bố, tôi chẳng có chút hãnh diện nào, bởi không nói điêu ngoa thì cả xóm đạo này, bố tôi trở thành “người nổi tiếng” với tính nóng nảy, cộc cằn và ghen tuông vô độ. Mỗi khi khách đến nhà chơi, chỉ cần nói chuyện với mẹ nhiều một tí thì sau khi tiễn khách về, kiểu gì bố cũng nói này nói nọ, hoạnh hoẹ với mẹ. bố chẳng nói toạc ra rõ bằng câu chữ đâu nhưng nói thẳng ra, tôi thừa hiểu ý trong bụng dạ bố tôi cảnh cáo mẹ là “Tôi đang ghen đấy, đừng để lần sau tôi thấy thế”.
Tạ ơn Chúa, may mà Chúa cũng thương, “thế gian được vợ mất chồng”, quả chẳng sai, bù lại thì mẹ tôi lại là người rất hiền lành và chịu nhịn. Mấy lần các bà các mẹ trong hội Thánh Tâm tổ chức chuyến hành hương Đức Mẹ La Vang hay viếng mộ cha Trương Bửu Diệp, ai cũng vui vẻ háo hức để đi, duy có mỗi một mình mẹ là chấp nhận từ chối với một lí do: “Ði đâu có vợ có chồng cho yên cửa yên nhà”. Họ bảo mẹ đưa bố đi cùng, nhưng họ nói vậy thôi chứ cả Giáo họ này ai mà chẳng biết tính khí bố tôi, chẳng chịu tham gia cái gì, chẳng chịu đi đâu nhưng cũng chẳng cho mẹ đi một mình. Nhiều lúc tôi cũng thấy khó hiểu khi Chúa tạo dựng một người kì cục như vậy lắm.
Nhưng nói cho có công bằng thì đúng ra bố tôi cũng có nỗi khổ riêng. Theo như lời Ngoại tôi kể, thì trước khi cưới mẹ, bố là người ngoại đạo, và trước cũng như sau khi cưới, bố rất thương mẹ, luôn ghánh vác những công việc nặng nhọc, mẹ chỉ có làm mấy việc ở nhà mà thôi. Nhưng Chúa gửi thử thách đến cho gia đình tôi từ khi bố bị đau lưng nhiều, bố đi khám thì họ kết luận là 1 bên thận của bố bị hư, buộc phải cắt bỏ nó, và nhiều khi, nếu không may mắn thì còn có thể ảnh hưởng đến quả thận còn lại nữa, khi đó buộc phải thay. Một cú sốc cho gia đình tôi…Vậy là từ khi mất đi một quả thận, sức khỏe của bố yếu hẳn, không còn làm được việc nặng nhọc nữa. Tất cả mọi việc giờ đây chỉ còn mỗi một mình mẹ mà thôi, một người yếu đuối, mềm mại, cuối cùng cũng bò lăn ra làm việc để nuôi chồng con.
Và từ khi không còn là “trụ cột chính” trên thực tế nữa thì bố cũng thay đổi tính nết, bố nóng tính hơn, cáu gắt vô cớ hơn, mỗi khi mệt mỏi, đau đớn, câu cửa miệng của bố chính là: “Cứ nghĩ theo Chúa rồi Chúa thương, ai dè Chúa hại đến mạt xương”. Mỗi khi bố nói câu đó, mẹ bảo tôi cầu nguyện nhiều hơn cho bố.
- Ôi Chúa! Sao anh ngồi đây mà chẳng bật đèn lên cho sáng gì cả, làm em hết cả hồn – tôi nghe rõ mồn một tiếng nói hốt hoảng của mẹ ở ngoài nhà khách, liền chạy tới ngó trước cửa phòng
- Ai làm gì tới cô mà hết hồn, làm chuyện mờ ám chứ gì? Hả?…
- Có gì mai em nói chuyện với anh được không? Giờ muộn rồi, mình nói lớn sẽ ảnh hưởng đến việc học của cái Hoàng, vả lại có thứ này anh ăn một ít đi cho khoẻ đã, để em mang một phần vào cho con.
Thấy đôi mắt đỏ dọc của bố mà tôi cũng bắn người chứ huống gì mẹ, nhưng phải nói mẹ cũng khéo và giỏi thật, gặp phải tôi là tôi chỉ biết đứng hình ra đó thôi. Tự dưng thấy bố dịu lại và ngồi xuống. Trời! tôi không tin nổi mình, hôm nay bố kiên nhẫn vậy ư? Có bị gì không nữa, bình thường là sẽ một trận lôi đình ấy chứ đâu nhỏ nhẹ gì… Tôi nhìn mẹ với ánh mắt chẳng thể hiểu nổi, nhưng thôi kệ, mọi chuyện êm xuôi là cũng làm tôi thở phào nhẹ nhõm lắm rồi.
********
- Bố con ở nhà đó nha! Em đi ra ngoài một chút.
- Ừ
Bố “ừ” bằng giọng lơ đãng như thể đang chăm chú chương trình gì đó trên ti-vi mà không để ý đến đến câu của mẹ lắm ấy. nhưng nhìn mắt bố, cộng thêm chuyện tối kia nữa cũng đủ để tôi biết bố đang suy tính điều gì rồi.
Tâm trạng bất an thật dễ lây lan. Từ đêm hôm đó, tôi cũng bị lôi kéo theo ánh mắt của bố, mẹ chỉ cần quay lưng đi là bố ngoái nhìn mẹ với ánh mắt đỏ dọc rồi. Tôi cũng nhìn theo sau lưng mẹ, đến khi mẹ đi ra khỏi nhà.
Tim tôi lúc này cảm thấy có điều gì đó bất ổn, bởi tôi chưa bao giờ thấy bố tôi kiềm chế được như lúc trước, nếu ổng mà kiềm chế được thì chắc chắn trong đầu của bố đã có cách nào đó ghê ghớm hơn là nổi trận lôi đình.
Tôi định chạy theo mẹ ra cổng để khuyên mẹ đừng đi nữa, nhưng bước chân của tôi bị khựng lại bởi ánh mắt của bố. Ðợi tiếng đóng cửa, bố liền nói với tôi với một cách nhếch mép.
- Mày vào học bài đi, đừng đứng đó mà nhìn nữa.
Chỉ có đợi vậy, tôi vội đi vào phòng. Việc đầu tiên là tôi gọi điện thoại cho mẹ, tôi muốn mẹ phải về ngay, nếu không mọi chuyện sẽ tệ hại hơn chứ không có “béo bở” như hôm trước đâu. Nhưng tiếng nhạc chuông quen thuộc cứ như đang tiến lại phòng tôi.
Tôi mở cửa ra. Trên tay bố là cái điện thoại của mẹ. Bố nói với giọng điệu mỉa mai.
- Để cho yên chuyện và thoải mái, sau này về cũng khỏi phải giải thích về các cuộc gọi nhỡ, nên mẹ mày chắc quên mang điện thoại đi.
Hai từ “chắc quên” của bố nghe mà như hai hàm răng đang nghiến chặt ấy. Bố cười khẩy:
- Ðừng có nói là điện thoại của mẹ hết pin nữa nghe con. Ðàn bà đi ra đường đêm hôm mà không muốn người nhà liên lạc với mình là sao? Hả? Mày thấy bố nói có oan không? – Nhìn đôi mắt đỏ ngầu của bố, tôi nghe thấy điều chẳng lành.
- Bố à! Chắc mẹ quên thật đó thôi bố ạ, với lại bố biết tính mẹ rồi mà.
- Mày im miệng đi, vì tao biết rõ tính mẹ mày nên tao mới dám chắc như thế thôi, đến thế này mà mày còn bào chữa sao? Mày nghĩ tao ngu hả? Tao là bố đẻ ra mày đó nghe chưa?
Tôi ngồi vào bàn học bài mà không thể thu nạp tí nào được, bao nhiêu chữ nghĩa cứ nhảy múa trước mắt. Nhất định tối nay tôi phải nói cho mẹ biết là bố đang rất giận. Và tôi cũng muốn biết mẹ đi đâu.
*****
- Mẹ! Tại sao lúc nào con cũng thấy bố nổi nóng, mắng oan mẹ, nhưng mẹ lại im lặng thế? Động lực nào trước đây khiến mẹ yêu và chấp nhận cưới bố vậy?
- Bố con trước đây tốt lắm, hay thương người nữa, mẹ yêu bố ở trái tim và tấm lòng của bố con à.
- Trời! Trái tim bố thì lạnh như sắt, tấm lòng bố thì nhạt như nước ốc.
- Con đừng nói bố thế, chả là giờ bố con bệnh, nên hơi nóng tính thôi.
- Bệnh thì phải dễ tính hơn mới đúng chứ, bố không nhìn thấy mẹ làm việc cũng mệt lắm hay sao, người gì mà kì cục.
- Hoàng! Con còn quá nhỏ để hiểu chuyện. Là một người đàn ông, trách nhiệm chính là trụ cột cho gia đình, vậy mà bố con, giờ không thể làm được những việc lớn, thay vào đó mẹ phải…nên bố thương, thương nhiều rồi giận thôi con à. Con phải hiểu, phải thương, và phải cầu nguyện nhiều cho bố. Ước gì Thiên Chúa để cho mẹ ghánh thay cho bố con một phần nào đó bệnh tật, bố đã yếu rồi chớ, bây giờ lại còn… chắc bố con đau khổ lắm.
Nghe bao nhiêu lời nói của mẹ, tôi càng thương mẹ bấy nhiêu, đúng là một người đàn bà đạo hạnh, dẫu cho bố có hay hạnh họe mẹ đủ điều, thì mẹ vẫn một lòng chung thủy, “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe”, mẹ vẫn chỉ “yêu thương và tôn trọng” bố tôi suốt đời mà thôi. Mẹ chẳng ngại điều gì, chỉ ngại việc than trách. Phải, sống với mẹ, tôi chưa nghe mẹ than trách gì về gia đình, về cuộc sống, số phận. Ngược lại, mẹ luôn dạy tổi phải tập nói và sống với hai cụm từ “tạ ơn” và “Cố lên! Chúa luôn bên ta”.
Về phần bố, bố luôn nói mẹ không chịu làm việc, thấy bố không làm được nên mẹ cũng không thèm làm. Nghe những lời đó, tôi ngứa tai, khó chịu lắm. Bởi mẹ đã làm việc hết sức rồi, một thân mẹ đã chẳng nuôi bố và tôi đó sao? Chỉ là thời gian gần đây, tôi thấy sức khỏe mẹ yếu hẳn đi, chẳng biết thế nào nhưng thấy mẹ hay mệt hơn, nhìn da mẹ xanh và người cũng gầy hơn nhiều. Càng nhìn tôi càng thương mẹ, thế mà bố chẳng chịu hiểu gì cho mẹ cả. Nhiều lúc, tôi ước gì bố đi làm đâu đó thật xa, để mẹ đỡ khổ, đỡ phải nghe những lời phàn nàn, trách móc và cái tính ghen tuông của bố. Nhưng có lẽ, đúng như lời mẹ nói: “Chúa muốn gửi Thập Giá cho mẹ, Thập Giá ấy khi mẹ vượt qua được, sẽ trở thành Thánh Giá Cứu Độ”
- Hoàng! Đi thay quần áo đi rồi đi với bố – Đang mải miên man hồi tưởng, bỗng giọng bố nói phía sau lưng làm tôi giật bắn người.
- Đi đâu hả bố?
- Cứ việc đi, không phải hỏi nhiều làm gì.
Trong lòng thừa biết là bố muốn tôi cùng đi theo dõi mẹ, nhưng cũng chẳng dám nói gì nhiều kẻo bố lại cho một cái bợp tai cháy da. Thôi thì đi cũng tốt, để cho bố biết sự tình, chứ ở nhà cứ đoán mò lại đâm ra thêm tội… Bước đi của mẹ chậm rãi trên con đường về ngôi nhà thờ, thấy tôi cười, bố gằn giọng.
- Nói là đi đọc kinh, nhưng ai biết sau đó còn đi đâu nữa. Đứng đây canh với bố.
Đứng mãi dưới gốc cây mà chả thấy bố động tĩnh gì, nghĩ đến còn một đống bài tập ở nhà chưa làm, tôi than với bố:
- Bố ơi! Mình về đi, muỗi nó cắn con quá chừng
- Thanh niên trai tráng mà không chịu nổi con muỗi hả? Đi vào chào Chúa, cầu nguyện một xíu rồi về.
Hả? Vào chào Chúa đã lạ rồi, tự dưng hôm nay bố còn bảo tôi vào cầu nguyện nữa. Lạ lẫm quá trời, nhưng rồi tôi chợt hiểu ra là bố muốn được nhìn thấy mẹ ở tầm gần hơn để xem mẹ làm gì ở trong đó. Đúng là ghen tuông làm cho trí của bố tôi ra mê muội. Ở nhà thờ, một Cung Thánh uy nghi, thánh thiêng thì mẹ có thể làm được gì ngoài cầu nguyện chứ.
Tôi và bố vào nhà thờ, lướt qua một loạt, chẳng thấy mẹ đâu cả. Đi qua nhà nguyện nhỏ của Giáo Xứ, cũng chẳng thấy mẹ đâu. Nhìn mặt bố lúc này đanh lạnh quá sức, sự nghi ngờ càng lên đỉnh điểm hơn, càng chắc chắn hơn nữa. Tôi cũng thấy lo lo. Vậy là mẹ đi đâu rồi chứ?…
- Mà cái ông Khánh nhà bà ấy, tôi cũng chịu hết nổi, người gì đâu mà…tôi thấy bà chịu đựng ổng quá rồi đấy nhé!
Vô tình lướt qua phòng họp của giáo xứ, bố con tôi bị chặn đứng lại bởi câu nói này. Đó chẳng phải là giọng bà Đào – tổ trưởng Hội Thánh Tâm sao? Mà chẳng sao tên của bố tôi vừa được “nêu danh” ra đó sao?
Cả tôi và bố ngó xem. Ôi! Là mẹ, mẹ làm gì ở đây với họ chứ? – Đang loay hoay với những mớ thắc mắc, thì bố tôi ghé sát tai.
- Lần này thì rõ rồi chứ Hoàng? Nghe nói mày hiểu mẹ mày lắm mà, thể loại đàn bà ra ngoài ban đêm một mình, không cặp kè với thằng nào thì cũng là đi nói xấu chồng con, đó là niềm hành diện của mày hả? Hôm nay sẽ là một ngày nhớ đời cho mẹ mày. – từng câu từng chữ như được bố nhai nghiến nó vậy. Qủa thật lúc này tôi cũng khó xử, không biết nên nói thế nào với bố nữa.
- Bố! Bố định làm gì vậy chứ? Thấy bố hùng hằng định bước vào, tôi liền cản.
- Mày tránh ra, mày nghĩ tao để yên chuyện hôm nay như lần trước hả?
- Bố! con cũng chẳng tin mẹ nữa đâu, giờ con tin bố rồi. Nhưng nếu bây giờ bố vào đó, họ sẽ nói bố đi theo dõi mẹ, như thế lại mang tai tiếng. Vả lại mình chưa nghe hết câu chuyện thì làm sao chứng minh được điều mình sắp vạch tội mẹ?
Tôi cố tình nói ra những lời giả dối đó để đánh lừa bố, bởi tôi biết tình khí bố, nếu tôi không nói thế thì bố sẽ xông thẳng vào chẳng cần suy nghĩ. Mặt khác, tôi tin mẹ, tôi tin mọi việc đang diễn ra là có ý khác.
- Hoa nè! Em không định nói cho Khánh biết chuyện này thật hả? – Giọng ông Tâm vang lên
- Không anh ạ, em không thể nói được.
- Anh không biết em đang suy nghĩ điều gì, có thể vì lí do riêng nào đó, nhưng đây là chuyện quan trọng, nó ảnh hưởng tới sức khỏe của em. Em làm vậy, nếu sau này em có vấn đề gì, Khánh nó biết chuyện thì sao?
- Em thật sự không thể nói được, nếu em nói cho anh ấy biết là quả thận còn lại của anh sắp… và nếu anh ấy biết em đang cố gắng nhận những công việc nặng để làm, kiếm tiền để thay thận cho anh ấy thì em thừa biết anh ấy sẽ không bao giờ đồng ý. Còn thằng Hoàng nữa, nó biết chuyện thì nó sẽ không để yên đâu. Các anh chị giúp em, cứ xem như không biết chuyện gì cả, được chứ?
- Nhưng mà Hoa à…
- Đồng ý là khi ghánh những việc nặng nhọc đó, sức khỏe của em yếu đi – Mẹ tôi ngắt lời – Nhưng khi nhìn thấy anh ấy quằn quại trong nỗi đau khổ, em không đành lòng. Chính vì thế, em mới nhờ đến một số anh chị trong Hội, cùng họp nhau trước mặt Chúa, cầu nguyện cho gia đình của em. Em tin, Thiên Chúa nhân từ, sẽ luôn đoái thương nhìn đến những người con bé nhỏ đang ngày đêm khẩn cầu….
Ôi! Lạy Chúa! Nghe từng câu từng chữ mà trời như thể đang sập xuống hai bố con ngay lúc ấy. Tim tôi có vật gì đó ấn sâu vào, làm nó muốn dừng nhịp đập lại. Còn bố tôi, người thẩn thờ, đứng hình như trời trồng,
- Bố thỏa mãn với những gì bố làm chưa? Phải! Một ngày nhớ đời cho mẹ, bố thỏa mãn rồi chứ? Đây không chỉ là ngày nhớ đời cho mẹ, mà chính cho con đây này, và cả cho chính bố nữa. Tại sao lúc nào bố cũng chỉ biết sống cho mình, cái sự ghen tuông dở hơi quỷ quái đó, con xin bố dẹp bỏ nó đi được không? Cũng vì sự dở hơi của bố mà mẹ như thế này đó. Tại sao bố lại như vậy chứ?…
Mặc cho tôi nói và có nói thậm tệ đến mức nào đi chăng nữa, thì bố vẫn im lặng và khụy đầu gối xuống đất. lần đầu tiên tôi lớn tiếng với bố, lần đầu tiên bố im lặng lắng nghe, và cũng là lần đầu tiên tôi thấy bố khóc. Phải chăng bố khóc vì tội lỗi, vì cái tính dở hơi mà tôi vừa tố cáo, vì căn bệnh của bố, hay vì tình yêu dành cho mẹ trong bố được đánh thức sau những chuỗi ngày bị để quên?…
Nhưng cho dù là lí do gì đi chăng nữa, thì sau những giọt nước mắt ấy, tôi cảm thấy hạnh phúc, nước mắt của niềm vui vỡ òa. Tôi quỳ xuống ôm bố. Ngoài trời, gió thổi nhè nhẹ lướt qua như đang thì thầm trò chuyện, hòa thành một bản nhạc du dương. Nhìn lên bầu trời, tôi thấy những ánh sao thật sáng ngời, như đang chiếu sáng trên gia đình tôi, mở ra cho gia đình tôi một chân trời mới. Và bỗng nhiên, tôi muốn được cất lên cao bài ca cảm tạ Thiên Chúa, vì: Tất cả là hồng ân.
Thiên Nhân – 07/ 03/2021
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết