NGHĨ VỀ TẾT
Mới ngày nào đó ngồi bên khung cửa sổ tầng 3 nhìn xuống với nhiều bỡ ngỡ trong căn nhà đầy mới lạ. Cái nóng của hè tháng 7 đầy oi bức đủ để cho tôi cảm thấy bản thân cần phải có nhiều sự thay đổi, để hòa nhập vào một cộng đoàn lớn hơn trước với những con người “xa lạ”. Một cái rùng mình thật mạnh trong cái giá lạnh cuối mùa nói với tôi, thời gian trôi thật nhanh. Những lo lắng và cố gắng của chính mình được sưởi ấm bởi bàn tay yêu thương của Chúa qua từng chị em nơi gia đình mới lạ này. Thế là cảnh vật đất trời cũng đang dần thay đổi một cách dịu dàng, thùy mị như cách mà “ Mùa Xuân” đến đem theo những tia nắng ấm áp.
Trời chưng hửng sáng sau giờ kinh nguyện. Ánh nắng hồng ửng lên nhộn nhịp báo hiệu cho thời gian Xuân đã gần kề. Vậy là cái giá lạnh của những ngày đông phần nào đã dần tan, để nhường chỗ cho nhựa sống tràn trề. Chậu hoa cúc ươm màu nắng mới cùng với những chậu hồng đậm mùi sắc thơm hương từ ân nhân thân thuộc, đã được đem tới cộng đoàn hôm nay. Mấy chú chim mà chị em tôi vất vả chăm sóc cũng bon chen góp vào bức tranh “tết sớm” này những âm thanh du dương mà điệu đà.
Thế là TẾT đến gần quá rồi ấy nhỉ?
Cơn gió thoáng nhẹ qua khung cửa sổ quen thuộc ngày nào lướt trên đầu, khi tôi đang đặt mình suy tư cùng với góc nhìn thân quen. Tôi nhìn thấy chị em mình đang tay bưng, tay xếp những cành mai, cành đào, đèn lồng nhộn nhịp dưới sân nhà. Nó khiến tôi muốn nắm giữ lại khoảnh khắc mong chờ này. Tôi thích cảm giác đếm lùi từng ngày một và lên cho mình những kế hoạch: Năm nay làm gì cho Tết? Chỉ vậy thôi mà lòng tôi đã rạo lên, rồi quên đi những phiền muộn mấy ngày qua. Tôi thả mình suy tư trong một khoảng trời vô định nào đó. Cảm giác đoàn tụ thật mỏng manh, mà lẽ ra nó là điều để làm đủ đầy con tim mỗi người. Nhưng rồi gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác không thể nắm giữ nổi, bởi ai cũng có một cuộc đời, một sứ mạng riêng tại một mảnh đất không phải là quê hương mà hoàn toàn xa lạ.
Rồi lại như những Tết trước, tôi nghe người ta nói: “Lớn rồi thấy Tết không còn vui như những ngày bé”. Thật ra không phải vì Tết nhạt đi, mà vì chúng ta không còn là những đứa trẻ vô tư với những niềm vui nhỏ bé. Mà Tết vẫn vậy, chỉ là mình không còn níu áo mẹ đòi sắm đồ mới, không dành nhau với mấy cậu em trai cái kẹo miếng bánh, không còn dành dụm cho thật nhiều tiền lì xì để sau Tết tha hồ mà ăn vặt. Nhưng giờ đây, tôi là một người chọn sống cho lí tưởng vì Đức Kitô. Tết vẫn vậy, chỉ là các anh chị em tôi không thể đoàn tụ với nhau. Bố mẹ nay đã có tuổi, vẫn vất vả công việc với một mâm cơm vắng bóng người, con cái cũng vì miếng cơm manh áo, vì chạy theo xu thế thời thượng nên đành phải đi kiếm sống xa nhà cùng bè bạn bè. Giây phút ngồi ăn bữa cơm nghèo mà ngon như ngày xưa, cùng nhau nhâm nhi ly rượu bên bếp lửa hồng với những miếng thịt bò, thịt heo hun khói dường như xa lạ. Đến đây, tôi nhớ lắm cảm giác hai bố con ngồi tâm sự về những câu chuyện của đời tu, mà say sưa cho đến khi gói xong cái bánh chưng cuối cùng mà đẫm cái vị Tết. Thật vậy, cái mùi “Tết” ấy bao nhiêu năm vẫn không thay đổi, vẫn mặn nồng, vẫn ấm áp và đong đầy yêu thương. Nào đâu phải Tết nhạt đi, chỉ có tình người đổi thay, chỉ có mình cứ lớn lên rồi rời xa, để bữa cơm sum vầy không còn tròn vẹn, để không khí nguội đi tiếng cười, để mùi vị Tết lùi dần vào dĩ vãng.
Ấy rồi tôi giật mình khi có tiếng vọng lên từ dưới sân: “Thưa Dì, Tết năm nay chúng con có được về thăm gia đình không ạ?” Có thể chị em chúng tôi dành ra ít ngày ngắn ngủi để cảm nếm mùi vị Tết quê hương, nhưng rồi chúng tôi sẽ dành cả mùa xuân của cuộc đời mình để tiếp tục cho ước mơ và khát vọng vì lí tưởng Giêsu.
Bạc Hà.
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ