Nên Thánh trong đời tu

1093 lượt xem 15 Tháng Bảy, 2021

Nên Thánh trong đời tu

Ơn gọi nên thánh là ơn gọi của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội, vì Chúa Giêsu, Đấng là Đầu Hội Thánh đã kêu mời: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái Chúa, được thông dự vào thiên tính của Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh. Ơn gọi nên Thánh của chúng ta được củng cố và kiện toàn nhờ ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức và đạt tới mức hiệp thông trọn vẹn nơi Bí tích Thánh Thể. Thế nhưng ngày nay chúng ta có nguy cơ không nhận ra cùng đích của cuộc đời mình; chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ sự thánh thiện chỉ dành cho những người phi thường, những ai có thể xa lánh các công việc bình thường để dành nhiều thời gian cho cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Tất cả chúng ta được mời gọi nên Thánh bằng cách sống cuộc đời mình với tình yêu và nên chứng tá trong mọi việc mình làm, bất kể trong hoàn cảnh nào”[1]. Đã đến lúc mỗi người chúng ta phải nhìn lại chính mình, toàn bộ cuộc sống của mọi Kitô hữu đã dẫn đến mục đích nên Thánh chưa?

Riêng đối với những người sống đời thánh hiến, ơn gọi nên Thánh phải được thực hiện một cách đầy đủ và triệt để hơn vì đây là bậc sống đặc biệt cao quý mà qua đó, Giáo Hội được triển nở và trổ sinh hoa trái là sự thánh thiện. Người sống đời sống thánh hiến cần khám phá lại những phương thế để giúp họ đạt tới sự hoàn thiện, cùng với tông huấn Gaudete Et Exsultate – Hãy vui mừng hoan hỉ mà Đức Thánh cha Phanxicô bàn về ơn gọi nên Thánh trong thế giới hôm nay, người viết xin đề xuất đề tài: “Nên Thánh trong đời tu” như một bước nhìn lại ơn gọi và hành trình nên Thánh của bậc sống Thánh hiến.

I. Bản chất của việc Nên Thánh

  1. Nên Thánh là một mệnh lệnh

Nên thánh không phải là việc tùy hứng nhưng là một mệnh lệnh, nghĩa vụ, là điều bắt buộc: “Hãy nên Thánh vì Ta, Giave là Đấng Thánh” (Lv 19, 2). Thánh Phaolô nói: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm” (Tx 4, 3). Tác giả thư Do thái lại nhắc nhở: “Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa” (Dt 12, 14).
“Thánh thiện là sự viên mãn của đời sống Công giáo, sự hoàn bị của đời sống siêu nhiên. Nên Thánh là nên giống Chúa, vì Chúa là Thánh”[2]. Nên Thánh không phải chỉ là tình trạng thiên đàng sau khi chúng ta đã chết, mà là một quá trình biến đổi để hoàn thiện chính mình, để rồi ngay khi còn đang sống ở đời này, chúng ta đã được nếm hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, qua việc được chiêm ngưỡng Chúa bằng đức tin và tình mến. Nên thánh cũng không phải là ảo tưởng hay giấc mơ về một thế giới xa vời, như để quên đi những đau khổ hiện tại. Nên Thánh luôn là một mệnh lệnh, một lời mời gọi tha thiết mọi Kitô hữu dù ở bậc sống nào là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân.

  1. Bản chất của sự Thánh thiện

Theo Thánh Toma: bản chất của sự Thánh thiện là Đức ái: kính mến Chúa và thương yêu tha nhân, “Đức mến cao trọng hơn mọi nhân đức”[3]. Theo thánh Phaolô “Đức ái là chu toàn mọi lề luật” (Rm 13, 10), mà lề luật là thánh ý Chúa, thánh ý Chúa là sự thánh thiện, vậy đức ái là bản chất của sự thánh thiện. Trong thực tế, ta thấy khi càng kết hợp với Chúa bao nhiêu ta càng thánh thiện bấy nhiêu. Các nhân đức khác là phương thế giúp ta tăng trưởng đức ái, “đức ái làm cho ta nên một trái tim, một ý muốn, một linh hồn với Chúa, biến hóa và tan hòa chúng ta trong Chúa”[4]. “Thánh thiện không là gì khác hơn là sống trọn vẹn đức ái”[5]. Như vậy, tùy theo ơn gọi của mỗi bậc sống mọi tín hữu đều phải đạt ơn cứu độ và đạt tới đích thánh thiện, tức là thực hành đức ái trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân: Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình ( x. Lc 10, 25-27).

II. Lòng khao khát Nên Thánh

  1. Khao khát Nên Thánh

Nên thánh là một hành trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng khao khát không chỉ khi còn trẻ hay khi đã là linh mục, tu sĩ, nhưng luôn luôn khao khát đến khi từ giã cõi đời. Khao khát nên thánh là đói khát Chúa, cảm nhận sâu xa chỉ có Chúa mới là niềm hạnh phúc đích thực làm no thỏa tâm hồn. Đó là khao khát ngày càng được thuộc về Chúa hơn, được kết hợp trọn vẹn với Chúa, được sống trong Chúa và có Chúa sống trong mình. Đó cũng là mong mỏi được thấm nhuần tư tưởng và hành động của Chúa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng đặt tựa đề cho một trong những cuốn sách nổi tiếng của Người là: “Thành công của đời người là nên Thánh”. Quả vậy, nên Thánh là ước mong lớn nhất mà mỗi một người Kitô hữu luôn cố gắng để đạt tới cho dầu có rất nhiều khó khăn và thử thánh đang chờ đón. Lòng khao khát nên thánh giúp ta đủ khả năng khơi dậy niềm hứng khởi thiêng liêng, thông truyền lòng khao khát nên thánh cho người khác và hướng dẫn họ nên thánh. Những người nam người nữ sống trong ơn gọi thánh hiến có nhiều điều kiện thuận lợi để đạt được cùng đích nên Thánh hơn các anh chị em khác.

  1. Nên thánh đối với người tu sĩ

Người đời nay cần gì nơi người tu sĩ? Không gì khác hơn là sự thánh thiện. Có thể nói trang sức của người tu sĩ là sự bình an và thánh thiện. Trong quan niệm thông thường, nên thánh gắn liền với đời sống tu sĩ, như một ơn gọi chuyên biệt của bậc sống này. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng: “Chúng tôi khích lệ các tu sĩ là những chứng nhân của một Giáo Hội được kêu gọi nên thánh và vì vậy chính họ được mời gọi vào một đời sống làm chứng cho các mối phúc thật theo Tin Mừng”[6]. Các tu sĩ là những linh hồn được ưu tuyển giữa muôn người để dành riêng cho Thiên Chúa, là những người theo sát Chúa Kitô với việc tuân giữ các lời khuyên phúc âm và hiến lệ luật dòng như phương thế giúp họ đạt tới sự thánh thiện. Trong tông huấn Vita Consecrata, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy: “Qua việc khấn giữ các lời khuyên của Tin Mừng, người được thánh hiến không chỉ hài lòng nhận lấy Chúa Kitô làm ý nghĩa cho đời mình, mà còn tìm cách tái lập trong chính mình, chừng nào có thể, nếp sống của Con Thiên Chúa đã nhận khi Nguời xuống thế”[7]. Mỗi hội dòng đều có hiến pháp, tinh thần, cách tổ chức và sắc thái riêng. Điều đó nói lên đoàn sủng và linh đạo riêng của mỗi vị sáng lập giúp các phần tử đạt tới sự thánh thiện theo ơn gọi riêng của mình đã được chọn gọi.

III. Khó khăn thách đố cản trở việc Nên Thánh

  1. Kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân

Khát vọng nên thánh mời gọi mỗi người cần nhận biết mình yếu đuối và còn nhiều thiếu sót. Điều này giúp chúng ta lớn lên trong khiêm tốn và tin tưởng vào tác động đầy lòng thương xót của Chúa vì “sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (1Cr 12, 9). Nhận biết mình còn nhiều thiếu sót cũng đồng thời giúp chúng ta biết sống cảm thông với người khác. Một số linh mục, tu sĩ ngày nay có nguy cơ coi mình như công chức của Giáo hội, không có trái tim của người mục tử, thiếu sự cảm thông và thương xót giống như trái tim của Thầy Giê-su. Bên cạnh đó là tình trạng mệt mỏi do tận tụy với sứ mạng, sự suy giảm thể lý, bệnh tật do tuổi tác, cộng thêm những xung đột, những thất vọng liên quan đến những gì mình mong đợi trong sứ mạng mà không gặp được…tất cả có thể làm suy yếu nhiệt tâm tông đồ và lòng quảng đại trong khi dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội. Người tu sĩ có nguy cơ đánh mất lý tưởng ban đầu và dễ trở nên khó tính, khó ở, khó gần với anh chị em trong cộng đoàn, với những người trẻ trong bối cảnh hôm nay.

  1. Thách đố của nền văn hóa thời đại

Ngày nay vấn đề nên thánh càng trở nên khó khăn hơn giữa một thế giới trắng đen, thật giả lẫn lộn, gương mù gương xấu tràn lan và chước độc mưu thâm của thế gian ma quỷ thì tinh xảo. Cuộc sống hiện tại ồn ào làm con người mất khả năng nghe tiếng Chúa mời gọi nên thánh. Ồn ào vì tiếng động, vì các mối bận tâm, vì sức lôi cuốn của kết nối thông tin. Nhiều thứ đam mê thèm khát lấn át niềm khao khát nên thánh như tiền bạc, dục vọng, thú vui, kiêu căng, tự ái. Bên cạnh đó là sức hấp dẫn của quyền lực và sự giàu có, điều này có thể mang những hình thức sau: gắn bó với một địa vị, khát vọng công danh, nhen nhúm khao khát quyền lực hay ước muốn giàu có với hậu quả là đánh mất tâm thế sẵn sàng trước thánh ý Thiên Chúa và ý bề trên.

  1. Thử thách trong cam kết độc thân vì Nước Trời

Lời khấn khiết tịnh như phương thế giúp người tu sĩ vượt thắng những bản năng thú tính nơi bản thân và thoát khỏi những bận tâm của đời sống hôn nhân, nhưng đây cũng là một thách đố cho người tu sĩ giữa những cám dỗ của một xã hội tục hóa, hưởng thụ và những căng thẳng; những mối bất hòa trong đời sống cộng đoàn và những thất bại trong sứ mạng tông đồ có nguy cơ làm cho họ bị suy thoái về mặt tình cảm. Những căng thẳng trong đời sống và sứ mạng dễ khiến cho tu sĩ tìm kiếm một lối sống bù trừ. Nếu điều này kéo dài và nếu người tu sĩ không tỉnh thức, họ sẽ ngày càng lún sâu trong những an ủi trần thế và dần dần làm cho người tu sĩ xa lánh với mục tiêu nên thánh.

VI. Các phương thế để nên Thánh trong đời sống thánh hiến

Trong tông huấn Gaudete Et Exsultate Đức Giáo Hoàng  Phanxicô dành chương 3 và chương 4 để nói về con đường giúp ta nên thánh “Trong ánh sáng của Thầy Giêsu” và “Các dấu chỉ của sự thánh thiện trong  thế giới hôm nay”. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến trọng tâm để trở nên thánh thiện là sống theo “tinh thần của tám mối phúc” và sử dụng các phương thế như “các phương pháp cầu nguyện, các bí tích vô giá là Bí Tích Thánh Thể và Hòa Giải, việc dâng những hy sinh cá nhân, các hình thức sùng mộ khác nhau, linh hướng, cũng như nhiều những phương thế khác” (x. GE, 110). Bên cạnh đó là các dấu chỉ hay các cách diễn tả tuyệt vời về tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân áp dụng trong bối cảnh hiện nay: kiên trì, nhẫn nại và hiền hòa; niềm vui và óc khôi hài; dũng cảm và say mê; trong cộng đoàn; trong kiên trì cầu nguyện. Cụ thể đối với người sống đời sống thánh hiến ta có thể nên thánh bằng cách nào ngay trong tu viện?

  1. Thánh hóa bản thân

Đối với những người chọn đời sống thánh hiến, việc thánh hóa bản thân sẽ là đòi hỏi cần thiết giúp họ biến đổi và trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô. “Thánh hóa bản thân tức là sửa mình, khử trừ các tính mê nết xấu, cải thiện đời sống, canh tân tâm hồn. Đó mới là phần tiêu cực, còn phải tiến tới phần tích cực là luyện tập các nhân đức”[8].  Để nên thánh cần bài trừ các tính mê nết xấu nhất là nết xấu chủ đạo, đây là tiến trình tự nhiên vì có chết đi mới sống lại, có diệt trừ cái xấu thì cái tốt mới xuất hiện. Để làm điều này mời gọi chúng ta bám vững vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương và nâng đỡ chúng ta, Tông huấn khẳng định: “Nguồn sức mạnh nội tâm này giúp chúng ta kiên trì giữa những thăng trầm của cuộc sống nhưng cũng giúp chúng ta chịu đựng sự thù nghịch, phản bội và những khuyết điểm của người khác” (x. GE, 112). Việc cải thiện đời sống và canh tân tâm hồn mời gọi người tu sĩ nên thánh trong việc thánh hóa giây phút hiện tại làm việc bổn phận trong ý thức và trách nhiệm để tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho tha nhân. Tông huấn có nhắc đến niềm vui, sự dũng cảm và say mê như phương thế của tâm hồn thánh thiện: Sự thánh thiện không đồng nghĩa với buồn rầu, hay một bộ mặt ủ rũ. Người khó tính không phải là dấu hiệu của sự thánh thiện. Trái lại, thánh nhân là người biết sống vui tươi, và tính khôi hài, nhờ vậy mà họ khích lệ tha nhân với niềm hy vọng (x. GE, 122). Sự thánh thiện vượt thắng những sợ hãi và tính toán, những mưu toan tìm kiếm chỗ an toàn (x. GE, 134). Thánh nhân là kẻ sẵn sàng đón chờ những bất ngờ từ Thiên Chúa, là Đấng thúc đẩy ta ra đi xa hơn chỗ quen thuộc, ra đến những vùng ngoại ô và biên cương (x.GE, 135).

  1. Thánh hóa ngoại tại

Những tác nhân bên ngoài có thể ảnh hưởng đến niềm khao khát nên thánh: việc linh hướng, các lời huấn dụ; chương trình sống, linh đạo, luật lệ mỗi hội dòng, đời sống cộng đoàn,…Trước hết cần thiết phải có cha linh hướng cho mỗi hội dòng, mỗi chủng viện để hướng dẫn các tu sĩ, chủng sinh, vì họ là những tâm hồn được tuyển chọn và đòi buộc vị này phải có đời sống thánh thiện, có những tri thức cần thiết về tâm lý để hiểu biết từng cá nhân mà vị đó hướng dẫn. Với chương trình sống hằng ngày qua việc lao động, học hành, nguyện kinh, luật lệ dòng có thể là cơ hội giúp người tu sĩ trung thành tuân giữ với quyết tâm sống viên mãn lý tưởng đời tu, sống vì Chúa vì Giáo Hội không phải vì mình. Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cũng cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu: “Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con”[9]. Đời sống cộng đoàn sẽ là nơi tạo niềm vui và nâng đỡ người sống thánh hiến trước những khó khăn thách đố giữa thời đại, cộng đoàn trở thành nơi gặp gỡ huynh đệ, chia sẻ lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm mục vụ, kinh nghiệm nên thánh.

Kết luận: Nên thánh, sự thánh thiện đối với người tu sĩ sẽ và vẫn luôn là một đòi hỏi khẩn thiết để chính gương sống thánh thiện của họ sẽ là lời loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất. Mỗi người cần có một đường lối, phương pháp nên thánh và có thể học hỏi nơi các gương chứng nhân thánh thiện như phương thế hữu hiệu giúp truyền cảm hứng, nhưng cần tránh bắt chước, sao chép y nguyên, vì nó có thể kéo ta lạc xa con đường riêng mà Chúa muốn chúng ta đi theo. Điều quan trọng là mỗi tu sĩ phải phân định lối đi riêng của mình, mỗi người phải cố gắng hết sức mình, phải thể hiện hết những ân huệ cá nhân mà Chúa đã ban cho mình. Ước mong rằng sự thánh thiện sẽ là món quà của niềm vui, sự bình an mà mỗi người tu sĩ mang đến cho thế giới như lời Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi: “Ở đâu có các tu sĩ, thì ở đó có niềm vui”.

Vũ Thị Châu

[1] Phanxico. Tông huấn Gaudete Et Exsultate, (19/3/2018), 14.

[2] Linh mục Minh Vân, CMC, Tu đức học, Lưu hành nội bộ, 2004, 108.

[3] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (Hội Đồng Giám Mục Việt Nam- Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, 1826.

[4] Linh mục Minh Vân, CMC, Tu đức học, Lưu hành nội bộ, 2004, 111.

[5] Phanxico. Tông huấn Gaudete Et Exsultate, (19/3/2018), 21.

[6] Phaolo VI. Tông huấn Evangelii Nuntiandi, (08/12/1975), 76.

[7] Gioan Phaolo II. Tông huấn Vita Consecrata, (25/3/1996), 16.

[8] Linh mục Minh Vân, CMC, Tu đức học, Lưu hành nội bộ, 2004, 11.

[9]Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận, Đường hy vọng, số 814.