Nên Như Đa Minh

231 lượt xem 9 Tháng Tám, 2019

Bài Phỏng vấn cha Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết – Gerard Timoner III
 
Thưa cha, Cha sẽ chọn lĩnh vực nào để phục vụ Dòng trong 9 năm tới?
Cha Bruno nói với tôi rằng làm Tổng Quyền Dòng nghĩa là hãy là chính mình, vẫn là  “anh Gerard” nhưng có bổn phận làm “Nên như Đa Minh” cho Dòng trong 9 năm tới. “Nên như  Đa Minh” nghĩa là lãnh đạo anh em trong việc phục vụ sứ mạng của Dòng, là góp phần xây dựng sự hiệp thông của Hội Thánh, Thân Thể Đức Kitô, như hai thánh Phanxicô và thánh Đa Minh đã làm khi Giáo hội trong cơn cấp bách cần một cuộc “canh tân” về việc loan báo Tin mừng vào thế kỷ 13.
 
Chúng ta giúp xây dựng Giáo hội, Thân Thể Đức Kitô bằng cách nào?
Trước hết, hãy luôn nhớ rằng chúng ta chỉ là những “trợ lý””hoặc “người giúp việc”. “Thợ cả” chính là Chúa Ba Ngôi, là khuôn mẫu và nguồn mạch của sự hiệp thông. Chúng ta biết rằng thần học đơn thuần nhất và sâu thẳm nhất về hiệp thông là chính lời cầu nguyện của Đức Kitô cho sự hiệp nhất, lột tả trọn vẹn ý nguyện và sứ vụ của Người: Con cầu xin… cho họ nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha… để thế gian tin rằng Cha đã sai Con (Ga 17). Chúng ta nhớ lại hiến pháp nền tảng ghi rằng: “Bản chất của Dòng như một cộng đoàn tu trì khởi nguồn từ chính sứ vụ và sự hiệp thông huynh đệ” (LCO VI). Sứ vụ và sự hiệp thông huynh đệ của chúng ta cấu thành nên bản chất của chúng ta, chúng ta là các tu sỹ giảng thuyết. Viễn cảnh Thánh Đa Minh dành cho Dòng được biểu lộ rõ ràng khi ngài thỉnh cầu đức Giáo hoàng Honorius III một hiệu chỉnh nho nhỏ nhưng có ý nghĩa trong bản Châu phê ngày 21 tháng Giêng năm 1217, đó là thay từ praedicantes(người đang giảng) bằng từ praedicatores(nhà giảng thuyết). Như thế, có thể nói rằng, trước hết sứ vụ của chúng ta không phải hệ tại ở việc chúng ta làm gì (việc rao giảng), nhưng qua việc chúng ta là ai (nhà giảng thuyết). Chúng ta chung tay xây dựng Giáo hội qua chính đoàn sủng được trao cho Thánh Đa Minh và Dòng. Cụ thể hơn một chút, có thể nói rằng một giáo xứ Đa Minh là một giáo xứ nơi đó sự hiệp  thông huynh đệ của anh em và sự hiệp thông của giáo xứ là một; Học viện Đa Minh là nơi sự hiệp thông của anh em dẫn dắt việc học hành, hướng dẫn và nghiên cứu; một trung tâm tìm kiếm phương cách để thúc đẩy học thuyết xã hội của Giáo hội, chính là nơi tìm cách thúc đẩy an bình của Đức Kitô qua những liên hệ chính đáng là một cộng đoàn của những anh em tìm kiếm phương cách giúp người ta sống theo đúng với phẩm vị làm con cái Thiên Chúa. Thực tế là, đôi khi chính sự phong phú và khác biệt giữa anh em làm suy giảm sự hiệp thông. Nhưng cũng chính điểm này lại giúp ta thi hành phận vụ ngôn sứ cho thế giới và Giáo hội: hoàn toàn có thể khác biệt nhưng vẫn là anh em, rằng có thể không đồng thuận nhưng vẫn hiệp nhất. 
Tôi hy vọng và cầu xin cho những năm sắp tới, việc tái cơ cấu Dòng mà chúng ta đã khởi động từ vài năm qua sẽ tiến triển tốt đẹp và biểu hiện sâu sắc hơn ý nghĩa của hiệp thông. Cha Bruno nhắc rằng chúng ta đang có 800 anh em trong giai đoạn đào tạo – làm thế nào chúng ta có thể trao cho những anh em này cùng một chất lượng đào tạo, vì đây không chỉ là những con cái của tỉnh Dòng nhưng còn là anh em của chúng ta. Tôi từng nghe một câu nói thú vị của một anh em Phi Châu rằng: cần cả một bộ lạc mới nuôi lớn được một đứa trẻ. Có lẽ cũng cần phải hỏi Tổng hội này và toàn Dòng xem “bộ lạc”đó lớn thế nào? Hiến pháp nhắc rằng: Dòng là hiệp thông của các tỉnh Dòng chứ không phải là một hiệp hội. Phải nhớ rằng sự hiệp thông này có hai chiều kích không thể tách rời: hiệp thông hữu hiệu và cụ thể. 
Làm thế nào chúng ta có thể đào sâu ý nghĩa hiệp nhất này để tất cả có thể ý thức rằng công việc của Dòng, ví dụ ở Amazonia, cũng là của chính chúng ta; rằng sự thành công của học viện trực thuộc Tổng quyền như Angelicum, như École Bilique cũng chính là thành công của chính chúng ta? 
Cha Timothy chia sẻ với anh em trong bài giảng đầy hứng khởi rằng, “vai trò của vị Tổng quyền là hỗ trợ các Tỉnh dòng và những anh em được Thánh Thần mời gọi thi hành sứ vụ với lòng can đảm”. Đó là một lời khuyên quan trọng tôi cần ghi nhớ trong suốt 9 năm tới.
 
Xin cho biết Cha đã phải khó khăn thế nào để có thể dám nói lời “ưng thuận” quyết định của Tổng hội bầu cử diễn ra ở Biên Hoà 2019?
 
Tôi đã nói với các Nghị huynh rằng tôi nghĩ là Tổng quyền phải là người có khả năng “lắng nghe” các anh em khác. Các tu sỹ thì khấn hứa vâng lời các vị kế vị Cha thánh Đa Minh. Nhưng vị Tổng quyền không chỉ nhận lời khấn của anh em, mà còn có bổn phận hướng dẫn anh em thi hành đức vâng phục, vâng nghe Lời Chúa, vâng nghe nhu cầu của Giáo hội, vâng lời và lắng nghe quyết định của tổng hội,… Vì thế, tổng quyền phải lắng nghe anh em, dù như một cá nhân hay cộng đoàn; nhưng tôi có hạn chế rất lớn về khả năng ngôn ngữ, chỉ nói được một trong ba ngôn ngữ chính thức của Dòng. Tôi không tài giỏi như các vị tiền nhiệm và tôi cũng biết rằng có nhiều anh em có khả năng và thông thạo cả ba ngôn ngữ, hoặc ít là hai trong số ba ngôn ngữ chính, đang hiện diện trong Tổng hội này. Tôi cũng không có khả năng giải quyết các vấn đề của Dòng. Tôi cũng không phải là người sáng giá nhất hay can đảm nhất trong Tổng hội. Thế nên tôi hoàn toàn hiểu nếu có ai đó cho rằng tôi thiệt khờ khi chấp nhận kết quả bầu cử này. Vâng, đúng là không phải khờ khạo mà liều mình nhận lời, nhưng chính nhờ sự động viên của anh em ở Santa Sabina, nhất là cha Vivian, người đã trấn an khi tôi băn khoăn rằng: “Chúng ta đã thành khẩn xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và các nghị huynh đã bầu chọn với lòng chân thành… trừ khi cháy nhà… còn không thì phải xuống phòng hội gặp các nghị huynh và chấp nhận…” (có thể không chính xác từng từ, nhưng đó là những lời tôi nhớ). Cha Orlando vòng tay ôm tôi và an ủi: “anh không cô đơn đâu, chúng tôi ở đây với anh”. Sau đó, những anh em này cùng tôi lên nhà nguyện cầu nguyện, tôi biết tôi phải đón nhận quyết định của các nghị huynh.
 
Những ngày này cha có gì vui không? Cha Timothy Radcliffe đã cầu xin Chúa Thánh Thần cho Dòng có một “vị Tổng quyền vui tươi”?
Cha Timothy đã kết thúc bài giảng ngày lễ kính Chúa Thánh Thần trước cuộc bầu cử Tổng quyền với những lời sau: “Tin mừng thuật lại rằng các Tông đồ vui mừng khi gặp lại Chúa. Tất cả lời giảng của chúng ta phải khởi đi từ chính niềm vui đó. Không có niềm vui, chúng ta thật đang phí thời gian. Xin Chúa ban cho chúng ta một vị tổng quyền vui tươi.” Tôi cho rằng cha Timothy nói đến ân huệ mà tất cả anh em Đa Minh đều phải có: khả năng rao giảng niềm vui của Tin Mừng, evangelii gaudium. Nhờ ơn Chúa, tôi đã cảm nghiệm được niềm vui thấy Chúa, qua cái ôm hôn huynh đệ, nâng đỡ và yêu thương của anh chị em trên toàn thế giới, và cả gia đình tôi nữa. Đối với tôi, chính họ là sự biểu hiện cách cụ thể của đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
https://www.op.org/to-be-dominic-interview-to-the-new-master-of-the-order-gerard-timoner-o-p/?fbclid=IwAR1SAwRFjiR0hbGNCUAXPyDYfDKYrJzFM5KLn_AVhKLiqHcbnXjRUV55Lm0